ĐỪNG LẤY CÁI TÔI CÁ NHÂN, ÁP ĐẶT THÀNH CÁI CHUNG CHO GIÁO DÂN

Bài viết này được đăng trang Web TĐCS năm 2016 – 60 năm GX Châu Sơn. BBT TĐCS xin được đăng lại, để mọi người tham khảo, nhân sắp bầu HĐGX – Phục Sinh 2020.

Thường khi về thăm VN, tôi thường lên thăm gia đình anh chị tôi (GX BA), và thường thấy vắng mặt đứa cháu trai đầu. Tôi hỏi: cháu đi đâu mà không mấy khi có nhà vậy chị? Chị tôi có vẻ phàn nàn: từ ngày nói lên Chủ tịch giáo xứ, nó đi tối ngày, nhất là thêm cha mới về, nó còn đi bạo hơn nữa. Có lần nó bảo với chị: “làm sao bây giờ hả mẹ! Cha nào về cũng muốn lấy tiếng, mà không muốn bỏ tiền túi ra, mà chỉ muốn ra lệnh cho giáo dân phải làm thế này, thế nọ theo ý riêng của cha mà thôi”. Chỉ tôi nói: Cuối cùng thì giáo dân và HĐGX cũng chỉ biết cúi đầu vâng lời mà “ngậm bồ hòn làm ngọt” thôi cậu ơi!

Đến giờ cơm trưa, ngồi chờ nó đỏ mắt cũng chẳng thấy nó về ăn bữa cơm sum họp với cậu. Sau một lúc nó về và phân bua với cậu: con biết vợ con ra tin cậu lên chơi mà kẹt cứng, vì đang dở một cuộc họp gay cấn, không thể nào rút về được cậu ạ! Mong cậu thông cảm cho con vậy.

Tôi hỏi: đập phá hay đóng tiền. Đứa cháu ngạc nhiên bảo: mẹ cháu mách chuyện cho cậu, hay sao cậu biết được? Chuyện này không cần hỏi mẹ cháu, cậu cũng đã đoán biết: ở VN giáo xứ nào mà chẳng vậy! Điều đáng nói là, một vị HĐGX như con được giáo dân bầu lên thì phải luôn đứng về phía giáo dân.

Ví như cậu, nếu cha xứ nào muốn đập phá một công trình có sẵn, cậu sẽ phản đối, vì tất cả những gì đã được xây dựng lên trong khuôn viên thánh đường, đều do công sức của giáo dân mà có. Dẫu cha xứ có bỏ tiền túi ra xây dựng lại, thì việc đập phá cũng phải hỏi ý kiến giáo dân. Giáo luật của giáo hội nào hay luật pháp của dân nước nào cũng phải biết tôn trọng ý kiến người dân là trên hết. Con nên nhớ, GX này được thành lập từ bao đời, khi con chưa chào đời. Những thành quả của giáo xứ có được là do các thế hệ cha ông đã vất vả hy sinh để tạo dựng nên, con cháu đời sau phải biết trân quý chứ!

Hình ảnh minh họa

Mỗi lần đập phá để xây dựng lại công trình, con thử đi một vòng hỏi xem, những nhà kinh tế bậc trung trở xuống, xem có ai đồng ý không? Con sẽ thấy họ buồn lòng, vì lòng tự trọng của họ bị tổn thương, khi đập phá mà không hỏi ý kiến họ đấy!

Rồi họ tự hỏi: lấy tiền ở đâu ra mà xây dựng? Cuối cùng thì cũng do tiền của giáo dân đóng góp mà thôi. Và cái câu kinh kệ nằm lòng của cha xứ và HĐGX luôn răn đe giáo dân: Không đóng góp là mất quyền lợi. Quyền lợi gì ở đây? Phải chăng là dè xẻn ăn tiêu, bớt đi cái ăn cái mặc, cái học của con cái để nai lưng ra đóng!? Mà không có sẵn tiền thì đi bán cà non để giữ thể diện vậy. Mà không đóng thì làm sao chịu được tiếng đời ở trong GX??

Cái đau lớn nhất của người giáo dân mình là luôn chịu nhẫn nhịn để để giữ sĩ diện. Chính cái sĩ diện không đáng có này, tự làm khổ bản thân họ. Tại sao giáo hội ở nước ngoài họ cũng là KiTô giáo Roma, nhưng lại rất dân chủ bình đẳng trong vấn đề quyên tiền đóng góp? Giáo dân đóng góp là vì cho ích lợi giáo xứ mình, chứ không phải đóng góp vì cái ý thích riêng của ông cha xứ.

Cha xứ chỉ là người khách vãng lai không hơn không kém. Mặc dầu cha xứ có thể ở lâu 5,10 năm thì cũng chỉ là khách của GX mà thôi. Chính HĐGX do giáo dân bầu lên mới là đại diện cho vai trò của người chủ của GX. Vì thế, HĐGX phải luôn biết lắng nghe những phản ánh của người giáo dân, để biết lòng dân như thế nào mà hành xử cho hợp tình hợp lý…

Thực ra, vai trò và quyền hạn của một cha xứ chỉ quản lý về mặt tinh thần của giáo dân mà thôi: ví như việc đạo đức, kinh hạt, thánh kinh, giáo lý, hôn nhân, kẻ chết…Tất tần tật mọi việc đoàn thể, hội đoàn đều do cha xứ linh hướng cho giáo dân về việc đạo đức, nhưng về việc điều hành đều do các đơn vị hội đoàn phải đứng độc lập tự chủ, chứ không lệ thuộc vào cha xứ.

Đây là cái điều mà giáo hội địa phương của VN thường hay bị cầm nhầm là, khi nào ông cha xứ cũng là trên hết, việc gì cũng do cha xử lý quyết định, kể cả tiền đóng góp cũng do cha xứ nắm giữ. Đó chính là điểm sai lệch mấu chốt dẫn đến việc cha xứ áp đặt quyền hành “đá dằn trên cỏ” là thế đấy! Nhưng xét ra, sự sai sót này cũng có trách nhiệm của chính người giáo dân, vì sự quá cả nể, quá tôn trọng, để chính các cha xứ được lượt mà “đạp bóng giáo dân”.

– Cậu còn nghe nói, nhiều lúc HĐGX chỉ là bù nhìn, là nghị gật, là cò mồi của cha xứ, để đem vấn đề đập phá và xây dựng những công trình mới ra trước giáo dân, cũng chỉ là kịch bản bình đẳng dân chủ mà thôi, sau rốt cũng đâu vào đó “ý của cha cụ là trên hết”, có phải không cháu?

– Ừ, thì cũng có nhưng không phải là tất cả đâu cậu! Theo cháu, mọi khó khăn rồi cũng qua, nhưng đổi lại GX có được những công trình mới sáng sủa thì cũng tốt chứ cậu!

– Đẹp chi những công trình mà áp đặt giáo dân phải chịu cơ cực để được gắn cái bảng hiệu “giáo xứ mình có khuôn viên đẹp hơn GX khác”. Thế chẳng khác nào lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện xấu hay sao!? Ví như “Vạn lý trường thành Trung Quốc ngày xưa”  xây dựng để đày ải dân chúng chết chóc khổ cực biết bao đời!?

– Thế cậu cho rằng, những công trình mà giáo dân bị ép buộc xây dựng là những “tiểu vạn lý” sao?

– Không hơn không kém, có điều nói ra thì phũ phàng với các bậc “Tiểu Tần Thuỵ” mà thôi!

Tất cả mọi việc đều phải làm sáng danh Chúa, chứ không phải làm sáng danh các cha cụ. Đừng lấy cái tôi chủ quan, để áp đặt biến cái riêng của mình thành cái nguyện vọng chung của giáo dân!

Người xưa có câu: “lời ngay khó nghe, thuốc đắng giã tật”.

Trên đây là một vài nhận xét thô thiển trên của một người con dân xa xứ, chắc chắn cũng sẽ có đôi điều không được vừa lòng quý cha xứ. Rất mong quý cha lượng thứ cho, cũng chỉ là mong muốn góp ý chân thành, để làm được một điều gì tốt đẹp cho GX mà thôi.

Tốt Đen – Đậu Văn Sinh (Mỹ)

Check Also

Một tri âm tri kỷ: Đời vắng em rồi, say với ai!!??

Mỗi lần nhớ đến Hùng, anh lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà …