Vệ sinh công cộng, Một nét đẹp văn hoá của GX!!

Người Âu Mỹ luôn coi trọng văn hoá ăn uống và văn hoá vệ sinh ngang nhau. Chẳng vậy mà khi thiết kế phòng ăn và phòng vệ sinh luôn khang trang sạch sẽ. Ngay cả giấy vệ sinh Kiss me có thể dùng để lau miệng và làm sạch vệ sinh phần dưới. Điều này có vẻ lạ lẫm đối với người VN ta khi tiếp xúc với người Mỹ những năm đầu thập niên 70, khi người Mỹ dùng giấy vệ sinh cho cả hai việc ăn uống và vệ sinh. Dân ta thấy giấy sạch sẽ và thơm tho mà dùng để làm giấy vệ sinh thì cho là lãng phí.

Ở VN ta, thường chỉ coi trọng phần vệ sinh sạch sẽ ăn uống hơn là phần vệ sinh bài tiết. Chẳng thế mà không mấy giáo xứ có được nhà vệ sinh đàng hoàng để phục vụ một công đoàn giáo dân đông đảo trong những ngày lễ hội. Mặc dù là GX có thể khoe hết công trình hoành tráng này đến nhà thờ, nhà xứ đồ sộ nọ. Đây là một nhận thức lệch lạc. Người tinh ý, sau khi tham quan một vòng khuôn viên GX sẽ đưa ra nhận định về GX đó có văn minh có tân tiến hay không, khi quan sát việc thiết kế của nhà vệ sinh có sạch sẽ, có khang trang và vị thế có hợp lý hay không?

Ở GX Châu Sơn cũng đã từng quan tâm đến việc thiết kế nhà vệ sinh từ nhiều năm nay, nhưng xem ra chỉ làm sơ sài cho có lệ. Đó là nhà vệ sinh thiết kế ngay đường ra nghĩa trang ở phía trước nhà anh Điền. Hệ thống xả tiêu nước thiết kế thiếu kỹ thuật nên thường bị tắc nghẹn và xuống cấp. Nhưng nay đã tái phục hồi lại nhà WC với đá ốp lát trắng bóng một cách sạch sẽ. Việc bày trí cũng thứ tự ngăn nắp và hợp lý.

Từ ngoài vào là một bồn rửa mặt, kế đến là hai phòng kín có bồn cầu dành cho nữ giới. Phía trong là một bồn rửa mặt và 3 bồn cầu đứng dành cho nam giới tiểu tiện. Nhà WC ở góc đường này rất tiện lợi cho giáo dân sinh hoạt lễ hội có nhu cầu đi vệ sinh, hay khách vãng lai đi qua. Nhà WC này mở cửa 24/24.

Sau này GX còn thiết kế một nhà vệ sinh công cộng ở đằng sau nhà Ban Huấn Giáo. So với nhà vệ sinh trước đây, thì lần thiết kế này tương đối khá hơn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cần của số đông giáo dân. Sau này nhà vệ sinh bị xuống cấp và không sử dụng được. Bây giờ cũng được phục hồi làm mới lại với gạch men trắng bóng…Nhà WC này dành cho nữ giới…

Và mới đây, trong dịp tiệc mừng Giáo họ Giuse 60 năm ở khuôn viên GX, tôi thật bất ngờ khi GX đã thiết kế một phòng vệ sinh ốp lát sạch sẽ và khang trang. Căn phòng được thiết kế với diện tích tương đối rộng, đủ cung ứng cho số đông của một bữa tiệc lớn cả trăm bàn. Vị trí chỉ cách nhà BHG một lối rẽ về phía sau khá kín đáo, nhưng lại gần gũi với khu vực tiệc tùng nên rất thuận tiện cho người đi vệ sinh tiểu tiện.

Nhưng điều bất ngờ lớn đối với tôi là trong phòng vệ sinh này, phía trong cùng có thiết kế “BỒN ÓI” với một câu phụ đề khá lịch lãm “NƠI QUÁ CHÉN”! Tôi vốn không lạ lẫm gì bồn ói này cho lắm! Nhưng xét cho cùng, tôi đã từng đi nhiều nơi ở các thành phố, ăn nhậu cũng lắm nơi, nhưng chỉ thấy được vài nhà hàng có thiết kế bồn mửa mà thôi.

Lần đầu tiên cách đây khoảng 10 năm, đứa cháu mời chú đi ăn nhà hàng ở khu vực Thanh Đa – Bình Thạnh, khi vào toilet tôi lấy làm bỡ ngỡ vì thấy có thiết kế Bồn ói. Tôi tự nghĩ, nhà hàng cũng đến nơi đến chốn thật, lo cho khách hàng “nơi ăn chốn ói” đàng hoàng. Tự nghĩ, mình đúng là nhà quê lên phố!

Điều này ở ngoài xã hội thiết kế bồn ói là chuyện bình thường! Khá khen cho GX nhà là, cập nhật kịp thời với xã hội tân tiến đấy chứ! Nhưng trong khuôn viên GX mà dám thiết kế bồn ói thì, xem ra cũng hơi bị liều! Tôi lấy làm lạ là vì, thiết kế như vậy vô hình chung GX đã chấp nhận cho người tham dự tiệc cưới trong tư thế một bữa nhậu, để có thể ăn uống thừa mứa xả giàn, mới có thế “hò” vào bồn ói được chứ! GX làm thế cũng phải thôi, vì hoà nhập với xã hội là “sống chung với lũ” làm dâu thiên hạ nên đành phải “gặp thời thế, thế thời phải thế!”.

Tiệc cưới Cana ngày xưa khi tiệc đã ngà ngà, xẩy ra thiếu rượu mà Chúa Giêsu còn làm phép lạ nước hoá rượu những 6 chum rượu đầy, mà lại rượu ngon nữa chứ! Có lẽ, bữa đó cũng lắm người say khướt bò càng và chuyện ói mửa là khó tránh khỏi!!

Hơn bao giờ hết, giáo xứ cần một nhà vệ sinh nâng cấp lên như thế! Vì khuôn viên này luôn được sử dụng để người giáo dân mượn làm địa điểm tiệc cưới, có khoảng từ 50 mâm bàn cho đến 100 mâm. Có khách thập phương tứ xứ về tham dự thì tưởng, đây cũng là bộ mặt văn hoá của GX vậy.

Một vài tiểu tiết trong nhà vệ sinh cũng xin được ghi nhận thêm. Có hai bồn rửa mặt, tiếc rằng thiếu mất thiết bị gương soi và lược chải đầu nữa là đầy đủ. Kể ra cũng nên có gương soi và lược chải đầu để sẵn, cho những người vào tiểu tiện xem lại “dung nhan” mà sửa sang lại áo quần và tóc tai cho đẹp. Sau nữa là thử xem “khuôn trăng” mình đã đỏ đắn chưa, để biết mà tiết chế bia bọt thì đẹp biết mấy.

Năm bồn tiểu đứng cho đàn ông sử dụng, cũng tạm ổn cho cánh mày râu làm nghĩa vụ “tháo nước trong mình em ra”. Xem ra thiết bị những bồn tiểu này khá tân kỳ, khi có gắn con mắt điện tử, mỗi khi cái vòi con voi tháo hết thì nước bồn tiểu tự động xả ra để thoát chảy nước tiểu.

Đáng tiếc là chỉ duy nhất có một bồn cầu dành cho quý bà là hơi bị ít. Ngày nay khi tham dự tiệc tùng, chị em phụ nữ dùng bia là khá phổ biến, và nếu chỉ có một bồn cầu thì quả là hơi bị kẹt cho cánh nữ nhà ta. Vô phúc ba bốn chị cùng có nhu cầu “tè” cùng một lúc thì “ăn vô trộ mô” đây!?? Phải chăng, vì thế mà trong bồn đứng của đàn ông có tăng cường thêm một chiếc ghế, có lẽ để cho chị nào bí quá thì ngồi lên ghế cho cao mà câu pháo vào bồn tiểu chăng???

Sau khi viết xong bài, có người bảo, tại anh chưa tham quan phòng WC nữ giới đấy chứ! Có nguyên cả một phòng thoáng rộng và hai phòng vệ sinh với hai bồn cầu rất đầy đủ cho phía nữ giới! Quả thật vậy, sau này tôi lên ghi hình thì quả là GX đã rất chỉn chu cho giới nữ có phòng vệ sinh đàng hoàng.

Cuộc sống, đôi khi chỉ những nét văn hoá nhỏ mà chúng ta coi thường, nhưng chính điều đó lại phản ánh đời sống văn minh của một GX là thế đấy!

Chúc mừng GX Châu Sơn đã có được những nét văn hoá đẹp đầy văn minh và tân tiến!! Điều cần thiết ở mỗi người chúng ta là phải biết trân trọng và gìn giữ nó.

Châu Sơn choa

 

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …