CHÂU SƠN XƯA VÀ NAY
PHẦN I: NHỮNG ĐỔI THAY CẢNH QUAN
Sáu mươi năm vật đổi sao dời, chắc chắn GX Châu Sơn cũng không nằm ngoài quy luật tất yếu của con tạo xoay vần đó. Chúng ta thử ngược dòng thời gian, để nhìn lại con tạo đã xoay vần: Cảnh vật, con người và cuộc sống của GX Châu Sơn như thế nào? Thay đổi, biến mất hay vẫn còn tồn tại sau 50 năm?
Ngày xưa ấy, con đường vào GX Châu Sơn quanh co, một dốc, một dốc, rồi lại một dốc, mà mỏi gối chồn chân vẫn muốn vào.
Từ Ngã Sáu TP Buônmathuột – xưa là Thị xã Banmêthuật – phải vượt qua một chặng đường hơn 3 Km. Ngày xưa, đó là một “Đạo nan” với lau lách cỏ dại chen lối. Mùa mưa về, con đường đất đỏ bùn lầy, dốc đồi trơn trượt, và mùa khô, nắng gió bụi bay mù trời.
Dốc Lộc Phát – ngã 3 đường NTMK và PNL- trải dài qua vườn Bảo Trác, thẳng xuống dốc Bắc, cầu ông Tuệ với 2 cây sung đã biến mất, nhưng tên hai con dốc vẫn còn được người dân nhắc tới. Và ngày nay, con đường Tỉnh lộ này rộng thênh thang trải nhựa phẳng lì êm ả, đi qua đầu làng Châu Sơn.
Trước khi vào Châu Sơn phải đi ngang qua UBND Xã Cư Ebur – xưa là Xã Ea Hneh. Và cổng làng Thôn Thọ Trường trước 75 – tên hành chính của GXCS – đã biến đổi theo từng giai đoạn (1975-2005) thành hai HTX Quyết Tâm và Quyết Tiến sang HTX An Sơn và Tĩnh Sơn. Ngày nay là Thôn Hai và Thôn Ba. Nhưng tên GX Châu Sơn vẫn còn tồn tại và có lẽ sẽ tồn tại mãi với thời gian.
Vừa bước chân vào đầu làng, tượng đài Đức Mẹ đã đưa tay đón chào và ban ơn cho muôn người. Hoa viên được xây dựng quy cũ: ghế đá, cây cảnh, hoa lá và bờ tường vi bao bọc ấm áp tình Mẹ. Ngày xưa là công viên, chỉ với hoa thơm cỏ dại trống trải tứ bề. Nay con đường D kề bên tượng đài Mẹ, là chợ đầu làng, tụ họp mỗi sáng sớm tập nập rộn ràng cho các bà các chị nội trợ Châu Sơn rất tiện lợi.
Dọc theo đường C đến khuôn viên Thánh đường GXCS, là một hoa viên của giáo họ Giuse (Thọ Ninh), tượng đài thánh cả Giuse rất trông rất bề thế giữa những hàng ghế đá. Mảnh đất nầy được ông Ngô Văn Đức (Tích) hiến tặng cho giáo họ.
Khuôn viên Thánh Đường là một sự thay đổi liên tục. Ngôi Thánh Đường hoàn thành năm 1971 – Một kỳ công của GX thời bấy giờ, thời cha Lê Hùng Tâm, xây dựng trên vị trí nhà thờ ván cũ năm 1957.
Hoa viên hang đá Đức Mẹ Vô Nhiễm đẹp đẽ và khang trang với nhiều cây cảnh tạo dáng đa dạng và phong phú, bên những vuông cỏ xanh rì mượt mà.
Những ghế đá ngay ngắn bên những lối đi lại giữa tượng đài các Thánh, trông hoà hài đẹp mắt. Nơi ấy, ngày xưa là những hàng phượng vĩ sắc hoa đỏ thắm, bên những mái trường vách ván cho con em một thời học hành và vui chơi.
Hoa viên Thánh Gioan Bosco trước ngôi nhà Xứ lịch lãm và kề bên nhà sinh hoạt rộng thoáng; xưa là ngôi nhà xứ mầu vàng, mái ngói, các lớp học mái tôn vách ván, xây dựng thời LMQX Trịnh Chính Trực.
Chỉ 10 năm sau 50 năm, khuôn viên thánh đường đã thay da đổi thịt hoàn toàn mới lạ.
Ngôi nhà Đa năng khang trang, cao hai tầng, mọc lên sừng sửng giữa sân banh trước nhà thờ, làm cho tổng diện khuôn viên thánh đường thêm vẻ hoành tráng. Những cây cổ thụ và những vuông cỏ cũng được ăn theo để tô điểm nhà Đa năng thêm sắc màu duyên dáng.
Một tượng Chúa Giêsu quỳ cầu nguyện trong vườn dầu cũng được đặt dưới bóng cây cổ thụ ngã bóng mát.
Hoa viên Đức Mẹ mới ngày nào còn xanh mầu hoa thơm cỏ lạ, với các tượng đài: Pieta, Tổng lãnh thiên thần Micae…
Nay cũng được thay thế bằng một khoảng rộng, đặt những chiếc ghế đá để làm nơi cho giáo dân ngồi đọc kinh nguyện.
Hoa viên Thánh Gioan Bosco cũng được tân tạo lại để làm bãi đậu xe cho những người tham dự thánh lễ. Nay được trấn giữ bởi hai đền đài thánh Gioan Bosco và Martino Foret ở mặt tiền cổng nhà xứ, trông cân xứng và hoà hài, càng làm cho khuôn viên nhà xứ có chiều sâu và bề thế hơn.
Nhưng công trình khởi sắc và nổi bật nhất để đón mừng GX kỷ niệm 60 năm ngày thành lập là, 15 tượng đài đường thánh giá. Công trình này đã được đầu tư từ mấy tháng nay, do các nhóm thiện chí thuộc Tráng Niên đã dày công dò tìm để quy tập những tảng đá từ mọi ngõ ngách rừng núi, chở về làm bệ đứng cho các tượng đường thánh giá ngự toạ.
Ngay cả khu vực dòng nữ tu Đức Mẹ NVHB là một sự thay đổi toàn diện đến lạ lẫm, với những ngôi nhà sinh hoạt cho: Ca Đoàn, Giáo lý tân tòng, Đội kèn và đặc biệt là các lớp học và sân chơi cho các con em trường mầm non.
Ngày xưa là nhà Xứ cũ thời 59 – mái tôn xi măng và vườn ổi sây trái. Bây giờ Ca đoàn và Đội kèn được tách rời sang nhà sinh hoạt…để khu vực dòng nữ tu độc lập với trường mầm non và nhà sinh hoạt cho giáo lý tân tòng các thôn buôn.
Phía trước Thánh Đường GX, ngày xưa là khu vực trường Trung, Tiểu học Tiến Đức và sân chơi thoáng rộng cho học sinh. Năm 75, được đưa vào hệ thống trường học nhà nước, đã làm xuống cấp trầm trọng các lớp học.
Phải 30 năm sau (2005), khuôn viên nhà trường mới được trao trả về cho GX. Mọi công trình xây dựng và tái thiết: Tường rào bao quanh khuôn viên, cổng chính lối vào Thánh Đường, nâng cấp trường học, thiết kế và xây dựng một sân khấu cố định, một sân bóng đá Mini …Tất cả đã hoàn thành trong dịp Lễ Mừng Kim Khánh 50 ngày thành lập Giáo Xứ.
Con đường mang tên gọi La Mã ngày xưa, được nâng cấp trải nhựa do Nhà Nước và người dân cùng làm cho kịp 50 năm Kim khánh GXCS.
Một lạch khe suối, nối liền hai xóm trong và xóm ngoài bằng hai chiếc cầu, mà tên cầu ông Tuệ được định danh rất sớm.
Đường vào khu vực Đông Tràng với chiếc cầu vắt vẻo chênh vênh cũng chỉ mới được định danh sau 75, là cầu ông Thái (trâu), nhưng dòng chảy chưa kịp sang mùa khô đã cạn kiệt. Nay chiếc cầu này cũng được lối xóm gần đó đã xây dựng lại chiếc cầu khá bề thế để đi lại.
