Đám tang của người Ê Đê nghĩa tận hay lễ hội.
tienducchauson
20/03/2020
Trang thư giãn
1,671 Views
Người sắc tộc Ê Đê ở cao nguyên Trung phần có nhiều bản sắc văn hóa đặc sắc như lễ cúng bến nước, cầu mùa, đám tang, nhưng đến ngày nay các lễ hội đó đã dần dần bị mai một, chỉ còn đám tang nhưng đến nay cũng thay đổi rất nhiều.
Ngày xưa mỗi khi có đám tang, người dân tộc tổ chức rất lớn như một lễ hội, quy mô hoành tráng, khắp các buôn người ta lũ lượt đổ về dự tang, gõ chiêng đánh trống suốt ngày đêm, những tiếng chiêng gõ theo nốt nhạc trong đêm thanh vắng vang tới đại ngàn, nếu người chết là người có địa vị hay giàu có trong buôn thì họ giữ người chết lại rất lâu có khi đến 7 ngày chảy nước rồi mới chôn.
Trong khâu tổ chức người ta phân ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm lo một công việc khác nhau.
Nhóm làm hậu sự, họ tập trung những người khéo tay vào rừng dùng rìu đốn một cây to, thường thì cây gạo hoặc cây gòng đường kính 80_ 90cm dùng voi kéo về bắt đầu đẽo đục thành một cái hòm, hình thức gần giống như đẽo một con thuyền độc mộc vậy. Nắp hòm vòm hay thẳng cũng tùy theo khả năng của nhóm. Đẽo tạc trên cây cột những hình người có lẽ để canh giữ mộ, ba cây trên đỉnh vót nhọn hai phần thân trở lên khấc răng ngựa. Ba hoặc bốn cây này chôn theo hình vuông trên mộ, trên bốn cây này để một cái hòm gỗ độ chừng 80 cm_ 60 cm có mái che là nơi để của cải cho người chết.
Nhóm đào mộ họ đào rất cạn, chủ yếu là đắp đất lên trên, kích cỡ tùy theo địa vị hoặc giàu có mà đắp mộ lớn hay nhỏ, ngày xưa có những ngôi mộ đắp lớn như một ngọn đồi nhỏ, như ở trong sân bắn của Châu Sơn ta có một ngôi mộ lớn không biết là mộ của dân tộc nào mà ta hay gọi là ” Mả Tổ ”
Đến khâu ẩm thực, khi có người chết, những người đến trước là những người xóm kề cận, để giải quyết bữa ăn trước mắt có heo thịt heo, có gà thịt gà, kể cả chó đang nuôi, những ngày kế tiếp thì những chuyến xe càng chở nào là chuối cây, cà đắng, môn ngứa, củi, những chiếc xoong to sắp hàng nấu ngoài trời khói nghi ngút, người trong buôn tới chỉ mang theo một hai loong gạo kiểu như là phúng điếu! Họ ở đó ăn uống suốt ngày này qua ngày khác, những món ăn thường ngày bình dị thế mà ngày nay người ta coi là đặc sản như món cà đắng cá khô, heo nướng mọi chấm muối ớt xanh, ruột chuối cây nấu canh, phá lấu… người đến dự tang sẽ được chia khẩu phần ăn đầy đủ, họ còn đưa cả cơm ra nghĩa trang ngày chôn để ăn.
Những thanh niên nam nữ bình thường lam lũ trên rẫy nương nay đóng bộ quần áo mới, ngày phụ việc bổ củi nấu ăn, tối đến ngủ chung trong dãy nhà dài, bởi vậy mỗi khi nghe có người chết bất kỳ ở buôn nào, dù công việc có bận rộn tới đâu họ cũng bỏ để đến dự đám tang. Khổ nhất cho người mình mùa cà phê, đang thuê hái ngon lành bỗng đâu vắng đi mặt đi mấy ngày hỏi sao vậy bận đi dự đám tang, đối với họ đây là một lễ hội thực sự, được mặc đẹp, ăn uống vui vẻ, nhìn những nhà có đám tang xong giống như một cơn bão vừa đi qua địa cầu! trong nhà trống trơn chẳng còn gì, bên ngoài thì những vỏ cây chuối như đống rơm, đá gạch kê nồi nấu ngổn ngang, bò trâu heo gà bị thịt hết sạch, đúng là của đi theo người!
Ngày nay họ đã văn minh hơn nhiều rồi, không còn bổ củi mà dùng máy cưa, hòm không đẽo đục nữa mà đi mua sẵn, mộ không đắp đất nữa mà xây giống người kinh v.v… nhưng người dân tộc họ vẫn khao khát những sự giao lưu giống như lễ hội, có lẽ vì vậy mà bây giờ họ theo đạo rất nhiều, đầu tiên có lẽ là được xúng xính trong bộ quần áo mới đến nhà thờ, nhìn những đoàn người lũ lượt kéo nhau đi tay cầm sách vở học giáo lý, họ tìm thấy niềm vui ở đây nên ai cũng theo, giống như cuộc sống bầy đàn, ai không theo bị cô lập!
Cũng có thể nói, đám tang của người dân tộc như là một lễ hội chứ không hẳn họ đến là nghĩa tình nghĩa tận đúng nghĩa! Chỉ nghe là cùng họ là đến, còn nội trong buôn thì không sót một ai! Họ đến dự đám tang để được giao lưu ăn uống nghỉ ngơi như những ngày lễ.
Bài viết này chỉ ghi nhận lại được phần rất nhỏ những điều nghe và thấy được, phong tục của người ê đê còn rất nhiều hiện vật đặc thù như xà gạc, rìu, bầu nước, ché rượu, gùi, các loại chiêng trống, nhà sàn dài, ngày nay một số đã dần dần biến mất vì đô thị hóa, rất mong có những cơ quan hữu trách quan tâm để có hướng lưu giữ bảo tồn những hiện vật đặc sắc của nền văn hóa người ê đê xưa.
GA NAM HỒNG