Em ra đi mọi người thương nhớ

         Em Maria Cao Thị Lệ Dung thân mến,

Sáng nay, mở trang Web.Tiến Đức Châu Sơn, nhận được tin em bị tai nạn ngay trước nhà vào lúc 20 giờ 50 tối qua, anh rất bàng hoàng hầu như không tin vào mắt mình. Câu đầu tiên hiện ra trong tâm trí anh là : Dung ơi! Sao em khổ thế, sao em tội nghiệp  thế !!!

Tới thăm em, đứng trước di hài của em anh đã không cầm được nước mắt. Mà chẳng phải mình anh thôi đâu, ai đến thăm viếng cầu nguyện và thắp hương cho em cũng đều rơm rớm nước mắt. Có người đã nấc thành tiếng, có người đã lặng lẽ quay mặt lau vội giọt nước mắt  đang chờ chực rơi. Ai cũng thương, cũng nhớ, cũng bùi ngùi với sự ra đi đột ngột của em. Ai cũng than thầm sao đời em khổ thế.

Vâng, đời em khổ thật. Tuổi niên thiếu của em thế nào anh không biết rõ lắm, bởi ba mẹ em sinh ra em ở Dục Mỹ (1964 Nha Trang)  nhưng anh nghĩ rằng có lẽ đó là quãng đời đẹp nhất của em vì ba em hồi đó là một sĩ quan ưu tú của chế độ VNCH. Nhưng Dung ơi! Ngày vui qua mau phải không em? Bởi khi anh gặp gia đình em ở Châu Sơn, đó là thời điểm khốn khổ nhất của toàn dân Miền Nam, thì gia đình em chắc cũng thế thôi. Nhất là khi ba em là một đầu bịn của gia đình thì lại đang phải đi cải tạo “mút mùa lệ thủy” ở Củng Sơn. Có một lần, vào một chiều nào đó, anh đi rẫy về gặp gặp ba mẹ con em (Mẹ em, anh Phú và em) cũng đi rẫy về từ dưới khe đá thôn K’Dun (thôn 4) đi lên. Gặp nhau, sau một ngày làm việc cật lực, mặt mũi ai nấy đều phờ phạc. O cháu nhìn nhau, anh em nhìn nhau nước mắt rưng rưng. Bởi không ngờ mình có ngày hôm nay. Anh còn nhớ, hồi đó, em còn nhỏ lắm, bé lắm. Mới chừng 12,13 tuổi. So với cái cán cuốc em đang vác, em còn thấp hơn cả một cái đầu (Đến đây, xin dừng lại một chút để nói về mối liên hệ giữa anh và  em: chúng ta vốn là anh em cháu chú, cháu bác đấy em ạ).

 Rồi thời gian lặng lẽ trôi. Em đã là thiếu nữ. Em cũng đã từng có một mối tình đẹp của thời con gái nhưng đã không thành sự. Và, có lẽ, chính điều đó đã gây ra những hệ lụy sau này chăng? Rồi cũng như bao cô gái khác, 21 tuổi em đi lấy chồng. Em lấy chồng vì vâng lời ba mẹ. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp và rất môn đăng hộ đối. Tưởng thế là đời em đã được an bài trong hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tầy gang. Đời sống hôn nhân của em không suôn sẻ. Sự nghiệt ngã của con người đã dìm đời em trong đau khổ đến cùng cực. Ba mươi hai năm trong cuộc sống chồng vợ là ba mươi hai năm truân chuyên, nhẫn nhục chịu đựng trong âm thầm, trong vò xé tâm can. Nhưng em đã không gục ngã. Hằng ngày, em vẫn chịu thương chịu khó làm lụng công việc một cách âm thầm dù chịu nhiều cay đắng, bất công. Hằng ngày, em vẫn sống cuộc đời đạo hạnh của một tín hữu Kitô Giáo chuẩn mực. Em đã tham gia  đoàn thể và Ca Đoàn Giáo Xứ, Giáo Họ và nhất là Ca Đoàn Hiền Mẫu ANA một cách tích cực. Trên khuôn mặt phúc hậu của em luôn nở nụ cười, nhưng là nụ cười lặng lẽ, buồn buồn. Có lẽ nụ cười đó đã vận vào phần số của em chăng?

Nhưng rất may, Chúa Trời đã ban cho em bốn đứa con. Ba gái một trai: Quỳnh Tâm – Quỳnh Tiên – Quỳnh Thi và Hoài Thái. Chúng có những cái tên thật đẹp và chúng cũng ngoan hiền, dễ thương như tên gọi của mình. Vậy là em đã có niềm vui để giải tỏa những ưu sầu, khổ cực của đời mình. Em hy sinh hạnh phúc riêng mình để chăm chút cho các con từng ly từng tý. Tối ngày hủ hỷ mẹ con có nhau. Nhìn các con lớn lên từng ngày trong vòng tay ôm ấp bảo bọc của mình, em cũng phần nào nguôi ngoai sự sầu tủi. Rồi hai con gái đầu đi lấy chồng, em đã tự hào nhìn hoa quả kết trái, đơm bông. Nhưng đã có đứa cũng bị hệ lụy bất trắc của cuộc đời làm em xót xa, cay đắng.

Nhưng Dung ơi, con giun xéo mãi cũng oằn. Cuối cùng thì, sau nhiều lần nhờ nội ngoại hai bên giàn xếp để tìm một sự ổn thỏa trong gia đình nhưng đều bất thành. Bất thành vì những cực đoan cố hữu nơi người hôn phối. Và không còn một lựa chọn nào khác, mẹ con em đành phải từ giã ngôi nhà dấu yêu mà mình đã từng góp công xây đắp, đã từng gắn bó để về tá túc bên Ngoại. Mọi người mở rộng vòng tay yêu thương và thông cảm cho hoàn cảnh của em. Mẹ con em đã chắt chiu từng cơ hội để vươn lên. Những tưởng rồi cuộc đời sẽ được an phận trong lặng lẽ cho đến cuối đời.

Nhưng không ai nào ngờ, cái đêm mồng năm (05/12) vừa rồi sau khi đọc kinh tưởng nguyện 50 ngày cho bà cố Tao vừa về đến nhà thì một chiếc xe máy, do một anh Dân tộc nào đó (có lẽ là say xỉn) trờ tới với tốc độ rất cao  đã cướp đi tính mạng em một cách oan uổng. Oan uổng nhưng không uổng phí, bởi lúc ra đi tay em vẫn đang cầm tràng hạt. Và bộ tràng hạt đó bị bể đi ba hạt như một chứng tích cuộc đời đạo hạnh của em.

 Lúc đó là 8 giờ 50. Cả Châu Sơn bàng hoàng. Cả Châu Sơn xao động. Cả Châu Sơn không ai muốn tin em đã ra đi như thế. Mọi người đều xót thương lẩm bẩm: “Sao khổ cho cô ấy thế?”.

Em Maria Cao Thị Lệ Dung thân mến,

Phận đời em như thế là đã xong. Dẫu có nuối tiếc cũng không được nữa. Năm mươi ba năm cuộc đời không ngắn, cũng không dài nhưng em đã đi trọn đường trần một cách toàn vẹn . Viết những dòng này cho em anh chỉ cầu mong Chúa trên trời cao ban ơn lành cho đại gia đình và nhất là các con cái  em biết chấp nhận thánh giá Chúa. Bởi biết đâu sự ra đi của em sẽ làm thức tỉnh người chồng, người cha  suy nghĩ đúng đắn để nối kết lại với các con cái mình và để thắp lên nén hương lòng hối hận trước bàn thờ vợ mình. Chúa luôn lòng lành và cao cả, việc ngài làm loài người không thể hiểu nỗi, phải không Dung?

                                                                                                             Nguyễn Văn Trọng.

 

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …