MỘT CUỘC ĐỔI ĐỜI NGOẠN MỤC

MỘT CUỘC ĐỔI ĐỜI NGOẠN MỤC

Đi tu là sự hiến dâng đời mình cho Chúa, thì bất cứ thời đại nào cũng được trân trọng và luôn được động viên khích lệ.

Tuy nhiên, ý thức đi tu ngày xưa và ngày nay có sự khác nhau.

Ngày xưa (trước 75) đi tu, thường phải học xong cấp I mới được vào tiểu chủng viện. Lúc đó, tuổi 11, 12 hãy còn quá nhỏ, để ý thức đi tu thường là của cha mẹ, mong muốn dâng hiến con mình cho Chúa hơn là ý thức của con cái.

Ngày nay, do hoàn cảnh thời thế không cho phép để vào tu từ thời Tiểu chủng viện. Thông thường một người đi tu thời nay, phải có trình độ đại học mới được vào dự tu, để thử thách một vài năm, sau đó mới được chính thức nhập Đại chủng viện.

Và cu Lì nhà ta cũng không là ngoại lệ…

A THÀY THIỆN

Của phải tội, không hiểu sao nhìn cháu Thiện với khuôn mặt bánh đúc mộc mạc và nụ cười hiền hoà luôn nở trên môi, chân chất đến hồn nhiên như vậy, sao lại có cái tên cúm cơm “cu Lì” mới là lạ chứ!?

Bữa hôm khấn, có người buột miệng kêu: ồ cu Lì nhà ta, lâu ngày không gặp, bây giờ thấy cu Lì lớn hẳn và chửng chạc hơn nhiều. Có người nhắc khéo, bây giờ phải gọi là thầy Simon Hoà, chứ không được gọi là cu Lì nữa nghe chưa. Tôi lại thấy cái tên cu Lì nghe thân thương và gần gũi hơn!!

Trong thời gian học cấp 3, cháu Thiện đã có ý định đi tu rồi, nhưng sự gợi ý của cháu cũng chỉ là như cơn gió thoảng mây bay mà thôi, vì xem ra từ ý tưởng đến hiện thực là một chuyện tưởng như viễn vông, khó có thể khả thi, nhất là thời buổi này.

Ngày nay, những người xin đi tu dường như ít được quan tâm hơn thời xưa, vì đi tu bây giờ tuy dễ hơn, nhưng cái khó là ở ý thức tự nguyện của chính bản thân mình.

Thời gian thấm thoát lặng lẽ trôi qua…Vừa khi cháu tốt nghiệp cử nhân QTKD, thì cũng là lúc cháu chính thức bày tỏ nguyện vọng đi tu với ba mẹ. Ba mẹ cháu không quá đổi ngạc nhiên, vì mầm ươm “đi tu” đã được cháu ấp ủ từ thời cấp 3 rồi. Vẫn biết đây là niềm vui khôn tả đối với ba mẹ cháu, nhưng cũng không thể giấu được nỗi lo, là không biết thiên hướng của con mình đi tu triều hay dòng?

Phải mất gần hai năm để cháu tìm ra được một bến đỗ cho con đường dự tu của đời mình. Ban đầu, cháu tìm hiểu dòng Thánh thể ở Thủ Đức…Nhưng sau đó, thánh ý Chúa đã khơi gợi cho cháu vào Đan viện Thiên An ở mãi tận Huế.

A0

Ngày cháu đi tu, trong âm thầm lặng lẽ, dường như có chút chạnh lòng, vì hình như không có mấy ai quan tâm!? Có thể, có người nghĩ: Đi tu chi cu Lì, ba bảy hai mốt về đó chừ! Có người lại nghĩ: Nhìn chậm chạp rù rờ như rứa, răng mà tu được? Có vẻ như thánh vịnh: “Người đi trong nước mắt…” rất đúng với cháu. Nghe đâu, có chú út là mạnh mẽ hơn cả. Cầm tay, chú động viên: Cháu hãy vững tâm đi trên con đường cháu đã chọn, cháu sẽ không lẻ loi vì có Chúa và ba mẹ cháu luôn đồng hành.

A2 D T

Thấm thoát hai năm, cu Lì nhà ta đã thay da đổi thịt hoàn toàn. Vẫn khuôn mặt bầu bĩnh, nhưng bây giờ trắng trẻo và tinh anh hơn. Vẫn nụ cười hiền hoà đó, nhưng lại đong đầy sự nhân ái thánh thiện đáng yêu. Nhưng sự thay đổi quan trọng hơn cả là, cu Lì nhà ta được gọi là thầy Simon Hoà Trần Chí Thiện.

A1

Niềm vui lần khấn đầu tiên đã lan toả sang những người thân trong gia đình và bạn bè thân thương của ba mẹ cháu. Không thể cưỡng nổi niềm vui, một chuyến xe 30 chỗ đã chật kín để hành trình về Đan Viện Thiên An ở Huế để mừng lễ khấn cho cháu, là điều hiển nhiên.

A3A4

Mẹ cháu vui đáo để và tếu táo: Xem như lần này đi khấn tạm cho cháu, cũng giống như đi lễ dạm hỏi cho cháu, và sáu năm sau, nếu Chúa Mẹ thương, phái đoàn ta lại đi ăn cưới cho cháu bằng bữa tiệc vĩnh khấn. Có người lên tiếng: “Biết khi cu Lì khấn trọn, cả đoàn ta có trọn vẹn đầy đủ như ri nữa không mà đi dự đám cưới vĩnh khấn của cháu?”. Có người tếu táo: Các bác thì dám có, chứ có chú, chưa chắc đã có đâu nha! Còn ba cháu, niềm vui khôn tả, nhưng đành phải giấu kín trong lòng, để còn phải lo lắng sắp đặt cho chuyến đi khấn, đi về được bình an.

A17

Đan Viện Thiên An được thành lập năm 1940, toạ lạc trên một ngọn đồi thông, có đến vài chục hecta. Ở đây bốn mùa thông reo và gió hát vi vu cả ngày. Nhà thờ được xây dựng theo kiểu Á Đông, mái ngói cong, nhưng các hoa văn không quá cầu kỳ. Tháp chuông kề bên cũng khá hoành tráng, trông giống như tháp chùa Thiên Mụ. Nhưng phải đi vào tầng dưới nhà nguyện đường mới thấy đồ sộ của một kiến trúc cổ kính, thiết kế đơn giản nhưng rất kiên cố vững chắc, trông giống như các toà tháp cổ ở bên Châu Âu thời trung cổ.

A26

Một thánh lễ khấn được cử hành rất trang trọng vào sáng ngày 25.08.2016. Lễ khấn cho 6 thầy khấn tạm và 3 thầy vĩnh khấn. Với nghi thức khấn theo cách thế của nhà dòng, là mỗi đan sĩ sẽ phải đọc câu: “Tôi xin tự nguyện làm đơn này để gia nhập đan viện Thiên An và hứa sẽ giữ đúng theo những tu luật mà nhà dòng đã quy định…”.

A5 DÂNG LÊ

Sau thánh lễ, mọi người đổ ra chụp hình lưu niệm với các thầy. Ông bà cố Trần Thế Hùng, lần đầu tiên xúng xính trong bộ đồ lớn để chụp hình với thầy Simon Hoà và thân nhân, nên có chút ngượng ngùng buổi đầu được làm ông bà cố. Có người vui miệng: Bữa ni, ông bà cố mà có hậu sự là vinh dự được có thánh lễ đồng tế rồi đấy nha! Ông cố tếu táo: Cho con đi tu thì chỉ cốt ở cái vinh dự lớn lao đó thôi mà!

A22A23

Lúc này, ai cũng tranh nhau chụp hình với thầy nhà ta, để có được tấm hình lưu niệm quý báu trong ngày lễ khấn đầu đời của thầy Simon Hoà.

A25A24

Kể ra cũng hơi đáng tiếc, vì có đến cả cha bác lẫn cha cậu là những nhà linh đạo tinh thần cho cháu, vậy mà ngày khấn trọng đại của cháu lại thiếu vắng!? Phải chi, lúc này có thêm cha bác và cha cậu thì bức hình ngày lễ khấn sẽ trọn vẹn biết mấy!! Dĩ nhiên là sự vắng mặt nào cũng có lý do chính đáng.

A8

Một bữa tiệc mừng được dọn sẵn trong phòng ăn của tu viện theo đúng quy cách dòng tu Biển Đức, là không phô trương cờ hoa rầm rộ, không âm nhạc xập xình như ở ngoài đời, nhưng trong không khí tĩnh lặng đó lại chứa chan niềm vui, ấm áp tình người trong sự chúc phúc của mọi người với các thầy mới khấn…

A9A10A11A12A13

Cũng bia bọt tràn ly đi chúc mừng, nhưng không có tiếng dô dô như ở ngoài đời. Niềm vui khôn sánh tràn bờ, để ông bà cố và thầy Simon Hoà đi chúc cụng hết bàn này đến bàn kia không biết mệt…Bữa tiệc mừng ấm cúng và sum hoà như bầu khí của một đại gia đình vậy.

Tiệc tan, mọi người đổ ra tứ bề để đi tham quan nhà dòng…

A14

Nhà dòng toạ cứ trên ngọn đồi thông lan ra chung quanh có đến hơn 100 hecta. Đứng ở trên đồi nhìn xuống, đây quả là một địa điểm ngoạn cảnh đẹp mắt và lý tưởng. Đến người thường như tôi mà còn thấy thèm nhỏ dãi, huống chi là nhà nước…

A15

Phía sau nhà dòng, một con đường bê tông vừa mới đổ láng cóong, chạy dài thoai thoải xuống tận chân đồi, rẽ ra hai làn vườn cam xum xuê hoa trái, trông rất hoà hài. Nghe đâu, cũng chính sự thi công con đường này mà xẩy ra chuyện tranh chấp giữa nhà nước với dòng tu. Có lẽ, nhà nước tiếc ngẩn ngơ vì khu đồi quá đẹp, để ngăn cản sự phát triển của nhà dòng chăng? Và hậu quả là, một tượng thánh giá Chúa chịu khổ hình đã bị nhà nước hạ bệ và đập gãy nát, hiện vẫn còn lưu dự lại chứng tích tại chỗ.

A18

Lạ thật, ngày nay ở một xã hội nhân loại văn minh như thế, mà vẫn còn có người u mê để “đập tượng Chúa vì lầm chẳng biết” nữa sao??  Thôi thì Chúa lại phải cầu cùng Đức Chúa Cha: Xin tha tội cho chúng, vì chúng “cố tình lầm” chẳng biết vậy!!

Và ở bên kia, phía tay phải trước lối vào cổng Đan viện, bên lưng đồi, một toà Đức Mẹ vừa được dựng lên, cũng bị nhà nước cấm cản, để bây giờ mỗi ngày đều có quân canh gác, giống như canh trại tù vậy. Đức Mẹ nhà mềng hiên khô như rứa mà phải canh giữ làm chi rứa trời!??

Đâu rồi, hiến pháp của nước CHXHCNVN “tự do tôn giáo”?? mà lại đi giành giật từng tấc đất của nhà dòng chi rứa, coi răng được trời!! Hỏi ra mới biết, là nỏ phải mấy tấc đất mô, hơn 100 hecta, bây giờ nhà dòng chỉ còn lại 18 hecta nữa thôi.  

Đúng là nhà nước ta, “nói một đàng làm một nẻo!!”.

Phái đoàn chụp với thầy Simon Hoà một hình lưu niệm rồi chia tay.

A20

Có vẻ như cuộc chia tay của đoàn với thầy Simon Hoà chẳng có chi bùi ngùi quyến luyến cả, vì dường như ai cũng nghĩ tới, sẽ có một ngày trở lại đây trong lễ mừng vĩnh khấn trọng đại của thầy. Ngày đó, hứa hẹn sẽ đong đầy niềm vui khôn tả…

Nhưng dù sao cũng xin được biểu dương thầy Thiện nhà ta đã làm “MỘT CUỘC ĐỔI ĐỜI NGOẠN MỤC”, từ: “cu Lì tầm thường” đã trở thành “thầy Simon Hoà Trần Chí Thiện đáng mến”!!

a Thầy Thiện

Hoan hô cu Lì một cái, hoan hô cù Lì! Nào chúng mình hoan hô, nào ta hoan hô!!! Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria tuôn tràn đầy ân sủng và bình an trên thầy, để thầy luôn bền độ và đi trọn suốt con đường thầy đã chọn.

Đến thành phố Huế mà không làm một cuộc dạo chơi, quả là uổng phí đời người phải không các bạn.

Và chuyện đi tham quan: thành Đại nội, chùa Thiên Mụ, La Vang, ăn cơm hến…sẽ hẹn quý bạn vào một dịp sau, để kể vậy.

Nguyễn Vĩnh Căn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Check Also

CÁO PHÓ: ÔNG CỐ GIUSE TRẦN BÍCH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …