Văn hóa ấm nước mới quê choa!!!!

Văn hoá Ấm nước mới chè xenh là một tập tục lâu đời ở miền quê Nghệ Tĩnh. Ấm nước mới là cái nôi, để nối kết tình làng nghĩa xóm đi lại với nhau: sáng trưa, tối các nhà luân phiên nấu nước và mời nhau đến uống. Điều này đã được tác giả An Thuyên thể hiện trong bài “Ca dao em và tôi”, với nét đặc trưng Nghệ Tĩnh trong câu: “nắng trưa hè, gọi nhau rân vang chè xanh”.
    Và người Châu Sơn vốn quê cha đất tổ ở Nghệ Tĩnh, nên khi vào miền đất mới Châu Sơn, làm sao lại có thể quên một tập quán đẹp, đầy tính nhân văn của cha ông được.
    Vì thế, mà sau khi định cư ổn định đời sống trên mảnh đất mới Châu Sơn, cây trồng đầu tiên bà con nghĩ đến là cây chè.
Thế là một sớm một chiều người dân Châu Sơn hưởng ứng khẩu hiệu: “nhà nhà trồng chè, người người đều uống”. Hơn nữa cây chè lại dễ trồng và rất thích hợp với đất đỏ Bazan miền cao nguyên này.
                                                                                 ***
Ai cũng nghĩ: nấu một ấm nước chè xanh là chuyện đơn giản. Nhưng kỳ thực, để nấu cho được một ấm nước chè xanh đạt hảo vị thì, nghề chơi cũng lắm công phu! Làm thé nào để đạt được ấm nước mới chè ngon và đạt chuẩn. Chẳng những thế, còn phải có những những ẩm cụ như loại ấm, chén đọi…Có thế thì sự thưởng ngoạn mới đạt đến việc đối ẩm hảo vị của một ấm nước chè xanh dược.
Xem ra chỉ với cây chè thôi cũng có đến hàng chục loại: loại lá bầu, lá dài, lá nhỏ…Mỗi loại có hưong vị riêng. Nhưng để có được loại chè thơm ngon, màu nước đẹp, thì loại chè lá răm là đạt yêu cầu và được ưa chuộng hơn cả. Cây chè lá Răm nhỏ và dài. Thân cây phát triển không cao to lắm.  
Lại yêu cầu, Chè cần phải được trồng nơi thông thoáng có ánh nắng mặt trời rọi, tránh hướng gió, để có được lá gặng dày và xanh thẩm.
    1- Cách nấu một ấm nước chè xenh:
– Lựa những cành chè có lá xanh tươi. Không chọn lá non, mà phải chọn lá gặng, dầy, nhưng không quá già, thì nước cốt mới thơm ngon và đẹp nước.
– Rửa sạch chè, rồi bẻ bớt cành cho vào ấm. Khi rửa chè nhớ đừng làm nhàu, gấp lá, nước sẽ bị ố màu.
– Yêu cầu lửa bếp phải cháy rực và giữ cho đều lửa, nếu bị tắt ngấm, hoặc không đều lửa, nước chè ngâm lâu sẽ bị ôi chè, ra màu bầm, vị chè bị úng, uống không ngon.
– Khi ấm nước sôi sùng sục thì giảm lửa để khỏi bị nước tràn qua nắp, mất hết nước cốt làm mất ngon đi. Sôi khoảng 10 đến 15 phút thì bắt đầu thử nước. Lấy một cái đọi men trắng, để biết chè đã lên mầu vàng sóng sánh chưa.
              Tuỳ theo tì vị sở thích của mỗi người để uống đậm nhạt. Muốn uống nhạt, phải lấy nước cốt pha nước sôi vào, chứ không được uống nước chè chín tới.
Muốn có ấm nước đạt yêu cầu, thì phải hội đủ hai tiêu chí:
– Nước phải có hương thơm ngào ngạt và vị đậm đà chan chát.
– Nước phải lên màu vàng óng và sóng sánh màu xanh mật gấu tan loãng.
    2- Ấm nước chè om hay còn gọi la chè vò:
    Đây là cách uống xổi của người nông dân. Bởi vì ấm nước chè vo rất nhanh chóng, chỉ cần nước đun sôi bỏ chè vò vào rồi đem ủ trong ấm trong chăn bông một lúc khoảng 5,7 phút là rót ra chén bát ống được ngay.
    Cách nấu chè om: Chọn cành lá chè non, đem rửa sạch, sau đó vò cho lá chè nhàu bớt.
– Chờ nước sôi sục, đem bỏ chè vào, rồi nhắc nồi xuống, ủ ấm. Chừng ít phút là rót ra uống được ngay.
    Uống nước chè vo thì thưởng ngoạn cái khứu giác thơm ngát của hương chè ngào ngạt hơn là vị giác của nấu nước chè xanh đậm đặc vị chan chát.
    Nước chè vo thì rất lợi tiểu.
    Người ta thường đựng nước chè om vào ấm tích, rồi ủ vào vỏ bọc mây cói, để khi rót ra nước nóng thơm lừng chè xanh.
   3. Ấm nước mới muốn đạt được ẩm vị thơm ngon thì ấm phải là ấm đất, ngày xưa còn gọi là nồi đất. Nấu ấm đất nung, lá chè khi sôi ở nhiệt độ cao sẽ không bị dính vào nồi như ấm nhôm, sắt…dễ bị cháy khét lá chè. Hương vị chè không bị phân hóa qua nồi như các ấm nhôm, sắt…Nước phải dùng nước giếng sâu, có nguồn mạch nước trong vắt và tinh khiết. Nước chè xanh hay chè om phải thưởng ngoạn uống khi nước nóng khói nghi ngút bay, thổi phù uống mới ngon. Thông thường nước chè xenh phải uống trong đọi, bát mới thưởng thức được hết cái tinh túy của nước chè. Vì mặt thoáng của đọi bát lớn, nên toả hương vị chè xanh ngào ngát khắp không gian.
Nước nấu bắt đầu sôi, thì cho trẻ trong nhà đi mời hàng xóm tới uống. Phải mươi lăm phút sau thì mới hội tụ đông đủ người tới uống nước mới. Uống bát nước xong, làm một hơi thuốc lào bằng cú ngã bàn đèn, thì hết sức đã điếu. Các bà các chị ăn thêm miếng trầu thì thêm đậm đà hương vị và má môi đỏ ửng hồng lên, trông duyên dáng chi lạ!!!
.                                                                                         ***
Văn hoá uống nước chè xanh của người Châu Sơn ngày nay, không khác với truyền thống quê nhà Nghệ Tĩnh ở miền Bắc là mấy. Vẫn hương vị ngạt ngào chan chát đậm đà, vẫn màu vàng óng lẫn mầu xanh mật gấu tan loãng, vẫn không khí thân thương đầm ấm tình làng nghĩa xóm. Và nếu có khác là bây giờ ở trong này, không còn tục nấu nước bằng ấm nung đất và không uống nước bằng đọi bát nữa, mà thay bằng ly thuỷ tinh. Chắc chắn hương vị nước chè xanh sẽ “ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Thời gian cũng có phần hạn hẹp hơn, vì bận canh tác đồng áng tưới tắm…
Những câu chuyện thân tình cũng được chia sẻ bên bát nước chè xanh đang bốc khói… Quanh ấm nước mới là những câu chuyện thời sự, chuyện làm ăn mùa màng, phân bón, thu hoạch, chuyện tình làng nghĩa xóm…Làng xóm hiểu nhau hơn, luôn cảm thông và chia sớt ngọt bùi lẫn gian nan dâu bể trong cuộc sống đời thường với nhau. Từ đó tình làng nghĩa xóm cũng được thắt chặt lại với nhau trong sự ấm cúng tình thân.
Người dân xứ nghệ còn coi chè xanh như là những vị thuốc trị đau lưng, mỏi gối, đau nhức, khi ta cho một ít mật mía hay cho một ít đường vào để uống mật đường hoà quyện trong ly nước chè xanh cho ta vị giác vừa chan chát vừa ngọt ngào khiến cho ta có cảm giác khoan khoái.
Trải qua bao thời đại, ấm nước mới vẫn luôn được người Châu Sơn duy trì. Không có điều gì có thể ngăn cản được một nét văn hoá đầy tính nhân văn như thế đối với người Châu Sơn chúng ta, kể cả thời đi nông trường người dân ta vẫn duy trì được văn hóa ấm nước mới.. Hy vọng rằng: dù xã hội có văn minh tiến bộ đến đâu đi nữa, cũng không thể xoá đi được cái truyền thống văn hóa uống nước chè xenh của người dân chúng ta được.
Người dân quê Châu Sơn chúng ta, luôn tự hào về Ấm nước chè xanh, vì nó luôn là một nét đẹp văn hoá đặc trưng của con người xứ Nghệ Tĩnh chúng ta.
Châu Sơn choa

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …