ĐƯỜNG BÊ TÔNG HÓA MÀ LÒNG ĐỪNG HÓA BÊ TÔNG!

ĐƯỜNG BÊ TÔNG HÓA

MÀ LÒNG ĐỪNG HÓA BÊ TÔNG!

           Trong những năm gần đây, kinh tế nông thôn phát triển vượt bậc, đời sống người nông dân được cải thiện nhanh chóng, phất lên làm giàu thấy rõ! Nhà tranh vách đất, vách lá lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những ngôi nhà mới mọc lên, vươn cao. Bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt. Rào cản giữa thành thị và nông thôn được xóa bỏ. Không ai dám khẳng định: Dân nông nghèo hơn dân phố? Hàng hóa, nông sản do chính tay nông dân làm ra được lưu thông phân phối khắp mọi miền Tổ quốc. Thanh Long Bình Thuận, Đắk Lắk, … được bày bán tận bên trời Tây, có trên các sạp bán trái cây của 52 Tiểu bang Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ ? Hiện diện ở Nga, có mặt cả bên nước Ma-rốc (Châu Phi). Dân Trung Quốc, Ấn Độ, chỉ cần mỗi người ăn vài kilogam thanh long mỗi năm, thì dân mình giàu to? 

        Nhờ đâu mà sản phẩm nông thôn của ta đi tới mọi miền, mọi nước như vậy? Là nhờ giao thông, trong đó cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn đã được đổi thay, phát triển hơn những năm bảy mươi, tám mươi! Nhưng để tạo điều kiện, đòn xeo thúc đẩy cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn thì phải cải tạo hệ thống đường nông thôn: Liên huyện, liên xã, liên thôn, liên xóm, liên gia, liên vườn-vựa (thanh long),…Đó là một đòi hỏi cấp bách! Nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ? Chính sách thì đã có, chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm đã rõ? Nhưng còn lắm nhiêu khê, nhiều vướng mắc không dễ gì tháo gỡ?!

          Ngoài việc hình thành ban bệ: lập kế hoạch, lên phương án, tính dự trù kinh phí,..đã khó, rồi sẽ ló cái khôn? Nhưng gặp phải những “tấm lòng đã hóa bê tông” của bà con mình thì lại càng gian nan gấp bội!

            – Người xưa nói : “tấc đất tấc vàng” nghĩa là tận dụng từng tất đất để làm ra của cải, nhiều năm, nhiều thập niên ít ra cũng mua được một chỉ vàng? Nếu mở rộng đường cho xe dễ chạy, có chỗ tránh nhau mà vườn tược phải hẹp đi 5 tấc rộng phía đường thì không phải ai cũng quãng đại? tự ý dời bờ rào lấn vô?

            – Đóng góp tiền nong, “đồng tiền liền khúc ruột”. Tiền chi hằng ngày : cơm áo, cá mắm, thịt thà;  sinh hoạt phí: mua cạc, mua sim ; tiền nuôi con ăn học ; Tiền tiêu : tiêu vặt, tiêu gặp bạn, gặp bè, cà phê cà pháo, bia bọt ; Tiền để dành phòng lúc ốm đau, khi hoạn nạn ; Còn có tiền pha: mừng đám cưới, sinh nhật, tân gia, rửa xe mới, rửa bằng lái, rửa lên lon, lên chức. Còn phí : Phí giao thông, phí điện, phí nước uống, ..; tiền dâng cúng, tiền ủng hộ,… Lắm tiêu, lắm chi, lắm phí, lắm pha cũng là tiền. Vì thế rứt tiền ra đóng góp cũng xót lòng, xót dạ lắm chứ? Âu cũng là lẽ thường tình!

            – Góp công cũng là một vấn đề: Nước đập chưa về, phải “canh me” thường xuyên, để nước có tới mà dẫn vào ao đang nứt nẻ! Rơm chưa tấp, gốc trơ rễ, quăn queo! Bón phân, tưới nước đầy đủ, cành thanh long mọc tua tủa, vô trật tự, ai tỉa, ai cắt cho? Cũng phải làm!

            – Vườn chỉ ít trăm trụ, vườn có cả vài ba thiên ; vườn xa, vườn gần, vườn lắm nơi, vườn một chỗ ; vườn xa nhà, nhà trong vườn; Ôi thôi! Tính cho ra kẻ ít, người nhiều góp tiền vô  đâu phải dễ, khó hơn là góp sòng, góp mồi gấp mấy ngàn lần?

Nhiều cái lý do để thoái thác! Sản phẩm thì than bị dân buôn ép giá; Xe chở phân chở rơm rạ đầu tư cho đất tốt, thanh long ra trái sai, to mà bị nghiêng, bị ngả, phân rắc giữa đường, rơm rớt tung ra như lót nệm trên đường gồ ghề, lởm chởm. Đi xe máy gặp ổ voi, ổ bò, té gãy răng, trợt mặt như chơi? Lý do căn bản là gì? Đó là tấm lòng chưa quãng đại, chưa rộng lượng ; dạ chưa cởi mở. Mở gì? Xin đập nát “bê tông” cứng như đá trong lòng!

            Bụng làm thì dạ chịu, bụng chưa thông, chưa thoáng, chưa mở hầu bao thì dạ chịu khổ, chịu thua kém, chịu thiệt thòi mới lòi cái sáng dạ!

            Nông thôn, nông dân có một vị trí cao (chiến lược) trong mọi lãnh vực, là cơ sở hạ tầng và là lực lượng hùng hầu không thể thiếu trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, của xóm Đạo, xóm đời. Đường nông thôn đang từng bước được cứng hóa, nhựa hóa, bê tông hóa nhằm cải thiện dân sinh.

            Nông dân  có vị trí then chốt trong sự phát triển nông nghiệp và kể cả công nghiệp! người nhà nông nếu được phát huy tiềm năng (đó là tiền), tiềm lực (đó là sức mạnh),  chính là nhân tố làm nên, làm ra tất cả. Mà quan trong bậc nhất: “Đường được bê tông hóa mà lòng đừng hóa bê tông!

            Pet Trần

 

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …