VIẾT LẠI CUỘC XỬ ÁN CỦA CHÚNG TA

VIẾT LẠI

CUỘC XỬ ÁN CỦA CHÚNG TA

Khi kể về cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, Thánh Kinh tập trung rất nhiều vào cuộc xử án Ngài, mô tả dài và chi tiết.

Và mô tả đó thật vô cùng sâu cay.  Chúa Giêsu bị xử án, nhưng lại được viết ra như thể, tất cả mọi người đang bị xử án, chứ không phải Ngài.  Các nhà cầm quyền Do Thái, những người đã lên kế hoạch bắt Ngài đang bị xử án vì lòng ghen tức và bất lương của họ.  Nhà cầm quyền Rôma, những người nắm quyền quyết định trong vụ này, đang bị xử án vì sự mù quáng về đạo của họ.  Các đồng bạn và những người đương thời của Chúa Giêsu đang bị xử án vì sự yếu đuối và phản bội của họ.  Những người thách Chúa Giêsu thể hiện quyền năng thiêng liêng của mình để xuống khỏi thập giá, họ bị xử án vì đức tin thiển cận của họ.  Và, cuối cùng nhưng không phải nhẹ tội, là chính mỗi chúng ta đang bị xử án vì sự yếu hèn, ghen tương, mù quáng tôn giáo và đức tin thiển cận của mình.  Đoạn viết về cuộc xử án Chúa Giêsu đọc ra như một bản kể tội phản bội của chúng ta.

Gần đây, Giáo hội đã cố để giúp chúng ta nắm bắt được điều này bằng cách đọc các đoạn Thương khó trong ngày Lễ Lá và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.  Ngày nay, trong nhiều nhà thờ, bản Thương khó được đọc theo cách phân vai, một người kể chuyện, một người đóng vai Chúa Giêsu, vài người khác đóng vai những người tham dự trong việc bắt giữ và xử án Chúa, và cả cộng đoàn đọc to lời của đám đông. Làm thế này không thể nào hợp lý hơn được nữa, vì một cộng đoàn trong bất kỳ giáo hội Kitô nào, và chúng ta, từng người trong cộng đoàn đó, bằng hành động hay lời nói, theo vô số cách khác nhau, đang họa lại hoàn hảo những hành động và lời nói của những người đương thời với Chúa Giêsu cùng với sự yếu hèn, phản bội, ghen tức, mù quáng tôn giáo, và đức tin sai lầm.  Chúng ta cũng vô số lần lên tiếng buộc tội Chúa Giêsu bằng chính lối sống của mình.

aâVí dụ như, đây là cách chúng ta làm thế trong lời nói: Trong trình thuật theo thánh Matêô, trong cuộc xử án, Philatô ra trước mặt dân, những người chỉ mới năm ngày trước đã tung hô Chúa Giêsu là vua, nói với họ rằng, theo thông lệ vào ngày lễ Vượt qua, ông sẽ thả một tù phạm Do Thái.  Lúc đó, trong tù có một tên sát nhân hết sức bỉ ổi là Barabbas.  Philatô hỏi đám đông: “Ta sẽ tha cho ai, Giêsu thành Nazareth hay Barabbas.”  Đám đông la lên: “Barabbas!”  Philatô mới hỏi họ: “Vậy ta sẽ làm gì với Giêsu thành Nazareth?”  Đám đông đáp lời: “Dẫn hắn đi.  Đóng đinh hắn!”  Chúng ta có thể làm một phép ngoại suy rất rõ ràng thế này: Trong mọi lựa chọn luân lý của mình, lớn hay nhỏ, xét cho cùng, câu hỏi mà chúng ta phải đối diện cũng là câu mà Philatô đã hỏi đám dân: Ta sẽ thả ai cho các người, Giêsu hay Barabbas?  Lòng nhân từ hay thói bạo lực?  Bỏ mình hay quy kỷ?

Cũng đám dân đó đã nói với Philatô rằng: “Chúng tôi chẳng có vua nào cả, ngoại trừ Ceasar!”  Khi nói thế, họ đang chối bỏ niềm hi vọng của mình về Đấng Messiah để đổi lấy sự an toàn tạm thời.  Chúng ta cũng nói như thế, mỗi khi, vì lợi lộc của mình, chúng ta bán rẻ những lý tưởng cao hơn, và chọn lấy cái thứ yếu.

Cũng vậy, quá thường xuyên, chúng ta lặp lại những lời của đám dân đang thách Chúa Giêsu bị treo trên thập giá bằng những lời: “Nếu ngươi là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá, cứu lấy chúng ta, và cứu cả ngươi nữa.”  Chúng ta cũng nói như thế bất cứ lúc nào chúng ta cầu nguyện như thể đang thẩm xét sự hiện hữu và tốt lành của Thiên Chúa, nếu chúng ta có một câu trả lời theo ý mình thì đó là Chúa yêu chúng ta, còn không, chúng ta sẽ bắt đầu hoài nghi Ngài.

Dĩ nhiên, cũng như vậy với hành động của chúng ta:  Như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có xu hướng ở bên Ngài khi mọi chuyện tốt đẹp, khi cám dỗ không quá mạnh, và không phải đối diện với những đe dọa thực sự, trực tiếp đến mình.  Nhưng cũng như môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có khuynh hướng chối bỏ và phản bội khi mọi chuyện trở nên khó khăn và nguy hiểm.  Hơn nữa, như các người có quyền đến bắt Chúa Giêsu với đèn đuốc sáng, chúng ta cũng thường thích soi rọi ánh sáng của mình lên Đấng là Ánh sáng của mọi Ánh sáng, và như những người đến bắt Chúa Giêsu, chúng ta có khuynh hướng mang theo gậy gộc và gươm giáo, sẵn sàng giao tranh, khi đến gặp Vua Hòa bình.

Nói chung, khi đọc trình thuật về Cuộc Thương khó và Cái chết của Chúa Giêsu, khuynh hướng bộc phát của chúng ta là lên án gay gắt những người dự phần trong việc bắt giữ, xử án, và kết án Ngài: Làm sao họ không nhìn ra được mình đang làm gì?  Tại sao họ quá mù quáng và ghen tức như thế?  Làm sao họ chọn lấy một bảo đảm sai lầm thay vì chốn nương ẩn vĩnh hằng bên Chúa?  Làm sao họ chọn một kẻ sát nhân thay vì Đấng Messiah?  Làm sao mà các môn đệ quá dễ dàng chối bỏ Chúa?

Đã qua hơn 2000 năm, nhưng chẳng có nhiều thay đổi đâu.  Chọn lựa của những người trong cuộc xử án và kết án Chúa Giêsu, cũng chính là những chọn lựa mà chúng ta đưa ra ngày hôm nay.  Và gần như mọi ngày, chúng ta chẳng làm gì tốt đẹp hơn họ, vì, với sự mù quáng và tư lợi, chúng ta vẫn và quá thường xuyên, nói rằng: Dẫn hắn đi.  Đóng đinh hắn vào thập giá!  Thế đó.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Check Also

CÁO PHÓ ANH AN TÔN PHẠM PHÚ QUỐC

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …