BÊ TÔNG HÓA,
ĐƯỜNG LÀNG CHÂU SƠN
Phần I
Có vẻ như Châu Sơn đang từng ngày đô thị hóa cho kịp với tiến trình thi công Đường Vành Đai đang chậm chạp khai thông thế bế tắc (Con đường này, được bắt đầu thi công vào những ngày đầu năm 2013, mà đến nay chỉ vừa mới đền bù xong và giải tỏa các ngôi nhà cuối cùng có đường vành đai đi qua).
Nhà cửa Châu Sơn dịp này cũng đang mọc lên những ngôi rất “hoành” với nhà tây nhiều mái cao vợi…đã biến đổi diện mạo của Châu Sơn ngày càng khang trang hơn. Rồi đến đường sá “trục tung” (đường chính xuyên suốt làng) cũng đã láng nhựa được 5 trục chính: Đường B, Đường C, Đường D, Đường Liên thôn (từ tượng đài Gioan sang thôn 6) và Đường Giải Phóng (tiếp tuyến đầu làng), đã vạch được những thông lộ chính của làng.
Điều này chẳng có gì đáng lạ lẫm cả, vì ngay làng Trung Hòa ở xa TP đến 15 km, cũng đã lên khuôn hết láng nhựa các đường lộ chính từ lâu rồi, nhờ vào phương thức hợp tác: nhà nước và nhân dân cùng làm…
Nhưng ở đây, có một điều lạ là, trong khi đường chính chưa thực hiện xong đường láng nhựa cả làng, thì bỗng phát sinh ra đường Bê Tông Hóa xi măng cát đá “trục hoành” với phương thức: Nhà nước cung cấp xi măng (cho không) và Nhân dân bỏ tiền ra mua cát đá và bỏ công sức ra làm đường Bê Tông.
Lúc đầu, có vẻ như người dân không mấy mặn mà cho lắm, vì đường ngang là đường nhỏ, nhu cầu đi lại cũng ít hơn đường dọc (chính)… Nhưng suy đi nghĩ lại, mấy khi Nhà nước mở lòng từ bi hỉ xã: cho không xi măng, còn lại cát đá thì bao nhiêu nữa đâu mà người dân không gắng. Sau đó, lại nghe: số lượng xi măng có hạn, đường nào đăng ký trước sẽ được ưu tiên…Điều này đánh vào tâm lý người dân, không đăng ký kịp thời, sợ hết chỉ tiêu xi măng, thiệt to cho xóm mình không có đường Bê tông…Vì thế, không ai bảo ai, các xóm tự ý phát động một cách rầm rộ “Bê tông hóa đường làng”.
Phát pháo đầu “Chiến dịch Bê Tông hóa đường làng” là xóm ông cụ Hân, thuộc địa bàn thôn 3, là đường huyết mạch của Giáo họ để đến hoa viên và tượng đài thánh An Tôn. Con đường này thiết kế rộng 3,5 mét, gồm ba đoạn. Đoạn I: ông Hân đến ông Trọng (Ba). Đoạn II: từ Tượng đài An Tôn đến bà Bường… Đoạn III: từ Ông cụ Hồng (Khâm) đến ông Thành (Truyền)… Bà con cùng nhau góp công, góp của (cát đá) hồ hởi lắm! Thi công mấy ngày liền, và hoàn thành có tiệc mừng liên hoan hẳn hoi.
Thôn 2, khởi động chậm hơn, nhưng làm liền một lúc hai đoạn đường: Anh Thẩm đến ông Hảo (Đức) nối với đường Truyền giáo.
Đoạn 2 từ ông Công (Thành) đến qua ông Lạng…Và hiện đang thi công tiếp đường khuôn viên giáo họ Giuse và đường từ ông Ban sang ông Tuấn (Phúc).
Khi được hỏi: Tại sao các đường không làm xuyên suốt cho hết, mà làm từng đoạn như thế? Và được trả lời: đây là con đường được làm bằng tính tự nguyện của người dân, không có sự áp đặt nào. Vì thế, một số người dân của từng đoạn đường, tự họp bàn nhau để thỏa thuận làm, nếu ai không hưởng ứng, hoặc không có điều kiện để đóng góp thì rất khó cho đoạn đường đó để làm, vì không ai dại gì mà đóng góp cho những người không chung tay góp công của, mà đi chùa. Rất khó để cùng một lúc có thể giải quyết bế tắc của các cá nhân trong các xóm…Vì thế, chỉ có thể thực hiện được từng đoạn đường mà thôi! Từ đây, mở ra nhiều cách để góp công của, tùy theo từng xóm, mà không có một ba rem nào để làm mẫu số chung cho các xóm.
Làng Châu Sơn được thiết kế Đường Dọc: cứ 2 vườn nhà quay lưng lại nhau thành một đường dọc, rộng từ 8 – 9 mét. Trên đường dọc, cứ ba vườn là mở một đường ngang, rộng 3 – 3,5 mét.
Ví như ở thôn 2, ở một xóm nọ (xóm ông Trí, ông Gia, Ông Đạt…), một lô có ba vườn: vườn trực tiếp có đường đi ngang, đóng góp 1,8 triệu đồng, kế đến vườn 2 ở giữa 900 ngàn đồng, và vườn thứ 3 (vườn có đường ngang đi qua ở mặt đường ngang khác) chỉ đóng 600 ngàn đồng. Vườn thứ 3 này đóng ít hơn, vì chính hộ này cũng sẽ phải đóng 1,8 triệu đồng khi làm con đường này. Và hộ giữa lại đóng 900 ngàn đồng khi làm con đường ngang kế tiếp.
Đây là một vấn đề gây tranh cãi, mà bên nào cũng có lý. Bên vườn 1 có đường trực tiếp đi qua thì bảo: Đường làm cho cả làng cả nước đi lại, chứ có phải một chắc nhà tui đi mô mà đóng nhiều như rứa? Vườn 2 ở giữa bảo: đường đi bên vườn 1, thì nhà họ được hưởng hai mặt tiền, giá trị vườn nhà sẽ cao hơn, hà cớ chi lại bắt chúng tôi đóng góp. Còn vườn thứ 3 thì bảo: bên đường chúng tôi cũng làm, sao lại phải đóng góp cho đường bên kia…
Bà con ta ơi! Ở đời, nếu cứ đưa lý lẽ phải trái, hơn thiệt với nhau thì làm sao mà sống nổi!!! Xã hội làm sao quy tụ lại xóm làng, thành thị thôn quê đây! Xã hội có lý tưởng đến mấy, cũng chỉ đem lại sự công bằng một cách tương đối mà thôi. Và nếu khi công bằng xã hội không được thỏa mạn, thì còn có đức ái của đạo Công giáo tương thân tương ái nhau nữa kia mà! Bầu ơi thương lấy bí cùng…Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!!
Điều quan trọng là, mọi con đường làng xóm, thành thị, quốc lộ…đều là con đường chung, chứ không phải của một riêng ai, vì thế việc đóng góp là trách nhiệm và bổn phận hiển nhiên của tất cả mọi người dân.
Khi chúng tôi đăng bài này lên, thì một số xóm đang tay cuốc tay xẻng san lấp, sửa lại mặt bằng các đường ngang cho bằng phẳng, mương máng được khai thông, cát đá đã đổ sẵn, chờ xi măng nhà nước về là làm đường ngay. Có xóm đang lên khuôn và vận động nhau làm các đường ngang. Xem ra, bà con ta hào hứng trong việc làm đường này lắm!
Phải chăng, dân ta đang trở mình để hội nhập làm thị dân trước khi Con Đường Vành Đai hiện thực đi ngang qua làng, để sống với tiêu chí: Xanh, Sạch, Đẹp đường phố!!
Thật đáng biểu dương vậy!
Hoan hô dân mình một cái! hoan hô dân mình!! Nào chúng mình hoan hô!!! Nào ta hoan hô!!!!
Đón xem phần II: BÊ TÔNG HÓA, ĐƯỜNG LÀNG CHÂU SƠN
Ghi nhận 01.10.2014 – Châu Sơn choa
Bình luận