Câu chuyện cha Phó – Anh phải sống…

Mỗi linh mục đều có cách diễn đạt bài giảng theo cách riêng của mình. Cha Phó nhà ta có cách nâng tầm bài giảng lên, nhờ minh họa những câu chuyện đời thường, vừa gần gũi vừa dễ nhận ra sự tương quan của bài giảng và câu chuyện đời.

Nhân bài giảng sáng ngày 12.05 về “Hãy yêu nhau như thầy đã yêu các con”.

Cha Phó mở rộng bài giảng: Bên đạo Phật có Tứ vô lượng tâm gồm: “từ, bi, hỷ, xã”, từ tâm để vui buồn cùng hết thảy chúng sinh. Bên đạo Khổng có câu: “tứ hải giai huynh đệ” – bốn biển là anh em. Bên công giáo chỉ có một từ “Yêu”. Kính Chúa, Yêu người.

 Nhưng từ yêu này không chỉ để mời gọi yêu mọi người, nhưng là được nâng cấp lên thành “giới răn” để bắt mọi người phải yêu nhau, chứ không phải nói yêu khơi khơi là được. Chẳng những thế, chữ yêu này còn phải “yêu  như” chính thầy đã yêu thương các con. Xem ra chữ yêu này yêu cầu rất cao. Yêu mọi người đã khó rồi, mà còn bắt phải yêu như Chúa yêu chúng ta thì, quả là cao đạo chứ không đơn giản một chút nào nữa rồi!

Thông thường, việc gì khó, nếu có người làm mẫu gương trước thì chúng ta dễ bắt chước hơn. Thế thì chúng ta đã có nhiều mẫu gương Chúa đã dạy trong các dụ ngôn, mà chính Chúa là mẫu gương cao cả là chết cho người mình yêu rồi đấy!

Muốn yêu tha nhân, cần phải có 3 yếu tố quyết định này: Hy sinh – Tôn trọng – Tin tưởng. Yêu thương nhau mà không xã thân hy sinh cho nhau, thiết tưởng tình yêu đó vô nghĩa. Đó là “điều kiện cần” trong yêu thương. Đã yêu thương nhau thì phải biết tôn trọng và tin tưởng nhau. Đó là “điều kiện đủ” để kiện toàn đức ái.

Trong 3 yếu tố quyết định này, chúng ta cũng phải biết cách áp dụng vào cuộc sống cho đúng lúc, đúng nơi… Thông thường cánh đàn ông nhà ta hay vi phạm 3 yếu tố này. Cũng là hy sinh, nhưng là hy sinh dành thời giờ cho bạn bè trong cuộc đàn đúm ăn nhậu, cà phê, bài bạc… một cách thái quá! Các ông đâu biết rằng, chính người vợ, người con lại rất cần người chồng người cha trong những thời gian đó, để nâng đỡ vợ, bày dạy con cái… Việc đàn đúm bạn bè thái quá đó, cũng là sự thiếu tôn trọng, và tin tưởng vào vợ con.

Nhà văn Khái Hưng – nhóm Tự lực Văn đoàn, đã nêu cao gương hy sinh của người vợ trong truyện ngắn “Anh phải sống”. Chuyện kể rằng: Trong buổi chiều mây u ám giăng đầy trên dòng sông. Hai vợ chồng đi vớt củi trên sông, đã cãi nhau: Mình ở nhà với con đi, để anh vớt củi một mình cũng được. Người vợ bảo: cho em đi phụ giúp với mình một tay. Người chồng tỏ ra giận dỗi, khi để vợ đi theo.

Hai vợ chồng bơi thuyền ra vớt củi giữa dòng nước xoáy. Một lúc sau, thuyền bị đắm chìm… thấy người vợ sắp bị đuối nước, người chồng bơi lại và bảo: mình tựa vào vai anh đi. Người vợ nghe theo…Nhưng dòng lũ càng lúc càng hung hãn thác lũ. Người vợ biết, nếu bám mãi vào chồng thì cả hai đều chết. Thấy thế người vợ bảo: Thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé…Anh phải sống!! Rồi người vợ buông tay ra để trôi theo dòng nước…

Một câu chuyện hết sức cảm động với sự yêu thương và lòng hy sinh cho người mình yêu. Tất cả đã minh họa cho bài tin mừng: “Hãy yêu nhau như thầy đã yêu các con”.

Người ghi nhận

Check Also

Một tri âm tri kỷ: Đời vắng em rồi, say với ai!!??

Mỗi lần nhớ đến Hùng, anh lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà …