Những câu chuyện MA ở Châu Sơn

Ngày mồng 2 tháng 11 hằng năm là ngày Lễ Linh Hồn. Và, Giáo Hội Công Giáo đã dành trọn cả tháng này để kính nhớ và cầu nguyện cho các bậc tổ tiên cũng như người thân đã qua đời, gọi là giữ lòng hiếu đạo đối với các ngài. Tuy nhiên, đạo Công Giáo rất rạch ròi, trừ những bậc đặc biệt như Đức Maria được lên thẳng thiên đàng còn lại mọi linh hồn, đều phải xác tín, sau khi lìa khỏi xác đều phải đến một nơi gọi là lửa luyện tội để thanh luyện các tội lỗi của mình khi còn sống đã phạm phải rồi mới có thể bước vào nước thiên đàng hưởng nhan thánh Chúa.

Còn các tôn giáo khác nhất là Phật Giáo họ cho rằng con người sau khi chết vong linh còn vất vưởng tại thế gian 49 ngày rồi mới được siêu thoát. Và những vong linh đó trở thành các hồn ma, nhất là đối với những cái chết bất đắc kỳ tử hay oan uổng thì những hồn ma đó còn phải vất vưởng dài dài và trở thành Ma như chúng ta vẫn quan niệm bấy lâu nay.

Cho dù, theo tín giáo lý, đạo Công Giáo không tin có Ma nhưng khắp nơi trên thế giới này, theo ước tính của những nhà chuyên môn có đến hơn 3/4 dân số thế giới vẫn cho rằng có Ma, kể cả nhiều nhà thông thái, nhiều nhà khoa học. Ở đây, tác giả bài này, dù không tin có Ma nhưng vẫn công nhận có những hiện tượng huyền bí mà khoa học chưa giải thích nổi. Vì thế, nhân tháng Linh Hồn, chúng ta hãy lạm bàn một chút về hiện tượng siêu nhiên này ở ngay tại Châu sơn.

Như đã biết, ngày cha ông chúng ta đến lập trại, lập làng thì Châu Sơn đang là một cánh rừng hoang sơ, rậm rạp ẩn chứa nhiều bất trắc, cho dù chỉ cách thị trấn Ban mê thuột khoảng 3 cây số. Ban ngày nhìn khung cảnh âm u của núi rừng bổng cảm thấy lòng chùng xuống nao nao. Nhất là ban đêm những tiếng cú kêu vượn hú lẫn những đốm lửa lập lòe của đom đóm, của khí thiêng nước độc khiến những tay can đảm nhất cũng phải liên tưởng đến những hình ma bóng quế đang bủa vây chung quanh mình. Nhưng cho dù có hơi sờn lòng trước cảnh sắc của thiên nhiên thì phía các bậc nam nhi vẫn phải ra sức phủ lấp nỗi sợ hãi của cánh phụ nữ và trẻ con về những tưởng tượng ma mỵ theo truyền thuyết của núi rừng. Nhất là giai đoạn đó trong làng xảy ra vụ mất tích một cách bí ẩn của hai cha con nổi tiếng gan dạ nhất làng. Sau đó là quãng thời gian “ sống trong sợ hãi” với những tin đồn mê tín nhảm nhí về Ma rừng, Ma xó, Ma Lai. Thực ra, điều mê tín dị đoan đó cũng có cơ sở bởi, chúng ta đang sống giữa rùng núi âm u, nhất là lại đang sống giữa những thôn buôn dân tộc mà thuở đó vẫn gọi họ là mọi rợ. Và Ma Lai là nỗi ám ảnh lớn nhất, bởi tin đồn cho rằng mỗi buôn làng đều ít nhất có một con Ma Lai đội lốt người.

Tương truyền rằng đêm đến khi nghe tiếng chim lợn kêu, đó là lúc Ma Lai rút ruột rời xác đi hút máu và ăn phân người bệnh gây chết chóc kinh hoàng. Mà Châu Sơn lại là hàng xóm của các buôn làng ấy hỏi ai mà không sợ? Cho nên thời gian đó, Người-Châu-Sơn chỉ dám phát nương rẫy chung quanh làng trong phạm vi không quá 500 mét mà thôi.

Về sau này, con người ngày càng khôn, nền văn minh ánh sáng khiến người ta không tin vào ma quỷ lắm nữa và đây là lúc các tay “trục trạc” sáng chế ra những chuyện ma để “nhát chắc” cho vui. Chẳng hạn như lời đồn trên cây “săng lẻ” ở khu vực nhà xứ có ma (hiện tại nằm ở góc cổng phía Tây nơi nhà vệ sinh Gx), ban đêm có những bóng trắng lè lưỡi đỏ lòm bay qua bay lại trên ngọn cây, khiến những người yếu bóng vía mỗi đêm đi ngang qua đó sợ hết hồn phải phóng qua thật nhanh vừa đi vừa làm dấu thánh giá.

Hay chẳng hạn, thuở ấy, nghĩa trang Gx mới lập hãy còn hoang vắng và âm u lắm. Đó cũng là nơi xuất phát nhiều truyện ma để anh em hù dọa nhau chơi. Thế rồi có lần, một nhóm anh em gan dạ đánh cuộc: nếu anh nào dám ban đêm ra nghĩa trang thì sẽ được thưởng và công nhận là tay can đảm nhất. Để chứng minh, anh ta phải đóng một cái cọc le gần trước bàn thờ. Câu đố đặt ra tưởng dễ nhưng anh nào cũng im thin thít, không dám. Sau cùng, có một anh chấp nhận sẽ thực hiện điều đó (vị này thuộc lớp đàn anh, tác giả xin được giấu tên, vả lại, bây giờ vị ấy cũng đã quy tiên rồi !!!).

Hôm đó, sau giờ đọc kinh tối tại nhà thờ mọi người hẹn anh dưới cây “săng lẻ có ma” (như đã đề cập ở trên). Anh ra đi với một cọc le, một cây búa. Chúng tôi ung dung ngồi đợi . Một lúc lâu, nghe tiếng chạy huỳnh huỵch từ hướng nghĩa trang về. Nghĩ rằng anh đã thắng cuộc, chúng tôi lật đật đón vị anh hùng trở về. Nhưng anh đã ngã sõng soài ngất xỉu miệng còn lẩm bẩm : Ma.. Ma.. Ma…

Sáng hôm sau, chúng tôi rủ nhau ra nghĩa trang để xem sự thể ra làm sao khiến anh lâm vào tình trạng kích xúc như vậy. Trước mắt mọi người là cái cọc le găm chặt mảnh áo dài của anh (hồi đó có thói đi nhà thờ là phải mặc áo dài thâm). Có lẽ, trong lúc tối trời anh đã vô tình đóng nhầm cọc le lên vạt áo dài của mình. Cho nên, khi đứng dậy vạt áo bị cọc le níu khiến thần hồn nát thần tính tưởng ma níu nên anh hốt hoảng giật mạnh làm vạt áo rách toạc và cắm đầu , cắm cổ chạy như đã thấy.

Tuy thắng cuộc nhưng nghe nói anh ấy ốm ngẩn, ốm ngơ mất mấy tháng trời. Đúng là chơi với ma không khá được !!! Ngoài những loài ma trên, Châu Sơn còn sáng tác thêm những Ma Ôm, Ma Oàm. Ma Ôm là những anh chàng có máu Dê, ban đêm, dựa vào những quãng trời tối có em nào đi qua ôm cái chơi cho đã ghiền. Ma Ôm xuất hiện nhiều trong thời gian chưa có điện đường. Vậy mà cũng có kết quả phết !!! Bởi, tác giả biết có một đôi nhờ Ma Ôm mà đã thành vợ thành chồng bây giờ đã có cháu, có chắt. Thỉnh thoảng gặp nhau nheo mắt một cái là tủm tỉm cười. Còn Ma Oàm là dễ thương nhất dùng để chỉ những anh chị tham công tiếc việc. Việc gì cũng muốn oàm cả.

Đó là những chuyện ma Châu Sơn ta.

NGÀI VẪN THẾ

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …