Tản mạn về đám cưới ở Châu Sơn

Tản mạn về đám cưới ở Châu Sơn

TINH GIẢN KHÁCH MỜI

TC 6

          Đám cưới ở Châu Sơn ngày nay lên lịch khá dày đặc, và hầu như được tổ chức quanh năm. Mỗi năm trong GX có khoảng từ 40 đến 50 đôi kết hôn. Tính số đám cưới của nhà trai và nhà gái phải lên đến con số 80 – 100 đám tiệc trong một năm. Và như thế, trung bình cứ gần 4 ngày có một tiệc cưới ở Châu Sơn.

          Một đám cưới ở xứ Châu, có số khách mời trung bình từ 500 đến 700 người. Với số khách mời như thế, chiếm trên nửa số hộ giáo dân (1.000 hộ) ở Châu Sơn. Có những gia đình được mời cả cha mẹ và con cái, số thiệp mời từ 2 đến 4…là chuyện bình thường. Tiền mừng một tiệc cưới giao động từ 150 – 200 ngàn đồng (2013). Nếu tính trung bình mỗi gia đình nhận được 50 thiệp mời mỗi năm thì, mất đi một khoản chi 10 triệu đồng. Con số chi này không hề nhỏ so thu nhập trong mỗi gia đình của Châu Sơn. Nếu tính một gia đình 1ha cà phê, mỗi năm thu hoạch 3 tấn thì số tiền thu nhập 3.35 (1 tấn cà 35 triệu) = 105 triệu đồng. Tổng thu nhập cho mỗi năm (105 triệu/3tấn – 30 triệu/ chi phí = 75 triệu đồng/ tiền thu nhập). Thực tế, cà phê Châu Sơn chúng ta những năm gần đây, rất khó đạt mức 3 tấn/Ha mỗi năm.

         TC 5Và như thế, số tiền đi mừng cho đám cưới chiếm gần 1/7 của tổng thu nhập trong gia đình. Vì thế khi nói đến đi mừng tiệc cưới, hầu như không mấy ai phấn khởi hồ hởi cho lắm, mà ai cũng than như bọng: “Đám cưới chi mà liên miên, ăn uống rền quá! Thấy mà phát khiếp. Đã mất công ăn việc làm, rồi lại còn mất tiền của nữa. Đến nước rồi không có tiền mà đi mừng”. Nói là nói thế, nhưng rồi khi nhận được thiệp mời vẫn cứ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” áo quần tươm tất đi dự tiệc cưới. Bởi đây là cái nợ vay trả, trả vay lần hồi trong cuộc sống, “nay anh mai tôi”.

          Ngày nay, đám cưới ở giáo xứ Châu Sơn chúng ta được xem là khá cồng kênh: từ khách mời đông, đến người làm giúp cũng không dưới 200 người, sau tiệc cưới cũng phải 10 mâm giúp nữa. Tính ra, có 1.000 lượt khách hoặc người nhà phải tham gia vào đám cưới. Chưa nói đến tiền bạc đi mừng, tính công cán của 1.000 người cũng phải bị lãng phí mất: 120 ngàn đồng/1công. 1.000 người = 120 triệu đồng. Tính sự lãng phí công cán của một đôi hôn phối phải lên đến con số 240 triệu đồng.

          TC1Thực ra, sự cồng kềnh trong đám cưới của GX chúng ta cũng đều có căn cơ, có lý do của nó, chứ không phải tự nhiên mà thành.  

          Bốn giáo họ chung sống với nhau đã hơn 55 năm (1956-2013) với những hoạt động xã hội: đám cưới, hội hè, nước mới…và những sinh hoạt GX: lễ lạt, tang chế, đoàn thể, hội đoàn…Tất cả đã hòa chung 4 giáo họ thành một thể thống nhất của một GX, từ tập quán, sinh hoạt…đều tương đồng nhau. Vì thế, mối dây quan hệ của cá nhân với cộng đoàn rất rộng rãi…

          Mối quan hệ “thông gia là bà con” ngày một triển nở và mật thiết với nhau, “vì cây dây leo” cũng làm cho xuất thiệp mời gia tăng lên đáng kể, đó là chưa nói đến cận thân lối xóm, rồi xóm cũ (cha mẹ), xóm mới ra riêng, cũng đều có lý do chính đáng để mời.

          TC 2Ngày nay cuộc sống xã hội mở ra nhiều phương diện giao tiếp làm ăn, quen biết, bạn bè mới cũng phát sinh: bạn bè ăn nhậu, bạn bè rẫy nương, bạn bè làm ăn, bạn bè hội đoàn…hội chim cá cảnh, hội người cao tuổi, hội dưỡng sinh, Đoàn thể: Tin mừng, Thánh Thể, Chúa Thương Xót…Đó là chưa nói đến bạn cha, bạn mẹ học lớp 5 ngày xưa, bạn bè cấp II, III, bạn bè đại học…

          Bạn bè con cái giao du quen biết nhiều, lân la lên cả chục mâm.

          Trong cái tổng thể khách mời trên đây, xét ra, có một vài loại khách mời bất cập: bạn bè anh chị em của cô dâu và chú rễ dự phần vào đám cưới, làm cho suất thiệp mời tăng thêm vài ba mâm. Đây là sự bất hợp lý, khi đám cưới của anh chị, chẳng có liên quan đến bạn bè của anh chị em trong nhà, nhưng cũng xin ké vào một mâm, hay dăm ba người…Điều này nên xét lại. Hoặc thông gia mời hết anh chị em trong nhà, nếu có đến năm bảy thông gia thì số mâm cũng sẽ lên đến dăm ba mâm, cũng làm cho đám cưới đã đông lại càng đông thêm.

          TC 3Thực ra, cũng thật khó cho chủ hôn để hạn chế khách mời, nhất là đám cưới “con đầu cháu sớm”, phải tìm cách trả hết nợ ân tình mà mình đã mang bấy lâu nay. Chúng ta đành phải cảm thông cho chủ hôn để họ làm trọn nghĩa tình, trả nợ đời cho bà con làng xóm.      

           Nhưng chẳng lẽ, đám cưới là nỗi hân hoan vui mừng hạnh phúc trăm năm mới có một lần cho đôi trai gái, lại trở thành nỗi ám ảnh, hệ lụy hay một sự nợ vay trả cho khách mời, rồi chúng ta cứ phải làm khổ nhau mãi hay sao!!?? Vô tình chúng ta làm phiền lụy nhau cả đời.

          TC 7Vậy, chúng ta thử đưa ra một vài cách thế, xem có thể “tinh giản biên chế” suất mời xuống mức gọn nhẹ nhất, để tự tháo gỡ cho nhau chăng?

        Ở đây chúng tôi chỉ muốn đề cập đến những lần tổ chức đám cưới, sau khi trả nợ ân tình của đám đầu mà thôi.

          Nhất cận lân, nhì cận thân. Hầu như không thể “ tinh giản” được, vì “tối lửa tắt đèn” rất cần có nhau, nên phải “bán chị em xa mua láng giềng gần” là thế đấy! Chỉ có thể “tinh giản” mời người giúp xuống chừng một mâm lối xóm, nếu là đặt nhà hàng dịch vụ gia chánh nấu ăn.

          Bà con họ hàng, thực sự đã có một bộ khung gia phả rõ ràng: Ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt và con cháu dâu rễ bên nội bên ngoại, phải ưu tiên hàng đầu. Thứ đến họ hàng bậc II: cô, dì, dượng, cậu, mự, chú, bác…và con cháu dâu rễ…Mặc dầu quan hệ bà con không còn trực hệ, nhưng bỏ qua không mời trong tiệc cưới, cũng chẳng phải đạo chút nào. Anh chị em con chú, con bác, con dì, con cô, con cậu chẳng lẽ không mời nhau? Xuống đến đời hạng III này, nên hạn chế mời các đời thứ 4,5,6…sẽ giảm được được một số mâm đáng kể. Có những gia tộc lớn, giảm mỗi đời sẽ bớt được một chục mâm.

          TC 4Quan hệ thông gia rất được trọng vọng là điều tốt, nhưng cũng nên hạn chế, chỉ mời người con đầu trong gia đình ông bà thông gia là đủ, và chỉ nên mời một lần đám cưới đầu mà thôi. Bởi đây là quan hệ nghĩa tình thông gia, chứ không mang tính huyết tộc, dòng họ…nên không bắt buộc phải mời nhiều lần.

          Điều chúng tôi muốn nói ở đây là, bạn bè của cha mẹ. Một số lượng rất lớn và rất cồng kềnh, vì những mối ràng buộc vô hình. Bạn bè hồi xưa học cấp I trường làng, của cha và mẹ cũng đã có tới 5 – 6 mâm. Rồi bạn lên cấp II, cấp III trường TP.

       TC 9Những người bạn này thực ra chỉ là hữu danh vô thực. Có thể ngày xưa thân quen, nhưng trong cuộc sống thường ngày, hầu như chẳng còn đi lại nhau, không còn một chút quan hệ nào nữa, nếu không có đám cưới, chẳng đến nhà nhau bao giờ. Ở Gx chúng ta đang chịu áp lực phải mời nhau, những khách mời như thế, gây phiền hà cho cả chủ hôn lẫn khách. Không mời thì khó coi, sợ họ buồn và tổn thương lòng tự trọng: “chắc hắn chê mình nghèo mà không mời”, mà mời thì có khi làm khó cho bạn bè.

Có người vì hoàn cảnh, đã phải lên thú thật với bạn bè: “Bây có mời tau, tau cũng chỉ đi được một lần thôi, thông cảm cho tau nha!”. Thực ra trong lớp, nhiều người cũng đồng quan điểm như thế, nhưng vì sĩ diện, không dám nói ra, sợ bạn bè chê “bần”, nên đành phải theo.  

          Bạn bè quen biết do liên hệ nghề nghiệp, làm ăn, bạn các đại lý phân bón, chế biến cà phê…Bạn rẫy nương, chiến hữu một thời mời nhau là rất xác đáng, vì thân quen đi lại với nhau hàng ngày…

          Đến việc ăn cưới, đưa dâu, cũng nên giảm bớt số mâm…Thông thường ở GX chúng ta, ăn cưới 6 mâm thì đưa dâu phải là 8 mâm, cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể. Nếu cả hai họ hiểu cho nhau và thông cảm cho nhau thì chỉ cần bên 4, bên 5 là được rồi. Có chủ hôn bà con ít, nhưng khi chỉ tiêu đưa dâu cho phép 9, 10 mâm, phải rán mời hết hàng xóm, bạn bè đi cho đủ con số, cũng chỉ là cồng kềnh và làm khổ nhau mà thôi.

TC 8

    Ngày xưa, khi được mời đưa dâu, ăn cưới ai cũng lấy làm vinh dự lắm, còn bây giờ, chẳng ai muốn cái vinh dự đó nữa, vì đám cưới rền quá, đã mất công, lại mất cả tiền, chứ có phải đi ăn chùa cho cam. Mà nói đến đi tiệc cưới rền quá, cũng bội thực quá tải, nghe nói đến đám cưới là phát khiếp. Chẳng thế mà cánh mày râu cũng chẳng mặn mà chuyện ăn nhậu tiệc cưới, để thường “khoán” cho vợ đi.

          Bạn bè của cô dâu chú rễ cũng có vấn đề. Quan hệ bạn bè phải có căn cớ và có thời gian đi lại thân quen với nhau, chứ không phải là bạn bè qua người bạn khác mà “vì cây dây leo”. Chính người được mời cũng chẳng biết mô tê chi về cô dâu chú rễ…Có cô dâu chú rễ đi làm, đi học xa làng xóm từ hồi nhỏ, bây giờ về làng lấy vợ lấy chồng cũng vơ quàng người này, người kia cho có bạn, cũng là một việc làm khiên cưỡng.

Một lý do khá nhạy cảm và phổ biến ở các cô dâu chú rễ là, mời nhiều mâm sẽ có số tiền mừng cao. Ví như mời 10 mâm bạn, sẽ có được từ 15- 20 triệu cũng có được một số vốn nhỏ. Thông thường tiền mừng bạn bè, cha mẹ cho con cái lấy. Mục đích không chính đáng, liệu có biện minh được cho sự cồng kềnh đó chăng?

          TC10Nếu chúng ta biết cách tinh giản các “hạng mục” trên đây, đám cưới sẽ bớt sự cồng kềnh không đáng có, sẽ giảm thiểu được số lần mời mỗi năm xuống chỉ còn 20 – 25 đám cưới, khách mời sẽ thấy quý hóa và hồ hởi phấn khởi hơn, chứ không phải là 50 thiệp mời, sẽ là một sự quá tải, làm khổ và phiền hà cho nhau.

          Qua tham khảo, một số người cho rằng: tiệc cưới ở Châu Sơn chỉ nên có số mâm từ 35 – 40 là lý tưởng. Số người giúp cũng nên hạn chế 5 – 7 mâm, trong nội bộ: cha mẹ, anh chị em, con cháu…Nếu hạn chế được mức trên, đám cưới ở GX chúng ta sẽ bớt cồng kềnh, và sẽ gọn nhẹ hơn để khách mời không còn phải ức chế: “Đi mừng tiệc cưới mà khổ sở như đi đưa đám ma”.

Đã từng có một gia đình họ Hoàng…cánh họ gia tộc rất đông, nhưng những đám cưới sau đã tinh giản xuống mực dưới 40 mâm. Xem vậy, thì không phải không tinh giản khách mời trong đám cưới ở GX chúng ta được, mà do cách nhìn: “Phải làm tiệc cưới cho lớn, cho hoành tráng, cho rôm rã, cho nhất làng…”. Quan niệm như thế, vô tình gây hệ lụy cho nhau là khó tránh khỏi.

          Việc mời nhau là điều đáng quý, đáng trân trọng, nhưng chẳng có một quy luật nào bắt buộc chúng ta phải mời nhau nhiều lần và làm khổ lụy nhau như thế! Tự chúng ta phải giải thoát nợ đời cho nhau, chứ chẳng ai làm giúp cho chúng ta được, nếu chúng ta không biết tự tháo gỡ cho nhau. Cũng chỉ là nợ đời vay trả: “Nay anh tha cho tôi, mai tôi sẽ tha lại cho anh”.

          Rất mong được nhiều ý kiến bạn đọc góp ý phản hồi về việc “tinh giản khách mời” cho sáng tỏ vấn đề. Có thể, các bạn đọc sẽ đưa ra những phương cách “tinh giản khách mời” hợp tình và hợp lý hơn, để cuộc sống chúng ta không bị khổ lụy vì “cái quy luật: chúng ta tự trói buộc nhau, tự làm khổ lụy nhau”.

Nguyễn Vĩnh Căn

         

         

 

Check Also

CÁO PHÓ: ÔNG PHÊ RÔ TRẦN ĐỨC PHƯƠNG (Cửu)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …

4 comments

  1. Đồng ý với tác giả là nên tinh giản khách mời. Nại vào “nợ đồng lần” để làm khổ nhau mà làm chi! Phía sau lý lẽ trả nợ, thực ra là cái sĩ diện muốn đám mình hơn đám người ta. Cuối cùng thì chủ nhà cũng khổ mà khách mời cũng mệt mỏi. Cô dâu chú rể sau những ngày vui mà rất mệt ấy thì trở lại đời thường với bao gánh nặng chồng chất. Một phần của gánh nặng ấy liên quan đến tiệc cưới “hoành tráng” này.

  2. Thật không đơn giản và dễ dàng để bỏ một tập tục như bạn Paroussia nghĩ đâu, bởi phá vỡ một nguyên tử còn dễ hơn bỏ một tập tục, quả là không sai, như có người đã từng so sánh. Tuy nhiên, việc tác giả đưa ra những lý lẽ hơn thiệt, để mọi người dân ta đọc, suy nghĩ và tìm cho mình một giải pháp tốt hơn, nhằm giảm thiểu sự cồng kềnh của đám cưới Châu Sơn ta.
    Ở đây, rất cần ý thức của mỗi người chúng ta về việc tinh giản khách mời, và cần có một sự can đảm, dám đột phá, thì mới có được sự đổi mới trong đám cưới. Đúng như tác giả nói, chúng ta tự làm khổ nhau, tự trói buộc nhau, vậy thì chúng ta cũng có quyền tự cởi trói, tự tháo gỡ cho nhau chứ! Cuộc đời là thế đấy! tự làm khổ nhau thì cảm thấy an tâm, và đổi mới thì sợ dư luận này nọ…Đúng là cái câu sai lệch: thủ thường hơn trác lạc của cha ông ta, đã là vòng kim cô trói buộc dân ta rồi.

  3. Tôi nhìn vấn đề dưới một góc độ khác, và nó vẫn liên quan đến việc sợ dư luận (hoặc vì sĩ diện). Lấy ví dụ: vấn đề mời bà con đến cấp nào trong dòng họ, bạn bè thì mời làm sao…? Nếu tự ông bà chủ hôn quyết định đến cấp nào, bạn bè thì moiwf như thế nào … thì sẽ khó để họ bỏ người này người kia. Nhưng nếu có một quy định cụ thể của cộng đồng (cha xứ và HĐGX ký chẳng hạn), ai cũng bắt buộc phải theo, tôi đảm bảo với Anh Cô là người ta sẽ theo với sự vui mừng. Vì lúc đó gánh nặng được cất đi mà dư luận cũng không còn.

  4. Bạn Paroussia lại tự làm khó dễ cho cha xứ và HĐGX rồi, chuyện mời đám cưới là chuyện tình cảm bà con dòng tộc họ hàng và bạn bè, giáo quyền không thể xen vào chuyện đời tư để đề ra nghị quyết ký và thi hành được. Có điều, nếu có tiếng nói của cha xứ, nhắc nhở nhiều lần thì sẽ có được những hiệu quả nhất định…Ví như lần cha cố LMQX Võ Quốc Ngữ đã nhiều lần lên tiếng đả phá việc mời giúp đám đông người, và ăn uống rềnh rang trong và sau đám tang…một thời đã tinh giản được số người đáng kể.
    Nhưng tôi vẫn đồng ý với bạn Paroussia là, dân ta sợ dư luận và cả sĩ diện hão để không dám rút gọn danh sách khách mời. Thà rằng mình chịu trận, để được an phận, chứ không để ai trách cứ!
    Nhưng có lẽ thời buổi văn minh này rồi, mỗi người chúng ta cũng nên tự ý thức việc đó để chấn chỉnh lại việc mời khách làm sao cho hợp tình hợp lý và tránh phiền lụy đến nhau là tốt nhất…Có điều, lớp trẻ tráng niên nên tiên phong đột phá, dám làm…thì sẽ gây được hiệu ứng lớn domino theo…Thực sự, làm điều này chẳng ai dám lên tiếng phản đối đâu, có khi họ còn cám ơn nữa là đàng khác.
    Một khía cạnh khác mà tác giả Vĩnh Căn quên nhắc tới là, mời 70, 80 mâm tiệc nếu đi đông đủ, chủ hôn sẽ có thể một số tiền “thặng dư” trang trải “bão hòa” đám cưới để không phải bù lỗ. Phải chăng, vì điều này mà một số ít bà con ta thích mời đám cưới cho đông???
    Nhưng ngược lại, nếu khách mời không đi đủ thì cũng lỗ chõng vó đấy! Dịp tiệc cưới vừa rồi, đám trùng nhau, đã có gia đình chủ hôn, dư những 9, 10 mâm tiệc…méo mặt đấy! Đúng là con dao hai lưỡi!!!
    Bà con ta nên suy nghĩ lại, để định mức tinh giản khách mời cho gọn nhẹ, nếu không cứ đà này…dần dà rồi sẽ lên đến con số 100 mâm tiệc. Lúc đó, chắc sẽ có gia đình đông bà con, bán nhà đi khỏi GX. Và khi được hỏi: tại sao đang làm ăn yên lành lại dời dinh? Xin thưa là, ở Châu Sơn, đám cưới nhiều quá chịu không nổi, nếu ở lại thì sẽ được xếp vào hộ nghèo vì đám cưới mất. Và khi đó thì sĩ diện, còn gì mà nhìn mặt bà con nữa đây các bạn? Thôi thì, đành phản nhẫn tâm để học theo Tào Tháo: “thà ta phụ người hơn để người phụ ta”.