Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn…Ai là tác giả???

Nguyên văn câu này: Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước. Dường như ai cũng cho rằng, câu này được mặc định cho Tổng Thống John F. Kennedy, kêu gọi đồng bào Hoa Kỳ, trong diễn văn nhậm chức ngày 20.1.1961: “Ask not what your country can do for you, but ask what you can do for your country.”

Một câu Slogan đầy tích cực để động viên người công dân rất ý nghĩa. Câu nói này, làm cho người công dân ý thức để lo cho tổ quốc, cho đất nước trước hết, đó là cái mệnh chung của một đại lượng tập thể lớn, để bỏ đi cái vị kỷ của từng con người công dân. Câu này cũng giống như câu: Mình vì mọi người, hơn là mọi người vì mình.

Đây là câu nói thời danh nổi tiếng của Tổng Thống John F. Kennedy, mà dường như không ai nghi ngại để đặt câu hỏi: Ai là tác giả của câu nói trên?

Tình cờ, khi truy nguyên câu này, người viết được biết có đến hai tác giả khác đã nói trước TT Kenedy??

Trong một bài viết trên “NGƯỜI ĐƯA TIN” có tựa đề:

Chủ tịch Hồ Chí Minh & tổng thống J.Kennedy, ai nói trước ?

Chủ nhật, 03/05/2015 | 09:43

Gần như mặc định với một số người, câu nói “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc?” được cho là của tổng thống Mỹ John F. Kennedy, tại nhiệm kỳ từ năm 1961 đến năm 1963.

Chả sai. Vì đúng là ngày 20 tháng 1 năm 1961, John F. Kennedy tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, và trong bài diễn văn nhậm chức, Kennedy kêu gọi người dân Mỹ hãy trở nên những công dân tích cực, “Đừng bao giờ hỏi đất nước có thể làm gì cho chúng ta, nhưng hãy tự hỏi chúng ta có thể làm gì cho đất nước” (Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country).

Nhưng đúng hoàn toàn thì chưa. Vì trước khi Kennedy phát biểu câu nói trên 6 năm, thì Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã nói ý như thế trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19 tháng 1 năm 1955: “Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?”. Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?” (Báo Nhân dân, số 326, ngày 21-1-1955).

Khi truy nguyên tận cùng, câu nói trên là của tác giả:

Kahlil Gibran (1883-1931) là thi sĩ và họa sĩ người Mỹ gốc Liban. Trong tác phẩm New Frontier (Biên cương mới), được dịch giả Nguyễn Ước dịch. Xin được trích đoạn như sau:

“Ở Trung Ðông ngày nay, có hai loại người: một của quá khứ và một của tương lai. Bạn là con người nào trong hai loại đó? Hãy tới sát bên tôi để tôi nhìn bạn, và hãy cho tôi được bảo đảm, bằng diện mạo và hạnh kiểm của bạn, rằng bạn là người cất bước tiến về nơi ánh sáng hay là kẻ đang đi vào chốn tối tăm.

Hãy tới kề bên tôi, nói cho tôi biết bạn là ai và bạn làm gì.

Có phải là bạn là kẻ làm chính trị đang hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, hay bạn là người nhiệt tình đang hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước?

Nếu là kẻ thứ nhất, thế thì bạn là ký sinh trùng; nếu là người thứ hai, thế thì bạn đang là ốc đảo trong sa mạc”.

Cùng một câu nói, nhưng có xuất xứ từ ba nhân vật: TT John F. Kennedy – Hồ Chí Minh – Kahlil Gibran. Thực sự, rất khó để phân định câu nói trên của ai??

Một cách nào đó, dựa theo thời gian, chúng ta có thể sắp xếp: ý tưởng đầu tiên về mạch văn của câu nói trên là của tác giả: Kahlil Gibran. Mạch văn ý tưởng thứ hai là của bác Hồ. Câu nói nguyên văn thứ ba lại là của TT John F. Kennedy.

Là những thế hệ sau, chúng ta có thể quy nạp như sau: Rất có thể cha đẻ của ý tưởng trên là của Kahlil Gibran, Bác Hồ có thể đã đọc được câu văn đó để viết nên một mạch văn khác dựa trên ý tưởng của Kahlil Gibran. Sau cùng, cũng ý tưởng đó, TT John F. Kennedy đã lập văn, đúc kết thành câu nói thời danh nổi tiếng:

“Đừng bao giờ hỏi đất nước có thể làm gì cho chúng ta, nhưng hãy tự hỏi chúng ta có thể làm gì cho đất nước”.

Nguyễn Vĩnh Căn tôi, chẳng có tích sự chi với câu nói đó, nhưng tình cờ phát hiện ra có ba nhân vật cùng phát biểu câu nói trên, đưa ra để quý bạn đọc tham khảo.

Mời bạn đọc hãy đưa ra những ý kiến của riêng mình…

Nguyễn Vĩnh Căn

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …