NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ÔNG ĐOÀN TRUNG CHÍNH TẠI – HỌ ĐẠO CHỢ ĐŨI – THÁNH ĐƯỜNG PHILÍPPHÊ

M.Ngọc Nga‎ đến HỌ ĐẠO CHỢ ĐŨI – THÁNH ĐƯỜNG PHILÍPPHÊ
Hôm qua lúc 21:44
Thương nhớ Anh Anrê Đoàn Trung Chính.
Nguyên Liên Ca Trưởng – Ủy viên Ban Thường Vụ Giáo xứ Chợ Đũi.
?????
Mặc dù biết rõ diễn tiến bệnh tình của Anh hơn một năm qua, nhiều ca viên đã tổ chức thăm viếng và cầu nguyện cho Anh tại bệnh viện ở Saigon, ở Đồng Nai, tại tư gia, và ……..dẫu biết rằng không còn hy vọng nhưng khi nhận tin báo chúng tôi vẫn bàng hoàng, xốn xang, thương tiếc.
?Chị Em chúng tôi dâng lời cầu nguyện cho Anh mà cảm xúc cứ dâng trào, bao nhiêu kỷ niệm ùa về, lòng nặng trĩu buồn thương. Nghĩ đến gia đình Anh mới chuyển đến nơi cư ngụ mới vài tháng nay, tương quan lối xóm và giáo xứ mới chưa nhiều có thể quạnh quẻ chăng, nên muốn cùng Chị Em ca viên đến thắp nén nhang cho Anh, an ủi Chị và các cháu nhưng sức khỏe không cho phép. Lại bị một ca viên kỳ cựu của ca đoàn Gioan phân công: ?“Chị bệnh không đi được thì ở nhà phải viết một bài, kể một chút về những hy sinh, cống hiến của Anh cho giáo xứ mình để cho những người trẻ đang tiếp nối biết và cầu nguyện thêm cho Anh.”
? Anh Anré Đoàn Trung Chính – trưởng Liên Ca Đoàn.
Anh hát tốt, giỏi nhạc lý, sáng tác được, và khi cần thì giữ nhịp cho ca đoàn cũng tốt nên bị phân công làm Trưởng Liên Ca Đoàn.
Trong trách nhiệm của mình, Anh soạn bài hát cho các Ca Đoàn nếu cần, in sách và ôn tập cho cộng đoàn hát trước mỗi thánh lễ ngày Chúa Nhật. Tiếc rằng thời đó phương tiện nghèo nàn, ảnh chụp lưu giữ lại rất ít hoặc nhạt nhòa theo thời gian.
Giai đoạn kinh tế khó khăn, tiết kiệm tiền mua sách hát, cũng không thể tìm bài trên mạng, nên để giúp cho các ca trưởng đỡ vất vả, Anh đã dày công tích cóp làm thành một quyển thánh ca dày cộm cầm mỏi cả tay, chắc ca đoàn Gioan còn lưu giữ cuốn sách này.
?? Bộ ca nguyện gẫm kính 15 Sự Thương Khó Chúa Giêsu mà đến nay ca đoàn vẫn còn duy trì mỗi chiều Thứ Hai + Ba + Tư Tuần Thánh. Mỗi năm vào Tuần Thánh lại nhớ Anh hơn, nhớ giọng gẫm chuẩn xác và truyền cảm, sâu lắng…. nhưng theo thời gian nhiều phiên bản, cung giọng bị biến tấu và có ít nhiều thay đổi hơn “bản gốc” là điều dĩ nhiên.
Mỗi lần tham dự thánh lễ, Anh luôn đứng gần ca đoàn để quan sát, để nếu thấy vắng ca viên là Anh tham gia hát hỗ trợ.
? Anh….. người dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm.
Dân ‘Ta Ru”, được huấn luyên và truyền lửa trong Nhà Dòng nên lửa phục vụ trong Anh luôn hừng hực, thấy việc cần làm, phải làm hoặc phải đóng góp ý kiến và nói ngay. Đôi khi lời nói thẳng, nói thật nên cũng gây hiểu lầm và tổn thương nhiều người.
Có thể nhiều người không đánh giá đúng năng lực, công việc Anh đang nỗ lực phục vụ. Có thể nhiều người chưa hiểu kịp, chưa đồng tình, chưa bắt nhịp kịp với những suy nghĩ của Anh để hỗ trợ thậm chí dè bĩu….. Nhưng nhờ ơn Chúa soi dẫn, Anh thấy đúng, thấy cần thiết là làm thôi.
? “Anh Chính Nổ”
Cùng phục vụ đắc lực trong giai đoạn đó có hai người cùng tên Chính, và để dễ phân biệt ai đó đã gọi Anh là Chính Nổ, nghĩa tích cực là người năng động, năng nổ, xông xáo trong mọi công việc. Còn nghĩa tiêu cực thì… tùy mỗi người. Cũng không thấy Anh biểu lộ nét khó chịu khi được gắn cho biệt danh đính kèm.
? Tình thương quan phòng của Chúa:
Trong giai đoạn nhạy cảm của thời cuộc sau năm 1975. Các Cha có chút e dè trong việc tổ chức những sinh hoạt, những nghi thức phụng vụ long trọng.
Bác Chủ Tịch, những bác Trưởng Giáo Khu và những vị có trách nhiệm khác đều trọng tuổi nên ngại ngần, rụt rè, cẩn trọng….. thì Chúa lại gởi Anh vào Ban Thường Vụ, giai đoạn đó không dám giới thiệu chức danh rõ ràng, nhưng nhiều người công nhận Anh choàng gánh những việc của Phó nội vụ + Phó ngoại vụ + Thư Ký + Ủy viên Phụng Vụ và Trưởng Liên Ca Đoàn, lại còn giữ trách nhiệm gì bự bự trên Tòa Giám Mục nữa chứ. Giờ nghĩ lại tôi không hiểu được sức đâu mà Anh có thể “cân” hết mọi việc như thế.
?Tôi nghiệm thấy tình thương quan phòng của Chúa, gởi đúng người, giao đúng việc để hỗ trợ cho cộng đoàn giáo xứ trong từng giai đoạn.
Nhiều lần ngồi tâm tình và được Anh truyền lửa: Thà thắp lên một que diêm, hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối” . ?Thấy việc gì cần làm và có thể làm được cho giáo xứ thì mình xắn tay vào làm đi em, còn hơn là ngồi chỉ trỏ, rồi phân tích hoặc chỉ trích…. Cứ mạnh dạn làm và rút kinh nghiệm dần dần, sai đâu sửa đó. Và câu nói ấy đã ghim vào đầu tôi mãi không quên.
? Để chuẩn bị cho những thánh lễ lớn trong giáo xứ Anh thiết kế chương trình, phân công phân việc người nào phụ trách khâu nào, in ra văn bản rõ ràng rồi trình Cha sở. Sau khi Cha đồng ý và ký tên, Anh photo gởi cho từng người có trách nhiệm liên quan để biết phần việc nào của mình, cũng biết luôn việc của người khác nữa nên khi triển khai công việc rất ư là nhịp nhàng, suông sẽ.
Khi chưa có computer, thì Anh tự gõ hoặc nhờ Bác Triều đánh máy, rồi đạp xe cọc cạch đi photo gởi cho cộng đoàn nên rất là vất vả. Đến khi sắm được computer thì Anh soạn lời dẫn trong những giờ rước kiệu, in bài hát cho mỗi người tham dự rước kiệu cùng hát nên rập ràng, sốt sắng lắm.
? Cho đến bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc và khâm phục về việc tổ chức trong những lần Kiệu Mình Thánh Chúa, rước Thánh Thể sang Nhà Tạm để chầu tối Thứ Năm Tuần Thánh, hôn kính Thánh Giá tối Thứ Sáu Tuần Thánh…..
Cộng đoàn rước kiệu rập ràng, ngay hàng thẳng lối, không hề bị đứt đoạn, đứt khúc… Khúc nào hơi gãy gãy hoặc loăn quăn là nhanh như sóc, Anh phóng tới để điều chỉnh ngay. Tui thiệt là ngưỡng mộ về óc tổ chức của Anh lắm lắm luôn á.
?Những việc Anh làm được, làm đúng, hiệu quả nên được sự ủng hộ và cộng tác tích cực của nhiều thành phần trong Họ Đạo, và mới được lưu dụng cả hai thời Cha sở G.B Võ văn Ánh + Cha Tôma Đặng Toàn Trí, và ba đời Chủ Tịch: Bác Khẩn, Bác Dũng, Bác Anh.
? Thế nhưng ……….vì cuộc sống, vì tương lai các con buộc gia đình Anh phải chuyển nơi ở, xa rời nơi Anh đã từng gắn bó và phục vụ. Anh đi xa, thiếu sự hướng dẫn của Anh những nề nếp sinh hoạt qui cũ của họ đạo cũng… dần dần đi theo Anh luôn. Nhiều người vẫn tiếc nuối và cảm thán: ?“Thời Anh Chính thì như thế này, thế kia…”
?? Riêng tôi không thể nào quên giọng nói nghẹn ngào, nấc nghẹn, hơi khó nghe khi tôi điện thoại báo tin và mời Anh về thăm giáo xứ nhân kỷ niệm 160 năm thành lập.
?? “Anh nhớ Chợ Đũi lắm, nhớ từng ngóc ngách, nhớ hết mọi người nhưng…. không thể.” ? Dịp thăm Anh ở bệnh viện Thánh Tâm – Đồng Nai, có trao cho Anh quyển sách Kỷ yếu mini do Giáo xứ kính biếu.
??Anh giả từ cõi tạm đúng tuổi thất thập (70) không được coi là đại thọ, nhưng giá trị của Anh lại nằm ở sự cống hiến chứ không đo bằng chiều dài thời gian.
?Vâng lời Bạn Ca viên tôi xin phép chia sẻ vài dòng về Anh để tưởng nhớ và tri ân, nhưng chỉ là một góc nhỏ cảm nhận cá nhân. Chắc chắn rằng những hy sinh dầy, rộng, cao sâu của Anh thì thiên thần và thánh Anrê quan thầy của Anh đã ghi chép hết rồi.
? Giờ đây, nguyện xin Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời cho người tín hữu nhiệt thành, tôi tớ tín trung.
?? Nhớ đến Anh, nhớ những hy sinh vất vả của Anh cho Giáo xứ, nhưng được an ủi và ấm lòng khi đọc được thông báo của Thư ký / BTV rằng:
?Sáng thứ hai này, Anh sẽ được tham dự thánh lễ cuối cùng nơi Anh đã từng tham dự, đã phục vụ và cống hiến hết mình trong nhiều vai trò, trách nhiệm khác nhau.
? Xin cám ơn Cha sở và quý Cha phó đã cho phép.
? Cám ơn Ban Thường Vụ đã sắp xếp để có được thánh lễ an táng và chia tay tại Nhà thờ mình, là cơ hội cho nhiều người có thể chào Anh, tạm biệt Anh lần cuối.
An nghĩ nhé Anh Anrê Đoàn Trung Chính. !
??? Xin cầu nguyện cho đàn em và cộng đoàn giáo xứ để được cùng gặp nhau trên quê hương Nước Trời nha./.
‎M.Ngọc Nga‎ Tối 01.02.2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Check Also

Cây Ngô Đồng Yên Phú…cả 100 năm tuổi ấy chứ!!!

Đã về quê đến 3 lần, và lần nào cũng ghé thăm và ghi hình …