SOI BÓNG NGƯỜI XƯA- Phần I

SOI BÓNG NGƯỜI XƯA

 Phần I

Đập gương xưa tìm bóng…

Tuỳ bút

“Người từ trăm năm về qua sông rộng…ta ngoắt mòn tay, ta ngoắt mòn tay, nào có hay đời cạn, nào có hay cạn đời..”. Lời thơ của Nguyễn Tất Nhiên chảy trên dòng nhạc phiêu lãng của nhạc sĩ Phạm Duy, đã chơi vơi trong tiếng ca trầm buồn của Duy Quang, làm tôi chợt mênh mang nỗi nhớ về một cõi trời, bên kia bờ đại dương.

Bên nớ, một bến bờ nghìn trùng xa cách, cho lòng nhớ nhung chất ngất. Và thời gian, tiếng gõ nhịp khẻ khàng của lắng men đợi chờ. Người bên nớ, có nhớ ta chăng tá? Ta ngồi đây, lượm nốt những tháng ngày hờ hững trên bàn tay trơn cuộc đời, rồi lặng nghe trong thinh không, tiếng rơi tĩnh lạc vô cùng.

Rồi bất chợt, niềm tĩnh lạc thức giấc nỗi nhớ, bởi lời du ca Biển nhớ: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi trùng dưong gió ngợp hồn…” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, làm thức giấc nỗi nhớ, về một thời xa xăm, thủa hồng hoang cỏ dại. Để rồi: “Ta ngoắt mòn tay, ta ngoắt mòn tay, nào có hay đời cạn nào có hay cạn đời”. Và  hình bóng những người thân thương thủa nào, chợt về đây trong trí nhớ nhỏ nhoi.

Nhân ngày 60 năm Ngọc Khánh GX, người viết xin được mạo muội, mạn phép chắp bút viết về những con người thân thương của GX ở bên kia bờ đại dương, là một khúc ruột thân thương, không thể thiếu được của GX. Nếu có chi sai sót hoặc phản cảm đối với bà con ta, người viết rất mong được quý bà con ta niệm tình tha thứ…Cũng chỉ là “mua vui cũng được một vài trống canh” (ND) vậy thôi. Tuỳ bút này được viết năm 2006, và được cập nhật thêm năm 08.2016.

HDH 4

Nhớ ngày đó, sớm chiều hai buổi, dưới mái trường Tiến Đức. Chùm phượng cháy rực đỏ trên cây trong ngàn tia nắng mai lung linh. Dưới mái trường thân yêu, những đùa vui, nghịch ngợm của một thủa học trò…Bữa nọ, đôi bạn tức nhau, tôi và Thảo mụi (Đại) đánh nhau, hắn thua rồi khóc bù lu: “Tau về méch thầy choa cho coi…”. Bây giờ thì hắn đã hơn tôi quá xa. Tiến sĩ này nọ. Và hơn hết, là lấy vợ Mẽo. Hắn vẫn tự hào vì có bộ tự điển sống kỷ lục nhất. Cho dù bây giờ hàm cao, vị trọng, nhưng hắn vẫn cứ chân chất nhà quê bộp bạp, ruột để ngoài da. Nhớ những ngày BMT mất, hai đứa gặm bánh mì xì dầu trên cầu Thị Nghè, với nỗi nhớ quê nhà da diết trong thời ly loạn tan tác. Bi giờ, hắn lại là “lính phòng không”. Rủi thay!! Nửa đường đời gãy cánh uyên ương. Chúc Thảo tự tin, vượt lên số phận nhé! Sau cơn mưa trời lại sáng mà lị!!!

HDH 3

Cùng thời đó, lại nhớ O Kỳ nhà ta, một dáng người mà Nhất Linh tả về Loan trong Đoạn tuyệt: Một thiếu nữ có cái Tây học đầy mơ mộng và lãng mạn. 30 năm sau gặp lại, vẫn thấy còn bàng bạc chất thư sinh bạch diện. Thủa đó, một mái tóc thề bồng bềnh mây bay vương chút sầu mộng, càng làm cho khuôn mặt khả ái thêm duyên dáng trong tà áo dài trắng. Một trong những hoa khôi của làng Châu Sơn. Thấy đẹp cũng mê lắm, may mà chưa kịp yêu, nếu không thì cây si to bằng cây đa rồi.

HDH 2

Nhưng không thể quên được một Đậu Văn Sinh. Một thằng bạn nối khố với nhau qua bao đùa nghịch tinh quái, lẫn đòn phạt đắng cay tủi hờn khi bị cha Đỗ Trúc Đường khi đọc lá thư từ Hưng Đức gửi về: Rêu rao hai đúa trốn học. Xét về mọi mặt, từ dung mão, đến nói năng, học hành…không có cái gì hắn hơn tôi. Thế mà thực tế, cái gì nó cũng hơn hẳn tôi. Tán gái cũng rất lầm lì và đào hoa, tôi phải bái nó là sư phụ. Làm ăn thì thực dụng, và liều lĩnh thì không ai bằng. Không liều mà chở thịt heo từ Thủ Đức vào TP qua mặt CA và còn đánh nhau với CA. Lật tẩy bọn chợ trời, chơi bài ba lá giữa Bến Thành thì gan lì biết là dường nào. Ra giữa biển khơi dám đục lũng thuyền cho tàu nước ngoài vớt, thì thật là gan quá cở thợ rèn. Bây giờ qua Mỹ thì khỏi chê rồi. Cày hơn cả trâu cày miền quê VN. Có cơ ngơi là thế mà vẫn cứ sần sui, thô mộc, không mầu mè kiểu dáng. Có vợ đẹp con khôn. Có lần tôi đã cảnh báo hắn: Mày phải nâng cấp và tân trang mông má lại, chứ để lùi xùi như thế mất vợ là có đấy ! Lần về VN, tôi lấy cái vũ khí tối hậu của người nghèo – vì nước trời là của họ – ra hù doạ hắn: Nhưng chắc gì mầy đã có vé nước trời. Hắn bảo tôi: Mày rán kiếm vé đi chứ tao thì khỏi lo, hễ mày lên là có mặt tao trên đó rồi!!! Và quả thật, tinh thần đạo đức của gia đình hắn và khu phố bên nớ, thì bên VN khó sánh bằng. Con gái hắn uống nước, mà cũng làm dấu thì thôi, xin chào thua.

HDH 1

Cũng không thể nào quên, một con người mà trong tự truyện “Hắn và tôi” đã được mô tả: “Nước da bánh mật, mặt choắt, mắt lươn tí hí, người nhỏ thó. Nếu phạm tội hình sự, chi tiết nhận diện, là mặt rỗ vưng mè, thì không chạy đàng trời nào”. Đó là cha Phạm Ngọc Tuấn. Là một tri âm tri kỷ với tôi. Biết hắn là Linh mục mới dám tả, chứ nếu ở bộ đời tả thế thì, miễn lấy vợ vĩnh viễn là cái chắc. Và tôi đã viết phần kết của tự truyện đó: “Giữa tôi và hắn luôn có sự đồng cảm trong suy nghĩ và trăn trở về cuộc sống. Nhưng thực ra, trong toàn bộ cuộc sống, giữa tôi và hắn lại khác biệt nhau như đồng tiền hai mặt, giàu nghèo, hạnh phúc và đau khổ…Có lẽ hắn đã lấy hết phần hơn của tôi trong cõi phù du này. Và thậm chí, lấy nốt chiếc vé nước trời chắc mười mười trong tay, mà quỷ dữ cũng khó lòng lấy lại nơi hắn”. Nhưng rồi, tôi đã buông lời đe doạ hắn: Hãy đợi đấy! Thiên Chúa đã tạo ra cho cây mỗi hoa, người mỗi cảnh, mỗi vị thế, thì Ngài cũng sẽ cho mỗi người mỗi khí cụ để chiếm hữu nước trời. Tên kẻ trộm đã hành nghề của mình bằng cách ăn trộm nước trời trước mặt Chúa bằng câu: Khi nào về nước trời xin nhớ đến tôi cùng. Và nếu sau này bị biến tướng thành kẻ cướp, tôi cũng sẽ ăn cướp nước trời bằng cách dí dao và cưỡng bách Ngài: Lạy Chúa, xin cho con đuợc một chốn nghĩ ngơi, dù nhỏ bé, bên Ngài, muôn đời. Nhưng cũng thành thực xin lỗi cha Tuấn, vì bạn bè thân quen nên cứ gọi cha là “HẮN”.

