…. VÀ VẪN CÒN ĐÓ MỘT CHÚT ƯU TƯ!!

“Hãy khép lại quá khứ”, để cố quên đi quá khứ. Thật vậy, đa số người dân mình hiện nay chỉ còn lo kiếm tiền, quần quật lo cho cuộc sống hiện tại và không có thời giờ để nghĩ đến những gì đã xảy ra trước đây hay bận tâm đến những định hướng tương lai cho con cái. 

Như để biện minh cho cách suy nghĩ trên, nhiều người vẫn nói đến thời buổi tri thức, cho con ruộng đất đâu bằng pho sách, đất đai thì không tăng mà người ngày càng đông.

Nếu chúng ta đổ lỗi vì nghèo, vì trào lưu và hoàn cảnh xã hội, thế nhưng Châu Sơn vẫn đã có một số gia đình đến lập nghiệp sau mà con cái họ học tập rất tốt, thành đạt và đầy tự tin khi bước vào đời.

Coi chừng chúng ta chạy tội đó?!!!

Chắc hẳn cũng đã có không ít người trong chúng ta đặt vấn đề một cách nghiêm túc để thử đi tìm nguyên nhân hoặc thử tìm ra một vài giải pháp. Thực tế không thay đổi, thậm chí ngày một trầm trọng thêm.

Thật vậy, lớp trẻ ngày nay hầu như ít được nhắc đến, như là một sự quan tâm của thế hệ cha mẹ dành cho chúng. Thế hệ trẻ đã không chứng kiến hết những cột mốc quan trọng trong từng chặng đường cha mẹ chúng đã  đi qua.

Tôi không dám đi xa hơn trong việc phân tích vấn đề hoặc đề nghị những giải pháp và những định hướng giáo dục con em chúng ta, mà chỉ dám nêu lên một vài cảm nhận và những gợi ý để ta cùng suy nghĩ :

  • Vấn đề then chốt vẫn là làm sao tạo cho con em chúng ta ý thức “tự lập”, vào đời tự đứng trên đôi chân của mình với tri thức phải tự trang bị cho mình cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ, và khả năng nghề nghiệp đủ để có thể đứng vững và thích nghi với bất kỳ hoàn cảnh và điều kiện nào, ở đâu.

  • Con em chúng ta phải hiểu và ý thức được rằng cuộc sống của mỗi người phải có ý nghĩa, tự lo cho mình chưa đủ mà còn phải sống đẹp, cho chính mình và cho tha nhân;

  • Tạo ý thức tự lập cho chính con em của mình, chúng phải có không gian riêng biệt để học hành, giúp cho việc học hành của chúng có chất lượng hơn. Muốn thế, thử nhìn lại:

    • Chúng ta đã bố trí một góc riêng để cho con em mình học hành mà không bị chi phối bởi những sinh hoạt chung quanh chưa?

    • Cần biết rằng sức hút của tivi là khó cưỡng lại và dễ dàng chiến thắng mọi nỗ lực tập trung học tập của con em : liệu chúng ta có cần động viên con em học hay cứ để mải mê với những chương trình tivi với âm lượng lớn?

    • Gia đình phải là nôi ấm đối với con em, bữa ăn là lúc để chia sẻ tâm tình, động viên, giải thích, chứ không phải vào bữa là mạnh ai nấy ăn, kẻ trước người sau;

    • Cũng cần hạn chế con em đi chơi đêm, bởi vì “bóng đêm rất dễ là đồng lõa, là cơ hội của tội lỗi”; sẽ là hữu ích nếu mỗi gia đình có được một cổng ra vào, vì vừa tạo mỹ quan, vừa hạn chế được những kẻ lêu lỗng nào đó muốn quấy rầy sinh hoạt của gia đình hoặc không gian học hành của con cái;

    • Giáo dục con em mình biết thành thật nhận lấy khuyết điểm để sửa sai.

    • Không nên vì dòng họ, vì vây cánh mà che đậy, bênh vực khi người thân làm điều sai trái.

    • Không đồng tình, không động viên bằng bất cứ hình thức nào việc ăn nhậu, khẳng định tửu lượng theo kiểu “một số, hai số”, “nhậu không say”…hoặc tự khẳng định mình theo kiểu :

                    “Hảo hớn giang hồ nơi quán nhậu

                       Thi đua bốc phét để giấu hèn”.

MỘT CÕI ĐI VỀ

Như một tất yếu, với thời gian, ông bà cha mẹ, người thân của chúng ta và mai này cả chúng ta nữa sẽ an nghỉ ở nghĩa trang.

Cùng chung tay xây dựng nơi an nghĩ ấy ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn, chắc không chỉ làm ấm lòng người tiền nhân, những người đi trước, mà những người còn lại như chúng ta cũng có nơi để tìm cho mình những khoảng lặng.

“ Châu Sơn nơi ấy ta khóc cười

Cũng là chốn an nghĩ người thân”

Châu Sơn ơi, xa rồi sao vẫn nhớ, vẫn thương thế!

Mai này cho tôi về an nghỉ với nhé!

Nguyễn Thế Hùng

 

 

 

 

 

Check Also

Một tri âm tri kỷ: Đời vắng em rồi, say với ai!!??

Mỗi lần nhớ đến Hùng, anh lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà …