NHÀ ĐA NĂNG- MỘT CÔNG TRÌNH THẾ KỶ

NHÀ ĐA NĂNG

Một công trình thế kỷ

NĐN 1

Phần I Một sự khởi đầu long đong

        Đã hơn bốn tháng nay, ai đi qua khu vực Thánh đường giáo xứ Châu Sơn cũng đều nhìn thấy một công trình đang được thực hiện và lớn lên rất nhanh theo từng ngày. Dĩ nhiên đôi với giáo dân Châu Sơn chẳng ai xa lạ gì bởi đó chính là công trình của mình. Nhưng khách vãng lai, nhất là khách đến từ các xứ bạn trong dịp chầu lượt vừa qua, ắt có nhiều kẻ thắc mắc tìm hiểu và đặt câu hỏi: Giáo xứ Châu Sơn đang xây dựng gì đây? Xin thưa rằng đó là nhà Đa Năng: một Công Trình Thế Kỷ của giáo xứ Châu Sơn cứ gọi thế cho láu!! Mà kể cũng đúng thôi. Bởi sau công trình xây dựng thánh đường thì đây là công trình lớn thứ hai. Và hai công trình này nằm qua hai thế kỷ)

        Thật ra nhà Đa Năng này đã được manh nha từ rất lâu. Có lẽ từ cuối nhiệm kỳ 2003-2007. Và nó đã biến thiên rất phức tạp. Người khởi xướng không ai khác: cha Antôn Vũ Thanh Lịch, nguyên LMQX.

        Còn nhớ, hồi đó núi Chúa Châu Sơn đang nổi lên như cồn tieeesng tăm vang cao vang xa, vang khắp cả nước. Nên đã trở thành đích đến của khách thập phương mà phần đa là con chiên, bổn đạo cũng như những người thân quen cha. Họ từ Hố Nai, Gia Kiệm đến. Họ từ Sài Gòn-Biên Hòa lên. Nhất là vào dịp lễ Kitô Vua. Đã có những chuyến xe đầy ắp giáo dân phương xa đến hành hương cho thỏa lòng mong ước cũng như giải tỏa sự tò mò về những điều tốt lành của núi Chúa. Họ rất tin tưởng những điều linh thiêng và ơn lành Chúa ban, đến để cầu ơn. Và những lần như thế họ thường ghé vào thăm cha, nhờ cha hướng dẫn và nốt thể tham quan cảnh quan của giáo xứ. Thế mà họ phải ở tạm mấy phòng học giáo lý hoặc nằm tạm hành lang của nhà xứ bởi ta chưa có nhà cho khách tá túc. Cám cảnh vì điều đó và cũng hơi “tự ái dân tộc” nên cha ước ao xây một nhà khách vãng lai.

        Ý muốn là vậy nhưng giáo xứ vừa kỷ niệm mùng 50 năm thành lập, bao công sức đã đổ ra và tiêu tốn nhiều nên ý định trên chưa triển khai được mà chỉ nằm ở dạng phôi thai.

        Một năm sau, nhiệm kỳ HĐGX 20007- 2012 công trình đã chính thức công khai đánh tiếng trình làng qua ĐHĐ thường niên 2007-2008 và đã được đã số đại biểu tán thành.

        Nhưng cuộc Đại Hội 2007-2008 cũng chỉ là gợi mở, một phương hướng thả nổi cho tương lai chứ chưa có một kế hoạch cụ thể nào rõ ràng.

        Qua cuộc ĐHĐ, giữa mặt “bá quan văn võ” mọi người đã bàn thảo và đều nhất trí thực hiện công trình này trong thời gian sắp tới. Nhưng cũng sau đại hội, trong những lúc trà dư tửu hậu hay bên ấm nước mới, tại các thôn xóm, vấn đề được đưa ra mổ xẻ rất tận tình, rất chi tiết. Có người biểu đồng tình. Có người lại phản đối. Tiếc thay, đa phần những kẻ phản đối lại là những kẻ không tham dự đại hội (Họ rất mạnh miệng và thuyết phục. Mạnh miệng và thuyết phục đến nỗi chính những kẻ dự ĐH thấy hoang mang và có cảm tưởng mình bị hố khi biểu đồng tình). Họ đưa ra những lý do, nhiều ý kiến tương phản nhau. Kẻ thích thì bảo: xứ mình có một nhà khách vãng lai là đúng. Để các dịp lễ hội, GX có nơi: cho “khách đỗ nhà”. Một giáo xứ “tầm cở” như mình mà không có nhà khách thì hơi bị…quê đấy. Kẻ không thích lại nói: ôi dào phí phạm. Sức đâu mà gánh lấy sự đời, mà mua cái danh hảo!! Cha và HĐGX phải biết nỗi khổ của giáo dân chứ. Ai chẳng muốn đẹp mặt. Cuối cùng thì dân phải è cổ ra chịu thôi. Các ý kiến đốp chát nhau chí chóe. Ai cũng muốn mình dành phần thắng về mình nên đôi khi nổ ra những cuộc tranh cãi quyết liệt.

        Vấn đề đặt ra cũng có cái đúng mà cũng có điều chưa đúng. Chung quy là phải bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Đừng để cái tôi lấn át. Và phải tự hỏi cha và HĐGX làm điều này có lợi cho GX hay họ mưu cầu cái danh hảo. Hãy ngẫm nghĩ đến lời kêu gọi thống thiết của HĐGX trong các cuộc ĐHĐ thường niên: “Xin đừng hỏi GX đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho GX. Hãy biết thể hiện một giáo hội tham gia, đồng hành và đồng trách nhiệm”.

        Nhìn một cách tổng quát, đại đa số đều đồng tình. Và ý kiến phản bác chỉ là thiểu số chung thân bất mãn, chung thân lập dị mà thôi. Đôi khi họ làm như chỉ có mình họ là khôn, là thức thời. Chỉ có ta đây mới dám phản bác!??

        Với những đồng tình đã nêu trên, xem ra vấn đề tiên quyết ở đây cũng chỉ là chuyện xẩy ra thường ngày ở huyện. Đó là vấn đề đầu tiên…tiền đâu. Vâng đầu tiên…tiền đâu nó chi phối hết mọi vấn đề nhân sinh. Những phát biểu to mồn, những lời nói vô tội vạ hay những ý kiến dè dặt chẳng qua là nó đụng đến vấn đề muôn thủa này. Nếu cứ để thư thư, nếu giải thích cho có tình lý hoặc nếu kêu gọi một cách khôn khéo thì vấn đề nhiêu khê này chỉ là cái “đế vần” dễ xoay chuyển thôi.

        Như ta đã biết, nhất trí ở Đại Hội chỉ là một động thái làm nền thăm dò dư luận chứ chưa áp đặt một kế hoạch nào cả. Cho nên chưa bao giờ GX Châu Sơn lại xôn xao bàn tán và lắm ý kiến đa chiều như lúc này. Thật là khởi đầu cho một Công Trình Thế Kỷ đầy long đong và lận đận.

        Chỉ có một cái tên, một danh xưng thôi cũng đủ đã biến thiên phức tạp theo nhiều thời điểm và theo từng nhu cầu phát sinh. Bởi vậy, ý manh nha ban đầu là nhà vãng lai đã biến thành nhà sinh hoạt, nhà giáo lý (theo gợi ý của thư chung HĐGMVN kêu gọi: Đức tin Kitô giáo cần tập trung phòng học giáo lý về lâu về về dài cho giới trẻ). Chính vì thế chưa có một danh xưng nào đủ ý nghĩa cho một mong ước phát triển đa chiều. Và cuối cùng nó trở thành tên gọi nhà Đa Năng lúc nào không hay. Cùng với sự biến thiên đó thì nghĩa vụ đóng góp phải tăng theo nên đã có lúc, nhà Đa Năng được đọc trại thành nhà Đa Nặng hay nhà Đa Mang.

        Việc định hình cho một nơi tọa lạc cũng thay đổi theo buồn vui, nóng lạnh của từng thời điểm. Ý định sẽ xây nhà khách bên cạnh nhà Huấn nghệ xem ra không còn thích hợp bởi theo lý giải của HĐGX địa điểm này không đáp ứng nhu cầu vì diện tích chỉ vỏn vẹn 100 m2, vả lại nằm biệt lập không thuận tiện với các sinh hoạt của GX (đúng thế, dù sao thì nhà vãng lai cũng phải là nơi để khách nhìn thấy các sinh hoạt của GX. Đó là một cách để PR về GX mà. Dó đó, ĐHĐ đã biểu quyết chuyển địa điểm sang khuôn viên nhà xứ. Những sang khuôn viên nhà xứ có nghĩa là phải đập cái cũ đi để xây dựng lại cái mới.

        Về điều nầy, mặc dù HĐGX đã giải trình về sự xuống cấp của dãy nhà sinh hoạt khá cặn kẽ nhưng gặp nhiều sự phản ứng cho rằng như thế là phí phạm, là uổng của ĐCT. Có người đã công khai: “Nếu đập phá để xây lại cái mới tôi sẽ không đóng góp”. Người khác đía thêm “không đóng, làm gì nhau”.

         Sự việc đi đến chỗ bế tắc nên có ý kiến đưa nhà Đa Năng ra thủa đất 27 tờ bản đồ số 30, lô đất giữa Ô. Dung và Ô. Hảo để một công đôi việc hợp thức hóa cụ tranh chấp giữa cá nhân và GX nhiều năm chưa ngã ngũ. Nhưng vấn đề tế nhị này không thể thông qua trong một sớm một chiều.

