50 năm – Tưởng nhớ người bạn Nguyễn Đình Từ (1973 -2023)

Nguyễn Đình Từ, Giấc mơ làm người hùng dang dở…

Không dám khoe, nhưng xem ra một lớp có đủ sắc màu như lớp tôi, trong mười mấy lớp Tiến Đức không dễ gì có được. Linh mục có đến hai, Nhạc sĩ có đến vài ba, Giáo viên cũng có đến 5,7. Tú tài đôi có đến 9, và thêm cái quý hiếm Tú tài II Pháp. Nông dân cũng không thiếu…Nhưng đặc biệt hơn cả là, lớp tôi có một người ra dáng “Người hùng”. Đây là một gam mầu khá lạ lẫm so với các lớp Tiến Đức.

Đó là “Người hùng Nguyễn Đình Từ”. Cùng một lớp học với nhau, nhưng nhân cách của Từ khác hẳn với bạn  bè. Trong cuộc sống, con người Từ ra vẻ đỉnh đạc người lớn hơn bạn bè, ngay từ những lớp khi còn bé.

Mình nhớ hồi học lớp Tư, có lần mình bị một đứa lớp Ba to con hơn mình bắt nạt…Người Từ lúc đó chưa to con lắm, nhưng vẫn nhỉnh hơn tôi. Thấy vậy, Từ vội lại can thiệp, bằng cách nắm cổ áo tên đó và bảo: Mày không được hiếp đáp bạn tao nghe chưa, nếu không mày biết tay tao. Từ giơ nắm đấm lên và tên kia đành phải thúc thủ lủi đi.

Đó là lần đầu tiên mình thấy Từ làm một việc trượng nghĩa. Tính Từ vẫn thế. Điềm đạm, ít nói.

Ở lớp Nhì đó, có lần không biết bạn gái là T… nói xấu Từ chuyện gì…Từ gặp T… hỏi cho ra lẽ, rồi cho T… một bớp tai cảnh cáo. Không ngờ T… lên thưa với thầy. Thầy Chấp chúa ghét chuyện đánh nhau, lại là chuyện con trai đánh con gái. Thầy mắng: con trai mà đánh con gái là hèn, là đồ vũ phu. Từ đáp: nhưng nó xúc phạm em…Thầy lấy thước bảng đánh tới tấp và quát: còn cãi há, cãi há…Từ chịu trận đòn oan sai.

Sau đó, Từ bước ra khỏi lớp trước sự sững sờ của thầy Chấp. Có lẽ, thầy không nghĩ Từ dám bỏ về ngang ngược như thế! Bởi hồi đó thầy là hung thần của học sinh, nghe thầy cầm thước bảng là sợ run như cầy sấy rồi. Cả lớp cũng tròn xoe mắt kinh hãi. Ai cũng nghĩ rằng hôm sau Từ sẽ bị đuổi học…

Nhưng thầy chưa kịp đuổi, thì Từ đã tự nghỉ học rồi. Nghe đâu, sau thầy Chấp phải đến nhà Từ nói chuyện với cha mẹ Từ…không biết rõ nội dung như thế nào? Chỉ biết hôm sau Từ đi học trở lại…Trong mắt mọi người, ai cũng tỏ ra nể phục nhân cách kiên nghị của Từ.

Rồi những năm lên lớp Nhất… Có lần lớp Nhất bị lớp Nhì bắt nạt vây hãm tứ bề. Hồi đó, lớp Nhì quân số đông hơn mà những người to con như: Sơn, Quang, Hải, Sinh…khiến bọn mình phải thất thủ ở trong lớp. Thấy vậy, Từ một mình ra nghênh chiến với bọn lớp Nhì. Và kết quả Từ bị bọn nó xa luân chiến, đánh tơi bời. May có thầy Chấp đến kịp thời giải vây…Bọn mình và đám con gái rối rít lại vỗ về và thoa dầu cho Từ. Nhưng Từ gạt đi và ngưỡng cao đầu bước về phía lớp với một sự kiêu hãnh đầy bất cần.

Lần đó, thầy Chấp bắt cả hai lớp quỳ giữa sân trường và giảng một bài moral, với cái câu thầy thường quát: Xù, hỗn, Jeux de main Jeux de vilain. Trò chơi bằng tay chân là đồ hạ đẳng. Khôn ngoan đối đáp người ngoài – gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…

Lên đến lớp Nhất…trong khi chúng tôi còn thơ dại để làm những chuyện bao đồng thì Từ đã tách rời chúng tôi…

Thực ra, tính Từ bình thường cũng hiền từ, hòa nhã với bạn bè…Nhưng bên ngoài cái thuần từ đó, có sự “cộc ngầm”. Nếu ai sai trái với Từ nhiều lần, hay ai đùa giỡn với Từ thái quá mà Từ không thích, có thể Từ bất ngờ cho một quả đấm vào mặt là có.

Cũng vậy, thời đó bọn tôi thường hay ghép đôi nhau: Từ – Minh Châu, Kính – Phượng, Thi –  Phượng, Thanh – Nga …Từ và Minh Châu vốn không có quan hệ tình cảm, nhưng vẫn bị ghép đôi nên Từ tức tối lắm! Không biết sao, bữa đó, Đức léo chéo ghép đôi có mặt Từ, bất ngờ, Từ thoi cho Đức một quả phật thủ đau điếng…

Khi chúng tôi chia tay nhau ở bậc tiểu học Tiến Đức, phần đa các bạn vào trường Trung học Hưng Đức, còn Từ thì vào học ở Trường Công lập Tổng Hợp BMT, nên vốn đã không thân nhau thì sự chia cách hai mái trường lại càng tạo sự xa cách nhau hơn.

Sau đó, dường như không mấy khi chúng tôi gặp gỡ Từ nữa…

Càng về sau, khi tuổi lớn dần lên, Từ đã tự tạo cho mình phong cách đỉnh đạc: Con người Từ lúc đó cũng đã khá vậm vạp. Ngực nổi cộm, khi bước đi ưỡn về phía trước, dáng đi đứng một cách oai phong, pha có chút ngang tàng trong đó.

Hình như chuyện Kiếm hiệp Kim Dung cũng ảnh hưởng đến Từ rất nhiều…

Có lần nghe Từ say sưa kể chuyện luận kiếm Hoa Sơn, rồi từ các nhân vật Kim Dung như Quách Tĩnh, Dương Quá, Kiều Phong, Trương Vô Kỵ…tôi chỉ biết ngẫn tò tè.

Sau 75, tôi mới biết đến Kim Dung. Bây giờ nghiệm lại mới thấy, Từ ít nhiều chịu ảnh hưởng cái nghĩa hiệp, cái quân tử tàu, cái tinh thần cứu nhân độ thế… trong các nhân vật Kim Dung, mà vốn Từ đã có sẵn cái trượng nghĩa trong người.

Một đôi lần ngồi tán chuyện chơi, cho thấy Từ rất thích nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều. “Râu hùm, hàm én, mày ngài, Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Đã thấy hé lộ cái mộng lớn của nghiệp binh đao ở nơi Từ.

Nhưng không phải vì tính cách người hùng mà Từ đánh mất đi cái hào hoa lãng mạn đâu. Mặc dầu học ở khác trường, nhưng bọn tôi vẫn nghe tiếng Từ tán tỉnh và đưa đón một người con gái GX Chi Lăng H.T… đẹp và xinh gái lắm! Nghe kể viết thư cứ một huynh hai tiểu muội mùi mẫn chi lạ!

Hình như chuyện không đi tới đâu, sau đó Từ lại có mối tình với “cô láng giềng” trước khi nhập ngũ…và nghe kể, hai bên thề non hẹn biển ngày về sẽ tính chuyện trăm năm…Nhưng tiếc thay, người ra đi mãi không về…

Nghe người nhà kể, năm 1972, Từ đậu tú đôi và bị động viên đi lính, nhưng người nhà đã lo xong cho Từ khỏi phải đi lính, thời đó cũng tốn kém lắm! Nhưng Từ vẫn quyết ra đi cho thỏa chí làm trai: Xuống đông đông tỉnh, lên đoài đoài tan…(NCT). Đúng như lời Từ nói trước lúc ra đi: Một xanh cỏ, hai là đỏ ngực…

Chẳng những thế, Từ lại còn xung phong đi khóa trinh sát Đồng Đế…Ra trường sĩ quan đậu thủ khoa, muốn chọn nơi nào mà chẳng được. Về tiểu khu BMT, có anh là Đại úy, lo gì mà không có được một chỗ an toàn ấm êm. Có nhiều điều kiện để tránh ra chiến trường khỏi lửa như thế, vậy mà Từ vẫn xung phong đi đại đội trinh sát Sư đoàn 7, Mộc Hóa, Kiến Tường là những điểm nóng chiến trận…thời đó. Từ đóng quân ở cùng một đơn vị với người đồng hương CĐM…

Nghe đâu vừa chia tay với người bạn đồng hương, thì Từ đã bị tử trận bởi pháo binh địch. Ngày về của Từ cũng rất trắc trở…Máy bay về đến phi trường Phụng Dực, không đáp xuống được vì bánh xe không bung ra, đành phải quay trở về lại Sai Gòn…để lần thứ hai linh cửu của Từ mới về được quê nhà.

Có vẻ như Từ vẫn còn ôm mộng binh nghiệp còn dang dở mà chưa muốn về? Quả là súng đạn vô tình đã giết chết giấc mộng làm người hùng của Từ mất rồi.

Đâu đó thoáng nghe câu hát:

“Em hỏi anh, bao giờ trở lại…Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về. Anh trở về, anh trở về, hàng cây nghiêng ngả. Anh trở về có khi là, hòm gỗ cài hoa. Anh trở về trên chiếc băng ca. Trên trực thăng sơn mùi tang trắng”.

Âu đó cũng là số phận của một người hùng, khi mà giấc mơ chưa thành thì đã một cõi đi về.

Thắp một nén hương cho Từ, để nguyện xin cho Từ được về chốn an bình trong Đức Kitô. Ở chốn đó, sẽ không còn khói lửa binh đao nữa Từ ơi!

Một người bạn Tiến Đức năm xưa 1963 -1964

 

 

 

 

 

Check Also

NHỮNG CÁI CHẾT BẤT ĐẮC KỲ TỬ TẠI GX CHÂU SƠN

Sống trên đời này chuyện “sinh ký tử quy” – sống gửi thác về – …