Tản mạn đầu năm – Nhớ về một người cha đáng kính!

Câu chuyện đầu năm được chuyển đề từ nhà doanh nghiệp Lê Linh Duy sang cha Phao Lô Võ Quốc Ngữ…bởi câu nói sau:

–  Nhờ có vốn tiếng Anh và tiếng Pháp cha Võ Quốc Ngữ dạy, thời em ở với cha, nên cũng giúp em trong việc dịch thuật trôi chảy.

Bỗng câu chuyện xoay qua cha cố Phao Lô Võ Quốc Ngữ….

Thuý Hồng bỗng chêm vào: Trời ơi! Em chưa thấy ai nóng như cha Ngữ nhà ta.

Duy bảo: nếu nói biết cái nóng về cha Ngữ phải là em, vì em ở với cha cả chục năm trời.

Duy kể: Có lần bà Liên (Hoan) nhà ta ra xin lễ cha Ngữ và bưng theo một rỗ bơ đưa kính cha:

– Tôi chỉ xin bà một quả thôi, bà đưa về cho con cái ăn nghe chưa!

Bà Liên thương cha cuộc sống khắc khổ, nên ra sức cố nài nỉ cha lấy hết cả rổ bơ. Cha bực mình, cầm cả rổ bơ hất ra ngoài sân trước sự ngỡ ngàng của bà Liên. Nhưng bà vốn biết tính cha nóng, nên bà không hề giận dỗi cha.

 

Duy nói tiếp:

–  Anh Khả và anh Kính biết không? Ngày em rời cha để vào đại học, ba em nghĩ tình cha đã thương em, nuôi em ăn ở và lo cho em sách vở đi học, rồi lại còn mua cho em chiếc xe đạp để đi học. Thời đó, một chiếc xe đạp là tài sản quý lắm đấy anh ạ! Nhà em cũng đâu khá giả gì các anh…Nhưng rồi để phần nào trả ơn nghĩa cho cha, ba em phải đi vay vát hàng xóm được mấy chỉ vàng cầm ra để đưa cho cha. Cha cầm lấy rồi bảo: ông đưa cái gì cho tôi đây? Ba em thưa: con có chút tấm lòng muốn đáp đền công ơn của cha đã nuôi con của con ăn học mấy năm trời mong cha nhận cho.

– Cầm về ngay!

Ba em cố nài nỉ: mong cha nhận cho con vui lòng. Cha bảo: ông không cầm về, tôi bỏ vào bồn cầu xả nước cho trôi đi nha! Biết tính cha rất dứt khoát, cha em đành phải cầm vàng về đó mấy anh.

Mà ngay cả với Đức Cha Mai, cha con cũng chẳng am hạp gì nhau. Có lần cha Ngữ kể: Có hôm lễ đồng tế với Đức Cha, cha thầm cầu nguyện: lạy Chúa, sau này nếu Đức Cha và con được lên Thiên đàng, xin Chúa cho con đừng ở gần với Đức Cha.

Con người cha vốn trực tính, dám nghĩ, dám nói, dám làm…Phải nói, ở nơi cha có thừa “Ơn mạnh bạo”. Chẳng thế mà cha được người đời tặng cho danh hiệu “Năm Lửa”. Ngay cả thời TT Ngô Đình DIệm, quyền lực là thế mà cũng phải ngán ngẫm khi đụng đầu với cha.

Được thể nói chuyện về cha Ngữ, Thuý Hồng chêm vào câu chuyện.

Hồi đó em còn nhỏ, cha nhờ em đánh xe bò đi chợ. Đường sá dốc dác, đất gồ ghề, trời mưa ổ trâu ổ bò đầy đường, chứ đâu được như bây giờ. Hai cha con đánh xe cọc cạch đi…Khốn khổ cho cha, con bò đánh bãi phân lỏng, đã thế đuôi bò lại quất túi bụi lên người lên mặt cha trông thảm hại lắm! Cha lấy khăn lau mặt rồi cứ thế tiếp tục cọc cạch cho ra đến chợ. Nhớ lại lần đó, em cứ thương cha mãi.

Duy tiếp lời: cha Ngữ chúa ghét anh nhà nước ta. Khi nào Xã mời cha, là cha cố đi thật sớm. Cha đèo xe đạp em ra xã…Trong khi cán bộ xã chưa mấy ai có mặt. Đến khi chủ tịch xã có mặt thì cha liên hoạnh hoẹ:

–  Được hỏi, mấy ông mời tôi ra làm việc vào lúc mấy giờ?

– Dạ thưa ông 7 giờ ạ!

– Thế các ông biết bây giờ là mấy giờ không? 8 giờ rồi đấy! tôi tôn trọng các ông là đi đúng giờ, mà các ông không tôn trọng người dân. Vậy bây giờ tôi về và không họp hành gì nữa sất. Các ông làm việc mà tất trách như thế này thì có đáng là cán bộ của nhân dân nữa không?

Chủ tịch xã cũng phải ngỡ ngàng khi đối mặt với cha.

Có lần cha hỏi em: mày họ gì? Thưa con họ Lê. Sau này mày cứ đặt tên con là Nin cho tao. Lúc đó mày tha hồ chửi thằng Lê Nin. Chửi nó không nghe, mày cứ đè đầu thằng Lê Nin ra mà đánh nghe chưa! Em nghĩ thầm: mọc gạc, cho thêm tiền em cũng không dám đặt tên đó!!

Rồi cũng có lần em đánh xe bò lọc cọc đi chợ với cha. Vô phúc cho ông Long Lồi, gặp cha giữa đường rồi lên tiếng: “chào ông linh mục”. Bỗng đâu cha Ngữ nỗi doá lên chửi cho ông một tăng: ông là mặt trợn chứ mặt trận cái nỗi gì? Ông Long vốn làm bên Mặt trận tổ quốc. Thế là ông được ăn bữa chửi no nê….

Nhưng cũng chưa thảm hại bằng hôm nọ… Hồi đó, nhà xứ mình kín cồng cao tường để khỏi nhà nước nhìn ngó sinh hoạt nội bộ trong nhà xứ, cho nên nhà xứ như một pháo đài nội bất xuất ngoại bất nhập. Thông thường, ngõ sau có cửa khoá cho các chú ở trong cha đi chơi về khuya. Khốn nỗi bữa đó em đi chơi về mà quên khoá cổng. Đang ngủ yên giấc thì bỗng nghe tiếng cha quát tháo. Chẳng hiểu chuyện chi mà cha quát tháo dữ như thế!?

Sau mới hiểu chuyện là Công an vào xét hộ khẩu nhà xứ. Vốn cha đã rất ghét bọn nhà nước cứ hay sách hoạch các cha, nên được thể, cha làm cho bọn này một mẻ ê mặt. Cha mới lớn tiếng:

– Đêm hôm khuya khoắt các ông đến đây làm gì mà đánh mất giấc ngủ của người dân thế này?

– Chúng tôi công an xã đi kiểm tra hộ khẩu, mong linh mục cộng tác cho việc kiểm tra này. – Tôi vẫn ở trong nhà xứ công khai thường ngày đó thôi, tại sao ban ngày ban mặt các ông không kiểm tra hộ khẩu mà đêm hôm đi thế này!! Tôi hỏi các ông vào đường nào? Nhà tôi cổng đã rào kín và khoá cửa rồi, sao các ông còn vào đây được chứ !?

Nghe thế em lo chạy ra khoá cổng sau lại. Thế là hăng máu lên, cha làm cho một tua:

– Các ông vào đây, nếu leo rào vào là kẻ trộm, còn chui vào là chó!! Các ông có đi ra không thì bảo? Nếu không tôi đá các ông văng ra khỏi bờ rào thì đừng có trách.

Khốn khổ cho mấy ông Công an phải lủi thủi leo rào ra.

Cha Ngữ nhà ta xem gầy ốm là thế, nhưng cha có võ Đệ nhị đẳng huyền đại Taekondo chứ không phải dạng vừa đâu! Xem cha nhỏ vậy nhưng có võ đấy! Thế là bọn Công an khiếp vía, lần sau không dám hó hé với cha nữa.

Nói về chuyện của cha Phao Lô Võ Quốc Ngữ không sao cho hết. Phải nói tuy cha nóng tính, những được cái tâm cha rất tốt, luôn có lòng yêu mến và quan tâm đến giáo dân. Cha luôn lo cho giáo dân cái ăn cái mặc, cha luôn thăm hỏi chia sẻ với giáo dân: năm nay nhà ta được bao nhiêu phi mật? được bao nhiêu tấn cà phê, hồ tiêu??

Cha về xứ nào giáo dân cũng trìu mến cha. Nhớ lần cha về xứ, không muốn cha giáo dân đón tiếp rềnh rang, cha đã không thông báo cho giáo dân biết ngày giờ về để đón rước cha. Rồi bỗng một chiều nọ, cha âm thầm đến giáo xứ. Và nghĩa cử đầu tiên là cha cúi xuống hôn đất GX trước nhà thờ, khiến ai cũng cảm động.

Vừa đến GX cha đã đi mục vụ thăm giáo dân. Cách cha đi thăm cũng lạ đời lắm! Cha đi vào nhà ai cũng đi từ dưới bếp lên nhà trên rồi ra về. Có lẽ, cha quan niệm rằng, nhà bếp và phòng ăn luôn phản ảnh lên sự sung túc kinh tế hay không của mỗi gia đình. Cha luôn quan tâm thăm hỏi những người già cả và bệnh tật. Dường như cha Phaolo luôn sống theo tinh thần câu khẩu hiệu đời linh mục là “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Lẽ ra, về GX cha đã bắt tay vào việc xây gác chuông, vì đã có sẵn bản vẽ của người bạn kiến trúc sư rất thân cha. Nhưng vào thời điểm đó, hoàn cảnh giáo dân đang nghèo nàn và khó khăn, nên cha không nỡ lòng nào bắt giáo dân phải đóng góp để làm lầu chuông. Ngay cả hai bức phù điêu, và bức tranh vẽ các thánh tử đạo VN, cha cũng tự bỏ tiền ra để thi công xây dựng cho nhà thờ, mà không phải nhờ sự đóng góp của giáo dân. Một tấm lòng tận tuỵ, thấu hiểu và luôn quan tâm người giáo dân như thế, bảo sao người giáo dân không thương cha được chứ!

Cha chỉ ở đúng 3 năm 1986- 1989 rồi ra đi. Ngày tiễn đưa cha về Bình Phước nhiều giáo dân thương tiếc để sụt sùi khóc. Cha cười, tôi có chết đâu mà các bà phải khóc thương. Tôi đi, sẽ có các cha mới đến, hơn tôi là đàng khác.

Ngày đầu năm, chúng con xin được mượn “cái nóng của cha” làm cái cớ để bày tỏ nỗi niềm cảm thông sâu sắc với cha, cũng như để tưởng nhớ và yêu thương cha nhiều hơn. Mong cha lượng thứ cho chúng con.

Ngày đầu năm mới, chúng con kính chúc cha Phao Lô được hưởng một mùa xuân viên mãn trên nước trời.

TĐCS

 

Check Also

Một tri âm tri kỷ: Đời vắng em rồi, say với ai!!??

Mỗi lần nhớ đến Hùng, anh lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà …