Trở lại đạo Công Giáo. Sau 20 năm theo Phật giáo
tienducchauson
30/07/2014
Hoa thơm cỏ lạ
1,988 Views
Trở lại đạo Công Giáo
Sau 20 năm theo Phật giáo
Paul Williams, một giáo sư người Anh đã khám phá ra chân lý Kitô giáo
Khi quan sát khuynh hướng tôn giáo của người Âu Mỹ ngày nay, người ta nhận thấy rằng một số không nhỏ trong họ, mà đa số thuộc thành phần lớp người trẻ, đã tỏ ra lãnh đạm thờ ơ đến bỏ quên đức tin Kitô giáo truyền thống của cha ông mình để đi tìm hiểu và gia nhập các tông phái Phật giáo tại các nước Á Châu, nhất là ở Ấn Độ và Tây Tạng.
Vì thế, trong những dòng sau đây, trước hết chúng ta thử tìm hiểu những tương đồng và dị biệt giữa Kitô giáo và Phật giáo.
Những điểm tương đồng giữa Phật giáo và Kitô giáo
Thoạt nhìn qua, người ta nhận thấy rằng xét về phương diện luân lý thực hành, giữa Phật giáo và Kitô giáo có những điểm tương đồng, như:
– Từ bi – bác ái;
– Lấy ân báo oán, hỉ xả – Không hận thù, nhưng tha thứ và chúc phúc cho kẻ làm hại mình;
– Đáp trả lại bạo động bằng sự nhẫn nhục và tình yêu thương;
– Không để lòng mình dính bén vào các sự vật chóng qua, nay còn mai mất;
v.v…
Những điểm dị biệt cơ bản
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu và nghiên cứu một cách khách quan và đầy đủ, người ta sẽ nhận thấy được rằng những giáo lý cơ bản của hai tôn giáo lại hoàn toàn khác biệt nhau; và ngoài phạm vi luân lý thực hành ra, hầu như không có điểm gặp gỡ chung giữa hai tôn giáo.
Điểm dị biệt cơ bản đầu tiên và quan trọng nhất giữa Kitô giáo và Phật giáo, là:
– Trong khi Kitô giáo là một tôn giáo hữu thần và độc thần, thì Phật giáo lại là một tôn giáo không chấp nhận sự hiện hữu của thần linh, hay nói cách khác, là một tôn giáo vô thần; hay còn nói đúng hơn nữa, Phật giáo là một nền triết học duy linh, một siêu hình học. Bởi vậy :
+ Trong khi Kitô giáo tự khẳng định các tín lý của mình bằng một nền thần học phong phú, thì Phật giáo lại chỉ khai triển các suy tư tín ngưỡng của mình trong phạm vi triết học.
Đúng vậy! Ở đây chúng ta thử đưa ra một vài điểm khác biệt cơ bản thực tế; chẳng hạn, trong khi:
+ Kitô giáo tin có một Thiên Chúa duy nhất, và là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã dựng nên và điều khiển toàn thể vũ trụ hữu hình và vô hình; thì Phật giáo lại hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chính Đức Dalai Lama, Giáo chủ Phật giáo Tây Tạng, đã tuyên bố là trong Phật giáo không có vấn đề đức tin.
+ Kitô giáo tin rằng mỗi người có linh hồn bất tử, thì Phật giáo lại chối bỏ sự hiện hữu của bản ngã mỗi người: Mọi sự đều sắc không, nên không được chấp ngã và chấp ngoại.
+ Kitô giáo tin rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm trước tòa Thiên Chúa về mọi hành động thiện ác trong cuộc sống trần gian của mình với sự thưởng phạt công minh rõ ràng, thì Phật giáo lại chủ trương tình trạng «quả báo» hay «nghiệp chướng» sẽ phải kéo dài trong một chuỗi luân hồi vô tận. Nhưng người ta tự hỏi: Quyền lực tối cao nào đã thiết lập và rồi giám sát luật quả báo hay nghiệp chướng kia? Câu trả lời vẫn bị bỏ ngõ!
Qua đó chúng ta nhận thấy rằng khi một Kitô hữu muốn trở thành một người Phật tử, thì người đó phải đảo lộn toàn bộ cuộc sống của mình để xây dựng nó lại trên một nền tảng hoàn toàn xa lạ khác. Và ngược lại, khi một Phật tử từ bỏ Phật giáo để gia nhập Kitô giáo, thì người đó phải làm một cuộc thay đổi tuyệt căn trong mọi nhận thức và tư duy nội tại của mình. Nghĩa là người đó phải trải qua một cuộc hành trình nội tâm đầy vất vả: Từ chỗ trống rỗng vô thần bước sang ngưỡng cửa hữu thần; từ cõi hư không vô chủ tuyệt đối bước vào trong vũ trụ đầy ắp sự hiện hữu của Thiên Chúa Tạo Hóa; và sau cùng, từ vô ngã bước vào cõi hữu ngã; nói cách khác: Tôi không phải là cái gì vô hữu, hiện hữu mà thực ra không hiện hữu, chỉ hợp rồi lại tan; nhưng là một nhân vị hiện hữu thực sự. Chẳng những thế, tôi còn được thông phần vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, được gọi Người là Cha. Giữa Thiên Chúa và tôi luôn có một sự tương quan mật thiết.
Kinh nghiệm của một vị giáo sư
Những cảm nghiệm trong những cuộc hành trình nhận thức nội tâm từ Kitô giáo bước sang Phật giáo và từ Phật giáo quay trở về với Kitô giáo như chúng ta vừa trình bày trên, chính là kinh nghiệm bản thân và thực tiễn của Paul Williams.
Vốn được rửa tội và lớn lên trong Anh giáo, nhưng ngay từ khi còn trẻ Paul Williams đã say mê và miệt mài nghiên cứu môn học về các tôn giáo Á Châu, và anh đã trở thành giáo sư về môn học đó tại đại học University of Bristol. Ngoài ra, anh còn là chủ tịch của Hội nghiên cứu Phật giáo của Vương Quốc Anh «United Kingdom Association for Buddhist Studies» trong một thời gian dài, nghĩa là Paul Williams là một người rất thâm tín Phật giáo.
Nhưng với bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Từ những hiểu biết về Phật giáo như thế, Paul Williams đã quyết định tin theo Phật giáo. Năm 1978, Paul Williams trình luận án tiến sĩ và cũng chính năm đó anh đã chính thức gia nhập Phật giáo. Tại Anh Quốc anh là người Phật tử nỗi danh, hăng hái truyền bá giáo lý giải thoát của Phật giáo, tức: Tự giác giác tha. Paul Williams quả là một người có lập trường dứt khoát: Vâng, đối mặt với những khuynh hướng tương tự nơi Hans Küng hay Raimundo Panikkar, Paul Williams luôn khẳng định sự bất dung hoà giữa Kitô giáo và Phật giáo.
Khúc quanh bất ngờ
Nhưng sau 20 năm sống như một Phật tử, Paul Williams đã bắt đầu nghi ngờ về cuộc sống tôn giáo của mình. Sự vô lý và thiếu lô-gích của thuyết luân hồi, cũng như lối sống đạo đức được phát sinh từ thuyết luân hồi đã khiến ông phải suy nghĩ nhiều về thái độ nhận thức tín ngưỡng từ trước tới nay của mình.
Cũng như nhiều người Tây phương khác từng say mê Phật giáo, Paul Williams cũng đã chủ trương rằng Kitô giáo bị chi phối bởi những tín điều vô lý; chỉ có Phật giáo mới phù hợp và đi đôi với những tri thức của khoa học tự nhiên tân thời. Vâng, trong khi chân lý của Phật giáo có thể kiểm chứng được qua sự phân tích triết học và qua sự suy niệm thực hành, thì Kitô giáo lại đề xướng một đức tin bất hợp lý và loại bỏ sự tham gia của lý trí.
Nhưng bây giờ, Williams đã gặp gỡ được thánh Thôma Aquinô, say mê nghiên cứu các sách vỡ của thánh nhân và suy tư tìm hiểu quan điểm triết học của ngài về Kitô giáo. Paul Williams đã nhận ra được rằng đức tin vào Thiên Chúa hoàn toàn không hề phản lại lý trí.
Hơn thế nữa, nay Paul Williams còn quả quyết là hình ảnh con người trong quan niệm Phật giáo rất lẻ loi và tiêu cực, trái lại hình ảnh con người trong Kitô giáo hoàn toàn tích cực. Williams viết: «Nếu giả như Phật giáo là chân thực… thì cuối cùng đối với hầu như tất cả chúng ta, cuộc sống cực khổ hiện tại cũng chỉ là hư không, hoàn toàn vô giá trị… Nhưng nếu đức tin Kitô giáo là chân thực, thì bấy giờ cuộc sống chúng ta – cuộc sống cá nhân của chúng ta – có một giá trị vô tận và tất cả chúng ta – xét như những nhân vị – sẽ có được khả năng có thể đạt tới được sự hoàn thiện viên mãn.»