Anh chị Lưu Vĩnh Tuấn, em chưa hề thân quen, nhưng với anh thì em rất ấn tượng với vẻ đẹp trai và học giỏi, con thầy Chấp mà lị. Anh đi lính thiết giáp. Sau 75, anh bị vào trại cải tạo, để lại gánh nặng cho chị Hồng Vân với đàn con thơ dại.

Chị Hống Vân, một người phụ nữ tay yếu chân mềm “liễu yếu đào tơ” mà phải đối mặt với thời cuộc, để vượt qua một chặng đường cơ khổ, thế mới biết bản lính của một người phụ nữ Châu Sơn chúng ta đảm đang biết chừng nào!! Nhớ về chị, ngày xưa bọn em hay hát câu: “Ai lên xứ bà Đào, đừng quên mang về cô Hống Vân”.

Bây giờ, thấy một phiên bản tuyệt vời của chị qua cháu Mary Lưu, một phụ nữ thời mới: cứng cáp, năng nổ, thân thiện và rất chi là đạo đức…Xin được phong là “ bà mẹ đạo đức”, người đang truyền giáo trên mạng một cách nhiệt thành. Mary Lưu cũng là “một đại sứ thiện chí” để có được “một nhịp cầu” nối kết, giao lưu rộng rãi đầy thân thương với bạn bè ở quê nhà.

Anh Thành, (Ngô Đại Thành) nếu ai không quen biết, gặp ở Mỹ, sẽ nghĩ anh là người Hàn Quốc, vì nhân dạng, mập đen béo híp của anh. Một người thành đạt, kể cả trước và sau 75. Nhưng công đầu phải tưởng nhớ đến bà Thành (Chiên), mẹ anh Thành. Di cư vào Nam, nuôi con ăn học đến thành đạt là điều hết sức đáng trân trọng.

Nhưng nuôi 5 đứa con dại, sau 75, anh Thành đi học tập, ăn học đến lớp 12 là một kỳ tích mà ngày xưa, người Châu Sơn chưa mấy ai sánh được. Công đức nầy thuộc về chị Nguyễn Thị Lan, một người có cái dáng dấp của tượng Đức Mẹ sầu bi, sao mà bản lãnh đến thế, xin bái phục chị!!! Nhân nhắc tới anh chị, em nhớ đến một bản nhạc hồi xưa cải lời: “Nhà Bà Nông có thầy Thành ngồi ở đó. Đêm đêm thức khuya, để nói chuyện cùng O Lan. Sáng mai dậy sớm đi dạy học trường La San. Lòng động lòng lo có Chú Tuấn, con ông Chấp, đang đi sĩ quan…”. Không biết anh chị còn nhớ bài hát đó nữa không? Nhắc lại, chút dĩ vãng gian nan một thời cho các cháu nhớ, để thương cảm ba mẹ các cháu hơn.

Viết đến đây, lại nhớ tới ông bà Nông. Ông Nông là con người đạo đức, đẩy đà trong chiếc áo bốn túi. Bà Nông, một ngưòi vợ vui vẻ, tươi cười trong lời ăn tiếng nói mặn mà tình quê. Cũng không quên cầu chúc cho chú Nam được thắm duyên, bên đoá hoa đồng nội, vừa rẽ sóng đưa duyên sang (2006).

Xem tiếp Soi bóng người xưa Phần II

Nguyễn Vĩnh Căn

 

Check Also

Nắng! Nóng! Cực Nắng!!! Lạy trời mưa xuống…

Những ngày gần đây, trời Ban Mê nói chung, và Châu Sơn nói riêng đang …