Một chuyến về quê – Phần II

( Phần hai )

Sáng hôm sau chúng tôi đi thăm những người bà con kèm theo một gói cà phê nhỏ, một chút quà gọi rằng, cũng có một số ít người còn hoàn cảnh! nhưng đi đến đâu ai cũng bày tỏ tình cảm dạt dào, thiết đãi cơm nước thịnh soạn, chẳng có chuyện mời đãi bôi, khéo xỏ lá, thấy ai giàu thì trọng, ai nghèo thì khinh đâu. Được nghe những bậc cha anh kể lại chuyện gian khổ đau thương ngày xưa đã bị đấu tố và xử bắn chết chỉ vì giàu! Những lô đất của cha ông bị lấy đi chia cho bọn tá điền vẫn còn đó nhưng họ có làm ăn nên đâu. Ngày xưa những người bị đuổi ra tay không đến bây giờ con cháu họ vẫn đạo đức vẫn lại giàu có vương giả.

   Buổi chiều chúng tôi mượn xe máy lên đền thánh AnTon, xe băng qua những cánh đồng ruộng đang cày ải, lỗ chỗ những đám ruộng ngô xanh rì, nhưng phần đa ruộng bỏ hoang, có những thành phần giờ thừa tiền đâu tha thiết gì với ruộng nương nữa, nhiều bàu nước nhỏ mọc đầy bông súng nhìn đẹp lung linh khó tả, súng sen quân tử gần bùn mà chẳng tanh hôi mùi bùn. Đường đi không được tốt lắm lỗ chỗ ổ gà, đi xe mà mãi ngắm cảnh hai bên xe lọt xuống ổ gà đau điếng.

  Nhà thờ thánh Anton tọa lạc trên một ngọn đồi được san lấp, nhà thờ làm toàn bằng gỗ không lớn lắm, có vẻ nơi đây cũng là một giáo họ nghèo, bên phải trồng cỏ như một sân bóng mini, tiếp theo là nhà xứ, bên ngoài có một dãy bình nước được ghi là nước thánh để cho người hành hương lấy đưa về.

 Trời đã xế bóng chiều những con gà nhởn nhơ bên góc bờ cỏ ruộng dường như no quá  sau buổi cào bới. Về đến nhà trời đã chập choạng tối chương trình ăn cơm đã sẵn, 3 mâm con cháu họ hàng đã quây quần, tội nghiệp cho em Phúc rối rắm chợ búa nấu nướng tất bật, rượu ngon thịt ngọt, mọi người vui vẻ trong men say chuếnh choáng…

 Ngày hôm sau chiếc taxi 7 chỗ đưa chúng tôi ra thị trấn Đức Thọ, con đê cong cong theo con sông, cỏ mọc xanh rì chạy dọc theo con đê là con đường bê tông, nhà thờ xứ Nghĩa Yên rất lớn và khang trang chắc là mới trùng tu lại, hai tháp nhọn hai bên tựa tựa giống kiểu nhà thờ Đức Bà, có lẽ cũng do thời Pháp xây dựng. Đến nhà thăm nhà bà dì theo lịch hẹn, ở đây nghỉ ngơi xong người qua Thọ Ninh, kẻ thăm Cận kỵ.

Ngã ba Bãi Vọt là bùng binh giao nhau, một hướng trái sang Cận kỵ, rẽ phải là Đức Thọ, sau lưng là Bãi Vọt. Hỏi thăm đến Cận Kỵ sau bao năm xa cách, vào nhà làm bộ chào ông bà thử xem còn nhận ra nhau không, người giàu kẻ nghèo, cảnh vật thay đổi nhưng tình người khăng khít quyến luyến, vì không đủ thời giờ để chuyện trò từng người nên bà con tập trung lại một nhà để dễ bề thăm hỏi chuyện trò thật khuya mới đi ngủ…

 Sáng hôm sau chúng tôi ghé lại Bãi Vọt thăm hai người em cả hai đều làm ăn thành đạt chuyên về lốp xe hơi, nhìn cơ ngơi đồ sộ cũng đoán được phần nào mức thu nhập.

 Ăn trưa xong chúng tôi thẳng tiến từ Bãi Vọt ra Nam Đàn, đường đi khá xa, nhà bà dì ở lối sâu trong hẻm, phía trước là hai cái ao mặt nước phủ rêu xanh, chẳng biết có cá mú gì không, vào nhà chúng tôi thắp hương và đọc kinh cầu nguyện cho tổ tiên, nán lại chơi chút xíu xong lại lên đường ngay đến nhà ông cậu. Hiện ra trước mắt là một ngôi biệt thự một lầu một lửng một trệt. Ông là một nghệ nhân còn khá trẻ chuyên làm đá hoa cương trắng in hình những danh nhân, thứ mà ta hay gặp mấy tên lừa đảo bảo là mua để ủng hộ các cơ sở khuyết tật! Hi quá bất ngờ khi tôi hỏi giá, chỉ 25 ngàn trong khi cũng cái đó nhiều người bị chuốc đến 250 ngàn, siêu lợi nhuận…

     ( còn tiếp)

  GA NAM HỒNG

Trả lờiChuyển tiếp

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …