Nên chăng, nói lời chúc tết thay cho lễ vật mừng tuổi…!!???

        Năm hết tết đến, biết bao công việc bù đầu như mắc cưởi; vậy mà xóm uống nước mới vẫn cứ nhàn nhã đông vui như thường… Thực ra, cũng chỉ là các lão nông tri điền, tỷ phú của thời gian mới có thời gian đong đưa tháng ngày như thế! Bàn chuyện quanh co rồi cũng về lại cái tết. Bỗng có người đưa ra ý kiến:

     – Các ông coi chứ, sợ rồi tết năm nay chào cờ mất thôi!

      – Sao lại chào cờ??

      – Thì các ông thấy đó, suy thoái kinh tế toàn cầu chứ có riêng chi Châu Sơn ta đâu. Từ khi đóng băng địa ốc, Châu Sơn ta lâm vào thế bức bí! Năng suất mùa màng tiêu, cà, thanh long bết bát, thất thu, thì hỏi lấy đâu trang trải cho ăn tiêu đây??!

      Có người phụ họa thêm:

          – Đã thế lại còn cơm cao gạo kém… Vỡ nợ tràn lan, gây tổn hại to lớn cho nhà làng biết bao khốn đốn cơ cực.

      – Ý ông là sao?

      – Còn trăng với sao gì nữa. Lấy gì mà trang trải tết đây?! Tiền lễ tết mừng tuổi, tiền lì xì…

      – Thế rồi các ông tính tết chào cờ đấy ạ!

        Ai cũng biết rằng: Đối với người Á Đông, Tết Âm lịch vẫn là một cái tết linh thiêng và đầy ý nghĩa. Quả thế thật, cả một năm trời tần tảo ngược xuôi, có khi phải tha hương cầu thực… Tất cả cũng chỉ mong cho đến ngày tết về đoàn tụ sum vầy với ông bà, cha mẹ, anh chị em bà con lối xóm… Tưởng phải có chút quà về mừng tuổi ông bà cha mẹ anh em bà con… chứ sao lại nói trơn là được.

     Đúng là truyền thống ngàn năm của cha ông để lại như thế thật. Lễ vật mừng tuổi là để bày tỏ tấm lòng thành hiếu đạo và thơm thảo của người bậc dưới đối với người bậc trên.

Nhưng rồi có người lên tiếng:

      – Biết là thế rồi, nhưng gặp thời thế khó khăn, thế thời phải thế đấy các ông ạ!

      – Sao lại thế thời phải thế chứ!

      – Các ông xem đấy! Đạo nghĩa Công giáo ta nghiêm nhặt là thế mà còn phải mở rộng trong hôn nhân với phép giao và phép tha nữa đó sao! Ngày xưa, người Công giáo làm sao mà lấy người ngoại được cử hành lễ cưới chứ?!

      – Thế theo ông, đi mừng tuổi ông bà, cha mẹ, đi tay không với lời nói suôn được sao? Làm người ai làm thế!!

      – Ý tui muốn nói là tinh giản bớt đi. Có thể có lễ vật, nhưng nhỏ gọn…

     – Thực ra, cũng chỉ tổ làm khổ nhau mà thôi. Con cái cháu chắt sắm lễ vật đi mừng tuổi ông bà, cha mẹ, anh em, bà con…. Rồi ông bà, cha mẹ… cũng phải móc tiền túi ra trả lễ, chứ có phải lấy không đâu. Đôi khi còn phải lì xì nhiều hơn tiền lễ nữa đấy chứ!!!

      – Thử hỏi, ông bà, cha mẹ…. vào thời buổi suy thoái kinh tế này lấy đâu ra tiền lì xì cho con cháu đây??!! Nhưng chăng lẽ, con cháu đi mừng tuổi mà không có tiền lì xì thì khó coi lắm! Đây cũng là nỗi khổ tâm cho đấng bậc bề trên vậy.

      – Theo tôi thì nên quy ước với nhau, cũng là lễ vật, nhưng là kiệm ước lại: Món quà mừng tuổi chỉ là tượng trưng cho tấm lòng mà thôi. Và bên lì xì cũng dễ dàng để đáp ứng lại. Thế là đôi bên đều thỏa lòng…

      Một giọng người lão thành lên tiếng:

      – Có lẽ nên như thế, để tiện việc cho cả đôi bên. Bảo rằng: nói lời chúc tết suôn, thay cho lễ vật mừng tuổi, thì là đạm bạc quá, đánh mất cái tập tục truyền thống của cha ông ta để lại cũng thật là không nên.

      Thực ra, mọi thông tục, tập quán cũng chỉ là để phục vụ con người mà thôi. Gặp thời thế, thế thời phải thế, các tập tục và thông lệ cũng nên thay đổi cho thích ứng với hoàn cảnh sống xã hội.

      Nói lời chúc tết, thay cho lễ vật mừng tuổi… chỉ là cách nói làm giảm nhẹ lễ vật mừng tuổi mà thôi.

      Châu Sơn choa

Check Also

Phụ huynh ơi!! Lại được mùa linh hồn nữa rồi!!!

Trong Thánh vịnh 102 bày tỏ: Đời sống con người chóng qua như cỏ, như …