Nghĩa tình thầy trò vùng cao…

(Mùa hè lại về, mùa chia tay bè bạn -thầy trò. Nhớ lại nai hoàn làm lúa hè thu và được gặt lúa mùa lũ năm 1979)

TÌNH CẢM GIỮA THẦY VÀ TRÒ, GIỮA GIÁO VIÊN KINH VÀ ĐỒNG BÀO THƯỢNG.

(Mùa hè lại về, mùa chia tay bè bạn -thầy trò. Nhớ lại nai hoàn làm lúa hè thu và được gặt lúa lũ năm 1979)

Cuối tháng 3 năm 1979, tôi xin buôn cấp một sào ruộng làm lúa hè thu; ông buôn trưởng dẫn tôi đi nhận ruộng phía hồ Lăk,  gần buôn M’LiêngA. Cách cày bừa ruộng của 2 buôn này là cho đàn bò dẫm nát cỏ, nhão đất là gieo cấy được, nên tôi lo  đi mua lúa giống về nhờ amí Ngun ngâm ủ; rồi đi cắt cỏ ven bờ cho sạch trước.

Thông qua các em học sinh, tôi nhờ đàn bò của buôn tôi ở và nhờ các em của lớp tôi ở hai buôn lo quản bò, sửa ruộng.

Thế là sáng hôm sau mới 5g, các em dẫn đàn bò qua nhà sàn tôi ở và gọi:

– nai Hoàn ơi! mau ra cùng đi!

Độ hai chục con bò với khoảng mười em, trai có gái có, và hai chị mai y Tin và mai h’Xăn gùi lúa ra theo. Đàn bò đã thuần thục việc dẫm nên đến độ 6g30…cả sào ruộng cỏ biến thành đất nhão như cháo. Đàn bò được thả cho ăn cỏ gần đó;  hai chị và dăm em gieo sạ lúa khoảng nửa giờ là xong. Các em về trước còn tôi ở lại lo ổn định nước vào – ra.

DSC 0188
hình ảnh minh họa từ Internet; đàn bò cỏ của buôn không được đẹp thế này đâu.

Nhờ nước ngập đều nên không phải làm cỏ, tôi chỉ việc lo bón phân mà thôi!

Đầu tháng 5, khi lúa cao ngang đầu gối, tôi lên đường vào công trường Buôn Triết ( do UBND Tỉnh tổ chức cho toàn thể các ngành cử cán bộ của ngành mình vào làm kinh tế, chủ yếu là làm lúa nương và đất ruộng….)

Giữa tháng 6, tôi về thăm buôn thăm lúa, lúa đã  dần chắc hạt và đều, đẹp lắm! dự kiến một tháng nữa là gặt được. Tôi có nhờ vài em trông giữ dùm.

Mới đầu tháng 7, lũ về đe dọa Công trường dữ lắm! nhiều đêm đơn vị đánh kẻng báo nước sông sắp tràn.

Một buổi trưa đang nghỉ, trên nhà chỉ huy cho người báo tôi là có 3 ông người Thượng cần gặp tôi; đó là hai người anh của các em học sinh và em Y Tin, đi xuồng từ Buôn xuống đây (đường sông độ 7km!) bảo tôi về gặt lúa vì lúa đã bị ngập! tôi nhờ 3 chú cháu lo việc gặt hộ vì vào Chủ nhật tới thì tôi mới rảnh việc và về được.

Nước do hồ Lăk dâng cao nên tràn vô tận buôn M’liêng A! Các em dùng 4 chiếc xuồng độc mộc chở thầy trò ra tận nơi, các em và tôi lội xuống, nhìn qua làn nước  thấy được lọn lúa nào nổi thì gặt rồi đặt lên xuồng; do lũ mạnh nên lúa bị dán bùn nhiều, tỉ lệ lúa xanh còn nhiều nên gần trưa thì thầy trò đã bòn gặt hết. Chở về buôn, tôi nhờ gia đình em H’Riêp phơi khô và đạp ra thóc.

tải xuống 1
hình ảnh minh họa từ Internet

Đầu tháng 9, sau ngày xong đợt công tác, lại được giấy chuyển làm công tác chuyên trách bổ túc văn hóa cho xã Đăk-Phơi nên tôi về thăm hai buôn và xem lúa ra sao? Một sào mà chỉ thu được 3 bao (loại 50kg) cột túm! Tôi để lại cho gia đình em Riêp một bao; Trở lại thăm hai buôn lần này cũng là tạm biệt, nên tôi đã lo mua một túm bánh kẹo để  nhớ công lao của các em; sáng hôm sau có hai em giúp chèo xuồng đưa tôi sang huyện.

Trái đất vẫn tròn, thầy trò vẫn còn gặp nhau, tôi gặp lại đồng bào hai buôn. Đã  42 năm rồi! chỉ cách xa nhau gần 70 km vậy mà thầy trò chưa hề gặp lại! Mấy chục em nghèo khổ, đói đủ điều nhưng rất giàu tình cảm với thầy; không biết có những em nào đã..đi xa với đất? Chắc nhiều em đã là ông nội bà ngoại rồi! nghe nói khoảng năm 1985, đồng bào buôn M’liêng B, nơi điểm trường và cũng là nơi tôi ở, đã phải dời sang khu tập trung bên kia sông Krông Na gần Buôn Trấp, huyện Krông Ana để trị cho hết bệnh  “Hàn mặc Tử yêu cô Hansen”!

Tuy gần mà xa! lẽ nào đây là một giấc mơ của tôi nhỉ!!

Mua gat Y Ty04 1598584444
hình ảnh minh họa từ Internet

Nhân dịp, tôi xin kể chút ít việc tôi đến dạy nơi hai buôn này là thể này:

Hai buôn này ở gần sông Krông Na, buôn M’liêng A người dân tộc M’Nông, buôn M’Liêng B là dân tộc Bĩh, nói tiếng Ê-đê, ở ngay bờ sông.Từ trung tâm huyện, đi qua buôn Lê rồi đi đến buôn Juĩn ngay bờ hồ (buôn này nay là khu du lịch sinh thái Hồ-Rừng-Sông..có tiếng đấy các bạn ạ), phải đi xuồng độ 700m rồi mới đi bộ đến buôn A; độ 400m nữa mới đến buôn B. Cả hai buôn đều nhỏ, mỗi buôn chỉ khoảng 20 nóc nhà chính.

Một buổi chiều tháng 9 năm 1976, Phun-rô đến họp 2 buôn này để bắt thanh niên; cán bộ Ama Đinh mới họp ở huyện về, bị bắn chết ngay cầu thang. thầy R’chõm Tỡil được dân báo nên không về buôn mà về báo cho huyện, tối đến (hôm đó là trăng rằm 15 sáng quắc) một trung đội huyện đội vừa mới lên khỏi xuồng liền bị Phun-rô ngồi trên các cây K’nia, xoài rừng…bắn xối xả, rồi hai bên giao tranh…(tôi ở buôn Yang Láh cách 1km nên nghe cả tiếng đồng bào la hét).

Đầu niên khóa 77-78, phân hiệu này thiếu giáo viên, cả trường chỉ có mỗi tôi và 4 cô người kinh chưa lập gia đình; có 3 cô mới nhận trường được 1 tháng. Với tình thế này tôi đành phải xung phong qua bên đó ở. Biết được một mình tôi, phòng giáo dục huyện liền điều thêm một giáo viên cấp II cùng sang ở và dạy học, đó là thầy Võ Quốc Trà; sang ở mới biết có một số người bị cụt ngón tay, ngón chân, mùa lạnh là bị nứt da chảy máu….

Thầy Trà ở được độ 2 tháng lại được đổi đi nơi khác, có thêm 2 thầy dân tộc ngày đến dạy, chiều về lại gia đình họ.

Học sinh và đồng bào thích tôi lắm! như nhà Ây Ban nhận tôi làm kết nghĩa, các em đi lấy nước giúp 2 thầy bằng những ống nứa to, dài 2m và 3m, nhà sàn chúng tôi ở được chủ cũ để lại một cái nồi đồng to đồ cổ; các anh các chị…lúc đem cá, thịt, thịt trăn, kì đà, rau cải..đến cho thầy giáo, mà có khi đi dạy về đã thấy trên bàn.

Không quên được dòng sông hiền hòa là nguồn nước duy nhất cùng uống, cùng tắm giặt của cả buôn, quên sao được mỗi buổi sáng cùng dăm em học sinh chạy vài cây số rồi chạy bổ nhào tắm sông mát lạnh! Cứ nấu cơm chiều xong, ra sông vừa tắm vừa thả 10m lưới là có dăm con cá đem về. Quên sao được một trưa tháng 4 năm1978, đang ăn cơm thì được dân gọi đi dập lửa đang cháy dãy tre sát làng! Số là do tôi dọn 1 sào rẫy gần đó để trỉa ngô, tuy chờ cho hết lửa thầy trò mới về, nhưng có lẽ do nhiều cục phân bò còn thàn đỏ nên bị gió mạnh thổi lan sang đất nhiều cỏ khô.

Học sinh hai buôn hai dân tộc lại học một điểm trường nên chuyện đánh lộn giữa các em hay xảy ra, nhất là phút tan hàng, lắm lần tôi vừa mới trở về nhà liền có vài ba em dìu em bị thương chảy máu đầu lên xin tôi bôi thuốc. Để ngăn trừ tình trạng này, tôi làm một bài hát nội dung phải đoàn kết. cho các em sắp hàng nghiêm chỉnh rồi hát, hát xong hô: học sinh-đoàn kết, 3lần mới được về, nếu đánh nhau thầy gọi già làng đến bắt giữ lại không cho về.

Bài hát là:

Giòng sông xanh lũy tre xanh xa là dãy núi xanh xanh
Trường em đây giữa buôn làng xinh nhỏ bên bờ sông xanh
Đây buôn Liêng, tiếng chúng em học hành vang vọng sớm chiều
Ê!a!Em Mnông anh Êđê ta cùng chung một mái trường
Cùng đoàn kết học hành và thương yêu nhau
Bầy chim kêu ríu rít trên cành ngó em học vui
Ô!mái trường buôn Thượng đáng yêu muôn đời (2lần)                                    

(Bốn lớp, lớp nào cũng phải vậy, và đã có kết quả thật sự)

Buổi mang ba-lô đi Công trường, nhiều ông bà đứng nơi sàn trước cửa lớn khoát tay chào bằng tiếng dân họ:

-Thầy Hoan ơi! Đến đâu, thầy đừng tắm sông nha! đừng vô rừng nha!….

Đồng bào Kinh mình sống thời đó cũng đã sướng, nghĩ lại thấy đồng bào nơi đây cũng kiếp người mà quá khổ! Nay chắc vẫn khổ!

  P.T.Hoàn(ama Hà)

Tác giả bài viết:   P.T.Hoàn(ama Hà)

Check Also

THĂM THẦY GIÁO CŨ

Hôm qua, ngày 01/09,như thường lệ mỗi đầu tháng, ACE trang TIẾN ĐỨC Châu Sơn …