Chuyện phiếm PHỒN VINH GIẢ TẠO

 Người ta thường dùng cụm từ “phồn hoa đô hội” để khen  những xứ sở, những thành phố có cuộc sống sung túc, phồn vinh và xem đó như một sự ngưỡng mộ, một sự trân trọng, một sự ao ước. Trái ngược lại, cụm từ  “phồn vinh giả tạo” thường dùng để mỉa mai, cộng thêm một chút ganh ghét khi thấy mình chưa sánh kịp. Cụm từ này được sử dụng nhiều sau ngày Miền Bắc thâu tóm Miền Nam. Họ cho rằng người dân Miền Nam, nhất là thành phố Sài Gòn trước năm 1975 sống trong sự sung túc giàu sang giả tạo, không đúng với thực lực của mình. Và tất cả là nhờ Mỹ, do Mỹ bố thí mà có.

Nói như thế thì thật là tội nghiệp và oan uổng cho người Miền Nam quá !!! Bởi, sự lam lũ, sự cần mẫn, sự chịu thương chịu khó làm ăn của người dân Miền Nam đã bị đổ sông, đổ biển và bị đánh giá một cách sai lầm và áp đặt quá chăng?

Nhưng nếu đã như vậy thì thử hỏi : bao nhiêu của cải sau ngày Giải Phóng từ Miền Nam chở về Miền Bắc là của Mỹ đổ vào cả hay sao? Nếu giả thử như vậy thì thằng Mỹ cũng tốt đấy chứ, tại sao lại bảo chúng hút máu mủ của nhân dân Việt Nam? Kể ra cũng hơi mâu thuẫn đấy nhỉ?

Còn nữa, nếu nói Miền Nam đặc biệt là Sài Gòn sống “phồn vinh giả tạo” không có kinh tế thực lực thì tin đồn ông Thiệu khi bỏ trốn đất nước ra đi chở theo 17 tấn vàng là tin đồn thất thiệt hay sao? 17 tấn vàng ? Nhiều lắm, to lắm đấy chứ? Thực lực lắm đấy chứ ? Ngân khố căn bản của một quốc gia chưa kể các thứ khác mà đến 17 tấn vàng ròng thì quả là kinh khủng thật !!! Vậy thì đâu phải là một nền kinh tế “phồn vinh giả tạo” mà phải là một nề kinh tế “phồn vinh thật tạo” mới đúng.

Thôi, chuyện đất nước thật khó nói. Cho nên, đừng bàn sâu rộng làm gì, bởi dễ bị hiểu lầm lắm. Vả lại, chúng ta đang bàn chuyện phiếm cơ mà ! Chỉ biết rằng Sài Gòn, sau một giai đoạn dài kiệt quệ, bây giờ, vẫn là một thành phố kinh tế dẫn đầu đất nước. Và không còn là một nơi “phồn vinh giả tạo” nữa.

Bây giờ ta hãy luận bàn về cuộc sống  của Chausonchoa có lẽ là điều thực tế hơn cả.

 Vậy thì hỏi rằng: Phải chăng Châu Sơn  đang có cuộc sống “phồn vinh giả tạo”? Xin thưa và khẳng định là KHÔNG.

Bởi vì, người Châu Sơn đa phần xuất phát dọc theo con sông La hiền hòa từ quê hương Hà Tĩnh như: ĐÔNG TRÀNG – THỌ NINH – YÊN PHÚ – KẺ TÙNG – CẦU KHÓNG. Đó là những vùng miền mà bản tính người dân chất phác cần cù siêng năng cần mẫn. Họ sống theo kiểu ăn chắc mặc bền, chí thú tích lũy không khoe khoang bề ngoài. Có khi họ còn giấu kín sự giàu có của mình. Họ thủ khẩu như bình trong việc đánh giá tài sản cơ ngơi nhà mình.

Nói như thế không có nghĩa là họ sống “cù lần” không biết hưởng thụ, phô phang với đời đâu, mà trái lại, Châu Sơn Choa rất biết dùng đồng tiền theo đúng giá trị của nó.

Ta hãy nhìn đi, những năm gần đây nhà cửa khang trang mọc lên như nấm. Có những nhà lầu hiện đại…hại điện. Có những biệt thự… bự thiệt. Nhưng không phải xây theo phong trào hào nhoáng bên ngoài mà bên trong nội thất mới là đáng kể. Nhìn cũng ra dáng đại gia lắm chứ nào phải chuyện đùa.

