Phần 1:
Mây thu đầu núi, gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động tiếng hờn câm.
(Tống Biệt Hành)
Everett chiều nay cũng như bao chiều thu khác. Mây xám giăng đầy. Trời ảm đạm. Nơi tôi ở giờ đây ngoài đường không một bóng người qua lại. Đàn quạ đen từ đâu sà xuống trước sân, vài con vô tư rỉa lông rỉa cánh. Mấy con sóc quen thuộc vẫn chạy nhảy quanh những thân cây trơ cành trụi lá. Trên cây, còn lại những chiếc lá lẻ loi, nửa đỏ, nửa nâu đang cố gắng bám lấy chút tàn hơi một cách tuyệt vọng. Một vài chiếc lá lảo đảo rơi xuống sau vài cái rùng mình rồi nằm xuống cạnh những chiếc lá đã đến hồi mục nát. Giờ đây chúng biết được những gì trước đây chúng muốn biết: Đời chúng sẽ ra sao? Đi đâu, về đâu giữa vũ trụ bao la đầy mưa gió này?
Vợ con đi vắng. Nhà quạnh hiu. Một mình tôi ngồi đếm lại những gì mình đã mất, đã được sau cái vỗ vai của thần chết, rồi suy nghĩ vẩn vơ. Như mọi loài thụ tạo được sinh ra, mỗi người chúng ta lúc cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc bắt đầu cuộc hành trình mà đích đến sau cùng là sự chết.
68 năm rong ruổi chốn đường trần, thần chết đã đến báo cho tôi biết cái ngày định mệnh của tôi đã đến gần. Thật thế, đêm đó, một đêm âm u và giá rét. Khi đang tham dự lễ giỗ một người quen, dẫu đêm chưa khuya, tiệc chưa tàn, nhưng tôi rất mệt mỏi. Tôi về sớm. Đi chưa đến cửa, tôi bỗng rùng mình vì một cái lạnh chưa từng có ập vào gáy, chạy dọc sống lưng rồi lan dần hết toàn thân. Chân tay tôi bị co rút gần như không thể đi lại được. May thay, xe chỉ cách cửa mười bước chân. Một tuần sau, tôi bị một cơn đau gáy khủng khiếp, mắt sâu hoắm, da mặt xám xịt, lưỡi rụt vào không nói được. Vợ tôi hoảng quá vội vàng nhờ hàng xóm chở tôi đi cấp cứu trong đêm.
Tại bệnh viện Providence Hospital (Bệnh Viện Chúa Quan Phòng), sau khi làm các xét nghiệm đến 2 giờ sáng, bác sĩ cho tôi biết tôi đã mặc bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Khối u đã di căn sang một vùng rộng nơi lá gan. Điều trị chỉ có thể kéo dài sự sống thêm chứ không chữa lành được. Thời gian sống của tôi còn lại là từ 6 tháng đến 2 năm nếu tôi phản ứng tốt với hóa trị.
20 ngày sau tôi được bệnh viện giải phẫu dưới xương đòn gánh trên ngực để gắn thiết bị cho việc hóa trị sắp tới. Nằm trên giường chờ phẫu thuật, nhìn Thánh Giá Chúa khiêm tốn treo ở góc tường, tôi yên tâm phó thác tất cả cho Chúa. Tôi thầm nghĩ: khi chấp nhận làm kiếp con người, Chúa đã chấp nhận sự chết như bao loại thụ tạo khác. Khác chăng là vì Chúa, nên Ngài phục sinh, chiến thắng Tử Thần. Còn chúng ta, đến Tận Thế khi xác loài người đồng loạt sống lại nhờ ơn Chúa Phục Sinh, chúng ta cũng sẽ sống lại. Nhưng đến bao giờ Tận Thế? Thời gian của Chúa có thể tính bằng trăm, triệu, tỷ năm nữa. Liệu chỗ ta nằm xuống còn để lại vết tích chi? Nhưng còn chi hay chẳng còn chi thì có ích gì khi một người đã nằm xuống? Dòng đời vẫn tiếp tục trôi đi, trôi đi mãi chẳng hẹn quay về. Tất cả rồi sẽ chỉ như là chiếc bóng bên đường của một kiếp phù du. Vậy nên dấu vết bụi tro còn hay mất chẳng phải là điều ái ngại. Cái cần đó là tình Chúa yêu ta. Việc an nghỉ trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa là quá đủ để ta yên tâm nhắm mắt.
Những ngày đầu hóa trị, tôi phải sống cách ly. Cách ly không phải vì sợ tôi lây bệnh mà là sợ người khác sẽ lây bệnh sang tôi vì hóa trị đã tiêu diệt nhiều bạch cầu và làm cơ thể tôi không còn có sức đề kháng. Tôi có thể bị nhiễm trùng và ra đi bất cứ khi nào. Trong nỗi cô đơn, mệt mỏi, đau đớn vì bệnh ung thư và vì những phản ứng phụ tàn khốc của hóa trị, tôi thấy mình như con chim đang ẩn mình chờ chết, nằm co ro nơi một góc trời rét buốt và nhìn ra ngoài qua khung cửa sổ với mây trời xám xịt, âm u. Từng đêm, từng đêm, những đêm vật vã không ngủ, tôi giơ tay lên thầm thì: Lạy Chúa, đây là tay con, lạy Mẹ Maria, đây là tay con. Xin Chúa và Mẹ nắm lấy và dẫn con đi trên con đường mà Chúa đã dọn sẵn cho con. Rồi thì từng chuỗi Mân Côi, chuỗi Lòng Thương Xót, tôi âm thầm nằm đọc trong từng đêm khuya hiu hắt, lắm lúc cũng đã đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm.
Có những lần vô thuốc, tôi gần như không chịu nỗi và đã có suy nghĩ muốn ngừng hóa trị. Nhưng các con của tôi lại kể cho tôi nghe những tấm gương can đảm chống chọi ung thư để truyền thêm sức mạnh cho tôi. Trong số đó có cháu gái là bạn con tôi đã đơn độc một mình chống lại ung thư bao tử ở tuổi 23 và sau khi khỏi bệnh một cách thần kỳ, cháu này đã đi thi hoa hậu mà không một ai biết thí sinh này không có bao tử nữa. Cháu đã đi thi để ghi dấu kỷ niệm đẹp cho cuộc đời lắm khốc liệt của mình.
Trước viễn cảnh không mấy tốt lành của tôi, vợ con tôi đã mua phần mộ cho tôi. Thế là nếu muốn, tôi có thể tận mắt nhìn thấy nơi an nghỉ cuối cùng của đời mình. Nhưng tôi lại nghĩ với thân phận người trần mắt thịt dù ai có thông mình siêu phàm thì cũng không chắc những gì mình sắp xếp sẽ xảy ra đúng như ý muốn. Phần mộ của tôi không xa mộ bà Nhàn và mộ ông Bính (Cầm) là mấy. Tôi nhớ lúc mới sang Mỹ, lần đầu tiên đưa tiễn một người quen vào nghĩa trang này, tôi đã chết lặng khi đứng bên mộ hai người cùng quê. Những kỷ niệm về Ông Bà, nhất là bà Nhàn quay về trong tôi một cách mãnh liệt. Ngày ấy sau những mất mát đớn đau tại quê nhà, bà đã vượt biển tìm cuộc sống mới giữa muôn vàn cái chết chực chờ, tìm tự do bằng việc đánh cược cả sinh mạng. Giờ đây dưới lòng đất lạnh bên cạnh những người không cùng chung chủng tộc, không cùng màu da, không cùng tiếng nói, ông bà đã an nghỉ giấc ngàn thu. Mặc cho mưa gió não nề, mặc cho côn trùng nỉ non, mặc trăng khuya vằng vặc hay băng tuyến phủ đầy, ông bà đã đến vùng đất mình muốn đến và nằm lại nơi miền đất lạ xa xôi. Việc ông bà liều thân tìm kiếm cũng là quy luật của đời người. Bản thân tôi cũng thế, đời tôi là tiếp nối những cuộc ra đi tìm kiếm….
Xin bạn đọc xem tiếp phần 2
Everett, một chiều cuối thu 2016.
Lê Ngọc Chương.
Bình luận