Ngã rẽ phải, bên cầu ông Tuệ là khu dự định lập vườn trẻ với mấy ngôi nhà tôn vách ván của các lớp bậc Tiểu học; bây giờ đã từng bước đổi mới.
Sau 75, tượng Thánh Gioan Batixita bị thời cuộc ruồng rẫy được đưa từ nhà thờ Quân Đội về, dựng lên một đồi G.B.
Và nay, ngọn đồi này đã kịp thời nâng cấp lên hàng mục công trình Hoa viên của GX thật khang trang.
Bây giờ hoa viên này được chuyển cho giáo họ Gioan Baotixita (Kẻ Tùng). Phía sau là các lớp học mẫu giáo cũng vừa được xây xong (2006).
Theo hoa viên G.B rẽ phải lên đến vườn nhà ông bà Đậu Quang Hậu là hoa viên tượng đài Phê Rô của giáo họ Phê Rô (Yên Phú). Được xây dựng gọn nhỏ và xinh xắn cho một giáo họ nhỏ. Mảnh đất này được ông bà Đậu Quang Hậu hiến tặng.
Những năm gần đây, GX đã có thêm một thành phần tân tòng khoảng hơn 1.000 người Dân tộc các thôn V, VI, IV tham gia vào lễ lạt, sinh hoạt, học giáo lý, ca đoàn rất đáng trân trọng.
Đó là lý do để hình thành con đường truyền giáo xuyên suốt qua đồng ruộng nối liền với các con đường xóm mới để liền mạch qua các thôn Dân tộc: VI, IV, mở ra một hành lang thuận tiện cho công việc truyền giáo. Từ khi có con đường vành đai cắt ngang, con đường truyền giáo đã xuống cấp trầm trọng, vì hầu như không có người đi lại để tu sửa lại đường.
Trước khi lên núi Chúa KiTô Vua, chúng ta cũng không thể quên được một tiểu Hoa viên của Giáo họ An Tôn rất linh thiêng và xinh xắn.
Hoa viên An Tôn thời 50 năm thành lập GX bên bà Hường, nay được chuyển dời về nơi vườn ông bà Dung (Tùng) rộng rãi với tượng đài An Tôn độ sộ và ghế đá với tường bao quanh rất thoáng đãng.
Năm 1963, Cha Giuse Trịnh Chính Trực và cả Giáo xứ vất vả để đưa tượng Chúa KiTô Vua lên đỉnh núi Cư Ebur với con đường men theo lối hẹp, vách đá cheo leo dốc đồi; thì ngày nay, con đường đi lên với sức người và cơ giới đã làm thay đổi diện mạo, với con đường rộng thoáng và thoải dốc rất thuận tiện cho khách du lịch tham quan, hành hương có thể đi bằng Hon đa lẫn xe du lịch lên tới tượng đài.
Và tượng Chúa sau 75, bị xuống cấp sứt mũi, gãy tay thì nay đã được làm đẹp và nâng cấp lên bệ đá cao với khuôn viên lát gạch ốp và bao lơn trông đẹp mắt. Các hạng mục công trình thổ cư của các toán Tráng Niên được xây dựng công sức và tiền của bạc tỷ là một Tiểu vạn lý, khiến cho nhiều du khách trầm trồ khen. Đó là niềm tự hào của Đoàn Tráng Niên.
Chúng ta không thể quên một miền Nghĩa Trang cho người nằm xuống. Ngày xưa lăng mộ chen lấn không hàng lối dưới các bóng cây cổ thụ bốn mùa gió hát vi vu ru giấc ngủ yên bình của các Tiền nhân Cha Ông chúng ta.
Nay, lối hàng thẳng tắp quy cũ và đồng loạt một mẫu thiết kế bia mộ. Quy hoạch nam và nữ riêng biệt. Những hàng cây phi lao, cây tùng đã thay thế cho các cây cổ thụ già nua trong tàn tạ tháng năm.
Bây giờ bàn thờ cũ đã được nâng cấp lên thành lễ đài nghĩa với cấu trúc tân kỳ trông rất đẹp mắt.
CHÂU SƠN CHOA Ghi nhận
Bình luận