NIỆM KHÚC CUỐI CHO… THẾ HỆ DI CƯ TIẾN ĐỨC

NIỆM KHÚC CUỐI CHO…

THẾ HỆ DI CƯ TIẾN ĐỨC

          Thế hệ di cư vào Nam 1954, sinh ở Hà Tĩnh, Nghệ An hay sinh ở Mương Mán, hầu như đều là học sinh trường Tiến Đức. Những thế hệ đầu tiên lớp Nhất niên khóa (1957-1958) (lớp 5 bây giờ) Tiến Đức, tuổi cũng đã thất thập cổ lai hy. Và thế hệ lớp Nhất sau cùng của tiểu học Tiến Đức niên khóa (1972-1973) cũng đã bước vào tuổi “ngũ thập niên tri thiên mệnh”. Cái tuổi đủ để biết lễ độ thế nào là mệnh trời, để ông trời gọi lúc nào là “dạ, thưa ngài con đi đây!”.

Và sự rơi rụng kiếp người theo tháng ngày là khó tránh khỏi; khi đã qua cái thời “trẻ đeo hoa” đã lâu lắm rồi, và bây giờ là thời “già đeo tật”. Với sự sung túc của cuộc sống vật chất, càng làm cho cái mệnh của tuổi già càng chóng bị: Tai biến, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tiểu đường, tim mạch, goute…để cho mỗi khi “vòng bụng nở ra, thì vòng đời khép lại”. Đó là quy luật của tạo hóa, vận mệnh vắn vỏi của kiếp người, đành phải buồn chịu!!

Chỉ trong vòng hơn vài năm gần đây mà có đến 13 cái chết, mang danh hiệu những người con của Tiến Đức thì có não lòng không chứ!! Lớp cao niên có Trần Xuân Tân (Khiêm), Nguyễn Ngọc Nam (Hạnh) – Trần Văn Ngọc – Đặng Ngọc Toàn – Bùi Văn Thuyên – Nguyễn Thị Mai (Bà Trọng Ba) – Bà Trần Thị Linh (Bà Khoa). Lớp trung niên có Hoàng Xuân Thanh – Hoàng Thanh Hùng – Trần Thế Hùng – Đặng Thị Châu – Lưu Kim Hương…Lớp trẻ có Bùi Viết Hùng (Luyện Dương)…

Xem ra số người chết ở độ tuổi sinh 1950-1955 là nhiều hơn cả, có đến 8 người…Ngẫm nghĩ lại, trường Tiến Đức bị khai tử do thời cuộc 75, và phải mất gần 30 năm sau, khi trường xuống cấp trầm trọng, nhà nước mới giao trả lại cho GX. Đến bây giờ mái trường Tiến Đức đã được nâng cấp sửa chữa lại khá khang trang, nhưng tên gọi lại là các phòng học giáo lý: Thiếu Niên, Thanh Niên, BHG…Còn tên gọi Tiến Đức đã bị xóa sổ từ năm 75 rồi.

Nhưng thế hệ những người đã từng học trường Trung Tiểu học Tiến Đức vẫn còn tồn tại. Đa số làm nghề nông là chính, nay cũng đã về hưu, nhường sân cho con cái. Một số rất ít hiện đang làm việc cho nhà nước hoặc công ty tư nhân. Tất cả đã trở thành các đấng bậc ông bà cả rồi, thậm chí là lên chức cố ông cố bà…

Nhìn chung, thế hệ di cư học sinh Tiến Đức đã không gặp thời để được học đến nơi đến chốn. 20 năm đất nước nội chiến, vào những năm cuối thập niên 60 tất cả đều bị động viên đi lính. Số còn lại được hoãn dịch vì tu sĩ, học đại học… cũng chỉ mới học đại học năm 2, năm 3, rất ít người tốt nghiệp đại học trước 75.

Sau 75, hầu như ai cũng quan hệ dính dáng đến danh xưng mà nhà nước gán cho “Ngụy quân, Ngụy quyền”, nên bị nhà nước cho ra rìa cuộc đời. Một số đi cải tạo, số còn lại “làm phó thường dân Nam bộ” chỉ để về vườn với nương rẫy, cày sâu cuốc bẩm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” một cách nhọc nhằn.

Phải nói, thế hệ di cư này đã phải hứng chịu quá nhiều tổn thất. Cuộc sống những năm 1954, khi tranh tối tranh sáng giữa Việt Minh và Pháp, đã đem lại cho người dân thời binh đao ly loạn biết bao truân chuyên cực khổ đói rách cơ hàn. Cha mẹ sống sót sau nạn đói năm 1945, mới hoàn hồn lại, làm ăn có chút khá khấm thì bị Việt Minh đưa ra đấu tố lấy hết nhà cửa, ruộng đất hết sức khốn khổ cực nhục…

Đến 1954, chịu không nổi chế độ, thế hệ ông bà, cha mẹ, anh chị…lại bồng bế nhau chen chúc xuống tàu Ba Lan để di cư vào Nam. Khốn khổ thay, tàu Ba lan cũng một duộc XHCN để rồi cuối cùng hành hạ người dân di cư ra bã. Trời trưa nắng thì giam người dân dưới bong tàu nóng chảy mồ hôi dầm dề, còn ban đêm lạnh cóng thì đuổi người dân lên bong tàu chịu trận bao sương gió giá rét…Mục đích là để làm nản lòng những người di cư đi Nam để quay lại quê nhà…Ăn cơm thì gạo mốc hẩm thiu…Đó là lời cha ông kể lại.

Vào Nam, lên miền đất cao nguyên sơn lam chướng khí, ốm lăn lóc…Tất cả phải bắt tay làm lại từ đầu: cha rìu con rạ đốn cây, cắt tranh lợp mái, chặt tre nứa dựng nhà vách phên nứa…Cũng may, thời đó được chính phủ cấp gạo thóc, tiền bạc phủ phê…Rồi làm ăn mới được mấy năm cơm ăn áo mặc ấm no, biến cố năm 75 đã phá sản cơ nghiệp, người dân cơ khổ biết dường nào mà không bút sách nào tả xiết.

Phải chăng, vì hệ lụy sinh ra vào thời ly loạn, thế cuộc nhiễu nhương mà tuổi thọ của thế hệ này bị đoãn thọ? “Theo kết quả điều tra dân số năm 2014 cho biết: Tuổi thọ trung bình của dân số nước ta năm nay là 73,2 tuổi, trong đó nam là 70,6 tuổi và nữ là 76,0 tuổi”. Vậy mà tuổi thọ của một số người di cư học Tiến Đức chỉ vừa qua tuổi 60 mà đã sớm yểu mệnh!!!

Hình như  cái “vía di cư” quá nặng, để cứ bị sao quả tạ chiếu cố mãi. Ngay cả làm ăn kinh tế, thế hệ này cũng lận đận và thua kém đàn em xa. Tính trong làng, những nhà mái Thái, mái Tây hoành tráng, khang trang…đều không thuộc về những người con di cư học Tiến Đức…

Là thành viên trong đại gia đình Tiến Đức, nhân 60 năm ngày thành lập trường Tiến Đức, tôi xin được mạo muội phác họa lại đôi nét hình hài của các anh chị, như một niệm khúc cuối để tưởng nhớ đến các anh chị đã “về bên kia thế giới”.

ông-hạnh I– Nguyễn Ngọc Nam (Hạnh Tư) sinh 1944, con người cao và hao gầy. Có lẽ, cũng đã nhuộm đủ nắng quái, mưa dông truân chuyên với cõi đời này lắm rồi! Xem thế mà anh vẫn có cái dáng dấp của một người nghệ sĩ già, khi vẫn giữ mái tóc dài như một Hippy thời 1970.

ông toàn– Đặng Ngọc Toàn sinh 1945, con người vậm vạp và tính bộc trực. Ngày xưa là liên Trung đội trưởng Nghĩa Quân, coi 2 Trung đội. Anh còn là “nhà thơ vườn” có bút danh là Tuyên Hoàn, từng có bài thơ được đăng trong 50 năm kỷ yếu GX Châu Sơn.

 

ông khiêm– Trần Xuân Tân (Khiêm) sinh 1948, tu xuất CVK. Con người đề đặm với làn da bánh mật điểm một mai vàng, Thiếu úy QLVNCH. Có cái miệng “kim khẩu”, nói chuyện tếu táo và duyên dáng, thu hút người nghe lắm! Con người trông tuy bình dị, nhưng vẫn ít nhiều sự cao ngạo và có cá tính dị biệt trong cuộc sống.

ông ngọc– Trần Văn Ngọc sinh 1948. Con người hao gầy, cao tầm thước của một người mẫu. Vào những thời kỳ phong độ thập niên 70, vóc dáng của anh giống tài tử đóng phim của “những tay chơi anh chị”. Nếu được bình chọn người mặc Comple caravate đẹp nhất GX Châu Sơn thì, khó ai có thể bì được anh.

– Bùi Văn Thuyên sinh 1952. Con người trầm lặng, sống rất chân tình với bạn bè. Phải chăng vì bị mặc định khuôn mặt buồn chảy mà phải yểu mệnh!? Ngồi lai rai vài ly rượu tâm tình thì, khó ai tri âm tri kỷ hơn! Có giọng ca, hát nhạc xưa Bolero khá truyền cảm

ba trong ba– Nguyễn Thị Mai sinh 1953 (Bà Trọng Ba). Một con người vô tư, vui tính, nói cười hể hả…có cái “nam tính”. Nước mới, ăn trầu, hút thuốc lào, và kể cả uống rượu cũng vô tư, chơi luôn tất tần tật! Tiếc thay!! Không ngờ lại yểu mệnh đến thế!

ba linhBà: MARIA TRẦN THỊ LINH (Bà Khoa)           Sinh ngày        :  22.10.1946  

ông thanh Hoàng Xuân Thanh sinh 1954. Nếu tính ở bản địa Châu Sơn, Thanh là một con người thành đạt cả xã hội và tôn giáo: Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng xã Cư Ebur. HĐND xã 3 nhiệm kỳ. Hội trưởng hội khuyến học GX…Có chức vị trong xã hội, nhưng Thanh chơi với bạn bè rất bình dị, chí tình, thậm chí là rất chịu chơi và hào phóng với bạn bè nữa là đàng khác…Thanh xứng đáng là tiêu biểu cho sự thành đạt của lớp nhất Tiến Đức 64-65.

ông hung– Hoàng Thanh Hùng (đen) sinh 1954, Một “Dương Quá”, sở hữu làn da trặm đen và khuôn mặt hao gầy và có chút lạnh lùng pha chút cao ngạo. Nếu không là thương phế binh do chiến cuộc, ắt hẳn sẽ kiêu binh lắm đây! Một đệ tử của Lưu Linh thuộc hàng “ngoạn tửu”, “tiêu khiển một vì chung lếu láo, đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu” (Nguyễn Công Trứ).

ông hung tinh– Trần Thế Hùng (trắng) sinh 1954. Tôi học với Hùng từ thời lớp 2 (lớp tư ngày xưa). Thủa đó, tôi chơi thân với Hùng lắm! Hùng vốn trắng trẻo và đẹp trai từ hồi nhỏ. Lớn lên, khuôn mặt hao gầy giống tài tử Mỹ – Jean Dean, thập niên 50. Tính Hùng hào hoa phong nhã và hơi có chút màu dáng cải lương, nhưng lại đào hoa ra phết!  

bà châuĐậu Thị Châu 1954, một bông hoa nụ nằn, hiền hòa và dung dị như một đóa hoa lài…Sống lặng lẽ của một người vợ hiền dịu dàng để thoảng hương cho đời. Phải chăng nhớ phúc ấm ấy mà chị được Chúa trả công bội hậu, cho lên chức bà cụ, vì có con thánh hiến chức linh mục.

– Lưu Kim Hương sinh 1955: Chủ doanh nghiệp – Một trong những nhà doanh nghiệp thành đạt tại TP BuônMaThuột. Một “mỹ nữ” của trường Tiến Đức, có cái nhan sắc mây nước hương trời. Sau 75, làm ăn tảo tần tất bật, khiến lém luốc cái nhan sắc ấy “dọc đường gió bụi”. Nhưng rồi mãi cũng lên đại gia, một nữ doanh nghiệp có hạng ở Tp BMT. Rủi thay, hơn nửa đời xuân, chị lâm bệnh nan y. Nhưng với thần kinh thép, chị vẫn không hề nao núng để vui vẻ chấp nhận “cái nghiệt ngã” của số phận, bỏ lại sau lưng một cơ nghiệp bề thế. (trích trong kỷ yếu Tiến Đức – 10 gương mặt tiêu biểu của trường Tiến Đức)

ông luyênĐoàn Viết Hùng sinh 1955 (Luyện Dương)…

Ngoài ra, còn phải kể đến: thầy Hoàng Văn Liêm (Phú), Thầy Trần Văn Phượng, anh Nguyễn Quang Thanh, anh Trần Ngọc Ái…đã “về quê thật”, sau năm 75.

Tiếc thay cho thế hệ ấy, đã bất phùng thời để không thể đóng góp tài năng cho đất nước cho xã hội, mà đành phải “lực bất tòng tâm” buông xuôi theo thời vận “thế sự thăng trầm quân mặc vấn”.

Tuy nhiên, thế hệ di cư Tiến Đức 1945 – 1955 cũng kịp để lại dấu ấn trong GX; Bởi sau 75,  khi giã từ chiến cuộc về vườn, thế hệ này đã đóng góp nhân sự cho GX là không nhỏ. Với lực lượng hùng hậu “phủ sóng” hầu hết ban ngành: Ca Đoàn, Đội Kèn, Họ Hiếu, BHG, HĐGX, BCH các Đoàn thể…nhờ đó, mà GX Châu Sơn có được đôi chút tiếng vang trong giáo phận. Đã từng có thời, các GX khác xem GX Châu Sơn là lá cờ đầu của GP. Đến nỗi cha cố Phao lô Võ Quốc Ngữ – nguyên LMQX đã tặng cho thế hệ Tiến Đức di cư là “Thế Hệ Vàng”. Cha An Tôn Vũ Thanh Lịch – nguyên LMQX, cũng đánh giá cao thế hệ này là “Thế Hệ Ưu Tú” của GX.

Thôi thì thôi chỉ là phù vân – Thôi thì thôi nhé chỉ ngần ấy thôi (Phạm Thiên Thư)

Chỉ còn vài chục năm nữa thôi, thế hệ Tiến Đức Di Cư sẽ bị mệnh trời xóa sạch bóng trên GX Châu Sơn, để về với nghĩa trang đất mẹ!!!

Niệm khúc cuối như một nén hương lòng của BBT Tiến Đức, tưởng nhớ đến những người con thế hệ di cư Tiến Đức đã sớm “một cõi đi về”.

Nguyện Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, xin đưa những người con Tiến Đức sớm về hưởng Thánh Nhan Ngài trên cõi vĩnh hằng.

Nguyễn Văn Kính

 

 

 

 

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …