Chuyện lớp tôi ngày ấy….Thầy Trần Duy Duyệt và Thầy Nguyễn Đình Thái

Khuôn mặt khắc khổ, dáng người hao gầy, rất đúng với hình ảnh của một ông giáo trường làng, là Thầy Trần Duy Duyệt dạy lớp Tư. Giọng nói rắn rỏi và rất có uy lực trong những lời oát nạt, khiến cho học sinh chúng tôi buổi đầu phải khiếp re. Nếu những lớp dưới, học trò chúng tôi chỉ được ăn đòn bằng vài ba thước kẻ, thì lên lớp Tư chúng tôi bắt đầu được nếm mùi roi vọt. Hình như cái câu: “Thương cho roi cho vót”, “Người roi voi búa” đang được phát huy ở những thế hệ các thầy cô giáo lão thành trường làng. Nhưng phải nói, ở lớp Tư, chúng tôi đã bắt đầu phát huy cái bản năng quậy phá sẵn có: “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Và việc phải ăn roi là tất yếu, để lập lại trật tự trong lớp là cần thiết.

Thầy Duyệt là người dạy dỗ rất tận tâm, hình như thầy đưa hết cái tinh lực ra để giảng dạy, khiến con người thầy bao giờ cũng hao gầy. Cái dấu ấn mà thầy Duyệt để lại nơi học sinh chúng tôi không bao giờ quên, là những câu chuyện kể vào cuối giờ học. Chuyện Lý Bôn, Lý Bí, Thạch Sanh cứu Công chúa…bằng một giọng kể điệu đàng, khi khoan khi nhặt, nhấn nhá những nơi hấp dẫn, càng làm tăng sự thu hút, khiến chúng tôi phải há hốc mồm nghe kể.

Ở lớp Tư, chúng tôi đã làu thông các phép tính: Cọng, trừ, nhân, chia, và bắt đầu đi vào các bài toán đố như: Mẹ đi chợ mua gà, vịt.., hay chia cam…Những bài học thuộc lòng với những vần thơ lục bát của Chiêu Đăng, suôn vần rất dễ thuộc. Những bài đọc: Ngày mai đại hạ giá, Ăn vóc học hay, Ăn quả trả ngàn vàng…là những chuyện ngụ ngôn bổ ích và nhân bản để giáo dục con em nên người. Những truyện kể về Sơn Tinh Thuỷ tinh, Mỵ Châu Trọng Thuỷ khiến chúng tôi rất thích thú.

Thầy Duyệt là người có cái thân tình chan chứa với học trò cũ. Đi đâu, gặp đâu, học trò chào thầy là thầy xởi lởi gợi chuyện thăm hỏi gia đình… Có cảm tưởng thầy trò gần gũi với nhau như đang là thời học với thầy.

Ngày kỷ niệm 50 năm Hôn phối của thầy cô, thầy mời tất cả các đại diện trưởng lớp của những năm thầy dạy. Thế mới biết cái thân tình của thầy với học trò tình cảm biết bao.

Hình ảnh của thầy luôn đọng mãi trong thế hệ học trò Tiến Đức trước 75, với một người thầy trường làng rất đáng trân quý.

Khi chúng tôi bước lên lớp Ba, thì bắt đầu thấy sự rơi rụng của lớp đàn anh ở lại, để cùng học chung với chúng tôi như: Sơn, Sinh, Liên, Thược, Hiến, Hàn…Thầy Thái là một con người khá đằm thắm. Giọng nói từ tốn, rõ ràng mạch lạc. Trong các thầy dạy, thầy Thái có phong thái cốt cách của một ông thầy giáo hơn cả. Không có duyên kể chuyện như thầy Duyệt, nhưng thầy Thái có những mẫu chuyện đời thường mang tính giáo dục.

Ở lớp Ba, chúng tôi đã được học những bài toán đố khá gai gốc, với phép so sánh, vòi nước chảy vào bể…Có những bài toán khó, đến nỗi các đàn anh lớp nhất giải không ra – hồi đó hai lớp Nhất, Ba gần nhau nên chúng tôi hay giao lưu với các anh chị ấy. Những bài học lịch sử về các trận Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương phá quân Nguyên Mông…cũng gây cho chúng tôi niềm tự hào về đất nước mình.

Thầy Thái khá nghiêm khắc, nhưng không hùng hổ oát nạt như thầy Duyệt. Tuy học sinh ít bị đập hơn, nhưng khi đã đập thì roi nào ra roi đó, đến cóc cũng phải khóc nữa là…Những giờ ra chơi, chúng tôi thường chơi đá kiện, chơi khăng, chơi gụ – một trò chơi mà bây giờ không còn nữa. Ở lớp Ba, bạn bè chúng tôi đã kết bạn từng đôi thân thương với nhau lắm rồi, như: Hiền – Luận (Tâm), Trọng Hiền – Hiến, Liên – Lài, Vĩnh – Hàn, Thuyên – Phượng. Và các biệt danh bắt đầu ra đời: Hàn nồi, Hiến tèo, hay Hiến xì dàu bồ tèo, Đức lơ má hóp, Cà ngon con Nga, Vĩnh cạc, Kính sói, Long đuôi, Thoát Hoan, Ô Mã Nhi (Liên), Đức he, Lài dúi, Mười lay…

Nhớ lại thời ấy, sao mà thấy thời học trò vô tư và hồn nhiên chi lạ!!! Bây giờ ngồi nhớ lại, thấy tiếc nối một thời học trò đã qua đi và không bao giờ trở lại nữa.

Những năm thầy  về hưu, thầy trò gặp nhau vẫn đậm đà tình cảm như thủa còn đi học. Chúng tôi trân quý những thầy cô trường làng như bậc cha mẹ chúng tôi vậy.

Thầy mất đi trong những ngày sau 75, nên hoàn cảnh và thời thế khi ấy đã không có được điếu văn tiễn biệt thầy của thế hệ Trung Tiểu học Tiến Đức. Mong thầy thứ lỗi.

Xin thắp một nén hương tưởng nhớ đến thầy và xin Chúa sớm đưa thầy về cõi vĩnh phúc trên nước trời.

Một thành viên lớp Nhất niên khóa 64-65 Trường Tiến Đức

Check Also

Phụ huynh ơi!! Lại được mùa linh hồn nữa rồi!!!

Trong Thánh vịnh 102 bày tỏ: Đời sống con người chóng qua như cỏ, như …