Hết sức lưu ý quy chế mới

Lần đầu tiên tại kỳ thi tốt nghiệp THPT cho phép thí sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình.

Mặc dù các năm trước điều này chỉ triển khai tại kỳ thi ĐH, CĐ. “Chúng tôi tin rằng sự bổ sung Quy chế này sẽ nâng cao trách nhiệm, khả năng giám sát đối với các lực lượng tham gia thi cử” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ.

Mang thiết bị ghi âm, ghi hình không cần đăng ký

Theo Thông tư 04/2013/TT-BGDĐT ngày 21-2 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định, thí sinh được mang vào phòng thi “các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”.

Nhiều địa phương dù giáo viên đã được tập huấn ngắn ngày vẫn lúng túng trong xử lý tình huống với quy định mới này. Ngày 24-5 vừa qua, Bộ kịp có công văn số 3506/BGDĐT-CNTT, do Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Quách Tuấn Ngọc ký, hướng dẫn kiểm tra các loại máy ghi âm và ghi hình mang vào phòng thi. Bộ yêu cầu các Giám đốc Sở GD&ĐT phổ biến hướng dẫn này tới các Hội đồng coi thi, giám thị và thí sinh biết để thực hiện.

Theo đó các loại thiết bị nêu trên phải không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, wifi,…). Cần nhấn mạnh, Hội đồng coi thi không yêu cầu thí sinh phải đăng kí khi mang các thiết bị nói trên vào phòng thi. Khi triển khai thực hiện, giám thị báo cáo lãnh đạo Hội đồng coi thi để xem xét, xác minh nếu có điều gì chưa rõ.

Việc thí sinh được phép mang các thiết bị nói trên vào phòng thi, theo Bộ trưởng Luận, là “tạo hành lang pháp lý để bảo vệ những người chống tiêu cực dù đây không phải là cách duy nhất để chống tiêu cực”. Song hướng dẫn quan trọng cần phổ biến tới hàng triệu người liên quan trực tiếp tới kỳ thi này lại chỉ được ký trước khi thi một tuần, quá bằng đánh đố giám thị và thí sinh. Nó cũng khiến dư luận ngạc nhiên về cách “làm quy chế” vội vàng và bị động.

Hết sức lưu ý quy chế mới 1

Ôn thi tốt nghiệp

Thêm những điểm mới

Cùng với quy định về vật dụng được mang vào phòng thi theo quy chế mới có các loại máy ghi âm, ghi hình, điểm mới của kỳ thi năm nay là nhiều địa phương tổ chức Hội đồng coi thi ghép giữa các trung tâm giáo dục thường xuyên (bổ túc) với các trường THPT, song có phòng thi riêng cho học sinh ở mỗi hệ giáo dục.

Các thí sinh đạt giải cá nhân và đồng đội trong các cuộc thi thí nghiệm – thực hành bộ môn (vật lý, hóa học, sinh học); thi sáng tạo, nghiên cứu KHKT; viết thư quốc tế do ngành GD&ĐT phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở bậc THPT, sẽ được cộng điểm khuyến khích.

Năm nay quy chế thi còn một điểm mới nữa, là Bộ GD&ĐT tiến hành chấm kiểm tra bài thi của các địa phương. Năm ngoái Bộ đã làm thí điểm với 17 ngàn bài ở 16 tỉnh và năm nay sẽ được triển khai tiếp với quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn và kết quả sẽ được thông báo công khai.

Tại mỗi Hội đồng chấm thi sẽ có một tổ chấm kiểm tra bài tự luận, độc lập với các tổ chấm thi, chấm kiểm tra ít nhất 5% số bài thi. Bộ GD&ĐT chọn ngẫu nhiên bài thi tự luận của một số tỉnh để chấm thẩm định và xử lý điểm chính thức của bài thi được chấm thẩm định.

Bộ cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi mà thanh tra coi thi sẽ không báo trước. Cán bộ thanh tra Bộ cũng cắm chốt tại một số tỉnh thành. Sở GD&ĐT cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi.

Ngăn chặn thu tiền “phục vụ thi”

Cũng để ngăn chặn tiêu cực mùa thi, từ đầu tháng 5, Bộ có công văn 2998/BGDĐT-KTKĐCLGD đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo nghiêm cấm việc lợi dụng kỳ thi để vận động thu góp, bắt ép học sinh học thêm trái quy định. Hiện một số cơ sở giáo dục bất chấp, vẫn lợi dụng việc học ôn thi để thu tiền dưới danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh, kể cả thu phí cho coi thi, gây bức xúc xã hội.

Ngày 24-5 (cũng khoảng một tuần trước khi thi), Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký Công văn số 3507/BGDĐT-VP chấn chỉnh điều này. Yêu cầu các Giám đốc Sở GD&ĐT kiểm tra ngăn chặn ngay và xử lý nghiêm khắc các vi phạm, báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 30-5. Các cơ sở giáo dục đã thu tiền trái quy định dưới bất kỳ hình thức nào đều phải trả lại học sinh và gia đình học sinh.

Đây cũng là thời điểm dư luận xôn xao việc học sinh trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) phải nộp cho trường 520 ngàn đồng/người “hỗ trợ thi tốt nghiệp”. Về điều này, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Chờ cho biết: 520 nghìn đồng không phải số tiền để “hỗ trợ thi tốt nghiệp”. Đó là tiền học ôn thi tốt nghiệp 440.000 đồng, tiền phôi bằng tốt nghiệp 10.000 đồng, tiền thi học kỳ II 20.000 đồng và tiền thi thử tốt nghiệp 30.000 đồng. “Các khoản thu phục vụ cho ôn thi tốt nghiệp năm học này đã được hội nghị nhất trí tại cuộc họp phụ huynh ngày 7-4 mới đây”.

Tuy nhiên xét mục tiêu kỳ thi cần an toàn, nghiêm túc, công bằng theo đúng quy chế và giảm bớt áp lực, tiết kiệm, thì dù trường PTTH Đồi Ngô thu 520.000 đồng/học sinh không để “hỗ trợ thi”, mức thu như vậy cũng khá cao. Tiền học ôn thi 440 ngàn đồng không nên thu đại trà, khi có những thí sinh hoặc không có điều kiện hoặc không có nhu cầu học ôn 40 buổi. Tính đầu trò thu tiền như vậy, phụ huynh có quyền thắc mắc “ngoài luồng”.

… “Bình tĩnh, từng bước đấu tranh chống tiêu cực đem lại lòng tin, giành lại lòng tin trước hết là của học sinh, sau nữa là của các cha mẹ học sinh, toàn xã hội”, là mong muốn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ trước hai kỳ thi quan trọng nhất trong năm.

Check Also

Hồi ký họp mặt Hội Đồng Hương "Hành Trình Tin Yêu"

Hồi ký họp mặt Hội Đồng Hương “Hành Trình Tin Yêu” Những ngày tháng cuối …