PHẦN I: MỘT CHUYẾN HÀNH HƯƠNG VỀ, ĐỨC MẸ THÁC MƠ VÀ GIÁO ĐIỂM TIN MỪNG LM GIUSE TRẦN ĐÌNH LONG

Khi cuộc sống ổn định, có chút của ăn của để, con người ta thường có khuynh hướng “phú quý sinh lễ nghĩa” bày đủ trò để làm cho cuộc sống nâng cao chất lượng hơn. Du lịch đang là một xu thế thời thượng của người VN. Sau bao năm làm ăn nhọc nhằn, và như để bù lại những năm tháng lao nhọc đó, con người thường chọn du lịch đề xả stress cho thư thái tâm hồn.

Châu Sơn ta cũng không là ngoại lệ…

Những năm gần đây, người Châu Sơn từng xóm, từng toán, từng hội đoàn…thuê bao xe đề đi du ngoạn, tham quan khắp mọi miền đất nước: Vịnh Hạ long, Sơn Đoòng, Bà Na Hills, Phú Quốc, Mũi Né… Nhưng điểm hành hương về cha FX Trưởng Bửu Diệp vẫn là ăn khách hơn cả, vì một công đôi việc: trước là đi khấn hứa, sau là đi đây đó cho biết.

Có lẽ, có hàng ngàn lượt người Châu Sơn đã đi hành hương…Thú thật, tôi cũng hơi bị hiếu kỳ để tự hỏi: tại sao mình không đi một chuyến nhỉ?? Thật ra, tôi chỉ muốn đi để viết một bài về linh địa đó mà thôi. Và một chuyến đi hành hương thực địa là khó tránh nổi nữa rồi.

Sáng sớm 4 giờ 15, trời vẫn còn tối như hũ. Gió đông muộn màng về đây đem theo cơn rét khẩy run người. Thế mà điểm tập trung đã tấp nập người đến với vai ba lô, tay mang túi sách, giỏ bao…rềnh ràng tưởng như trẩy hội đi xa lâu ngày.

Tôi cứ nghĩ: chắc là lèo tèo ba bốn chục người thôi. Ai ngờ người chất đầy như nêm cả hai xe. Thừa người, đến nỗi tài xế phải đôi co mãi với bà chủ địch vụ thuê bao xe đi hành hương…

Vì thế, phải đến 5 giờ 30 xe mới bắt đầu khởi hành…Khách hành hương phần đa là “đội quân tóc dài”, chỉ loe ngoe mấy ông thôi. Với việc đạo đức thế này thì đúng là âm thịnh dương suy mất rồi. Thế nhưng khi lên thiên đàng, thánh nam bao giờ cũng lấn sân các thánh nữ là, tại làm sao?

Đúng ra, đây là cuộc hành hương do bên hội Lòng Chúa Thương Xót tổ chức cho các hội viên, và chỉ một số ít người ăn theo như tôi mà thôi. Vì thế, sau khi ổn định xong là một bà hội phó bắt kinh. Giống như nhạc trưởng, vừa phất lên là cả xe ào ạt đọc kinh rộn ràng như mưa rào vậy.

Tôi như kẻ ngoại đạo giữa những kinh kệ bên lòng thương xót…Từ kinh cầu lòng Chúa Thương Xót có câu: xưa nay chưa từng nghe có một người nào tín thác vào lòng thương xót của Cha mà bị thất vọng…Rồi lời kinh tận hiến: Lạy Chúa Giêsu, từ nay con xin tận hiến hoàn toàn cho Chúa…Đến Kinh Nguyện xin cho được biết thương xót…Nhưng ấn tượng nhất là, câu nguyện cứ lập đi lập lại: Vì công cuộc khổ nạn thương đau của Chúa Giêsu Kitô, Xin Cha thương xót chúng con và thế giới…Mỗi kinh nguyện đều khơi gợi lên những khía cạnh sâu sắc và đầy ý nghĩa của lòng thương xót Chúa vô biên, nhưng lại rất gần gũi và hiện thực trong cuộc sống.

Sau kinh nguyện là mục ca hát tập thể không thể thiếu được trong những sinh hoạt trong những chuyến đi hành hương. Các bài ca đạo đời hòa lẫn nhau để lần lượt vang lên, như: 4 phương trời ta về đây chung vui…Nào về đây ta họp mặt cùng nhau…Gặp gỡ Đức Kito…Chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa…

Sau đó là kể chuyện tếu lâm, phần đa là những câu chuyện nhạy cảm, dưới rốn 20 cm…Có chút dung tục, nhưng lại đem đến niềm vui cười sảng khoái cho cả xe. Phải chăng, đó chính là gia vị để xúc tác cho chuyến hành hương thêm phần phấn khởi??

Cuộc vui chơi ca hát đã làm cả xe quên đi một quãng đường gần 150 km, để xe rẽ trái vào địa bàn Phú Riêng hướng về điểm hành hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Thác Mơ. Bà con xuống xe và tiến bước lên một thoải đồi…

Nghe điểm hành hương này lâu nay, bây giờ mới được mục sở thị…So với đồi Đức Mẹ Giang Sơn và đồi Chúa Giêsu Ki Tô Vua Châu Sơn thì, điểm hành hương này có phần khiêm tốn hơn. Nếu ngọn đồi Đức Mẹ Giang Sơn có lối lên cheo leo khúc co đẹp mắt, làm kích thích sự hiếu kỳ khách hành hương, thì Đồi Chúa Giêsu Ki Tô Vua: một đèo, một đèo, lại một đèo, mà mỏi gối chồn chân du khách vẫn muốn leo. Ngoài ra, núi Chúa còn có các bậc lên với các lô thổ cư tráng niên san sát hai bên trông hoàng tráng và bắt mắt.

Tượng Đức Mẹ Thác Mơ với khuôn mặt phúc hậu và dung dị của một bà mẹ quê như đang giang tay đứng chờ con ở miền xa tới thăm Mẹ. Một cánh rừng xao xác tiếng gió thì thào như hát bài: về đây bên Mẹ, Mẹ sẽ ủi an…

Thực sự, chuyến đi hành hương Đức Mẹ Thác Mơ mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn, vì giống như người con trở về quê ngoại vậy; Bởi ở đây, ghi đậm dấu ấn của Nguyên LMQX Châu Sơn Phao Lô Võ Quốc Ngữ. 1990 ngài đã đặt chân tới đây để tái thiết lại khuôn viên Đức Mẹ đã được dựng xây thời năm 1960 còn đang thô sơ…Và sau đó, người con của ngài là LM GB Nguyễn Xuân Bắc, người Châu Sơn đã về đây tiếp bước xây dựng hàng rào, ghế đá…tạo thành một khuôn viên khang trang như ngày nay.

Và bất ngờ là, sự xuất hiện của cha Giuse Trần Đình Ngọc, nguyên LM phó xứ Châu Sơn, làm cho bầu khi vui lên hẳn. Cha con như cá với nước lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng thăm hỏi nhau rối rít…

Sau đó, ông hội trưởng Lòng Chúa Thương Xót đã cùng cộng đoàn quây quần dưới chân Mẹ để chia sẻ: Chúng con rất đỗi hân hoan vui mừng khi đến với Mẹ ở một miền đất xa xôi Thác Mơ này. Nguyện xin Mẹ chở che cho chúng con trong chuyến đi hành hương này được bình an trong Chúa và Mẹ…Sau khi đọc kinh nguyện xong, cộng đoàn cũng không quên chào Mẹ: Kinh chào Mẹ chúng con về cúi xin Mẹ ban ơn phúc lành…Khá khen cho ông hội trưởng rất đảm đang trong việc chia sẻ và kinh nguyện…

Cha Giuse ngỏ lời chào đến quý cộng đoàn và gửi lời thăm hỏi LMQX đương nhiệm và bà con Châu Sơn ta. Sau đó, cha tặng quà đặc sản hạt điều của miền Phú Riêng cho bà con ta trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt cám ơn…Sau đó cha con chụp hình lưu niệm.

Lúc này cũng đã đến giờ “đúng bọi”…Một bữa ăn cơm bụi được nhanh chóng bày ra. Bữa ăn chỉ có thịt kho trứng và cà dưa muối là chính…trông thanh đạm, nhưng bầu khí vui vẻ để “nhà đông con, ăn cái gì cũng ngon”. Cha Giuse cũng hòa nhập vào ăn một cách ngon lành.

Cuộc hành trình vẫn còn dài phía trước…Và một giấc ngủ trưa để lấy lại năng lượng là cần thiết.

Chiều xuống thấp dần, ánh mặt trời hấp hối…để thành phố đêm thắp sáng lên muôn ánh đèn mầu rực rỡ của một miền phù du phồn hoa đô hội trần thế.

Xe đi vào một miền quê huyện Nhà Bè với những hoang mạc lau lách, xen lẫn giữa những đầm lầy, sông nước mênh mang một miền đất thẳng cánh cò bay.

Xe đến Giáo điểm Tin Mừng, GX Phú Xuân thuộc Tổng Giám mục SG, nằm trong điạ bàn Huyện Nhà Bè, lúc chập tối…Con đường tỉnh lộ vốn đã nhỏ, thì xe cộ và người dân đan vào nhau như mắc cửi, càng làm cho con đường thêm hẹp lại.

Từ đường tỉnh lộ, một con đường nhỏ, rẽ lối vào Giáo điểm Tin mừng, người chen vai sát cánh, kẻ đi vào người đi ra, mà hai bên đường dân ăn theo buôn bán bày hàng cũng lấn sân với những cơm hàng cháo chợ, bánh bao, bánh mì, nước uống có cả…

Một ngôi nhà thờ nhỏ của giáo điểm cũng lộ ra. Một vuông phòng chỉ khoảng 64 m2, với sự chen chúc đông đảo của khách hành hương lấn vào từng cm để đến nơi cha Giuse Nguyễn Đình Long đang làm nghi thức sờ vào khách hành hương, muốn được cha chữa lành bệnh tật…Ai chứng kiến tận mắt xem cảnh này mới thấy được sự nô nức khát khao của người đi chữa bệnh thiết tha biết là dường nào. Ai cũng tỏ ra phấn khởi và kỳ vọng vào việc cha sờ đầu mình, là sẽ được lành bệnh. Tôi nghĩ, có lẽ, đây là sự tái hiện lại cảnh ngày xưa Chúa Giêsu giảng đạo, dân chúng chen lấn đến Chúa để chì sờ đến áo của Ngài chăng??

Mặc cho bầu khí ngột ngạt nóng bức, nhưng không thấy ai nản lòng bỏ cuộc cả. Mà ngay cả chính tôi, không mấy tin tưởng việc sờ của cha, nhưng cũng nhẫn nại để tiến vào cho cha sờ…Thú thật, nếu ai hỏi tôi lúc đó: Anh có tin vào việc sờ của cha linh nghiệm không? Tôi sẽ trả lời là tin. Bởi chẳng lẽ vất vả cực nhọc len vào được để cha sờ mà không tin thì, làm chi cho vất vả thế! Tôi ví đức tin tôi nửa vời như các môn đệ của Chúa ngày xưa khi Chúa bị bắt, chỉ theo lãng vãng bên ngoài mà thôi.

Phải khen sức chịu đựng của cha là rất giỏi. Từ 13 giờ sờ cho khách hành hương, đến 15 giờ dâng thánh lễ, xong lại sờ đầu tiếp…cho đến khi thánh lễ 19 giờ bắt đầu…Cha lại tập hát các bài hát trong thánh lễ. Phải nói sức cha làm việc không ngơi nghỉ, từ ngày này qua ngày khác miệt mài theo tháng năm…

Đến lúc cha ra dâng thánh lễ, tôi mới thấy rõ dung nhan của ngài. Một con người tầm tầm, với khuôn mặt đỉnh đạc, trông khá tợn tạo, vẽ thêm đôi lông mày đậm nét, cho thấy sự kiên định của một con người không biết e dè sợ hãi…Trán hơi bị hói, càng làm cho cao thêm chút tinh anh. May có được nụ cười nhạt nhoà, làm bớt đi cái vẻ nghiêm nghị của cha.

Vừa vào dâng thánh lễ, cha đã ngỏ lời: mọi người chúng ta hãy thân ái bắt tay nhau và hỏi thăm nhau…Tiếng vỗ tay vang lên làm cho bầu khí thêm thân ái rộn ràng của một thánh lễ sắp bắt đầu. Kinh vinh danh được cha khởi xướng với một tiết tấu nhanh, càng làm cho thánh lễ thêm phấn khởi và nhộn nhịp hơn.

Giọng bariton nam trung của cha với âm lượng đầy đặn, pha chút cứng cõi mạnh mẽ, càng làm cho các điểm nhấn của bài giảng thêm rõ nét thêm. Kỹ năng giảng thuyết của cha khá đa dạng. Khi mạnh mẽ, hô hào như kích động cộng đoàn ở những cao trào với các câu khẩu hiệu slogan mà cha xướng lên: Alleluia!! Cộng đồng đáp lại: Tạ ơn Chúa!!(3 lần). Lúc nhẹ nhàng thủ thì như lời thì thầm êm ái rót vào tai. Có khi ôn tồn như để bảo ban điều gì với cộng đoàn. Và thậm chí có lúc gay gắt làm cho câu chuyện trở nên nghiêm trọng hơn, như đề bức bách người nghe phải thuần phục. Các kỹ năng diễn thuyết của cha đạt đến một tầm cuốn hút hồn người nghe đến say mê, tưởng như một bà phù thuỷ có thể hô phong hoán vũ. Và cộng đoàn lúc này, cũng chỉ như quân sĩ thuần thục để nghe lời của một vị tướng xông trận…

Vừa vào bài giảng cha đã cất tiếng hát: Nhìn vào mặt nhau đi và hãy nói với nhau, thực tình như chưa bao giờ…để mọi người cùng hoà đồng hát rộn vang. Cha giảng: Nói như thế nào để cho người ta muốn nghe, và nghe như thế nào để người ta muốn nói…Mà nếu có giận hờn, thì cũng cố gắng mà làm hoà với nhau…

Cha bảo, nếu theo lời Chúa nói: trước khi dâng của lễ, ai còn bất hoà với anh em, hãy về làm hoà đã rồi mới dâng lễ. Tôi nghĩ: nhà thờ này sẽ chẳng có ai ở lại, mà không khéo tôi lại về trước anh chị em đấy chứ! Ai mà chẳng có giận hờn nhau. Nhưng mà giận thì giận mà thương thì càng thương. Chúa vì quá đỗi yêu thương chúng ta, chính vì thế mà ngài càng giận khi chúng ta ơ hờ với lòng thương xót của ngài. Nhưng khi càng giận thì ngài càng yêu thương chúng ta. Thế là cha làm cho nhà thờ đồng loạt hát lên bài này, khiến cho người nghe phấn kích mà cảm thấy bài giảng dù dài mà nghe không biết chán là thế đấy. Ngay cả Hơ Linh nhà ta cũng được đứng lên lĩnh xướng một đoạn nhạc: anh sai đường em không có chịu nỗi, anh ơi anh xin đừng có giận vội. Trước tiên anh hãy tự trách ý mình

Với kỹ năng tuyệt đỉnh kungfu của ngài trong việc giảng thuyết như thế, bảo ai có thể cưỡng lại những bài giảng của ngài được chứ!

Sau thánh lễ, mọi người có thề mua máy với 500 bài giảng của cha, hoặc viết những lời khấn vào một phong bì rồi bỏ vào thùng với lời khấn nguyện.

Một buổi tối nghe giảng mãn nhĩ như thế, để tất cả mọi người hồ hởi phấn khởi lên xe cho một cuộc hành trình hướng về địa linh cha FX Trương Bửu Diệp vào ngày mai, hứa hẹn sẽ còn gặt hái được nhiều hoa quả tinh thần hơn.

Châu Sơn choa ghi nhận

Xem tiếp phần II: Chuyến đi hành hương về địa linh cha FX Trương Bửu Diệp. Hồi sau sẽ rõ…

  

 

 

Check Also

CÁO PHÓ: CỐ ÔNG PHÊ RÔ NGUYỄN VĂN KINH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …