Dzô! Dzô! Dzô trong tiệc cưới là thiếu Văn Hóa???

 

DZÔ! DZÔ! DZÔ! Trong Tiệc Cưới,

Là Thiếu Văn Hoá???

 images (15)

          Ngày trước, đám cưới ở Châu Sơn thường hay tổ chức vào tháng 12 sau mùa vọng cho đến tết và tới mùa chay thì ngừng và phải qua tuần bát nhật Phục Sinh – cuối tháng tư, lại bắt đầu cho đến tháng 6, 7 là hết. Nhưng bây giờ, dân số ngày càng đông thì hầu như đám cưới quanh năm. Dĩ nhiên là con dân ngoan đạo, phải trừ hai mùa vọng và mùa chay là cấm kỵ rồi (nhưng nếu ai muốn tổ chức vào những mùa đó, Giáo hội vẫn cho phép). Và đám cưới liên tục như thế, sẽ có những điều bất cập trong việc tổ chức đám cưới. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến:

DZÔ! DZÔ! DZÔ! Trong tiệc cưới, Là thiếu Văn Hoá???

          Năm 2006 Châu Sơn kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ, có phát hành Kỷ yếu, ghi nhận một chặng đường lược sử GX đã đi qua…Trong đó có bài viết: “Ở một nơi ai cũng quen nhau” của tác giả NVT.

          Có lẽ, tác giả NVT là người có phần hồi hộp để chờ đón sự phản hồi nơi độc giả hơn cả. Hình như tác giả sợ rằng: Mình đơn độc lẻ loi để đi ngược lại Kỷ yếu của GX Thánh Mẫu Đà Lạt, khi có bài viết: Dzô! Dzô! Dzô! Trong tiệc cưới là hành động thiếu văn hoá, là man di mọi rợ.

          20130303e

Chính vì e ngại và dè dặt khiến tác giả  khiêm tốn đến mức thiếu tự tin để phải đưa ra lời biện bạch dài 11 dòng đặt trong dấu móc đơn. Chưa hết, tác giả còn rào đón trước khi kết bài với câu: (Thôi chỉ xin góp ý vậy. Một tập tục nếu không hợp lý sẽ bị đào thải, hãy chờ xem)

        Thực tình trước khi lên bài, tác giả có nhờ tôi góp ý về điều này. Tôi thấy lời giải bày của tác giả rất có lý khi viết:

          “Điểm quy đồng của đám cưới là niềm vui. Niềm vui của chủ hôn vì đó là mong đợi. Niềm vui của khách mời với ý nghĩa là đến chúc mừng và chia sẻ cho nhau niềm vui lứa đôi. Niềm vui đó thể hiện bằng nhiều cách thế, những lời hay ý đẹp dành cho nhau. Những câu hát ân tình vang lên theo điệu nhạc xập xình. Tiếng cười vỡ pha lê và thỉnh thoảng vang lên đâu đó tiếng mời nhau dzô dzô dzô! Tạo cho bầu khí đám cưới một tinh thần sảng khoái hoà nhập, và có một tinh thần đoàn kết trong cách vui”.

          (Tôi hiểu rằng có nhiều người dị ứng với tiếng dzô dzô này. Cho đó là thiếu văn hoá.Thậm chí ai đó còn cho là bọn man ri mọi rợ. Xin hãy bình tĩnh một chút, xin hãy mở rộng lòng ra. Bao dung hơn. Phóng khoáng hơn. Kết án như vậy có khắt khe quá chăng? Cuộc đời đâu phải là tu viện. Thực ra lúc mới nghe tôi cứ ngợ ngợ. Nhưng nghĩ lại thấy có thể chấp nhận được. Chỉ là biểu thị niềm vui, một niềm vui chung mang tính cộng đồng, một cách mời mọc công khai. Chỉ đơn giản là thế. Không lẽ như thế là thiếu văn hoá, là man di mọi rợ? Sao lại cho là phàm ăn tục uống nhỉ? Thực ra một đám cưới bia rượu chỉ có hạn. Tiêu chuẩn một két Sài gòn là hết đát. Chía đều, quá lắm cũng chỉ mới mỗi người hai chai làm sao say sỉn nổi, làm sao mất tư cách? Tôi thiết nghĩ, các bàn tiệc mà không  cùng nhau vui vẻ cứ cúi trôốc ăn hoặc cả bàn dồn cho 3,4 tay uống kìn kìn, đó mới là chuyện đáng nói. Thôi chỉ xin góp ý vậy. Một tập tục nếu không hợp lý sẽ bị đào thải, hãy chờ xem).

        Đọc đoạn văn trên, tôi rất đồng cảm với tác giả. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy ái ngại khi tác giả dám đưa lên tập kỷ yếu của GX, e rằng các GX khác sẽ đánh giá GX Châu Sơn mình lại a tòng với một hành vi thiếu văn hoá – đang được định hình để trở thành một định kiến xã hội.

        Có một điều mà tác giả quên đề cập đến: Tiếng hô Dzô Dzô! Phải đúng lúc, đúng nơi và không được quá lạm dụng. Không thể trong lúc hai họ đang lễ nghi, trao quà cho đôi bạn, hay lễ gia tiên của đôi tân hôn, phát biểu cảm tưởng, hay làm dấu khai tiệc…mà ở dưới cứ hô hoán Dzô dzô, là hành vi thiếu tôn trọng chủ hôn…Và khi đó, hành vi ấy mới là thiếu văn hoá.

         Chính LM quản xứ, ban đầu cũng có định kiến đó, nhưng về sau ngài thấy đó là một sinh hoạt rất đời thường của một đám cưới, ngài cũng đồng ý rằng: Có phát động dzô dzô như thế thì đám cưới mới nổi đình nổi đám râm vang vui cả chủ hôn lẫn khách mời.

        Một thời gian sau khi bài viết ra mắt bạn đọc, không biết có phải vì bài viết mở lối, mà được đông đảo mọi người ngày càng hưởng ứng một cách rộng rãi và trở thành một thói quen không thể thiếu trong các tiệc cưới. Và mỗi lần có tiệc cưới thì rân vang, bàn này đến bàn kia phát động: 1,2,3 dzô!!! Tưởng chừng như hội chứng Domino, lan rộng khắp bàn tiệc, kể cả phái nữ, các chị sồn sồn cũng đua theo.

          Một người bạn ở GX khác, sau khi đọc bài viết đã cảm kích và thổ lộ khi gặp tác giả: “Cám ơn anh đã rửa tiếng thị phi cho GX bọn em, vốn vì những hành động dzô dzô như thế mà bị xem là thiếu văn hoá, là man di mọi rợ”.

          Đành rằng: Chân lý không phải khi nào cũng thuộc về đám đông. Và chúng ta chờ đợi thời gian sẽ trả lời: Để một hành động trở thành một hành vi văn hoá, sẽ trở thành một tập tục tốt?

          Chỉ mới cách đây chưa đẩy 7 năm, có những hành vi văn hóa tưởng là chân lý không có “chi lấn” được, thế mà nay, hình như, hành vi đó đang dần bị thoái trào!!??

          Một vài năm trở lại đây, bỗng dưng trong tiệc cưới, tiếng hô: 1,2,3 dô! dần thưa thớt. Ngay cả các MC cũng đã thay đổi cách hô, phát động cụng ly chúc mừng cô dâu chú rễ bằng: 1,2,3 Chúc mừng! Ban đầu nghe, có vẻ không sướng tai bằng chữ dzô, nhưng thấy có cái chi đó thanh cao, lịch lãm hơn. Tôi nghĩ, có lẽ, chỉ trong GX mình đổi thay, nhưng không ngờ đi dự tiệc ở Hoàng Lộc II(BMT), MC cũng hô khẩu lệnh như thế.

          Dần dà mọi người hiểu ra rằng: tiệc cưới là cái tổng thể của chung: quan khách và hai họ tộc, chủ hôn, đôi tân hôn, chứ không phải của riêng một bàn, một nhóm nào để hô phong hoán vũ mặc sức…Cách hô như thế sẽ rất dị ứng với những khách lạ, và vô tình có một nhóm mượn bia của chủ hôn để tự tung tự tác làm nổi riêng bàn mình…Phải chăng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của người ngoài khi đánh giá về Châu Sơn mình!!??

          Thử phân tích một chút về từ “dô”. Dzô có nghĩa là vào, đọc theo giọng miền nam, chứ trong tự điển Việt Nam không hề có từ “dô” và “dzô” này. Tiếng Việt chỉ có chữ vô nghĩa là vào. Thực ra, để phát động uống tập thể, chẳng có từ nào thích hợp, nghe sướng tai hơn từ dô, nó tượng thanh và cả tượng hình. Nhưng trong tiệc cưới, nghe sao nó “ốc dộc”, gợi ý đến cả chuyện nhạy cảm dô khác nữa.

          Rất đáng mừng, vì lớp trẻ đã sớm ngộ ra, để ý thức được việc thay đổi văn hóa đó cho phù hợp với xã hội, nếu không, cả thiên hạ thay đổi mà chỉ còn Châu Sơn, thì quả là lạc hậu, đáng buồn lắm thay!!!

          Tuy nhiên, văn hóa hô: 1,2,3 Dzô!!! ở xứ Châu, chẳng những không hề bị mất đi, mà vẫn còn được tồn tại, hô râm vang, nổ ra như pháo Liên Châu trong các bữa tiệc gia đình, sinh hoạt: nhóm, toán, sinh nhật, tân gia…Có lẽ, ở những khung cảnh đó, những góc riêng đó, việc biểu hiện niềm vui tập thể là chấp nhận được phải không các bạn!      

          Quý con dân Châu Sơn ở mọi miền đất nước và hải ngoại thì sao? Bà con có ý kiến gì về văn hóa 1,2,3 dô! này trong tiệc cưới không? Xin được bày tỏ lên website, để chúng ta có một cái nhìn tổng diện về mặt bằng văn hóa xã hội, nhằm đưa ra nhận định đâu là văn hóa? đâu là thiếu văn hóa???

          Các bạn sinh viên ơi! Các bạn có điều kiện tiếp xúc nhiều vùng miền của đất nước, các bạn thấy văn hóa hô 1,2,3 dô! trong tiệc cưới thế nào? Xin hãy bày tỏ lên website cho vấn đề được sáng tỏ .

          Người viết cũng chỉ đưa ra vấn đề, chứ không dám khẳng định điều nào là sai, đúng!!!

          Rất mong được các bạn đọc góp ý!

          Mọi góp ý xin gửi về: tienducchauson@gmail.com

          Hoặc: nguyenvinhcan@gmail.com

Nguyễn Vĩnh Căn

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …