VIẾT CHO MỘT NGƯỜI EM…

Dù là vế tuổi tác hay vế dòng họ thì em vẫn là vai em. Nhưng chưa bao giờ anh nghĩ rằng, ở cái tuổi này mà anh phải viết những dòng xót xa thương cảm cho em. Cái tuổi tuy không còn trẻ, nhưng cũng chưa già…Cái tuổi tráng niên sung sức nhất của đời người, cái tuổi của sức mạnh Phù Đổng với bao mộng ước phía trước đang dần biến thành hiện thực…

Thì hỡi ơi!!!

Nhớ lại trước đây, anh cùng chung một toán đọc kinh Tráng niên với em. Sinh hoạt dễ có đến cả chục năm rồi đấy chứ! Những bài hát vui: Hãy luôn biết mơ, mơ đến khung trời tươi đẹp, và luôn biết cười là cười trong nước mắt. Dù trong u tối, ta luôn thấy bình minh. Dù trong nước mắt ta vẫn luôn nhoẻn miệng cười, để đời thôi bớt u sầu và thương đau…Ta muốn làm hạt mưa rơi trên khắp cánh đồng khô cạn. Ta muốn làm tia nắng ấm áp cho mùa đông giá…

Mặc dù anh đã luống tuổi, già đầu mà vẫn ngỡ như trẻ thơ, để vui hát ca với toán vô tư hồn nhiên như trẻ con vậy. Cho hay rằng, sinh hoạt đoàn nhóm, có khả năng đưa ta về lại tuổi thơ là thế đấy!

Phải nói, sinh hoạt Tráng niên mà không có chút men nồng làm hưng phấn cuộc đời, sau những ngày tháng làm lụng vất vả cực nhọc, thì xem ra cuộc đời nhạt nhẽo và vô vị lắm! Ở tuổi tráng niên, sau niềm vui gia đình sum họp đầm ấm, là niềm vui chia sẻ ngọt bùi với bạn bè trong men nồng là không sao tránh khỏi. Nhiều chị vợ không hiểu cho tráng niên nhà em là, ngoài cái nố nớ ra, cuộc đời có chi vui thú nữa đâu: bài bạc thì mẹ mi cầm lòi, đố mà kiếm được một đồng, sao mà có tiền chơi. Trai gái thì cho thêm tiền cũng chẳng dám qua mặt mẹ mi. Hút sách cũng không. Thôi thì chỉ còn lai rai ba sợi vui vầy với bạn bè vậy.

Nhớ những ngày toán ta tham gia giải bóng đá tráng niên, sáng sớm nào cầu thủ cũng chạy tập thể lực và ra sân đá dượt với các toán khác…Và rồi sau đó, cà phê, chè cháo, nhưng cũng không thể quên được chút men nồng làm hưng phấn cho buổi mai bình minh đang ửng hồng trên khuôn mặt mỗi người…Và em cũng thế, hòa nhập vui vẻ với giọng cười kha kha sảng khoái với anh em trong toán.

Không biết thời trai trẻ của em có chơi bóng đá không? Nhưng bây giờ em nhập vai hậu vệ cánh phải rất tròn vai. Phải khen em, không là một cầu thủ có kỹ năng, nhưng bù lại, nhờ sức dẻo dai, sức bền bỉ và đeo bám quyết liệt đã làm cho các tiền đạo phải khó chịu và nản lòng. Chẳng những thế, mà có lắm khi dâng lên hổ trợ tấn công, nhưng khi bị phản công vẫn kịp chạy về đánh chặn rất nhanh.

Trong cuộc vui chơi chè chén, phải nói em là người điềm tỉnh, ai hô hào thì nâng ly: ai đâu tôi đâu, chứ không hí hố ăn thua nhau trong cuộc rượu, nhưng đô của em thì cũng khó có ai theo kịp. Tính em hê hà, lành tính, ăn to nói lớn, cười ha ha thoải mái rất vô tư…Ai chọc ghẹo bị oan, em lên tiếng phân bua cải chính to giọng, thế mới biết con người em thật thà, dễ bị anh em trêu chọc…Đang thời phong độ ngời ngời lên như mây như gió, vậy mà khi em lên làm toán trưởng thì chửng lại, và sau đó, việc uống rượu với em là một sự ép uổng. Anh không biết có phải vì em giữ sức hay đã bị nhuốm bệnh. Anh thường đùa: biết vậy chả bầu em lên làm toán trưởng, làm mất đi một tay chiến hữu chiến đấu ngoan cường. Em cười hề hề…Anh cứ nói thế cho oan em, chứ em có bỏ sót lượt nào đâu…Sau này cũng thế, trong cuộc vui, tinh thần em không được mấy hào hứng phấn khởi như lúc xưa nữa!

Giải bóng đá Tráng niên vừa rồi, (2016) toán LBT mình lực lượng yếu kém chắp vá mà lại gặp bảng xương xẩu khó gặm. Không thấy bóng em trên sân bóng, anh lo lắng hỏi: tại sao không đưa em vào hậu vệ cánh phải cho chắc! Có người bảo: em không đủ sức chạy nữa, nhưng vẫn tham gia tập luyện với anh em cho vui. Rồi nể tình anh em, em cũng đã nổ lực hết mình với toán, để vào sân, nhưng chỉ được mấy phút, rồi ngã quỵ xuống sân phải thay ra. Anh nghe mà cảm thấy thương và tội nghiệp cho em.

Nhưng không ai ngờ, đó là tín hiệu xấu của một căn bệnh đang ủ trong em lâu nay. Cuộc sống đôi khi vì nể cái tình cái nghĩa, mà muốn đẹp lòng nhau là thế đấy! Không ai hiểu được tấm lòng của những người bạn với nhau, đến nỗi có đứa bạn khóc để tỏ bày tâm tình: Vì tình thương mến bạn bè, tao uống một ly với tụi mày, có chết cũng thỏa lòng với cái tình bạn bè…

Đàn bà thường không hiểu được cái tính ông trời mặc định cho người đàn ông ba điều: sĩ diện, cả nể bạn bè, tính ham vui. Sĩ diện: sợ mất mặt trước bạn bè, mà đã mất mặt thì nhục nhã tưởng chết đi cho rồi. Đến nỗi Tổng Thống Pháp, Charles de Gaulle đã nói một câu thật chí lý: mất tiền, mất tình yêu, mất của cải thì có thể tìm lại được, nhưng mất danh dự là mất tất cả.

Sống chung một lối xóm, nên anh em ta rất hiểu và cảm thông nỗi niềm vui buồn trong cuộc đời…Vì anh nhiều tuổi hơn, nên anh đã lên phụ huynh trước, nhưng khi nào gặp nhau anh em ta vẫn vui như ngày nào sinh hoạt trong toán tráng niên với nhau. Anh mỗi ngày mỗi còm cõi để về hưu non, áo cơm ăn nhờ vợ con…Còn em vẫn đề đặm và rắn rỏi khỏe mạnh trong nước da rám nắng.

Không mấy ngày mà không gặp em, vì vợ chồng em thường đưa đón và gửi con ở bà dì gần nhà, nên việc làm rẫy sớm tối đi về giờ nào mà anh chẳng biết. Thấy vợ chồng em đi sớm về tối lam lũ vất vả anh thường chọc: Mã oàm ơi! Làm vừa vừa ra với! Để giờ mà ăn nhởi và hưởng thụ nữa chứ! Em cười hề hề: Thì em cũng vẫn chơi nhởi với anh em trong toán đấy, có trận nào bỏ đâu anh. Đi làm về tối, em thường bao biện: bữa ni lưa mấy hàng cỏ làm cho xong, mai khỏi phải vào. Bữa khác em bảo: Cắt nạm cỏ cho nai, chứ có chi mà vất vả đâu anh! Anh không được chứng kiến được sức làm rẫy em có có cật lực vất vả không? nhưng nghe em trả lời vui vẻ khỏe khoắn thì xem ra, đi rẫy có vẻ như đi chơi vậy, chẳng có gì nhọc nhằn vất vả…

Anh cũng biết em đa đoan vì rẫy cũng nhiều, mà chăn nuôi cũng không kém, cái gì cũng có với làng. Một thời em nuôi nhím đầu làng và rất thịnh, giá cao dễ bán. Một thời nuôi thỏ cũng không mấy khấm khá. Rồi nuôi nai cả chục con lúc trước rất đắt khách thu nhập cũng rất cao…Đã thế, nghe đâu em còn đa mang bao thầu rẫy mạc cho ông bà nội. Làm ăn thì lam lũ vất vả là thế, nhưng khi nào gặp nhau cũng thấy tinh thần em luôn tươi cười, vui vẻ…

Cuộc sống đang thuận buồm xuôi gió và đầy lạc quan tự tin như thế, mà bỗng đâu…

Nghe tin em khó thở, ra bệnh viện tỉnh khám và bảo phải đi ngay Sài Gòn…Anh cứ nghĩ chỉ là bệnh xoàng, bệnh viện tỉnh thì chừng chớn gì, nhẹ thì bào nặng, hoặc trái lại. Nhưng rồi dần cứ nghe tin bệnh em nặng vì bị tràn dịch tim. Một căn bệnh chưa mấy khi nghe, nên cũng không biết được sự nguy nan của nó…

Rồi em bị bệnh viện chê trả về, anh cũng chẳng dám sang thăm, vì sợ những người đến thăm làm em tự hỏi: bệnh mình đâu đến nỗi nào sao có lắm người thăm thế! Hay là…Đây là chuyện tâm lý với người bệnh nên hoàn toàn nhạy cảm…Đành phải ở nhà cầu nguyện cho em qua cơn lâm lụy này…

Đến một hôm, em thấy trong người hơi khoẻ khoẻ, mới cầm hồ sơ bệnh án ra hỏi BS thì mới ngã ngửa ra, bị ung thư mà bệnh viện bó tay…Trước đó, em vẫn nghĩ rằng, bệnh của mình sẽ sớm hồi phục. Và trên giường bệnh em vẫn tính toán sắp xếp công ăn việc làm: chạy điện cho Thanh long, tưới tắm cà phê, tiêu…Xây bờ rào và mở cổng cho lối đi riêng vào nhà mình.

Khi sự việc lộ ra…Em trách vợ sao không cho em biết…Vợ em chỉ nghẹn ngào: em chẳng muốn anh biết, sợ bị sốc, tinh thần xuống mà thể lý chóng suy sụp…Sau đó, em muốn ra bệnh viện chữa trị. Còn nước còn tát…Được một thời gian, rồi bệnh em nặng hơn, phải vào bệnh viện Sài Gòn qua viện ung bướu để xạ trị hoá trị…

 Nghe đâu, tết này em về ăn tết đã mừng, là dịp sang thăm em, để tạ lỗi với em là những ngày tháng em đau nặng không tới thăm em. Nào ngờ, về nhà được mấy hôm, rồi khó thở phải ra bệnh viện…Những tháng ngày sau cùng của đời em, em đã phải quằn quại trong đau đớn những khi cơn bệnh hoành hành thể xác em. Nỗi đau càng ngày càng dày xé tâm can, thì biện pháp cấp thời là chích thuốc giảm đau mà thôi. Rồi vợ em phải ngày đêm túc trực thường xuyên để chăm sóc cháo sữa, thuốc thang và để xoa dịu nỗi đau cho em. Anh nghĩ em đau 10 phần thì người vợ của em cũng đau đớn đến 9 phần rồi. Thương những đứa con còn thơ dại, để dự cảm đời mình, rồi đây sẽ sớm mồ côi cha.

Thấm thoát thời gian gần hai năm trời, có khi thấy em đi hon đa dạo chơi, anh nghĩ rằng, em sẽ qua khỏi vận mệnh nghiệt ngã chăng? Anh mừng khắp khởi trong lòng…Nhưng nỗi mừng chưa được lâu thì chiều nay, ngày 26.09. 2018, mọi người đổ dồn về nhà em đông nghẹt trong nét mắt lo âu và đong đầy nỗi thất vọng. Vì lúc này em đang lên cơn hấp hối một cách nguy kịch. Khi anh qua nhà thì em đang thở dốc ra, mắt nhắm nghiền lại…tiếng cầu kinh đang liên hồi bên những tiếng kêu tên cực trọng dồn dập. Thoáng một lúc, rồi em trợn tròng ra, như để nhìn lại mọi người một lần cuối, rồi em gục đầu tắt thở. Tiếng kêu khóc thảm thiết nổi lên át cả tiếng kinh cầu.

Ai mà cầm lòng cho nổi, khi tuổi đời 49 chưa qua 53 đã tới…Thương khóc cho em ra đi khi tuổi đời còn quá sớm, khi mà những tính toan trong cuộc sống còn đang dang dở…Em ra đi, khi mà đàn con hãy còn quá thơ dại, khi mà người vợ chưa đến nửa đời sương phụ mà đã phải chít khăn tang trên đầu khi tóc hãy còn xanh…Em ra đi, là mất chỗ dựa cho vợ con bám víu. Rồi đây trên bước đường đời, lấy ai để che chắn bão giông cuộc đời đây? Lấy ai để dìu dắt nâng đỡ vợ yếu con thơ trong bước đường đời gian nan thử thách này.

Viết những dòng này, để xót xa cho thân phận của em sớm giã từ cõi đời, và để cảm thương cho vợ con của em những khi vắng bóng em trong đời, thì biết cậy nhờ vào ai đây??

Anh cầu chúc em ra đi thanh thản. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đưa em vào lòng Chúa nhân từ, để em sớm hưởng dung nhan Ngài. Xin Chúa nâng đỡ, an ủi và lau khô nước mắt trên tang quyến.

Vĩnh biệt em….An Tôn Trần Chí Đạo!!!

NVK

 

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …