Đông tàn nguyệt tận…
Những tờ lịch sang Dương rơi rụng hơn cả tháng rồi, mà cái Xuân nồng đỏm dáng vẫn còn chốn nao chưa về, để chị Đông hàn được thể làm càn, hoành hành trần gian bằng cái đông lạnh buốt giá. Đã thế, chưa đã nư, chị lại còn đỏng đảnh gây thêm cái áp thấp nhiệt đới: mưa phùn gió bấc nữa trời ạ!
Năm hết tết đến, công việc đồng áng bề bộn ngập đầu, nhà làng cơ khổ, tất bật dây chạc máy móc lên đường tưới tắm cà phê, nếu để lỡ không tưới kịp, cà phê sẽ không bung hoa, mùa cà phê năm tới coi như đi đong.
Năm nay, mùa tưới cà phê chưa kịp về, tiêu trái già theo và chín tới cũng réo gọi, nếu không hái kịp, chim chóc sẽ nhặt dùm cho. Mà giá tiêu cao, cũng hấp dẫn mời gọi đạo chích làm việc từ thiện “nâng nhẹ một tay”, hái dùm đưa về nhà phơi khô quạt sạch rồi bán dùm cho luôn, nên phải cấp tốc đặt vài bộ thang để kịp hái.
Rồi thanh long ngoài rẫy, cũng vươn vai, xoè cánh, dong dỏng trong giá rét, cần phải kích điện sáng làm ấm, bung hoa cho kịp thời vụ mùa trái, bán vào dịp tết…Và trong nhà, ngoài ngõ, vườn tược còn phải lo thu dọn, vun quén nhà cửa, sắm sửa…tất tần tật trước tết. Thật là mệt bở hơi tai mỗi khi xuân về. Ôi thôi thì, trăm dâu đổ đầu tăm vào cái anh nhà nông khốn khổ vào dịp cuối năm.
Đúng là, “Tết nhất làm chi ai bày, tết nhất làm chi, lo quần lo áo lo đi chạy tiền. Người người mà vui tết liên miên, riêng tôi nghĩ đến mà điên cái đầu. Lo nhiều đến nỗi mọc cả râu…”. Những câu hài tấu của ban AVT năm xưa như còn vang vọng đâu đây, cho thấy cái áp lực ngày tết vẫn là muôn thuở với người dân ta. Muốn ăn một cái tết ngon lành, tươm tất, đầm ấm, cũng phải chuẩn bị trước cả tháng chứ chẳng chơi.
Cái tết vốn dĩ đã áp lực muôn người từ bao đời, thì nay, lại càng áp lực hơn khi…
Cái ngày 75 ấy, bước vào thời kỳ “quá độ” XHCN để bắt đầu một kỷ nguyên bao cấp khốn khổ. Một sự đổi đời chế độ, nhưng lại chẳng đổi đời được hạnh phúc no ấm. Vì cơm cháo chẳng đủ ăn, cơm hấp mì khoai sắn lấy đâu no ấm hạnh phúc, thì còn đâu xuân sắc để mà vui thú nữa chứ! Cuộc sống bị tù đọng trong đầm lầy, khổ ải trong khai hoang, lấm láp trong khơi kênh rạch mương ở nông trường, cuộc đời nhuốm một màu xám ảm đạm, còn đâu hứng thú mà xuân với sắc. Mới ở nông trường về, chưa kịp lo lắng dọn dẹp nhà cửa… Ăn tết chưa kịp thì, sáng mồng ba xuất quân rồi, còn đâu tết với nhất nữa đây!?? Nhớ lại những năm thập niên 80, thiên niên kỷ trước, mà lòng vẫn còn cảm thấy nhớ đời một thuở hết sức cơ cực.
Bây giờ dẫu cho cuộc sống nhà làng có khá hơn, sung túc hơn, nhàn nhã hơn, nhưng tôi vẫn tiếc nuối ngày xuân xa xưa ấy, khi tuổi còn thơ dại. Người ta nói: tết nhất là để cho con nít; quả là rất đúng.
Ngày đó, tuổi hoa niên nhỏ dại, tính còn hồn nhiên vô tư. Học đến lớp năm (lớp nhất) rồi mà vẫn còn mặc quần xà lỏn, mài đũng đít quần trên ghế nhà trường. Nhưng tết đến thì lòng nôn nao, háo hức, tưởng chờ đón như trông mẹ đi chợ về!
Chờ đón đầu tiên là, được mua một chiếc áo mới. Mà nghĩ cũng lạ thật, sao hồi đó, cha mẹ nào cứ tết đến là mua áo mới trắng tinh, mà không mua áo mầu, sọc ca rô…?? Khốn khổ cho tôi, ngày mồng một, đấm đá nhau chí chóe với tụi bạn vì tranh nhau lượm pháo, mặt mũi trầy trụa và chiếc áo trắng tinh lấm láp nhuộm màu đất đỏ, khiến tôi bị một trận đòn nhớ đời vào cái ngày đầu năm ấy. Và cũng vì tranh nhau cướp pháo, mà bị chiếc pháo đại tịt ngòi, nổ téc cả tay, máu chảy lai láng… khóc hu hu chạy về nhà.
Nhưng thú vị nhất là ngày 30 tết. Thầy và các chị tôi ngồi quây quần trên một chiếc phản, bày la liệt nào: thúng nếp trắng tinh vo hồi đêm, rá nhân đậu xanh vàng tơi vắt thành từng nắm, bát nhân hành đâm dập trộn với tiêu xông mùi hăng hắc bên dĩa thịt mỡ ba chỉ cắt dài béo ngậy… Rồi những bó dây lạt ngổn ngang bên những xấp lá chuối để đùm bánh tét, lá dong để gói bánh chưng. Bánh tét còn dễ đùm, chứ bánh chưng thì phải thiện nghệ như thầy tôi mới gói được. Nhưng thế nào, tôi cũng nèo thầy tôi gói cho vài cái bánh nhỏ để cất ăn riêng.
Đùm bánh xong buổi sáng, buổi chiều dọn dẹp nhà cửa: đánh lại mấy cái chân cây nến, cái lư hương đồng cho sáng bóng, mua cành mai về cắm bình, lau chùi tủ bàn, quét dọn nhà cửa, rửa sạch chén bát… Lạ một điều là, nhà làng cứ chiều tối mới đưa nồi bánh lên bệ phóng kiềng ba chân để thức đêm nấu…Mà quả, thức đêm nấu bánh chưng cũng thật thú vị làm sao! Bên bếp lửa đỏ hừng hực liếm láp quanh nồi, tiếng ùng ục sôi nghe vui tai chi lạ! Một thau nước dằn trên cho bốc hơi nóng, để chêm vào nồi bánh cho khỏi cạn. Cả nhà ngồi sum vầy bên nồi bánh chưng, nướng thêm mấy cái bánh tráng bẻ cục cắc, rồi tán gẫu chuyện tổng kết một năm qua… những cái hên, cái xui, cái được, cái chưa được… Rồi lại bàn đến cả những dự tính cho năm tới…
Đêm dần khuya, gió thoảng đưa ngào ngạt mùi hương nếp đồng nội, hoà lẫn với mùi lá chuối, lá dong khiến cho ta thấy cái đêm trừ tịch thật thơm tho, ý vị. Thường là tôi quấn chăn ngủ khoèo mất từ khi nào. Phải đến khi giao thừa, pháo nổ rân vang ngợp trời tôi mới choàng tỉnh dậy.
Ngoài trời, đêm tối đen như hủ nút. Bỗng đâu pháo hoa nở rợp trời khoe sắc màu rực rỡ. Những tràng đạn lửa điểm xuyết chi chít những tia đỏ rạch nát cả bầu trời. Đâu đó chen lấn tiếng pháo nổ đì đùng, bắt đầu rộn ràng lên như một chảo ngô rang, vang dậy tiếng nổ lốp đốp. Thi thoảng tiếng pháo đại nổ: Đùng! Đoành!!! Nghe đã tai, vui lắm! Rồi bắt đầu trong làng cũng đì đẹt pháo nổ. Thường thì dân công viên chức và lính tráng mới máu chơi pháo. Muốn biết nhà nào khá giả, chỉ cần sáng mai, nhìn xác pháo phơi đầy sân là biết ngay!
Sáng ra, trước khi đi lễ đầu năm, thầy tôi “vêếch” bánh ra cho nguội, để lễ về là đánh chén. Có năm, nhắc nồi bánh xuống đất, xui xẻo làm sao, quai nồi bị sứt, cả nồi nước sôi ập xuống chân, khốn khổ cho tôi, chân bị bỏng không đi lại được, coi như đi đứt một cái tết.
Nói chi thì nói, làm con nít, sướng nhất vẫn là ba ngày tết. Đi chúc tết ông bà, cha mẹ, anh chị, bà con…lì xì những đồng bạc giấy mới cáo, thơm phức. Những đồng xu kền bóng loáng, mừng còn hơn được lên thiên đàng.
Thời đó, tiền lì xì chỉ một vài đồng bạc là lớn lắm, ai thảo thơm, cho năm mười đồng là mừng hết lớn. Tiền lì xì, mua cà rem 5 hao một cái, ăn một bữa cho đã đời sướng mồm, vì thường ngày mấy khi có tiền mà chén như thế. Rồi mua súng nước bắn nhau chí choé. Súng bắn pháo đì đẹt khắp xóm. Có đứa mua xe ô tô nhựa, mua mặt nạ Tề Thiên Đại Thánh…Đứa nào máu me, chơi đánh đáo ăn tiền, có khi lỗ chỏng cẳng, sạch túi, coi như tết hết sớm. Nếu còn tiền thì vào hội chợ quay vé xổ số, trúng linh tinh: thau nhôm nhựa, bàn là, bia, xà phòng thơm, bột giặt… Đúng là có tiền mua tiên cũng được!!
Bây giờ hồi tưởng lại, vẫn thấy cảm giác vui thích như ngày nào. Tiếc rằng, bây giờ tuổi đã già, thiên đàng tuổi thơ đã đi qua, không bao giờ còn trở lại.
Đã hết rồi cái thời quây quần trên tấm phản, mấy cha con, anh chị cùng nhau ngồi gói bánh, đêm thức nấu bánh chưng…Bây giờ ăn chẳng nhiều nhặn chi, đặt mua mấy chiếc bánh tét cho có hương vị xuân. Pháo thì nhà nước theo Trung Quốc, cấm pháo vào những năm 95 thiên niên kỷ trước.
Đâu rồi, cái xuân bình dị, thân thương ngày xa xưa ấy!? Đâu rồi, niềm rạo rực thích thú khi mùa xuân về!? Đâu rồi, niềm vui đầm ấm khi tết đến!! Đâu rồi, cành mai vàng nở tươi rói ngày nào!? Đâu rồi: “Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh”!?
Dường như, cái xuân sắc ấy, đã bị đánh mất, dễ có đến gần 50 năm nay. Có lẽ, cái cột mốc bị đánh mất sắc xuân phải là năm 1975.
Và cái sắc xuân đã chết trong tôi từ độ ấy!!!
Bây giờ, tất cả cũng chỉ còn là hoài niệm nữa mà thôi.
Di Tĩnh Đắc
Bình luận