        Rồi ai đó phát biểu, sao không đem nhà Đa Năng xây “khu bà xơ”. “khu bà Xơ” là “khu đẹp” rất thuận tiện. Nhưng có người cười phản bác. Thôi “khu bà xơ” cứ để yên ổn cho các bà tu hành. Đừng quấy rầy “khu bà xơ” mà mang tội. Tiếp đó là những tràng cười ý nhị vang lên làm bầu không khí thư giản đôi chút.

NĐN 2

        Cuộc tranh cãi kéo dài nhưng về phía cha và HĐGX vẫn chưa có quyết đinh dứt khoát. Có lẽ các ngài thả nổi như vậy để giáo dân tự quyết định cho có tính dân chủ, không hề có tính áp đặt.

        Có một điều hơi lạ, không như chúng ta thường quan niệm: “Để lâu cứt trâu hóa bùn” mà ở đây nó phát triển theo chiều hướng rất thuận lợi. Bởi lúc đầu chỉ trù liệu chừng trăm triệu nhưng bây giờ nó đã lên đến tiền tỷ. Và nó trở thành một công trình Thế Kỷ.

        Ở Đại Hội thường niên, HĐGX đã đưa ra ba phương án.

        Phương án 1: Chỉ làm một tầng trệt

        Phương án 2: Làm tầng trệt và một lầu

        Phương án 3: Tầng trệt và hai lầu

        Sau nhưng cân nhắc chín chắn, tất cả đã biểu quyết thực hiện theo phương án 3 và nhà Đa Năng được xây dựng ở sân bóng đá mi ni trước nhà thờ.

        Thực là một sự nhất trí không ngờ. Có thể mọi giáo dân đã thấm nhuần bài học thể hiện một giáo hội tham gia và đồng hành? Cũng có thể Chúa Thánh Thấn đã tác động lên mỗi chi thể của giáo hội?

        Sau đó là kế hoạch thu được chia làm 3 năm: 2010, 2011, 2012. Dĩ nhiên trong quá trình đóng góp cũng không đơn giản tý nào. Những năm đầu còn trùng trình nhìn nhau nhưng đến năm thứ 3 (2013) thì số đóng góp đã trên 50%.

        Xong đợt thu thứ ba, tuy chỉ mới được 50% nhưng HĐGX đã yên chí để xúc tiến việc xin giấy phép xây dựng và chọn ngày lành tháng tốt để khởi công.

NĐN 3

        Cuối cùng việc gì đến sẽ phải đến, dù có long đong, dù có lận đận, dù có vạn sự khởi đầu nan thì ngày 19/03 lễ Thánh Giuse Cả, GX Châu Sơn đã đặt viên đá đầu tiên cho Công Trình Thế Kỷ sau một nghi thức đơn giản.

anh le thanh hai1

        Bạn thân mến, xin hiểu cho rằng tôi viết bài này dưới dạng một Phóng Sự chứ không phải là một ghi nhận theo thường lệ. Tôi nghĩ, với một Phóng Sự ta dễ phóng bút hơn nhưng với một Ghi Nhận nó phải phản ánh độ chính xác 100% với sự thật, với những con số. Cho nên trong Phóng Sự này tôi chỉ đồ chừng những con số, đồ chừng với những sự kiện thôi. Bởi, đôi khi, chuyện nội bộ ta cũng không nên vạch áo cho người ta xem lưng. Có thể bạn chưa thỏa mãn? Nhưng xin thông cảm nhé.

Nguyễn Văn Trọng

Check Also

CÁO PHÓ: CỐ ÔNG PHÊ RÔ NGUYỄN VĂN KINH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …

2 comments

  1. cái mà bácTRọng gọi là nhà đa năng chưa bằng cái móng nhà thờ Buôn hồ,vậy mà bác dám gọi là “công trình thế kỷ” .Đầu óc bác chắc có vấn đề;điBS kiểm tra lại rồi về viết bài,sẽ chuẩn hơn.!

  2. Toanpham ơi, theo mình thì có thể dùng lối nói thậm xưng « công trình thế kỷ » trong ngữ cảnh này được. Tôi nghĩ nó diễn tả được ý tác giả muốn trình bày, hệ tại ở hai điểm : nó là công trình lớn đầu tiên trong thế kỷ thứ hai của giáo xứ Châu Sơn (công trình thế kỷ trước là ngôi thánh đường nhà mềnh), và nó là công sức của bà con Châu Sơn mình. So với các nơi khác nó không lớn, nhưng nó lớn với bà con mình vì đó là mồ hôi nước mắt và sự hy sinh của mọi người. Chúc toanpham khoe. Mến.