Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. Vẫn con người hao gầy thuở nào, lại càng hanh hao hơn vào cái tuổi thọ gần 100. Khuôn mặt thầy võ vàng hơn, nhưng cái cương nghị thuở nào của nhà giáo thì vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt. Lúc này đây, thầy đã nằm yên bất động trên  giường. Như biết học sinh đến thăm, thầy đã nở nụ cười mỉm chi, làm cho bộ mặt vốn khắc khổ, đã kéo giản ra một cách tươi tĩnh và rạng rỡ hơn lên.

Nói về thầy Trần Duy Duyệt, học sinh – ai cũng tỏ lòng trìu mến và thân thương với thầy.

Nhớ đến thầy, một con người thân mình hao gầy mảnh khảnh, nhưng trí lực lại luôn mạnh mẽ trong ý chí vươn lên. Nhớ về thầy, với con người nhẹ nhàng, dung dị, nhưng giao tiếp chứa chan chân tình đầy lưu luyến tình thầy trò. Nhớ đến thầy, một cuộc đời sống trong thanh bạch nhưng giàu sức sống vươn lên.

Chỉ mới ngày nào đây thôi, thầy vẫn còn đi lễ Thứ Bảy (Chúa Nhật), và quỳ bên cạnh thánh giá. Bóng gầy ngã xuống sân giáo đường, rồi từng bước lẫm chẫm vào nhà thờ. Học trò cũ, thấy ái ngại cho tuổi già của thầy: Chào thầy! Thầy vẫn còn khỏe chứ ạ!! Đến tuổi này mà thầy vẫn còn đến nhà thờ được là điều đáng quý trong tuổi già rồi. Thầy nở nụ cười thân thương: cám ơn Chúa thương, vẫn còn gắng đi được anh ạ! Anh vẫn khỏe chứ! Chỉ đôi ba câu thăm hỏi, rồi dòng đời cứ trôi đi theo dòng chảy thời gian… Nghe những lời thầy, vẫn còn đậm đà cái tình thầy trò từ thủa xưa vẫn còn ấm áp biết bao…

Rồi thầy yếu dần trong tuổi già xế bóng, để không còn đi nhà thờ được; nhưng rồi cả hằng trăm học trò cũ, mấy ai đã đến thăm thầy, an ủi vỗ về thầy đây!?? Dòng đời vốn là cái vô tình như thế đấy thầy ạ! Rất mong thầy cảm thông và bỏ quá cho chúng em.

Nhớ hôm Thánh lễ tạ ơn 60 năm hôn phối 04.2019, thầy đã mời Đại diện Ban TĐCS và các lớp trưởng đã từng học qua đời thầy. Một buổi tiệc mừng trùng phùng giữa tình thầy trò thật ấm áp và đầy cảm kích lưu luyến biết bao.

Rồi hôm nay, thầy đã một cõi đi về… Ban cựu học sinh Tiến Đức đã đến thăm viếng, phúng điếu và đọc kinh tiễn biệt thầy. Thầy nằm đó, giữa những lẵng hoa thơm ngát như tiễn thầy ra đi trong an bình.

Xin được trích một đoạn văn viết về thầy trong kỷ yếu: 55 năm hoài niệm về trường xưa…

Lên đến lớp Tư – lớp thầy Trần Duy Duyệt, chúng tôi mới có đôi chút khái niệm về tình bạn, để kết thân với nhau. Nhưng dù sao, ký ức trong tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh mái trường thân yêu ngày đó…

Chúng tôi đã dần quen biết nhau và kết bạn thành từng nhóm, túm tụm nhau chơi đá kiện, bắn bi lỗ, bi vòng, theo kiểu Huế, Sài gòn. Còn con gái thì chơi ô quan, hất địu, u mọi, nhảy dây…

Khuôn mặt khắc khổ, dáng người hao gầy, rất đúng với hình ảnh của một ông giáo trường làng, là Thầy Trần Duy Duyệt dạy lớp Tư. Nhưng lại có giọng nói rắn rỏi và rất có uy lực trong những lời oát nạt, khiến cho học sinh chúng tôi buổi đầu phải khiếp re.

Cái dấu ấn mà thầy Duyệt để lại nơi học sinh chúng tôi không bao giờ quên, là những câu chuyện kể vào cuối giờ học. Chuyện Lý Bôn, Lý Bí, Thạch Sanh cứu Công chúa, Ngựa ẻ ra bạc… bằng một giọng kể điệu đà, khi khoan khi nhặt, nhấn nhá những nơi hấp dẫn, càng làm tăng sự thu hút, khiến chúng tôi phải há hốc mồm nghe kể.

Ở lớp Tư, chúng tôi đã làu thông các phép tính: Cọng, trừ, nhân, chia, và bắt đầu đi vào các bài toán đố như: Mẹ đi chợ mua gà, vịt.., hay chia cam… Những bài học thuộc lòng với những vần thơ lục bát của Chiêu Đăng, suôn vần rất dễ thuộc. Những bài đọc: Ngày mai đại hạ giá, Ăn vóc học hay, Ăn quả khế trả ngàn vàng…là những câu chuyện ngụ ngôn rất bổ ích cho giáo dục nhân bản để con em nên người. Những truyện kể về Sơn Tinh Thuỷ tinh, Mỵ Châu Trọng Thuỷ khiến chúng tôi rất thích thú….

Đó là “di sản của tuổi học trò” mà thầy đã giảng dạy cho lớp Bốn, thế hệ học sinh trước 75…

Học ở thầy là học cái cương nghị, học cái thân tình, học cái tính nhân văn trong cuộc sống… mà mãi về sau chúng em không bao giờ quên.

Thế hệ cựu học sinh Tiến Đức hết sức trân quý thầy, vì thầy là,

Nhà giáo gương mẫu và đầy tính nhân văn.

Xin Chúc thầy ra đi trong ánh sáng bình an trong Chúa Kitô!!

Một người học trò cũ của thầy…

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …