BA BỊ PHIÊU LƯU KÝ

BA BỊ PHIÊU LƯU KÝ

ông-ba-bi-02

Khi biết thời của mình đã qua, những uy vũ khét lẹt ngày nào chẳng còn xơ mép gì, ông Ba Bị thoáng buồn năm phút. Đúng lúc đó, một cơn nhảy mũi ập đến, nỗi buồn của ông cũng theo cú hắt xì văng đi mất. Ông tiếp tục đời mình giữa nhân thế tàn độc. Khi xưa, ông từng có ý nghĩ ngày nào gặp thượng đế, ông sẽ hỏi vì sao người cho ông hình thù xấu gớm này, nhưng nay ông thấy không cần thiết nữa. Hỏi làm gì khi ông đã có câu trả lời. Đó chính là định mệnh và cũng là sứ vụ của ông, đem cái oai phong hắc ám ra hù dọa đám con nít hung hăng, phủ đầu bọn nhãi nhép sắp mếu máo. Ông đã hoàn tất phận sự của mình, giúp các bà mẹ thiết lập quân kỷ gia đình, góp phần êm ả làng nước, đập tan mầm bạo loạn, cho dù chẳng ai còn nhớ đến ông và cái danh xưng Ba Bị lừng lẫy một thời…

Người ta thường tìm cách ổn định chân lý bằng niềm sợ hãi, điều ấy vốn chẳng hay ho gì. Con người tệ hại không xây dựng nổi thành tố nào nhân văn hơn để dựa vào đó mà phấn đấu. Ngay chính bọn người lớn, kể cả những tên tướng tá bặm trợn hùng hồ, trong lòng vẫn lấp ló một nỗi sợ nào đó. Khác với bọn con nít, chỉ sợ những gì chúng không biết, đám người lớn lại sợ những điều chúng thấu hiểu, chẳng hạn bệnh tật, mất mùa, bể hụi, tai ương v.v… Và trên hết, có một thứ đứa nào cũng sợ, đó là cái chết. Chết, lẽ tất yếu hiển nhiên, một phần không thể thiếu trong đời sống, ai cũng đến hồi, chẳng đáng gì phải ngán ngại, ông Ba Bị nghĩ thế. Hãy coi đó là chuyện bình thường, đừng ngu xuẩn phóng đại thêm vào nỗi bi thương của nhân loại.

ok1Nhiều năm lăn lóc trong hồng trần, ông Ba Bị lại thấy có một việc đáng sợ hơn cả, chẳng phải là quy luật, có thể thay đổi, nhưng cũng không dễ dàng. Đó là nỗi sợ hãi phải làm hàng xóm với một thằng khoe khoang. Nếu thằng đó có con vợ cũng ồn ào, bầy con huênh hoang, thì đúng là kiếp nạn xui xẻo, cây thập giá tổ bố vô phước mà vác. Những con người này, theo cách nói của ngài Tolstoi vĩ đại, thì từ tai mũi miệng của chúng, đều phun ra toàn sự chết. Cái gì chúng cũng khoe. Sự khoe khoang, hợm hĩnh, phô của, ngụy trang khéo léo dưới chiêu bài tiệc tùng, với đủ mọi lý do, kể cả lý do ổ chó berger đầy tháng, hoặc mua sắm trau chuốt mông má ta đây. Cùng với trò khoe mẽ, là những cửa miệng tía lia toét loét. Thật là tai họa! Ông Ba Bị đã từng có thời gian sống cạnh nhà một thằng trời đánh khoe khoang. Khi gã nổ với ông là bộ đồ gã đang mặc may bằng gấm lụa, rồi gã nhìn bộ bà ba của ông bằng nửa con mắt, ông Ba Bị buồn cười thấy rằng, gấm loại một hay vải chéo loại hai, thì cũng chỉ để che cái thân đầy ghẻ lở, phong thấp nhức mỏi kinh niên, cái bụng toàn cặn, cái đầu bù rơm. Và khi con vợ tợt mít của gã phóng xe đời mới văng cả khói vào cái xế điếc lọc cọc của ông, ông lại buồn nôn với ý nghĩ xe nào thì cũng lăn vào nghĩa địa, quan trọng là kẻ ngồi trên xe đó, có cái gì xách về cho thượng đế, một mớ bã đậu hay tấm lòng son. Thực tế ngàn đời cho thấy, bọn giàu sang thường chỉ có bã đậu. Ngược lại, thật diễm phúc biết bao, cảm ơn thượng đế, nếu có người láng giềng khiêm cung, ít lời, tế nhị, lịch lãm. Thế nhưng, lớp người này dường như đã tuyệt chủng, ông Ba Bị cầm hai tay hai cây đèn pin cực mạnh, soi tìm khắp thế gian nào thấy đâu. Và như thế, một ngày nọ, khi thấy mình không có gì đáng kể để khoe với thiên hạ, ngoài cây chổi cùn và mớ giẻ rách, ông từ bỏ hết mọi sự, đi vào sa mạc.

ok2Ông Ba Bị sống trong sa mạc khoảng mười năm. Vào mùa xuân công nguyên thứ hai ngàn lẻ mười bốn, trong một chuyến vi hành, ông ghé qua chợ nhỏ, mua một ổ bánh mì thịt, ngồi trên hè phố nhai tóp tép, nhìn cảnh người ngợm qua lại, chợt nghĩ đến câu nói nhân vô thập toàn, thầm hiểu rằng, nếu tạo hóa dựng nên một thế giới hoàn hảo, toàn những con người thánh thiện, thì trần gian này chẳng còn gì mà nói, chẳng có việc chi để làm, chẳng còn đâu trận mạc mà chiến đấu. Nhưng cuộc sống thì tràn đầy gớm ghiếc, và cái gớm ghiếc nhất, theo ông, chính là sự khoe khoang, thì đây chính là ý nghĩa, trách nhiệm, cũng là vinh dự của đời người, đấu trí luôn luôn để tự hoàn thiện, giúp người khác hoàn thiện, cho đến ngày hồi hộp trước đấng toàn năng. Ông Ba Bị thót người suýt rơi ổ bánh mì trên tay, khi ngộ ra mình chưa hề làm xong trọng trách như đã lầm tưởng. Ông vẫn còn vô số việc phải làm. Cái thời bịt miệng bọn con nít đã xong, nay ông thấy mình còn có sứ mệnh sát trùng bọn người lớn, chúng còn ấm ớ lằng nhằng gấp mấy bọn con nít dễ dạy. Bọn người lớn này rất khó bảo, chỉ vì chúng không bao giờ hiểu rằng chúng chỉ là những đứa con nít dại dột.

ok4Một lần nữa, ông Ba Bị lại nhún vai đứng lên, chống cây gậy trúc đi mãi trên đường dài mịt mùng, mà chiều nay biết về nơi đâu…

CÀ LĂM

Đón xem hồi ba: Người làm kinh tế giỏi

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …