Tâm sự một người bệnh – Lá sắp rời cành – Phần II

Năm 6 tuổi, tôi đã cùng gia đình đi trốn vào Nam với hi vọng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Trong ký ức của đứa trẻ 6 tuổi ngày xưa, làng tôi khi đêm buông xuống trên những  mái nhà xiêu vẹo, có tiếng ho sù sụ của người bệnh, tiếng rên khe khẽ của những người suốt ngày lao động vất vả đêm về phải đi ngủ với cái bụng trống rỗng cùng chiếc áo rách không đủ che thân. Tiếng thở dài não ruột của nhiều người đang phải đối diện với một tương lai u tối, không lối thoát. Tiếng ú ớ của những người gặp ác mộng. Xa xa, tiếng chó đói sủa ăng ẳng càng làm cảnh quê nghèo thêm ảm đạm, thê lương. Tôi nhớ một đêm khuya, khuya thật khuya khi con trăng lưỡi liềm ngả hẳn về Tây, tôi một đứa trẻ gầy yếu, tong teo, đầu trần, chân đất theo đoàn người lầm lũi bước trong đêm như những hồn ma phách quế, rệu rạo đi bộ khoảng 20km từ Làng Vực ra Vinh  để di cư vào Nam.

Sau cuộc định cư ngắn ngày tại Mường Mán, những tưởng Châu Sơn là chốn đất lành chim đậu để một bề sống và yên ổn làm ăn. Nhưng biến cố lớn năm  1975 đã xô đổ cuộc sống đang yên lành của người dân nơi đây thành dâu bể tang thương. Từ đó, tôi trượt dài trên đường đời khổ hận. Lắm lúc tôi cảm thấy mình như cây xương rồng đang vật lộn với hoàn cảnh khắc nghiệt để sinh tồn nơi sa mạc cháy nắng. Thế nhưng bão cát năm 1975 đã vùi dập không thương tiếc khi nó vừa nở những nụ hoa đầu đời.

Năm 2002, gia đình tôi lại dắt dìu nhau về Bình Dương sinh sống. Cuộc sống ổn định khá sớm, nhưng không lâu sau, năm 2013 vợ chồng tôi lại vượt nửa vòng trái đất để đến định cư ở Mỹ. Nơi mà nhiều người ao ước được một lần đặt chân đến. Đến được đất nước đầy mộng ước không được bao lâu thì tôi phát hiện căn bệnh quái ác. Nó đã dập tắt những dự định, và ước mơ ấp ủ bao ngày.

Mỗi cuộc chia ly, đều để lại ít nhiều bịn rịn nhớ thương. Nhưng cuộc ra đi về thế giới bên kia là  cuộc ra đi chan đầy nước mắt mà mỗi người phải chấp nhận sự thật nghiệt ngã đó.

Đôi khi cuộc ra đi này đã khiến không ít người ân hận hối tiếc. Hối tiếc, ân hận vì những gì mình đã làm và những gì mình đã không làm và kết quả để lại cho con cháu những di sản không mấy tươi sáng.

Trở lại dòng đời của tôi, thời gian qua nhanh, đã 15 năm xa xứ. Nhớ lại ngày tôi bước chân ra đi, khi bánh xe lăn dần đến đầu thôn 2, ngoảnh đầu nhìn lại, tôi thấy tượng Đức Mẹ đứng đó như đợi chờ, như lưu luyến tiễn những đứa con đi vào giông bão mới của đời người.

Giờ đây, dẫu cách xa phương trời tôi không hề quên Châu Sơn, nơi tôi đã lớn lên, đã sinh trưởng và cũng là nơi chứng kiến những thăng trầm khắc nghiệt của cuộc đời tôi. Nơi đây có những người thân yêu, bạn bè, xóm làng của tôi. Nơi đây vẫn ghi đậm bao kỷ niệm thiết tha, dấu yêu mà trên bước đường sinh ly, tôi biết ngoài Châu Sơn ra không thể tìm đâu có được…

Thế là quá nửa năm điều trị với kỹ thuật và y dược tiên tiến, với khả năng chuyên nghiệp, lòng nhan ái, sự tận tình của đội ngũ y bác sĩ khoa Hóa Trị toàn là nữ giới, cùng với tình yêu cao cả của vợ con, và người thân, bạn bè thì bệnh của tôi thuyên giảm như một phép lạ.

Nằm trên giường bệnh, lắm lúc nhìn khuôn mặt bơ phờ mệt mỏi, đôi mắt u buồn với mái tóc mà tháng năm đã nhuộm bạc màu của vợ, lòng tôi không khỏi se sắt và cố dấu đi tiếng thờ dài. Rồi đây, một trong hai chiếc dép đã vẹt gót, mòn quai sẽ nằm lại bên dòng đời. Chiếc còn lại sẽ tiếp tục đi hết con đường còn lại của mình sau gần nửa thế kỷ lên đồi, xuống ruộng, cùng chịu những mùa đông rét lạnh, cùng chung hưởng những vui buồn, thất bại, thành công trong cuộc sống đời thường.

Rồi tôi cũng có dịp không còn phải đi bằng xe lăn. Vợ tôi cũng không còn phải đẩy xe cho tôi đi dạo vào những chiều nắng nhạt. Cũng không còn những bữa cơm mà “ta nhìn nó (thức ăn), nó nhìn ta” suốt 3 tiếng đồng hồ. Và cứ hai tuần thì tôi lại đi hóa trị một lần cho đến khi nào không thể hóa trị nữa và ra đi.

Bác sĩ nói tôi có thể sẽ tạm nghỉ hóa trị một thời gian ngắn. Tôi đang  chờ đợi cơ hội này để về thăm quê. Ngày đó nếu không có thì ai biết cho đến bao giờ tôi sẽ về? Tôi vẫn nhủ lòng “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận – Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết – đêm qua sân trước, một cành mai) – (Cáo tật thị chúng)

Niềm hi vọng mỏng manh tôi cố gắng thắp lên là thế nhưng vẫn không đủ xóa tan nỗi hoài nghi: có không sau cơn mưa trời lại sáng, hay sau cơn mưa lại đến mưa gió bão bùng, thì nghĩ cho cùng cũng thế mà thôi. Nhân sinh phù thế như mây trời hợp tan, tan hợp. Muốn được phục sinh sống mãi con người phải đi qua cái chết. Những đau khổ ở đời này chẳng là gì so với vinh quang sẽ dành cho ta trong cõi vĩnh hằng.

“Đối với tôi, sống là Đức Kito thì chết là một mối lợi” (PL 1, 21) phải thế không ạ? Với xác tín mạnh mẽ: dù thời gian qua mau, đất trời chìm trong bóng tối, Chúa vẫn mãi thương tôi. Từ niềm tin này, tôi dừng bút tâm tư về dòng đời tóm gọn của tôi, nơi mà tôi tin chắc mình đang ngụp lặn ở đoạn sâu sau cuối.

Bên ngoài, trời đã đổ mưa và tối hẳn. Ánh sáng xanh nhạt từ ngọn đèn pha trước cửa phủ lên một khoảng không gian nhạt nhòa. Từng cơn gió nối đuôi nhau lướt qua mấy rặng thông rít lên từng tiếng vi vu, vi vu…phù vân…kiếp ng

Everett, một chiều cuối thu 2016.

Lê Ngọc Chương.

 

Check Also

CÁO PHÓ: CỐ BÀ MARIA TRẦN THỊ MAI (Bà Phong)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …