Một bầu trời mây vần vũ nhuộm màu xám chì trĩu xuống thật thấp, tưởng như nó sẽ đổ ập xuống trần thế. Những luồng gió đông xào xạt về làm hoang tàn những tàu lá chuối xơ xác…Và làn khí lạnh len lén theo gió heo may về, khiến cho mọi người phải khoác những tấm áo dày cộm làm ấm người…
Đó dường như thâu tóm toàn cảnh mùa Giáng sinh. Xem ra nó hắt hiu và ảm đạm thật. May mà thi hào Nguyễn Du đã không viết: Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ.
Quả thế, cảnh buồn là vậy, nhưng không làm cho lòng người chùng xuống trong nỗi buồn quạnh quẽ, nhưng trái lại, lòng người mở ra ngập tràn với niềm vui hân hoan để đón Đấng Cứu Tinh nhân loại đang đến gần. Một màu hồng của Thánh lễ tuần 3 mùa vọng, đã thắp nắng lên giữa cái ảm đạm của mùa đông lạnh giá, cũng làm ấm lại lòng người.
Giáng sinh bao giờ lại chẳng thế! Nhưng những mùa Giáng sinh xưa và này thì có phần khác nhau đấy các bạn ạ!
Nhớ những mùa Giáng sinh xưa…những năm 60, hang đá thường chỉ tập trung vào khuôn viên nhà thờ là chính, chứ không phải như bây giờ, hang đá tràn ngập làng xóm …
Nhớ hang đá ngày xưa thô sơ và giản đơn lắm…Hang đá thường được tạo hình mô phỏng lèn đá, bằng cách lấy những tờ giấy của bao xi măng bọc thành viên đá, rồi kết lại với nhau để tạo nên hình thể của một hang đá. Sau đó tìm những cục pin hòa vào nước để có được màu đen tô vào cho giống màu đá, nhưng để tìm những cuộc pin đã xài rồi cũng không dễ một chút nào.
Nhớ, hang đá ngày xưa thường được điểm tô những cây chuối, những tàu lá dừa, cành cọ…Ngay cả những tượng Thánh gia thường được vắt từ đất sét (bùn) để tạo thành tượng: Đức Mẹ, Thánh Giuse và Chúa Giêsu Hài Đồng được đặt trong một cái nôi lớn với rơm rạ trải lót. Nhưng không thể thiếu được những con bò lừa và mục đồng vây quanh Thánh gia. Nhìn chung, hang đá ngày xưa mộc mạc và đơn sơ trong cảnh nghèo nàn.
Hang đá ngày nay rất đa dạng: một túp lều tranh, một nhà sàn dân tộc, một vài phá cách mang tính minh họa hang đá…Còn trang trí điểm tô cho hang đá thì phong phú và đa sắc màu với những giây kim tuyến óng ánh, những pano cảnh thú Ba vua cưỡi Lạc đà đến viếng thăm Chúa Hài Đồng. Những bức tranh làng mạc tuyết rơi….Những tượng Thánh gia lớn nhỏ đủ kiểu cách sắc màu trông rất đẹp mắt.
Hang đá ngày nay, họ làm thành một bức tranh hoạt cảnh với cây rơm, cối đá xay, dòng khe suối nước chảy róc rách, có con cò đi ăn đêm…có cả chim kêu vươn hót…Nhìn chung hang đá ngày nay trông rất hoành tráng, cầu kỳ và lung linh với những trang trí ánh đèn điện đủ sắc màu làm cho hang đá thêm huyền ảo…
Ngày nay, nhiều công trình hang đá rất công phu, có xóm làm cả tuần, cả tháng mới xong ấy chứ! Nhưng thực ra điều kiện làm hang đá ngày nay rất thuận tiện, vì luôn có sẵn những dụng cụ, ví như: tăng bạt hái cà phê, những thang hái tiêu để làm sườn hang đá, còn những đồ điện thì tha hồ mua về làm đẹp cho hang đá, nhất là về đêm, hang đá trông rất lung linh ảo diệu…
Dù hang đá ngày xưa trông thô mộc và giản đơn, nhưng tôi vẫn cảm thấy thích thú, vì hang đá ngày xưa luôn gợi nhớ cho tôi cái tuổi thơ đã đi qua. Nhớ đêm về bên bếp lửa, nướng vài củ khoai lang nóng hổi bóc vội, ăn rất ngon…Nhớ những tô cháo gà sau thánh lễ nửa đêm về đánh cành hông.
Nhớ những tượng Thánh gia được vắt từ bùn, nhưng cảm giác thấy Chúa rất gần gũi và thân thương chi lạ…Dường như hang đá mộc mạc rất phù hợp với con người thời đó, giản đơn và chân quê!
Hang đá ngày xưa hay ngày nay, cũng chỉ là biểu tượng về một mùa Giáng sinh mà thôi. Cái cốt lõi chính là ở tâm hồn con người có thao thức để đón chờ ngày Chúa đến hay không!!??
Một hang đá hoành tráng đẹp đẽ, nhưng tâm hồn rỗng tuếch thì hang đá đó cũng trở nên vô nghĩa!!!
Nguyễn Vĩnh Căn
Bình luận