22.6 C
Buon Ma Thuot
Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024
More

    CẦU NGUYỆN BẰNG CHUỖI MÂN CÔI

    CẦU NGUYỆN BẰNG CHUỖI MÂN CÔI

    Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân côi.  Suốt tháng này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt.  Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng.  Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

    Mân côi chính là hoa hồng.  Như thể, bằng chuỗi Mân côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.

    Lịch sử chuỗi Mân côi là một hành trình dài.  Hành trình đó mang nhiều gợi ý.  Những gợi ý này có thể giúp chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi một cách sốt sắng, vừa hợp với truyền thống, vừa sát với thời sự.

     image003

    Chuỗi Mân côi đốt lên lửa mến

    Lịch sử cho thấy kinh Mân côi được thành hình do động lực sùng kính Đức Mẹ.  Người được nhắc tới nhiều trong lịch sử kinh Mân côi là thánh Đaminh, đấng sáng lập Dòng Giảng thuyết.  Ngài qua đời năm 1221.  Một số tài liệu quả quyết rằng chính Đức Mẹ đã trao cho thánh Đaminh chuỗi Mân côi.  Xung quanh thánh Đaminh còn một số tu sĩ nhiệt thành, như tu sĩ Dominique dòng Chartreux thành Trèves, tu sĩ Alain de la Roche dòng Đaminh thành Lille.

    Các vị này đã có những đóng góp quan trọng.  Tất cả các ngài đều là những tông đồ của Đức Mẹ.  Với lòng xác tín, hăng hái, nhiệt thành, các ngài rao giảng, truyền bá kinh Mân côi.  Trước hết là trong các cơ sở Dòng, sau là tại các giáo xứ của nhiều giáo phận Âu Châu.

    Phong trào đọc kinh Mân côi sau đó được tổ chức thành các hiệp hội.  Các người trong hiệp hội liên đới với nhau bằng chia sẻ đời sống thiêng liêng.  Nhận thấy phong trào kinh Mân côi đem lại nhiều kết quả lớn lao và mau lẹ cho đời sống đức tin, Toà Thánh đã công nhận, khuyến khích và ban nhiều ân xá.

    Năm 1475, tại Cologne, chính hoàng đế nước Đức là Fredéric III, hoàng hậu và hoàng tử đã xin ghi tên vào hội kinh Mân côi.  Nhờ vậy, chuỗi Mân côi có thêm uy tín.  Uy tín đó không phải là lý do để phong trào kinh Mân côi lan rộng.  Lý do lan rộng chính là tính cách Kinh Thánh và bình dân của chuỗi Mân côi.

    Các lời kinh của chuỗi Mân côi đều được đúc kết từ Kinh Thánh.  Các mầu nhiệm suy gẫm trong chuỗi Mân côi cũng được rút ra từ Kinh Thánh.  Số 150 kinh Kính Mừng cũng là để nhớ lại số 150 thánh vịnh của Cựu Ước.

    Tuy nền tảng là Kinh Thánh, nhưng chuỗi Mân côi được sắp xếp một cách bình dị, dễ đọc, dễ hiểu, hợp với bình dân.  Miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tay lần chuỗi hạt, đó là một hình thức đạo đức bình dân thấy có ở nhiều tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Hồi giáo.  Với hình thức đạo đức này, kinh Mân côi đã đốt lên lửa mến trong các tâm hồn.  Nhiều tâm hồn trước kia nguội lạnh đã được ơn trở về.

    Chuỗi Mân côi thắp sáng niềm hy vọng cứu độ

    Lịch sử cho thấy: Khi khấn cầu ơn nọ ơn kia, nhiều người đã dựa vào chuỗi Mân côi như một nguồn để tìm sức mạnh cậy trông.

    Năm 1571, trước cơn đe dọa đạo Chúa bị tàn phá, Đức Thánh Cha Piô V, đã truyền cho Hội Thánh cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi, với hy vọng Chúa sẽ cứu.  Khấn cầu đó đã được Chúa chấp nhận. Chiến thắng ở vịnh Lepante ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã là cơ sở để Đức Thánh Cha thiết lập lễ Đức Mẹ Mân côi.  Hằng năm cứ đến ngày 7 tháng 10, Hội Thánh đề cao chuỗi Mân côi như một nguồn hy vọng.

    Năm 1629, trước cơn dịch tả nguy hiểm lan rộng trên nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci đã lập ra chuỗi Mân côi liên tiếp.  Thầy tính rằng: Mỗi năm có 8.760 giờ.  Căn cứ vào đó, thầy làm ra 8.760 tấm vé. Mỗi vé ghi tháng, ngày, giờ, rồi cho rút thăm.  Ai được vé nào thì cam kết đọc chuỗi Mân côi tháng ngày giờ đó.  Mục đích có ý xin ơn chết lành cho những người hấp hối, xin ơn trở lại cho những người tội lỗi, xin ơn bình an cho các dân tộc.

    Từ sáng kiến đó, phong trào kinh Mân côi liên tiếp được thành lập và lan rộng.  Năm 1657, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII chấp nhận phong trào đạo đức này, và ban cho nhiều ân xá.

    Năm 1826, trước nhu cầu truyền giáo cho các vùng xa xôi, bà Pauline Jaricot, thành Lyon, đã có sáng kiến lập ra phong trào “Kinh Mân côi sống.”  Cứ 10 nguời thì thành một nhóm nhỏ.  Mỗi người trong nhóm cam kết đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày.  Hơn nữa, mỗi người trong nhóm sẽ tìm thêm 5 người.  Năm người này cũng hứa đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày.  Và cứ thế nhân lên số người đọc kinh Kính Mừng.

    Mỗi tháng, bà Pauline phổ biến cho các nhóm một bản suy gẫm Lời Chúa, hướng về truyền giáo.

    Đầu thế kỷ XX, trước tình hình suy giảm đức tin tại Pháp, cha Joseph Eyquem lập ra những hội Mân côi.  Sinh hoạt của những người theo hội này cũng là đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày.  Ngoài ra, họ họp nhau mỗi tháng một lần. Cuộc họp không tổ chức ở nhà thờ, nhưng ở nhà tư, lúc ở nhà này, khi ở nhà khác.  Cuộc họp gồm đủ mọi thành phần.  Những tín hữu bình thường, những người ly dị, những người rối vợ rối chồng, những người xa tránh các bí tích.  Họ cầu nguyện, trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua các thử thách.

    Nói chung, khi gặp những khó khăn nguy hiểm, cả trong đạo lẫn ngoài đời, người ta đã chạy lại với Đức Mẹ.  Họ khẩn cầu Mẹ bằng chuỗi Mân côi.  Và thực sự chuỗi Mân côi đã đem lại cho các tâm hồn những hy vọng lành thánh.

    Chuỗi Mân côi mở kho tàng trái Tim Đức Mẹ

    Trước đây, chuỗi Mân côi được truyền bá bởi các thánh, và Hội Thánh. Nay, chính Đức Mẹ lên tiếng.

    Tại Fatima, khi hiện ra với ba trẻ, Phanxicô, Giacinta và Lucia, Đức Mẹ đã mang chuỗi Mân côi. Đức Mẹ cũng đã khuyên người ta hãy năng cầu nguyện kinh Mân côi.

    Tại Fatima, Lộ Đức và những nơi hành hương, chuỗi Mân côi ví như những chuỗi hoa hồng của các trái tim không ngừng dâng lên Đức Mẹ.  Còn Đức Mẹ, thì luôn mưa những hoa hồng thiêng xuống cho các người chân thành cầu khấn.  Hoa hồng nói đây là những ơn phúc phần hồn phần xác.  Ơn phúc đủ loại, nhất là ơn sám hối, ơn trở về với Chúa, ơn đổi mới cuộc đời, ơn đi sâu vào Phúc Âm, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa để trở thành cộng tác viên đắc lực của Đức Mẹ đồng công cứu chuộc.

    Các ơn Đức Mẹ ban qua chuỗi Mân côi phát xuất từ trái tim Đức Mẹ.  Trái tim ấy đầy tình thương và cũng đã chịu nhiều đau đớn, để cùng với Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh trên thánh giá.  Vì thế có thể nói, các ơn đó đến từ trên, và chảy vào trong nội tâm mỗi người.  Với nhận thức đó, chúng ta hiểu ý nghĩa lời Đức Mẹ nói với Bernadette ở Lộ Đức: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau.”  Tuy nhiên, ngay ở đời này, những ai lần chuỗi Mân côi, cũng sẽ được Đức Mẹ thương ban ơn, cách này hay cách khác.

    Hiện nay, cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải.  Kinh Mân côi sẽ giúp chúng ta tìm được lối thoát.  Lối thoát sẽ từ trên trái tim Đức Mẹ mà xuống và từ trong nội tâm ta mà ra.  Nội tâm ta cầu nguyện sám hối.  Trái tim Đức Mẹ sẽ làm chứng một cách sống động lời thiên thần đã nói với Đức Mẹ xưa: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

    ĐGM Gioan B Bùi Tuần

    Bình luận

    Bài liên quan

    Thông báo

    Chúng tôi vừa nâng cấp phần mềm lõi của website nên lượt xem của một số bài viết có thể hiển thị sai.

    Thời tiết bây giờ tại Châu Sơn

    Buon Ma Thuot
    overcast clouds
    22.6 ° C
    22.6 °
    22.6 °
    80 %
    4.2kmh
    99 %
    T5
    22 °
    T6
    26 °
    T7
    25 °
    CN
    27 °
    T2
    25 °

    Chuyên mục chính

    Bài mới