Ta hãy nhìn đi, dàn xe máy, xe hơi ngày càng đông như kiến “cha ôi”, nhìn ngút ngàn tầm mắt trong các ngày đại lễ. Theo các “ ấm nước mới” liệt kê Châu Sơn Choa hiện nay, chưa kể các xe bán tải, xe dịch vụ, các ô tô con gia đình ước chừng gần cả trăm chiếc. Còn xe máy, xe tay ga đủ loại thì …sa la la. Có gia đình năm người, sáu chiếc. Có nhà hai ông mụ tra bốn chiếc. Hai chiếc tay ga đi lễ, đi chơi. Còn hai chiếc xe quẹp để đi rẫy.

Ta hãy nhìn đi, mỗi ngày lễ Chúa nhật hoặc đám cưới, trai thanh gái lịch ăn mặc rất… à la mode. Con trai đàn ông chemise trắng đóng thùng hoặc complet cravaté rất lịch lãm đúng điệu. Còn phe kẹp tóc thì ôi chao!!!  Mỗi cô là một bông hoa di động. Mỗi bà là một dáng quý phái đáng yêu. Họ điệu đà nhưng không sến sua. Họ thời trang nhưng rất thanh nhã. Thì ra họ đâu có “cù lần”. Chẳng qua họ biết phô phang đúng nơi, đúng lúc. Có điều đặc biệt nữa là trong cách ăn mặc của mình họ không bao giờ tỏ ra thiếu tiền mua vải như các cô nàng người mẫu trong showbiz cho nên họ không bao giờ bị lộ hàng.

Qua những điều vừa kể trên chúng ta có thể khẳng định Chausonchoa không hề sống trong sự “phồn vinh giả tạo” mà là sống đúng với nội lực kinh tế bản thân mình.

Nhưng gần đây, lại nghe phong thanh những lời đồn từ các xứ lân cận bảo là Châu Sơn bây giờ đang sống ảo, sống trong sự “phồn vinh giả tạo”. Nghe qua, hơi giật mình nhưng nghĩ lại thấy cũng có phần đúng.

 

Câu chuyện bắt đầu từ con đường VÀNH ĐAI (tác giả đã có bài viết Cám ơn con đường cách đây vài năm trước) nằm bặn qua giữa Châu Sơn như một ân phúc đã bất ngờ nâng cấp Châu Sơn lên một bậc mới. Các cửa hàng, các quán nước, các đại lý, thậm chí là tiệm vàng mọc lên như nấm sau cơn mưa. Tương lai một nửa Châu Sơn (thôn 2) sẽ nhập vào thành phố.

Kể từ đó mọi sự được kéo lên nhất là giá cả đất đai tăng vùn vụt. Có những hộ đang nghèo túng bỗng trở nên tỷ phú trong một sớm một chiều. Ồ, làm giàu dễ quá ta !!! Và thế là cơn sốt bán đất phát triển nhanh như bệnh Covid vậy. Người ta chia động từ : tôi bán đất, anh bán đất, chị bán đất …tùm lum tà la. Nếu không tin hãy đi dọc đường VÀNH ĐAI và những vùng phụ cận mà xem, giấy rao bán đất dán đầy, ước tính có khoảng hằng ngàn mẫu giấy như vậy. Và vì, như vớ được tiền từ trên trời rơi xuống nên họ mặc sức xây nhà đẹp, sắm ô tô xịn hay gửi ngân hàng để tiêu lúc về già. Nhất là cao trào mua sắm xe con. Có những gia đình không có nhu cầu cần thiết nhưng vẫn sắm về tấp bạt nằm đó chơi.

Có một điều mọi người ít để ý (hay là có để ý nhưng ngó lơ chăng?) Đó là khi quỹ đất Châu Sơn ngày càng teo tóp do chảy máu đất đai thì làn sóng dân nhập cư càng nhiều. Đa phần họ là cán bộ, công an và những nhà giàu. Sự xuất hiện của họ làm cho Châu Sơn thêm mạnh, thêm sung túc, thêm phồn vinh đô hội. Đông thì vui, nhiều thì mạnh nhưng lại mơ hồ  có một sự biến đổi khiến sự gắn bó, sự đồng nhất của Châu Sơn đang dần dà phai đi ít nhiều.

Tuy nhiên, theo quy luật tiến  hóa của xã hội chúng ta không thể mãi cục bộ, không thể mãi “bế quan tỏa cảng”.

Vậy thì có phải chúng ta đang sống trong sự “phồn vinh giả tạo” như lời đồn do sự leo thang của giá đất để rồi mai này khi tiêu hết những “đồng tiền giả tạo”(?) đó chúng ta sẽ bị đào thải như tấm gương của thôn 1 chăng ? (thôn 1 bây giờ dân nhập cư rất nhiều)

Tôi đoan chắc rằng với bản chất của dân khu tư ta điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.

                                     NGÀI VẪN THẾ

 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …