Một lời cám ơn

 

 

Đây là một bài học rất giá trị cho mọi người , mọi thành phần trong xã hội hiện nay , một lời cám ơn đối với người khác không đem lại lợi lộc gì cho người nhận lời cám ơn nhưng nó chứng tỏ nhân cách và sự hiểu biết của chúng ta về cách đối xử với những ngưòi xung quanh khi nói lời cám ơn người khác , lời cám ơn là thói quen rất đẹp và lịch sự của bất cứ tầng lớp dân trí nào trong xã hội văn minh vì nó chứng tỏ con người hơn tất cả những động vật khác trên trái đất về cách đối xử với nhau hàng ngày bằng lời cám ơn đơn giản không tốn kém gì cả , tại sao lại không làm ?

Một lời cám ơn

Bùi Bảo Trúc

Hôm 1 Tháng Mười Một vừa qua, trong cuộc thi tuyển người mẫu ở Việt Nam, một thí sinh sau khi nhận được điểm khá cao của ban giám khảo để thi tiếp cuộc thi, đã đi thẳng vào trong hậu trường thật nhanh. Ngay lập tức, cô bị Adam Williams, một giám khảo người Úc, gọi trở lại và thông báo quyết định của ông. Ông đổi ý và không muốn để cho cô tiếp tục thi vòng sau nữa.

Lý do ông cho biết là vì cô đã không biết chào và cám ơn ban giám khảo. Cả ba giám khảo kia cũng đồng ý với chuyên gia về trình diễn thời trang người Úc.

Các bản tin trên báo đều không cho biết khi được thông báo quyết định đó, cô thí sinh này có nói gì không. Nếu cô trở ra, đến trước các giám khảo, nói một câu, một câu ngắn thôi, đại khái cô xin lỗi, nói là vì cô quá hồi hộp, lo sợ, mất bình tĩnh bởi thế nên đã quên cám ơn giám khảo. 

Cô xin lỗi và xin cám ơn số điểm cô nhận được từ ban giám khảo để có thể thi tiếp. Tôi tin chắc những người ngồi ghế giám khảo nếu nghe cô giải thích như thế sẽ đổi ý và cô sẽ được cho thi tiếp. Nhưng hình như cô không nói gì nên các giám khảo phải cho cô về nhà. Cô đã đánh mất cơ hội cô đã gần như đã chắc nắm trong tay để bị loại, không được cho tiếp tục cuộc thi chỉ vì không biết nói lời cám ơn khi nhận được điểm tốt của những người chấm thi.
Sau khi bản tin về cô xuất hiện trên báo thì đã có nhiều độc giả gửi thư cho tòa báo, cho ý kiến về quyết định của ban giám khảo. Một số đồng ý với việc cô bị loại, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cô dự thi làm kiểu mẫu thì nếu đủ tiêu chuẩn làm kiểu mẫu thì cô phải được cho tiếp tục. Cuộc thi không tuyển người lễ phép, lịch sự thì tại sao đánh hỏng cô. Đó là ý kiến của khá đông người. Và chi tiết đó là điều đáng nói ở đây.

 Những câu chào hỏi thường ngày, những câu cám ơn đã biến mất trên miệng của (đa số) người Việt Nam từ bao giờ?

 Người đàn ông Úc ngồi ghế giám khảo đã phải mấy lần quay sang hỏi các giám khảo người Việt rằng tại sao họ (các thí sinh) không biết chào và cám ơn ban giám khảo. Như vậy không phải chỉ một thí sinh không biết nói câu cám ơn, mà còn cả những người khác nữa. Nhưng có thể những người kia không được điểm cao nên không thèm cám ơn ban giám khảo. Đến cô thí sinh được cho điểm cao để tiếp tục thi thì cũng đi thẳng vào trong hậu trường nên Adam Williams mới gọi lại và loại cô khỏi cuộc thi.
 Chuyện không biết những phép lịch sự tối thiểu trong cuộc sống hàng ngày đã được nói tới rất nhiều lần. Những người hành xử thiếu văn hóa đó thuộc đủ mọi thành phần ở Việt Nam. Đa số là người ở miền Bắc, nhưng nay, hình như cách hành xử thiếu văn hóa đó đang đi tới nhiều nơi khác nữa. Những người Việt sống ở nước ngoài khi về Việt Nam thường bị nhận ra ngay khi mở miệng ra là cám ơn và xin lỗi lia lịa. 

Trong nước, những cách ăn nói lịch sự đó không còn thấy nhiều nữa. Nhưng thực ra, lối hành xử văn minh, lịch sự cũng đang dần biến mất ở cả những người Việt sống ở ngoài Việt Nam nữa chứ không phải chỉ riêng tại Việt Nam.
 
 Lái xe trên đường mà nhường đường cho đồng hương rất ít khi nhận được một nụ cười, một cái khoát tay, vẫy tay. Mở cửa nép sang một bên nhường cho đồng hương đi trước cũng không một cái nhếch mép làm như thể vừa giúp kiếm cho việc mở cửa cho mình không bằng. Lúc ấy chỉ muốn làm như ông Bá Dương, tác giả cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí, là buông tay ra, cho cánh cửa sập lại cho vỡ mặt cái thằng cha hay cái con mẹ nghiêm và buồn vời vợi (?) cho bõ ghét. Những chuyện như thế ngày nào tôi cũng gặp hai ba lần ở đây.
 
 Chỉ khi nào những câu cám ơn, những lời xin lỗi đó trở thành những phản xạ, những hành động tự nhiên, một thứ “second nature” tự động bật ra thì may ra những cách hành xử như cô thí sinh thi làm người mẫu mới không xảy ra nữa.
 
 Tiếng Anh có cả chục cách nói cám ơn. Hay nhờ đó, rất ít khi xảy ra chuyện như cô thí sinh nọ. “Thank you…thanks a million…thanks a lot…much obliged…I do appreciate it…thank you very much indeed… thanks a whole lot…from the bottom of my heart…I can’t thank you enough…what would I do without you…you are an angel…you are too kind… you are the best…thanks a bunch…I don’t know how to thank you, but thank you so much…”

 Cô thí sinh bị loại thực ra cũng lại không là người chim sa cá lặn gì cho cam. Cô chưa là “top model” mà đã như vậy. Thử hỏi nếu cô thắng cuộc thi và trở thành người mẫu hàng đầu thì cô còn thiếu văn hóa như thế nào nữa.
 
 Có một câu không biết của ai, nhưng nếu cô cư xử được như thế này thì hay biết bao: “It is nice to be important but it is important to be nice” (Là người quan trọng thì cũng hay đấy, nhưng chuyện quan trọng là phải tử tế với mọi người).

 Cô chưa là cái gì mà đã như thế thì khi cô trở thành “top model” thì cô còn thế nào nữa? Đó là học tập theo gương đạo đức của bác Hồ chăng? Cháu ngoan của bác mà thiếu văn hóa vậy sao? Cái nết đánh chết cái đẹp. Nhưng cái đẹp cũng không có được bao nhiêu, lại thêm không có nết thì bị đuổi là phải.

 Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.

 

Check Also

Tiền bạc có thể mua cả triệu thứ, nhưng tiền bạc không mua nổi một thứ!!!!

Xin hãy ghi nhớ, bao nhiêu tiền bạc cũng không mua nổi một ngày Trên …