50 năm, Một miền nắng ấm tâm linh! KIM KHÁNH 50 NĂM GP BMT

Mộc mạc, hiền hoà và êm ả như tiếng đò đưa câu hò ví dặm trên sông của một miền quê NghệTĩnh. Cùng hít thở một bầu trời nguyên khí núi thiêng Hồng Lĩnh. Cùng tắm gội chung một dòng nước sông Cả (gồm sông La và sông Lam) với bốn mùa: mưa lũ, nắng quái, gió chướng Nam Lào và thênh thang đường Xuân về hoa nở rộ. Và cho dẫu một miền nắng ấm tâm linh tràn muôn phúc lộc của Giáo Phận VINH, vẫn không ngăn nổi một cuộc di cư.     

           

                Ra đi mang nặng nỗi niềm

        Nhớ về quê cũ một miền dấu yêu

Đành lòng ra đi, xa rời quê cha đất tổ – nơi miền đất đã biến thành tâm hồn từ bao đời mà phải làm một cuộc phân ly nghẹn lời, khi mà vận mệnh của Đất Nước đã chảy đến một khúc quanh lịch sử rất đỗi bi tráng.

Làn sóng di cư vào Nam ào ạt như một hệ luỵ kéo theo những người con dân từ muôn xứ Đạo đất Bắc vào Nam. Như loài chim di trú bay vào trời Nam, không hẹn mà gặp nhau tại miền núi Cao Nguyên đất đỏ DarLac. Những người con dân gốc Giáo phận Vinh đã quy tụ lại để lập nên nhữnggiáo xứ mới: Vinh Hòa (Trung Hòa), Vinh Đức ( Hà Lan), Vinh An (Đức Minh), Duy Hòa, Châu Sơn, Bác Ái… Và những người con dân đất Bắc thuộc các Giáo phận: Bùi Chu, Phát Diệm, Hà Nội…cũng đã định cư lập nghiệp với những GX: Kim Châu, Kim Phát, Kim Thành, Chi Lăng…

Tất cả đã làm nên một phần chi thể không thể thiếu được của Giáo Phận Ban Mê Thuột.

***

Thế hệ những người dân di cư vào Nam được ơn gọi sinh ra ở miền Bắc và sống tại miền Nam. Nhưng với đời sống tinh thần, thế hệ di cư này có may mắn được sống trong ba miền tâm linh: GP Vinh, GP Kon Tum và GP Ban Mê Thuột.

          Giáo phận Vinh là người mẹ tinh thần đầu đời của những con ngườidi cư miền Trung gốc: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quãng Bình…Một GP có chiều dài lịch sử gần 400 năm. Ở đó, miền đất đã được gieo mầm hạt giống đức tin vào những năm đầu tiên khi đạo Công giáo được truyền vào đất nước Việt Nam. Đó là chiếc nôi không mấy êm ả, khi phải trải qua bao thăng trầm trôi nổi theo vận mệnh của đất nước.

Một miền đất tâm linh mà những người con, dù ở nơi phương trời xa, cũng không bao giờ quên được người mẹ GP Vinh đã sinh ra, nuôi dưỡng và chăm chút cho mình trong những ngày đầu hạt giống đức tin được gieo vãi.

Ngày vào định cư ở trời Ban Mê với bao nhọc nhằn vất vả truân chuyên của buổi đầu khai hoang lập trại. Cũng may, nhờ có điểm tựa đức tin Công giáo, nên người giáo dân luôn được an tâm và tự tin trong cuộc sống.

Người miền Trung tính chất vốn mộc mạc chân chất, ăn nói bộp bạp, “chặt to kho mặn”. Việc sống đạo và giữ đạo: kinh hạt, ngắm nguyện vẫn luôn giữ theo nền nếp kinh kệ bài bản của GP Vinh đưa vào, nên việc hòa nhập trong buổi đầu cũng giống như cô dâu mới về nhà chồng GP Kon Tum là, “quen việc nhà mạ, lạ việc nhà chồng” là thế đấy!

          Dấu ấn đậm nét nhất với người giáo dân thời đó là, hình ảnh của Đức Cha Paul Seize trong những lần về kinh lý giáo xứ. Với dáng người tây to cao và hao gầy, nụ cười hiền hòa luôn nở trên môi, và đôi mắt xanh biếc đượm tình thương mến. Con người của ngài cởi mở và thân thiện với hết mọi người. Bằng một giọng nói lơ lớ tiếng Việt giả cầy, ngài có óc hài tiếu pha trò khiến cho cha con thêm gần gũi nhau hơn.

          11 năm làm con cưng của GP Kon Tum, người giáo dân luôn được Đức Cha cưng chiều. Ngài tâm tình: “Cha rất đỗi thương yêu các con, vì các con ở xa xôi, mà cha không luôn được gần bên là điều thiệt thòi cho các con. Vậy các con có muốn bày tỏ với cha điều gì về việc sống đạo và giữ đạo không?”.

          Một giáo dân đại diện chia sẻ: “Chúng con kính trọng và yêu mến Đức Cha như bậc cha mẹ của chúng con! Xin cám ơn Đức Cha đã luôn về thăm và động viên chúng con trong việc sống đạo. Có được Đức Cha luôn yêu thương và bảo bọc, đời sống của chúng con cảm thấy an tâm”.

                       Rời xa giáo phận Kon Tum

               Lòng nghe man mác nhớ nhung vơi đầy

          Chia tay với GP Kon Tum để ra riêng nhà mới năm 1967. Một cơ ngơi đang mở ra bộn bề với bao công việc khó khăn của việc lập thành một Giáo phận mới.

          GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT RA ĐỜI: Ngày 22.6.1967

          Đức Cha Phê-rô Nguyễn Huy Mai, Giám Mục tiên khởi Giáo phận Banmêthuột.

          Xem ra, việc khởi đầu của GP chúng ta khá thuận lợi, khi đã bắt đầu bằng một buổi “Mai” sáng lạn, tỏa chiếu khắp mọi miền con dân GP.

Ngày đầu giáo phận lập thành

Nắng “Mai” ấm áp ngợp tràn tâm linh

          Khi nghĩ về Ngài, chúng ta liên tưởng tới một con người có vóc dáng khiêm tốn, nhưng tầm vóc học vấn của ngài lại rất uyên bác. Ngài xuất thân từ Đại học Sorbonne, Paris, một Đại học danh tiếng vào thời đó. Dấu ấn của Ngài để lại rõ nét nhất là, sự kiên định và lòng dũng cảm trước thời cuộc nhiễu nhương, khi giáo phận rơi vào hoàn cảnh bi đát, muôn bề khó khăn, nhưng lập trường của ngài về Giáo hội Công giáo trước sau như một, không hề thay đổi, cho dù thời thế có xáo trộn đổi thay. Chính điều này đã làm cho người giáo dân hết sức kính trọng và nể phục Ngài.

          Người viết không dám chạm tới chiều kích tầm cao vĩ mô của GP BMT, vì đã có những nhà chuyên môn phụ trách, nhưng muốn mượn GX Châu Sơn để nói lên sự hình thành phát triển ở hạ tầng vi mô, như muôn GX khác vào thời kỳ khai hoang lập trại, thành lập GX.

          Và Châu Sơn, là một trong muôn GX của GP BMT như thế!

Cuộc đời tựa như bóng câu qua cửa sổ. Quay đi, ngoảnh lại mới đó mà đã 60 năm.

Mới ngày nào còn hăm hở: Dựng trại lều bên giếng nước Dòng Châu Sơn. Thì nay, nhà cửa san sát, xây dựng khang trang: Nhà mê chen lẫn mái Thái ngói đỏ. Cuộc sống sung túc với bao tiện nghi vật chất: Xe máy, xe hơi…TV, tủ lạnh, mạng Internet…

Mới ngày nào cha rìu con rạ, chặt cây đốn củi khai hoang lập ấp. Thì nay, một màu xanh ngút ngàn: Tiêu, Cà phê, Thanh Long và vườn cây hoa trái xum xuê.

Mới ngày nào “Hồng hồng tuyết tuyết, chưa biết cái chi chi”. Thì nay, biết bao thế hệ dựng vợ gả chồng, con đàn cháu đống sum vầy.

Mới ngày nào Thánh Đường gỗ ván liêu xiêu. Thì nay, Thánh Đường rộng lớn và khang trang ấm áp một niềm tin yêu cho muôn người kinh nguyện sớm chiều.

Mới ngày nào đường chật lối hẹp, bì bõm một lối đi về lầy lội đến cơ khổ. Thì nay, đường ngang lối dọc đã được nâng cấp thông thoáng mương máng, có đường lán nhựa, có đường lán bê tông xi măng.

Mới ngày nào hàng cây rủ bóng, Nghĩa Trang buồn. Thì nay, các thế hệ cha ông đã an lòng nằm xuống với một cõi đi về: Mồ yên mả đẹp.

Xin được thắp lên một nén hương để tỏ lòng thành kính tri ân các bậc Tiên tổ, vì những công nghiệp đóng góp lớn lao cho một miền đất nhân sinh nhiều hoa thơm trái ngọt.

          Qua những thành tựu kể trên của GX Châu Sơn, chắc chắn không thể thiếu được những bàn tay vun đắp của các vị mục tử:

– Cha GB Nguyễn Đăng Khoa, người đã đồng cam cộng khổ với giáo dân để xây dựng làng mạc buổi đầu lập trại.

  – Cha Gioan Nguyễn Trí Thức lại mở mang dân trí cho giáo dân bằng câu nói: “Ngày nay học tập ngày mai giúp đời”.

          – Cha Giuse Trịnh Chính Trực phát triển đồng bộ: Đức dục, trí dục, thể dục. Ngài nói: “Một tinh thần lành mạnh phải ở trong một thân thể cường tráng”.

          – Cha Gregorio Đỗ Trúc Đường lại thiên về đời sống đạo đức và nhân bản.

          – Cha Phêrô Lê Hùng Tâm mở mang giáo dục bằng cách xây nhà trường cấp I và II, và đào tạo giáo viên.

          – Cha GB Nguyễn Thanh Tâm phát triển phụng vụ với nhiều ca đoàn được thành lập để dâng lời ca tiếng hát sốt sắng trong thánh lễ.

          – Cha Phao Lô Võ Quốc Ngữ luôn quan tâm và chăm lo cho đời sống giáo dân việc đạo cũng như đời.

 

          – Cha Đa Minh Vũ Đức Hậu, người có công tân tạo lại tượng đài Chúa KitôVua.

 

          – Cha An Tôn Vũ Thanh Lịch chăm lo đào tạo đội ngũ giáo lý viên và củng cố vững mạnh các đoàn thể,hội đoàn.

          – Cha Gioan Bùi Quang Đạo, người kế thừa những di sản tinh thần và vật chất và của các LMQX để lại, đãtiếp tục nâng cao đời sống đạo đức của người giáo dân ngày một thăng tiến.

          Tất cả những đóng góp của quý LMQX đã làm nên một GX Châu Sơn như ngày nay. Xin chân thành cám ơn những đóng góp to lớn của quý cha cho miền đất GX Châu Sơn này.

Đó là những gì mà mảnh đất nhân sinh này đã vun trồng và bồi đắp cho các thế hệ người dân Châu Sơn: Sống thăng tiến và trưởng thành qua bao thời đại.

Nhà giáo Trần Duy Nhiên đã nhận xét trên báo CG&DT số 1382: “Trên ngôi làng nhỏ Banmê đã cho tôi một bằng chứng rằng Giáo Dân đã trưởng thành, và chính họ đã làm nên một xã hội Châu Sơn, một xã hội không hề lạc hậu, nhưng vẫn còn giữ nguyên vẹn sự trong sáng của Việt Nam và Tình Yêu của Giáo Hội”.

Và tình yêu của giáo hội, đã lan tỏa một nguồn nắng ấm tâm linh tràn đầy muôn phúc lộc trên mọi người giáo dân, qua mánh thông ơn của người mẹ GP Ban Mê Thuột.

          50 năm, một miền nắng ấm tâm linh!!!

          50 năm ấy, chứa chan biết bao tình!!!

          Xin chúc mừng!! 50 năm Kỷ niệm ngày thành lập Giáo Phận Ban Mê Thuộc!!! 

Nguyễn Vĩnh Căn

Check Also

NHỮNG CÁI CHẾT BẤT ĐẮC KỲ TỬ TẠI GX CHÂU SƠN

Sống trên đời này chuyện “sinh ký tử quy” – sống gửi thác về – …