GẶP GỠ ĐẦU NĂM…VỚI BHG VÀ GLV

GẶP GỠ ĐẦU NĂM…VỚI BHG VÀ GLV

Chúng tôi thường đùa với nhau, GLV (Giáo Lý Viên) là lính đánh thuê – giảng dạy giáo lý cho các em Thanh niên, được trả lương tháng 30, hoặc 31 ngày của BHG (Ban Huấn Giáo). Và vì thế mà bữa tiệc gặp gỡ đầu năm giữa BHG và GLV được xem là xa xỉ, không có trong thông lệ.

A1

Sở dĩ năm nay có bữa tiệc nhẹ đầu năm là nhờ gió bẻ măng, chế độ ăn theo của hai nguyên GLV Việt kiều về nước ăn tết mới có được. Mà kể cũng tội nghiệp, BHG chẳng có vốn liếng hay của hồi môn nào riêng cho ban cả, đành phải liệu cơm gắp mắm để đãi anh chị em GLV vậy.

Ra tết có mấy ngày mà không khí đã vào mùa chay với cái nắng chiều oi bức, tưởng như vào hạ của những tháng 4,5…

Mới là ngày mồng 7, nên dư vị của ngày tết vẫn còn váng vất đâu đây trong sự nhàn nhã ngồi tám chuyện đầu năm.

A2

Hai anh Việt kiều vồn vả tay bắt mặt mừng khi gặp lại chiến hữu đồng thuyền đồng hội năm nào của GLV. Câu chuyện thăm hỏi qua lại giữa đôi bên rôm rã lên. Bỗng có người chọc khóe: Hai anh sang bên đó, bỏ đạo là cái chắc! Sao lại bỏ đạo! Tham dự thánh lễ thì giống như người khiếm thính, khiếm ngôn: chẳng nghe được kinh hạt, chẳng biết cha nói “khu trời địt bụt” chi, chẳng đọc được kinh, mà muốn xưng tội thì, con kể tội ra vạc, cha nghe ra môn…bất đồng ngôn ngữ như thế chả bỏ đạo là cái gì!!

Bên phía Việt kiều giải trình: Vì thế mà phải học lý đoán đấy! Thánh lễ thì đã cháo nhừ “thuộc nằm lòng”, chỉ cần nhìn cử chỉ của cha là biết “xe đi đến đoạn nào rồi”. Còn xưng tội thì “bổn cũ soạn lại” chưa nói ra cha đã biết…Đùa vui tếu táo đầu xuân một chút thế thôi…

Có vẻ như còn sự ngầy ngà với miếng ngon vật lạ hảo vị của cái tết còn đọng lại, nên bữa tiệc gọn nhẹ là rất phù hợp với bữa họp mặt đầu năm.

Vừa làm dấu khai tiệc xong là BHG cho đạn lên nòng nổ súng ngay với lời nói dạo đầu: Năm xưa hai bàn tiệc ngồi không đủ, thế mà nay lại thu gọn lại thành một, vì lý do thất thoát nhân lực. Chương trình năm vừa qua là một đề tài chung cho 7 nhóm, nên mỗi năm đều phải chọn những đề tài mới. Mong các anh Việt kiều ở bên kia có điều kiện giúp đỡ cho BHG trong việc chọn đề tài…Một vấn đề luôn đau đầu, đó là sự bê trễ của các em trong việc đi tham dự thánh lễ. Các anh là những người đi đây đó nhiều, có một giải pháp nào cho sự xuống cấp này.

A4

Bằng một sự tản mạn lan man, phía Việt kiều, anh (ĐVH) cho biết: Tôi mới sang Mỹ hai năm nay, nhưng thấy tinh thần đạo đức bên kia khác hẳn ở VN. Tính tự giác của họ rất cao. Tham dự thánh lễ nghiêm túc, đâu vào đó, chẳng cần phải ai mời mọc như bên mình. HĐGX hầu như quán xuyến hết mọi việc của GX, kể cả giữ tiền xin lễ của cha xứ để gửi lên giáo phận. Cha xứ chỉ là một người khách, làm việc mục vụ của một linh mục, chứ không dài tay như bên mình, cha xứ hầu như thâu tóm hết quyền lực, và HĐGX chỉ là người phụ giúp việc mà thôi. Cha xứ bên đó: bình đẳng, hòa nhập và thân thiện lắm! Cha ra bắt tay đón tiếp thăm hỏi con chiên từ khi bước chân vào cổng nhà thờ…đến khi kết thúc thánh lễ cũng ra tiễn đưa con chiên về hết, rồi mới một mình lủi thủi về phòng…Giới trẻ bên đó cũng có tinh thần tự giác cao. Ngay như gia đình tôi, con cái ở quê nhà lười đọc kinh lần hạt, nhưng sang bên đó đọc kinh cả tràng hạt chẳng đứa nào kêu ca…

A5

Một ý kiến của người ở quê nhà: Bản thân tôi cũng có đi đó đây, nên thấy cuộc sống đạo giữa ta và Tây khác nhau từ cơ bản. Họ sống đạo bằng nội tâm, chứ không câu nệ hình thức bên ngoài: đọc kinh, rước sách…Ngay cả LMQX và HĐGX cũng bình đẳng như người giáo dân, thậm chí là họ phục vụ giáo dân tận tụy như một người tôi tớ. Còn bên mình, giáo dân và linh mục còn có một khoảng cách khá xa…GX chúng ta thiên về mặt ngoài, thích xây dựng cơ sở hơn là xây dựng tinh thần đạo đức. Ngay cả họp đại hội cuối năm, phần được chú trọng nhất là GX đã xây dựng được những gì? Và những gì chưa làm được? Chứ ít khi quan tâm đến đời sống đạo đức của các giới, các ban ngành như thế nào? Thành ra, bây giờ muốn đặt lại vấn đề giáo dục giới trẻ thì phải thay đổi não trạng, thay đổi cách sống đạo từ các đấng bậc trên xuống, chứ đơn phương GLV làm sao có thể thay đổi cục diện đạo đức một sớm một chiều cho các em được.

Có ý kiến cho rằng: Điều đó không sai, nhưng kỳ vọng vào sự thay đổi đó không thuộc về trách nhiệm của chúng ta. Chẳng lẽ, vì thế mà GLV chúng ta đành buông trôi. Không thể chờ đợi được ai, mà phải do chính bản thân mỗi chúng ta phải nổ lực để tìm ra giải pháp chấn chỉnh lại đạo đức của các em. Dẫu rằng điều đó rất khó, nhưng đâu phải vì khó mà không làm được.

A6

Một Việt kiều khác anh (PVL). Ở Mỹ không phải hoàn toàn như anh ĐVH nói đâu. Ngay như ở GX tôi sống toàn người Mỹ, thì số đi lễ ngày Chủ Nhật tương đối đông nhưng chưa phải là tất cả. Nhưng phải nói tiền bỏ ống rất cao từ 35.000 đô đến 100.000 đô tùy theo thánh lễ. Số giữ đạo lưng chừng cũng không ít. Một số bỏ lễ vẫn chịu đọc kinh bù, và có một số khác, nếu ai rủ thì đi, không thì thôi. Tôi không hiểu sao, có em miệng nhai xanhgum suốt thánh lễ mà vẫn lên rước lễ như thường. Thành ra không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh được. Thực ra, gia đình là cái nôi giáo dục đầu tiên, để con cái có được nền nếp đạo đức, nếu không làm được thì khó có hy vọng để con em sống đạo tốt.

Tôi muốn nói về giáo dục giới trẻ ở Châu Sơn là, phải có chương trình theo từng cấp, từng nhóm đi lên một cách rõ ràng, chứ không thể 7 nhóm cũng đều học một chương trình như GLV chúng ta đang dạy. Điều này không dễ để mỗi năm chúng ta tìm ra được một đề tài thích ứng với những giáo án đã có sẵn cho 15 – 20 tuần lễ. Điều thứ 2, tôi muốn nói,  điều kiện chấn chỉnh lại các em ở GX ta rất thuận lợi, nếu chúng ta quyết tâm làm thì sẽ được, vì có sự hậu thuẫn của cha mẹ, của HĐGX và cha xứ… Nếu con em vi phạm, chúng ta có thể nêu tên giữa nhà thờ. Điều này chính phụ huynh, cha xứ cho phép, vậy tại sao chúng ta không thực hành??

Ý kiến khác cho rằng: thời này khác với thời trước của anh. Lúc này, chúng ta không thể giáo dục con em bằng việc làm mất thể diện và danh dự trước cộng đoàn được. Làm như thế là lợi bất cập hại, các em có thể tiêu cực để tẩy chay học giáo lý thì GLV chúng ta làm được gì nhau nào!? Ngay cả cha mẹ cũng đã bất lực trong việc giáo dục con cái ở trong gia đình rồi. Chính cha xứ vẫn mong muốn giáo dục là một sự mời gọi trong yêu thương.

A3

Thực ra mà nói, môi trường sống tác động đến các em rất nhiều. Ở VN, điều kiện đi lại la cà quán sá quá dễ dàng, các em có thể kết bè kết mảng với nhau rất thuận tiện. Ngay cả ở nhà cũng có game mạng bạo lực, phim ảnh đồi trụy, cờ bạc…Khi ra ngoài xã hội, có biết bao nhiêu gương mù gương xấu: hút hít ma túy, cờ bạc, rượu chè, trai gái…để các em tiêm nhiễm.

Ở Mỹ muốn hư cũng đâu có dễ, vì điều kiện đi lại không thuận tiện, nên không thể la cà quán sá như ở VN. Không có nhiều bạn bè thân quen để đàn đúm bầy đàn. Chính vì thế mà một số con em ở bên này thuộc dạng bất trị, nhưng khi sang bên Mỹ đổi môi trường sống, các em đã vào khuôn của trường học Mỹ, và học hành rất khá.

Sau đó, BHG đưa ra 5 tiêu chí nội lệ của GLV Đoàn Thanh niên. Rằng hay thì thật là hay, nhưng nghe ra mẫu mực quá, lý tưởng quá…khiến cho GLV cũng bỏ chạy mất dép. Thực ra, các tiêu chí đó được đưa ra để mời gọi GLV nổ lực phấn đấu đi lên mà thôi.

Giáo dục giới trẻ vẫn luôn là đề tài muôn thuở, đầy sôi bỏng và đau đầu cho các nhà giáo dục cả thế giới, chứ chẳng riêng gì ở xứ nhà Châu Sơn.

Gặp gỡ đầu năm, ưu tư và trăn trở về giáo dục con em là điều tốt đẹp. Với lòng nhiệt thành và nổ lực không ngừng nghỉ của BHG và GLV, hy vọng sẽ đem lại những liệu pháp giáo dục tốt đẹp và thích ứng cho giới trẻ GX nhà.

Châu Sơn choa ghi nhận – Tết Bính Thân 2016

 

 

 

Check Also

CÁO PHÓ: CỐ ÔNG PHÊ RÔ NGUYỄN VĂN KINH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …