10 năm – Nhìn Lại Diễn Tiến Xây Dựng ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 10 – 3

Kỷ niệm 10 năm Đường Vành Đai. BBT TĐCS xin đăng  loạt bài diễn tiến xây dựng ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 10 -3.

Phần 1: Tiến hành thủ tục hành chánh về việc thu hồi đất

          Như ở Kỷ Yếu Tiến Đức năm 2011, chúng tôi đã đề cập đến con đường vành đai mở ra, chia cắt Châu Sơn làm hai, nhưng cũng mở ra cơ hội mới, vận hội mới và cũng thách thức mới cho người Châu Sơn. Thế rồi ngày qua tháng lại, hơn một năm yên ắng, chẳng thấy động tĩnh chi về con đường này, khiến người viết lo: cầm đèn chạy trước ô tô thì hố to!!

          Nào ngờ, sang đến tháng 03 năm 2012, bỗng đâu “hot” lên, ban quy hoạch lên khuôn ấn định: đất thổ cư, đất nông nghiệp tách bạch rõ ràng, cây trồng, nhà ở các cấp 1 đến 4 được chiếu theo ba rem của nhà nước để lên khung giá bồi thường cho các hộ có liên quan đến con đường vành đai này đi qua.

          Những người trong cuộc (có con đường đi qua) bồn chồn lo lắng, chạy đôn chạy đáo để xem gia đình mình có được bồi thường thoả đáng chăng? Và xem ra dự báo của người viết trong Kỷ Yếu Tiến Đức năm 2011, về sự bồi thường hào phóng của nhà nước “ăn một quả trả ngàn vàng may túi ba gang đem mà đựng” đã không trở thành hiện thực rồi.

Một khung giá mà ngay cả trong quốc hội họp tháng 8 năm 2012 vừa qua cũng đã nói lên sự bất cập này. Nhưng để chờ giải quyết sự bất cập này cho người dân thoả đáng, e rằng con đường vành đai làm xong rồi cũng chưa được giải quyết.

          Nhưng trước khi đi vào hiện thực giải phóng mặt bằng, thiết tưởng chúng ta cũng nên biết qua tiến trình của việc xây dựng công trình đường vành đai phía tây Tp BMT.

  • Thông báo thu hồi đất để thực hiện công tác bồi thường của UBNDTPBMT

          Lần đầu tiên gửi cho 8 đơn vị UBND xã phường có đường vành đai đi qua: Tân An, Tân Lợi,Thành Nhất, Tân Tiến, Tân Thành, EaTam, Khánh Xuân và xã CưEbur TP BMT. Có số quyết định 93/TB-UBND vào ngày 24/08/2010.

          Chiếu theo Luật đất đai ngày 26/11/2003; Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành đất đai. Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bổi thường, hỗ trợ và tái định cư; Thông tư số 14/2009?TT-BTNMT quy định chi tiết về: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.

          Căn cứ Quyết định số 1363/QĐ-UB ngày 20/08/2010 của UBND tỉnh ĐakLak về dự án đầu tư công trình: đường giao thông tránh Quốc lộ 14 về phía tây  Tp BMT, tỉnh Đaklak. Căn cứ Điều 17 của Quy định về bồi thường, hổ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tình ĐakLak ban hành kèm theo quyết định số 02/2010/QĐ-UBND tỉnh DakLak. UBNDTPBMT thông báo:

          1/ Khu đất thu hồi để xây dựng dự án theo hướng thiết kế thi công đường có chiều rộng 36m có chiều dài đi qua 08 địa bàn xã phường (đã nếu trên).

          2/ Đề nghị các hộ dân, tổ chức có tài sản liên quan đến khu đất thu hồi dự án phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để sớm hoàn thành trong việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng công trình vành đai phía tây Tp BMT.

          3/ Yêu cầu UBND 08 xã phường nơi có dụ án đi qua, thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin địa phương để các hộ dân có liên quan biết chủ trương, chính sách của nhà nước khi thực hiện dự án.

          4/ Giao trách nhiệm 08 xã phường nơi có dự án đi qua kiểm tra, giám sát và có biện pháp ngăn chặn yêu càu các hộ không được đất đã có chủ trương thu hồi để xây dựng dự án…

          Nhận được thông báo này đề nghị Chủ tịch UBND 08 xã phường, Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng, Công ty cà phê BMT, các hộ dân có liên quan phối hợ thực hiện để sớm hoàn công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng triển khai xây dựng dự án theo đúng tiến độ.

KT CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Bùi Thanh Lam ký tên và đóng dấu

          Đến ngày 18/02/2011 các hộ có liên quan đến giải phóng mặt bằng có giấy yêu cầu bổ sung hồ sơ pháp lý, được mời đến số 145 Lê Hồng Phong chậm nhất là đến hết ngày 10/03/2011. Nếu quá thời hạn trên ban bồi thường giải phóng mặt bằng không chịu trách nhiệm giải quyết thắc mắc.

KT TRƯỞNG BAN

PHÓ TRƯỞNG BAN

Nguyễn Văn Chung ký tên và đóng dấu

          Chúng tôi nhận thấy, nếu chỉ với hai thông báo: Thông báo thu hồi đất để thực hiện công tác bồi thường của UBNHTPBMTGiấy yêu cầu bổ sung hồ sơ pháp lý để đồi đời các hộ dân, bắt phải tái định cư như thế, xem ra nhà nước làm việc quá đơn giản và hời hợt đến coi nhẹ đời sống “an cư lạc nghiệp” của người dân. Bởi đây là một việc hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình các hộ dân, một sự đổi đời bất đắc dĩ, mà nhà nước chỉ dùng thông báo, như một chuyện đã rồi, chứ không có một sự họp bàn, trao đổi với người dân. Điều này nói lên sự thiếu dân chủ và thiếu tôn trọng của nhà nước đối với người dân, hay nói một cách khác, nhà nước áp đặt lên người dân một cách cưỡng bách mà không hề cho người dân có ý kiến. Nhà nước hành xử giống như chủ cho thuê nhà, muốn đuổi người thuê ra khi nào thì đuổi!!!

          Nhà nước trưng dẫn hết Nghị định này, đến Quyết định kia, rồi Thông tư nọ để ra tối hậu thư (giấy thông báo) đến người dân với một phán quyết độc đoán. Các văn kiện cũng chỉ là luật lệ để phục vụ con người, chứ đâu phải làm ra để con người phải phục vụ luật!?? Đó là một việc làm bất cập!!??

          Việc xây dựng Đường vành đai (ĐVĐ) vì lợi ích cho Thành phố và cho Tỉnh là một việc hết sức cầp thiết. Là người dân, chúng tôi ủng hộ những kiến thiết xây dựng của Tỉnh nhà ĐakLak, để đến năm 2015 lên cấp thành phố trực thuộc trung ương là điều đáng mừng và vinh dự cho tỉnh nhà. Nhưng đâu phải vì lợi ích chung để lấn lướt quyền lợi người dân.

Lẽ ra, Nhà nước phải biết tâm thế: hoang mang, lo sợ của người dân, để chia sẻ nỗi niềm khi phải tái định cư chứ! Nhà nước phải biết người dân (Châu Sơn) đã ổn định có thời gian lâu dài như thế nào rồi. Một chiều dài mà ngay khi lập làng 1956 người dân đã có mặt, và đã trải qua hai nền Đệ Nhất và Đệ nhị Cộng hoà gần 20 năm, rồi sau 1975 lại trải qua một nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa đến gần 40 năm, những tưởng sẽ an cư lạc nghiệp cho đến cuối đời, nhưng nào ngờ, việc xây dựng đường vòng đai đã đưa các hộ có ĐVĐ đi qua vào một thế “đổi đời bất đắc dĩ”. Xét ra, chẳng ai mong muốn điều đó, cho dù nhà nước đền bù gấp bội; Bởi cha ông ta đã nói, có “an cư mới lạc nghiệp”. Thành ra, người dân không muốn đổi đời là thậm chí phải.

          Theo chúng tôi, lẽ ra, nhà nước phải họp dân lại để giải trình về những lợi ích thiết thực của ĐVĐ cho tỉnh và thành phố, và, vạn bất đắc dĩ nhà nước mới phải ra quyết định: bắt dân cư phải “dời dinh” tái định cư như thế; Bởi đó là điều hết sức khó khăn của “trai dời dinh, gái sinh nở”, mà lẽ ra, nhà nước phải đưa ra lời xin lỗi về việc chẳng đặng đừng đó, chứ ai lại ra thông báo này nọ, bắt người dân phải đổi đời dời cư như thế, là một việc làm hết sức khiên cưỡng. Vậy thì còn đâu là độc lập – tự do – hạnh phúc – dân chủ – bình đẳng – văn minh như câu nhà nước vẫn thường nhắc nhở trên báo đài nữa.

          Dù là tiếng nói nhỏ nhoi của một nông dân thấp cổ bé miệng, nhưng chúng tôi vẫn muốn chia sẻ một đôi điều tâm tư tình cảm của người dân, phản ánh sự bức xúc của người dân trước việc hành xử của nhà nước trong việc xây dựng con đường vành đai, để nhà nước rút ưu khuyết điểm cho lần sau, muốn làm điều gì cũng phải hành xử cho thấu tình đạt lý.

          Xin các bạn xem tiếp ký sự Phần II: Bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Hồi sau sẽ rõ.

 

 

Check Also

Đã có một thời, người dân ta phân biệt “Ngặc Bươi” 54 và 75!!!

           Nhắc lại một thời quá vãng, nghe chuyện xưa mà …