Trong niềm hy vọng đó, Paul Williams đã quay trở về với đức tin Kitô giáo. Tuy nhiên, Paul Williams không trở lại với Giáo Hội Anh giáo mà trước kia ông đã được rửa tội, nhưng là gia nhập Giáo Hội Công Giáo với tất cả sự xác tín. Ông viết: «So sánh với đức tin Công Giáo, tôi nhận thấy rằng tất cả truyền thống Tin Lành, nhiều hay ít, chỉ biểu lộ một sự nghèo nàn sâu xa trong lãnh vực tinh thần và tâm lý.»
Trong ngày Lễ Phục Sinh năm 2000, Paul Williams đã được gia nhập Giáo Hội Công Giáo tại nhà thờ chính tòa Bristol.
Trong thời gian quay trở về với Kitô giáo, Paul Williams đã viết một loạt bài suy tư triết học mà ông đặt cho cái tên là «Những suy niệm phân tích.» Trước hết, qua những suy tư đó, Williams chỉ muốn tự trần thuật lại sự sám hối của mình mà thôi. Nhưng khi các bạn hữu Phật tử của ông phê bình và chỉ trích sự trở lại Công Giáo của ông, Williams đã cho xuất bản tập tùy bút như «Apologia và Confessio», như sự bào chữa và tuyên xưng đức tin đó thành một cuốn sách, tựa đề là: «The Unexpected Way: On Converting from Buddhism to Catholicism», xuất bản năm 2002 tại T &T Clark, Edinburgh/New York.
Trước hết, trọng tâm nội dung cuốn sách này là sự ghi nhận những cảm xúc mang tính cách cá nhân của tác giả. Nhưng những tư tưởng được trình bày trong đó còn mang một ý nghĩa đặc biệt, vì chúng phân tích và đánh giá niềm tin Kitô giáo trong tương quan với Phật giáo.
Những suy tư và nhận định của tác giả hoàn toàn được khoanh tròn trong chính sự việc; nói cách khác, sự phê bình Phật giáo của tác giả trước hết được nhấn mạnh trong:
– Vấn đề về một vũ trụ quan vô thần và mang tính cách máy móc của Phật giáo;
– Một nền đạo đức thiếu hợp lý, vì một đàng Phật giáo chủ trương thuyết nhân quả hay nghiệp chướng, tức có sự báo oán đền bù; nhưng một đàng khác Phật giáo lại phủ nhận bản ngã của tác nhân.
Trong khi đó qua giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, đức tin Kitô giáo được trình bày một cách rõ ràng. Còn đối với những luồng tư tưởng thuần lý của một nền thần học mới, tác giả kết luận rằng:
– Sự Phục Sinh của Đức Giêsu là là một thực tại có tính cách lịch sử, chứ không chỉ là mã số cho việc tồn tại của sứ điệp của Người.
– Sự hiện diện thực tiễn của Đức Kitô trong Bíc tích Thánh Thể và sự đồng trinh của Đức Maria chỉ có vẻ như nghịch lý.
Thật ra, để làm cho niềm tin Kitô giáo thêm phần khả tín, thì việc suy tư về những điều lạ thường và những điều huyền nhiệm là một việc cần thiết. Tiếp đến, một câu hỏi được đặt ra là sự diễn tiến nội tại của đời sống tâm linh con người như thế nào, điều mà Phật giáo vẫn chủ trương là hành vi của chủ thể, tức sự tự giác? Paul Williams cảnh cáo rằng đối với người Kitô hữu, mục đích sau cùng của cảm nghiệm tôn giáo là sự tương quan tình yêu với Thiên Chúa, điều mà người Phật tử hoàn toàn phủ nhận. Williams viết: «Bởi vậy, người Kitô hữu cần phải cẩn thận, chứ không thể dễ dàng chấp nhận lối tham thiền của Phật giáo một cách vô điều kiện.»
Đây là một cuốn sách được viết một cách dè dặt và hoàn toàn tập trung vào chủ đề, thỉnh thoảng cũng được tác giả thêm thắt vào những câu chuyện vui hài hước thanh nhã, nhưng luôn luôn thân thiện và đầy tính cách đối thoại. Và như đã nói trên, cuốn sách mang đầy những cảm xúc cá nhân của tác giả, nhưng nó cũng chứa đựng những bất đồng triết học quan trọng đối với Phật giáo. Phải chăng đây là một sự trùng hợp thích thú và cần thiết ngay chính trong thời đại «Thần học các tôn giáo» và cho những cuộc đối thoại liên tôn hiện nay?
Sách tham khảo
Paul williams, “Mein Weg zu Buddha und zurück: Warum ich wieder Christ bin”. Bản dịch của Katrin Krips-Schmidt. Pattloch Verlag, Mènchen 2006.
Lm. Nguyễn Hữu Thy