Nên chăng, lập di chúc sớm, khi tuổi già còn minh mẫn???

Vẫn là những ông bạn già sắp bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, tuổi của nhàn nhã uống nước mới rề rà, có khi ngồi lâu khoai nát, chuyện chi cũng lôi ra bàn tán để cho trôi đi những năm tháng phù du cho một kiếp người sắp đến kỳ hạn chuyển đổi “môi trường sống” – “chính khi chết đi là khi vui sướng muôn đời”. Đó là câu kinh kệ trong bài hát Kinh Hòa Bình của cha nhạc sư Kim Long, phổ theo lời của Thánh Phanxico Assisi. Nghe Thánh nhân nói thế, vậy mà có ai muốn chết đi để vui sướng muôn đời đâu??

Một ông bạn già:

– Lớp mình chưa qua tuổi 70 mà đã đi mất mấy đứa rồi. Sống chết bây giờ như Thánh vịnh: Một cơn gió thoảng hằng làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không con mang vết tích.

Một bạn già khác:

– Sao rồi! Các ông đã sửa soạn cho “Một cõi đi về” chưa?

– Sửa soạn là sửa soạn thế nào?

–  Là lập di chúc cho sẵn sàng, chứ như mấy đứa không kịp lập di chúc, sau khi chết, con cái tranh giành nhau rắc rối cuộc đời lắm!

– Không biết các ông sao, chứ tôi đã lập di chúc những mấy năm nay rồi.

– Lập di chúc sớm thế cũng có cái hay, nhưng lỡ sau muốn thay đổi thì làm sao?

– Lập di chúc chỉ có hai cha mẹ biết với nhau mà thôi, chứ không công khai cho con cái biết. Cứ mỗi năm đưa ra sửa lại cho phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống. Ví như có đứa con nào trong cuộc sống làm ăn thất bát, suy sụp kinh tế thì phải nâng đỡ nó về kinh tế cũng như động viên tinh thần…

– Xem ra ý kiến lập di chúc sớm cũng hay đấy chứ! Lập khi cha mẹ đang còn tỉnh táo để phân chia cho công bằng với con cái, chứ khi già lú lẫn rồi thì còn biết chi mà lập nữa. Có khi con cái nó lừa…

– Các ông không biết đấy thôi, chứ lớp mình những đứa đại gia cũng đều đã soạn sẵn di chúc cả rồi đấy! Ví như ông D…, ông H…, ông T…., ông Q….Cả đến lớp sau bọn mình cũng có đứa lập di chúc rồi đấy!

– Không biết khi ông lập di chúc thì việc phân chia tài sản trai gái ra sao, có khó khăn lắm không??

– Có chi khó khăn đâu ông. Con gái thì “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Cơ bản con trai phải lo 3 việc: Vườn, nhà, rẫy. Cha mẹ có rẫy nương còn lại thì chia cho con gái, điều này không bắt buộc.

– Ông nói thế chứ, bây giờ, thế hệ sau nay, hầu như cha mẹ phân chia tài sản không còn phân biệt trai gái như thời xưa nữa. Tui thấy ruộng vườn đất đai như nhà ông Đ…, ông K…, ông B…chia đều cho con gái cũng như con trai. Ngay cả đến vườn ở cũng phân chia cho con gái trai đều như nhau.

– Mà cũng phải thôi các ông ạ! Trai gái, con nào chẳng là con của mình. Chia cho đều như thế, sau này khi chăm sóc cha mẹ khỏi đứa nào nạnh hẹ, con trai được chia nhiều thì lo nuôi cha mẹ đi, “ăn rọng cọng giỗ”, con gái không có chi thì miễn trách nhiệm chăm nuôi.

– Đúng đấy các ông! Tôi thấy bây giờ khi cha mẹ già đau yếu nằm bệnh viện, đều chia ngày cho các con chăm sóc theo tuần tự trai gái… Nhà nào có phước, đẻ được 7 đứa con thì thật vừa vặn chia đủ trong một tuần.

– Chia cho con ruộng vườn đất đai sớm cũng có cái hay, nhưng xem ra cũng lắm điều bất cập. Có gia đình nọ, chia hết đất đai ruộng vườn cho con cái, đến khi cha mẹ đau lâu ốm dài, phải chữa trị bệnh viện Chợ Rẫy, của nả không có, đất đai thì chia hết cho con cái rồi, nên sống rất cơ cực.

Quả là người xưa nói đúng: cha mẹ cho con cái thì con cái hả hả, con cái cho cha mẹ thì hỉ hỉ…Con cái cho cha mẹ thì giống như bố thí cho cha mẹ, nên xem ra cha mẹ hết sức cực nhục.

Theo ý kiến của một ông bạn già là:

– Lập di chúc sớm thì cứ nên lập, nhưng phân chia của nả đất đai thì không nên cho hết một lúc, để phòng khi cha mẹ khi đau ốm lâu dài, có tiền mà trang trải, kẻo phải ngửa tay xin con từng đồng bạc thì cơ cực lắm!!

Một ông bạn có kinh nghiệm về việc cho con cái:

– Các ông không nên cho con cái hết của nả tài sản của mình một lần. Khi con cái biết cha mẹ còn tài sản, của ăn của để thì đứa nào cũng nể sợ, và siêng năng đi lại để lấy lòng, còn khi con cái biết cha mẹ hết rồi thì chúng nó chẳng còn nể sợ nữa….Ngay cả lời nói của cha mẹ nó cũng chẳng thèm nghe nữa.

Trong một buổi uống nước mới: có người cho biết, khi cha mẹ đang thượng tại mà nhiều gia đình trong GX, con cái đã bất hòa với nhau: anh em không nhìn mặt nhau, chị em cũng từ nhau cũng chỉ vì đất đai ruộng vườn. Cha mẹ đành bất lực giải hòa con cái không nghe. Anh em ngồi lại để giải hòa, không bên nào nghe nhau. Vì vậy, việc sớm lập di chúc cho con cái khi cha mẹ đang tỉnh táo trí óc là rất nên, tránh sự bất hòa khi cha mẹ nhắm mắt xuôi tay…

Trên đây là một vài trải nghiệm về việc lập di chúc và phân chia tài sản cho con cái. Tuy nhiên, đây không phải là một phương cách mẫu mực để mọi người, ai cũng phải theo. Đây chỉ là những trải nghiệm mang tính tham khảo mà thôi, vì ở đời: mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, tùy theo hoàn cảnh mà ứng xử theo từng trường hợp cho hợp tình, hợp lý.

Nguyễn Vĩnh Căn

Bài đọc cần thâm khảo:

Lập di chúc có cần sự đồng ý của tất cả các con?

Để tránh việc tranh giành tài sản khi bố mẹ chết, họ thường lập di chúc để phân định rõ ràng tài sản. Vậy, khi lập di chúc có cần sự đồng ý của tất cả các con không?

Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc được định nghĩa:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Như vậy, di chúc là văn bản được lập ra khi một người có tài sản và muốn để tài sản của mình cho người khác sau khi người đó chết. Di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nên không phụ thuộc vào người khác.

Không chỉ vậy, về quyền của người lập di chúc, Điều 626 BLDS nêu rõ các quyền như sau:

– Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

– Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

– Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

– Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 thì:

“Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;”

Như vậy, khi tiến hành lập di chúc, ba mẹ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình mà không phụ thuộc vào con cái của mình.

Điều này được hiểu là khi lập di chúc, ba mẹ hoàn toàn không cần phải có sự đồng ý của các con. Việc quyết định ai là người được hưởng di sản thừa kế và hưởng phần di sản thừa kế như thế nào hoàn toàn dựa vào ý chí ba mẹ.

Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào tài sản mà ba mẹ lập di chúc. Trong một số trường hợp vẫn cần phải có sự đồng ý của các con như tài sản là đất cấp cho hộ gia đình thuộc sở hữu chung thì vẫn phải cần sự đồng ý của các con.

Trung Tài

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …