NÚI CHÚA, Biểu tượng của đức tin kiên vững

NÚI CHÚA,

Biểu tượng của đức tin kiên vững

nui cgya 2

Nói đến Châu Sơn núi ngọc, nhớ ngay đến bài hát của ông Trần Ngọc Huân, một bài hát cảm tác từ tình yêu quê hương và niềm tự hào Châu Sơn. Nghe bài hát, khó thoát được cảm xúc dâng trào vì ca từ đưa người nghe vào tình cảm sâu lắng của người Châu Sơn với Núi Chúa : « Châu Sơn Núi Ngọc, tình Người bao la, bao la hải hà. Châu Sơn Núi Ngọc, tình Người thương ta, tha thiết chan hòa. Từ trên đỉnh núi cao, Ngài dang tay ôm con vào lòng. Từ trên đỉnh núi cao Ngài đưa tay dắt dìu đoàn con…. » .

Đến Châu Sơn mà muốn tìm hiểu về Núi Ngọc thì có thể hỏi bất cứ ai, vì đó là niềm tự hào chung của mọi người. Núi Chúa có một lịch sử gần như đi cùng với lịch sử giáo xứ. Núi thì vẫn có ở đấy tự bao đời. Còn núi Chúa – núi của Chúa, núi có Chúa ngự – thì có lẽ bắt đầu được gọi từ năm 1963, khi cha xứ lúc đó là cha Giuse Trịnh Chính Trực cùng với giáo dân đặt bức tượng Kitô Vua trên đỉnh núi.

Thời kỳ đầu, đường lên núi Chúa rất hiểm trở, phải bám cây, bám đá mà lên. Và vì thế, để dựng được một tượng Chúa Kitô Vua như thế trên đỉnh núi, đòi hỏi rất nhiều công sức và sự hy sinh của bà con. Ngày nay, mỗi khi nói về Núi Chúa, ai ai cũng nói đến với niềm vui và sự tự hào : tự hào không phải chỉ ở chính công trình hoành tráng ; tự hào còn bởi nhận thấy ở phía sau công trình ấy là niềm tin son sắt và lòng đạo kiên cường của cha ông.

Ngọn núi sừng sững cao vút giữa « bình nguyên » Châu Sơn là chứng nhân âm thầm đi cùng năm tháng, chứng kiến cuộc sống đức tin của người giáo dân Châu Sơn trải qua nhiều thế hệ với những biến đổi thăng trầm. Kể từ 1963, đỉnh cao ấy, với hình ảnh một Vị Thiên Chúa uy hùng giang rộng bàn tay như bao bọc chở che cho vùng đất Cư Êbur, lại trở thành điểm tựa lòng tin cho mọi con dân Châu Sơn. Là lữ khách dừng chân bên Núi Chúa trong sáu năm ngắn ngủi, tôi may mắn chứng kiến một giai đoạn quan trọng của lịch sử phát triển Núi Chúa : giai đoạn nâng cấp lễ đài, xây dựng các khu sinh hoạt theo hình bậc thang và mở rộng đường lên Núi Chúa. Tôi cũng chứng kiến giai đoạn khốc liệt nhất Núi Chúa đối diện với hiểm nguy : giai đoạn cấm cách và trấn áp. Hãy hình dung hơn tám trăm con người tráng niên ghép thành băng chuyền miệt mài hăng say chuyền đá, chuyền xi măng và nước lên đỉnh núi. Hãy hình dung các anh trong Ban Chấp Hành và chuyên viên kỹ thuật phải thức nhiều đêm để nâng bệ tượng Kitô Vua lên cao hơn và ở một vị trí trang trọng hơn. Hãy hình dung xe ủi đất phải làm việc thâu đêm để bạt núi ban đường trên địa thế dốc đứng và hiểm trở hầu mở một lối đi dễ dàng hơn cho khách hành hương lên đỉnh Núi Chúa. Hình dung để thấy sức chiến đấu mạnh mẽ và lòng can đảm kiên cường như thế nào !

Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng vì đó là công trình chính của Núi Chúa nên tính thẩm mỹ và chất lượng kỹ thuật rất quan trọng. Đây cũng là công việc phải làm trong sự kín đáo vì nếu « người ngoài » mà biết thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Tôi có cơ hội được đến thăm các anh Ban chấp hành trong đêm trực ủi đường, dưới cơn mưa phùn dai dẳng khó chịu, ăn vội nắm cơm mấy bà vợ mang đến. Tôi chứng kiến hàng đoàn xe độ chở cát, đá … nối đuôi nhau ì ạch leo dốc, dù chậm mà chắc, trực chỉ đỉnh núi mà tiến lên. Tôi cũng chứng kiến tài năng và sự khéo léo của những người nâng cấp bệ tượng đài. Họ thực hiện trước ở dưới núi tất cả mọi việc, từ khâu tính toán đo đạc, sắp xếp khối lượng sắt và gạch đá, đến vị trí từng mảnh ghép …. Công việc ở đỉnh núi chỉ là ghép nối và kết dính. Thật tài tình và đáng khâm phục! Công việc quả là rất nặng nề, nhưng tôi nhận thấy mọi người thực hiện thật nhẹ nhàng và vui vẻ. Có lẽ bởi họ làm trong niềm vui vì biết rằng mình đang tiếp tục trang sử hào hùng của cha ông.

Nhớ lại dịp lễ Kitô Vua năm 2006, giáo xứ bị cấm cách không được phép dâng lễ trên Núi Chúa. Lý do người ta đưa ra thật hỡi ơi : trường bắn phía sau chân núi đang ở trong giai đoạn tập bắn nên sợ nguy hiểm đến tính mạng người dân. Rồi máy bay trực thăng vần vũ trên vùng Châu Sơn suốt mấy ngày. Các đơn vị tỉnh đội lập chốt trên núi, dựng hàng rào thép gai và chướng ngại vật ngăn xe và người lên đỉnh. Các đơn vị công an giao thông phong tỏa lối vào Châu Sơn, kiểm tra giấy tờ gắt gao. Hầu hết các giáo xứ xung quanh Châu Sơn đều được nhà nước khuyến cáo không đến Châu Sơn trong dịp lễ. Các nhân vật chủ chốt của giáo xứ được mời gặp và làm việc với chính quyền trong những ngày trước đó…. Nghĩa là người ta làm tất cả những gì có thể để đè bẹp ý chí và khát vọng của người dân Châu Sơn. Nhưng có ở trong hoàn cảnh thời bấy giờ mới nghiệm hết sự mạnh mẽ của những con người chân chất và tinh thần đoàn kết của cộng đoàn giáo xứ. Trong thánh lễ buổi sáng tại nhà thờ, mọi người được cha xứ mời gọi biểu lộ sự ôn hòa và tinh thần cầu nguyện khi đi lên Núi Chúa. Hầu hết các gia đình đều chuẩn bị chu đáo thức ăn, nước uống, dù, … để lên đường. Sau đó, hàng đoàn người cùng tiến lên, trước hết là các cụ già và thiếu nhi, rồi đến phụ nữ, đàn ông …. Đoàn người đông không đếm xuể.

Ngày ấy, tôi nghe cha phó Giuse đối đáp rất nghiêm khắc với chính quyền: « Quân đội lập trường bắn giữa khu dân cư là sai nguyên tắc quân sự. Tập bắn trong dịp đại lễ của người dân là gây phản cảm và thiếu ngay thẳng với dân. » Buổi sáng hôm đó, tôi nhanh chân len vào bên cạnh một cụ già đang đứng trước hàng rào thép gai và nghe cụ giảng giải cho thiếu nhi về sự nguy hiểm của thép gai và sự bất nhân của những người đặt hàng rào đó. Tôi vòng xuống dưới núi nghe các bà cụ già bình tĩnh nói phải quấy với mấy người lính đứng chặn đường. Lại nghe bà con dân tộc bị cấm không cho đến núi, nhưng cũng vượt suối trèo rào mà đi. Tất cả hiệp lại làm nên sức mạnh cuồn cuộn không gì ngăn nổi. Lịch sử Giáo Hội cho chúng ta một kinh nghiệm không sai chút nào rằng càng bị cấm cách bắt bớ, sức mạnh càng trào dâng.

nui chua 1

Núi Chúa một lần nữa là minh chứng hùng hồn của thực tế đó : Ngày ấy, con số người hành hương Núi Chúa đạt kỷ lục : hơn năm ngàn người. Tôi nghĩ những người trong cuộc sẽ phải viết lại chặng đường phát triển Núi Chúa với những giai đoạn cụ thể. Họ cần làm điều đó để kể lại cho con cháu câu chuyện của quê hương. Điều này cần thiết bởi Núi Chúa là điểm nhấn quan trọng và không thể tách rời quá trình phát triển của giáo xứ Châu Sơn. Hơn nữa, đó là một trong những bằng chứng rõ nhất của đức tin trung kiên và anh dũng tiền nhân để lại cho con cháu : « Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. » (Rm 8, 39)

13/11/2013

JB. LAMnui chua 1

 

 

Check Also

CÁO PHÓ: ANH GIOAN NGUYỄN VĂN CHÂU (Thanh)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …

2 comments

  1. Bài viết thật hay và trung thực, phản ảnh niềm tin và sự thể hiện niềm tin đó trong mỗi hoàn cảnh qua sự khôn ngoan trong việc minh chứng và bảo vệ niềm tin của mình. Rất cám ơn người viết.

  2. Rất tiếc, nhận được bài này quá trễ, phải chi sớm hơn sẽ đưa vào kỷ yếu 50 núi Chúa thì thật thích hợp. Nhân chứng của một thời tân tạo núi Chúa 2002 -2008 đã kể lại những chuyện mà bây giờ mới được nghe. Những thời điểm nhạy cảm “ngăn sống cấm chợ”. Bằng một giọng văn tự tình, tác giả đã kể cho chúng ta nghe những gian nan vất vả của các đoàn, mà tôi nghĩ các Đoàn cũng nên cám ơn tác giả, đã như một chứng nhân lịch sử để ghi nhận lại một giai đoạn hết sức nhạy cảm, khi kể cho chúng ta nghe những chuyện có thật, mà bây giờ mới biết…