Đã có một mùa xuân như thế!!!

Đã có một mùa xuân như thế!!!

Cảm xúc của khách viễn xứ về quê ăn tết

Cha Phạm Ngọc Tuấn mỗi năm vẫn thường về GX, nhưng theo cha cho biết, là hơn 30 năm nay chưa được ăn tết ở quê nhà. Và năm nay, 2007 được ăn tết ở quê nhà, cha muốn có một cuộc họp mặt đông đủ các anh em nhóm thân hữu ngày xưa. Ngoài ra còn có sự góp mặt của chú Nguyễn Anh Võ (Lan) và cha Nguyễn Tiến Trung (Nho) – Tp HCM.

Sau khi bia rượu tuôn tràn niềm vui với những chia sẻ tâm tình hàn huyên thăm hỏi của người ở nhà và kẻ đi xa về. Ngọc Huân đã bắt đầu bằng những bài cộng đồng hát tập thể rất rôm rã. Và đặc biệt anh đã hát lại bài ca sáng tác từ năm 78, tôi không nhớ rõ tựa đề, nhưng có những câu sau: “Mẹ ơi! Mẹ nuôi con cho lớn, con làm tù binh, con làm xác đại thù. Mẹ ơi! Nuôi con cho lớn, Mẹ cho con đi học, con thi đỗ tú tài, con về làng làm thằng Alô!”. Bài ca viết về thân phận của những người con sau 75, nghe thật cảm xúc và xót xa cho một thế hệ đã bị thời cuộc ruồng rẫy.

Một câu hỏi cho cha Tuấn: Cảm xúc khi ăn tết ở xa quê?

ChaTuấn thoáng bồi hồi xúc động trả lời: “Khi xa quê nhà, trong dịp tết là khoảng khắc nhớ quê nhà đến da diết, day dứt trong tâm hồn. Bây giờ mình mới thấy cái hiệu ứng cảm xúc nơi câu thơ của Chế Lan Viên: Khi ta ở, đất chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn. Có lần đến một miền quê nọ, thấy có đám bắp xanh rì, chợt nhớ mùi đất, mùi bắp của Châu Sơn ghê gớm! Lòng tiếc nuối, nhung nhớ về Châu Sơn khôn khuây, tưởng như vĩnh viễn mất đi một diều gì quý nhất trong đời. Đêm nằm nghe bài “Xuân này con không về” của NS Trịnh Lâm Ngân, nước mắt ứa ra, nghe nỗi buồn nhớ quê nhà mênh mang trong lòng khôn nguôi. Chẳng bù cho ngày xưa, nghe, chẳng những không cảm xúc, mà còn coi thường là nhạc sến, nhạc lính ba xu. Bây giờ nghe lại trong hoàn cảnh tha phương, mới thấy nó thấm thía vào da thịt, vào máu như đang uống từng câu chữ thấm đẩm vào tâm hồn mình…”.

Và anh Ngọc Hạnh được yêu cầu thể hiện bài Mùa Xuân của mẹ với giọng ca đầm ấm, đầy ắp cảm xúc…không chê vào đâu được!

Bài hát quá tâm tình và phù hợp với cảm xúc người xa quê, nên xin được ghi ra đây để các bạn cùng đồng cảm…

Mùa Xuân Của Mẹ

Tác giả: Trịnh Lâm Ngân

Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi
Giờ đây đời con đang còn lênh đênh
Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
Áo trận sờn vai bạc màu
Nhìn xuân về lòng buồn mênh mang

Ngày đi con hứa xuân sau sẽ về
Mà nay đã bao xuân rồi trôi qua
Giờ đây chắc Mẹ già tóc bạc nhiều
Sớm chiều vườn rau vườn cà
Mẹ biết nhờ cậy vào tay aỉ

Đêm nay núi rừng gió nhẹ sang xuân
Thoáng mùi mai nở đâu đây
Nghe lòng lạc loài chơi vơi

Khi xưa, những ngày binh lửa chưa sang
Bếp hồng quây quần bên nhau
Nghe Mẹ kể chuyện đời xưa

Mẹ ơi con hứa con sẽ trở về
Dù cho, dù cho xuân đã đi qua
Dù cho én từng bầy bay về ngàn
Dẫu gì rồi con cũng về
Chỉ bên Mẹ là mùa xuân thôi

Tiếng hát đã ngừng, mà cảm xúc vẫn còn mãi lắng đọng trong tâm hồn mỗi người, để khoảng lặng chùng xuống…

Mãi một lúc sau, Cha Trung chia sẻ những cảm xúc thân thương với tự tình quê hương, khi suốt năm tháng dong duổi nơi phương xa. Cha nói: “Cuộc đời tôi, xa quê từ những năm 11 tuổi vào CVK cho đến những năm tháng sau đó, bôn ba quê người vì lý tưởng chân tu…mà đành phải xa quê, ít có dịp về quê nhà ăn tết. Nhưng đối với tôi, chẳng có nơi nào đầm ấm hơn chốn quê nhà, vì ở đó, có cái nôi thân thương nghĩa tình ấm áp và chan hòa niềm vui bên cha mẹ và anh em, bạn bè, bà con…”.

Và khi được yêu cầu hát, không ngờ Cha lại thuộc bài: Không bao giờ ngăn cách của NS Trần Thiện Thanh, rất được anh em nhiệt liệt tán thưởng. Xin hãy nghe cha Trung nhà ta, mượn bài hát để diễn đạt tình cảm của mình với người ở lại quê nhà, mượt mà, tình tứ với những lời hay ý đẹp:

…Chúng mình… cách xa mà vẫn gần nhau
Tình yêu… không mau phai như màu áo
Dẫu cho thời gian đem tâm tư vào nhớ, Lá rơi gọi mùa thu về sân úa
Vẫn không bao giờ…Không bao giờ ngăn cách đâu em

Không bao giờ , Không bao giờ ân tình lại vỡ đôi
Một người đi nghe thương sao thương nhiều quá
Dáng một người em xinh sao quá xinh màu má
Không bao giờ , Không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi
Một đời hoa không khi nào hai lần nở
Trái mộng còn trinh nguyên khi đón anh trở về
Với em… với em rồi anh lại đi.

Thì đôi… tim non không xa vạn lý
Áo anh nhuộm phong sương nhưng quê hương đẹp ý
Lối trăng đầy tình em còn soi sáng
Sẽ không bao giờ , Không bao giờ ngăn cách đâu em…

Một tràng pháo tay rộn rã, bình bầu cho giọng ca trẻ đầy triển vọng của năm 2007. (Mặc dầu đầu bạc, nhưng vẫn là giọng ca trẻ, vì mới hát lần đầu!!!)

Chú Võ cũng chia sẻ chút tâm tình của một người con xa xứ với giọng nhỏ nhẹ, chậm rãi: “Châu Sơn luôn là một cõi đi về đối với tôi. Gia đình ở Sài Gòn, nên cũng ít có dịp về ăn tết ở quê nhà, nhưng mỗi lần về ăn tết quê nhà, gặp lại người thân, cảm thấy như sống lại những ngày xưa thân ái. Thật đúng như nhà thơ Đỗ Trung Quân viết trong bài Quê Hương, “quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nỗi thành người…”. Đổi lại, mỗi năm tôi về Châu Sơn 4,5 lần, nên sự da diết, và bồi hồi thương nhớ miền quê là ít hơn Cụ Tuấn, nhưng bù lại tôi được hưởng sự đầm ấm yên vui nơi mái ấm gia đình rất nhiều”.

Và chú Đậu Quang Khánh (Lễ) bây giờ ra buôn bán ở TP Bmt, cũng có cảm tưởng: “Mấy mươi năm ngày xưa ấy đã xa xăm lắm rồi, nhưng bây giờ gặp lại, vẫn thấy không khi đầm ấm thân thương của các anh với nhau như thửa nào. Vẫn những câu thơ, bài hát chân chất ngày xưa, bây giờ hát lại cho nhau, nghe thấm thía và gần gũi thân tình biết bao…Ước mong mỗi năm về quê ăn tết, được gặp lại những khuôn mặt thân thương để xóa tan đi những nhọc nhằn truân chuyên của cuộc sống”.

Còn những chia sẻ của những người ở quê nhà thì chung chung: Mong có được sự nối kết tình thân đằm thắm bằng hữu giữa kẻ ở người đi. Và bây giờ đang là nữa đời đi xuống nên cần có những chia sẻ, cảm thông vỗ về nhau trong cuộc dâu bể, bằng cách làm sống lại những ngày xưa thân ái.

Một sự thay đổi não trạng kỳ lạ!!! được bộc lộ nơi bản thân mỗi người trong nhóm, khi gần cuối chẳng đường văn nghệ ca hát của đời người, tự bản thân mới cảm nhận ra rằng: Nhạc Sến – mà ngày xưa chúng ta nghĩ là loại nhạc rẻ tiền ba xu, nhạc lính, thì nay chợt trổi dậy trong mỗi người, niềm cảm xúc gần gũi, chân chất và thân thương biết mấy. Chính cha Tuấn đã tỏ bày: “ngày xưa, có lẽ vì làm dáng, màu mè, sỹ diện hão ta đây trình độ, để chỉ thích loại nhạc cao cấp bác học của Văn Cao, Phạm Duy, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn.. . mà bỏ quên mất một mảng âm nhạc mộc mạc, bình dị, gần gũi với cuộc sống. Một thứ âm nhạc bình dân, dễ nghe, không cần phải vắt óc suy nghĩ, mà nó như một thứ không khí, tự nhiên ta hít thở vào”. Hèn chi mà sức sống của loại nhạc Sến lại được đám đông nhiệt liệt hưởng ứng (với số lượng băng đĩa bán chạy best sell)và lan tràn nhanh như thế. Chính các quan chức nhà nước khi trà dư tửu hậu (Karaoke) rất thích hát loại nhạc sến này, và thậm chí là nhạc về lính VNCH.

Đêm họp mặt được khép lại vơi hai bài hát của tôi trong tập Mệnh ca, bài Mệnh ca lời của Nguyễn Du: Trăm năm trăm cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…Phần sau là lời của tác giả Vĩnh Căn với câu: “Mỹ nhân ơi làm khổ đời ta, Tài nhân ơi làm khổ đời hoa. Tài danh chi một nhát rơi đầu, mà nhan sắc ai bằng Kiều đâu, duyên phận dỡ dang, mệnh người là thế, người tiếc thương chi hỡi người”. Bài thứ hai: Ngụ thập niên tri thiên mệnh, có câu: “Ngụ thập niên ấy tri thiên mệnh, là vòng xoay của muôn tạo vật. Vùng vẫy chi cũng thế mà thôi. Người khôn khéo biết an phận mình, lòng mở ra với cõi đi về. Rủ tay áo, thênh thang một cõi đi về”.

Ngày Xuân mà cuộc vui khép lại trong chút xót xa bùi ngùi về thân phận con người mỏng manh. Và cố NS Trịnh Công Sơn có lý khi viết: Sống trên đời, cần có một tấm lòng, dù để gió cuốn đi…Vâng, chỉ cần có một tấm lòng “Sống tử tế với nhau” mới là điều bất tử phải không các bạn!

Năm nay, 7 năm sau (2007-2014), một thoáng buồn, khi “những người muôn năm cũ” không thấy về ăn tết như năm nào, để anh em cùng hàn huyên ôn lại chuyện cũ, nói về chuyện mới…Chia sớt gian nan ngọt bùi của cuộc sống. Cuộc sống có còn bao lam chi nữa đâu của những thế hệ học sinh trường Tiến Đức! Sao không về quê nhà sum họp với nhau nữa, hỡi các bạn!

Rất thông cảm với các bạn vì những bộn bề lo toan mưu sinh cuộc sống đã không về đoàn tụ trong ngày tết ở Châu Sơn được. Năm nào thu xếp công việc được, các bạn hãy về với làng quê Châu Sơn nhé! Nhớ lắm, các bạn viễn xứ ơi!!!

Cầu chúc các bạn một năm mới an khang, thịnh vượng, nhiều may mắn, lắm niềm vui!!!

Còn các bạn, cảm xúc của các bạn về mùa xuân xa quê như thế nào? Xin các bạn chia sẻ trên Diễn đàn web Tiến Đức Châu Sơn, cho thêm ấm lại nghĩa tình quê hương.

Chào và hẹn gặp lại.

Nguyễn Văn Kính – Một cựu học sinh Tiến Đức Châu Sơn

Check Also

Lâu thật lâu mới thấy được ngày vui….

KÝ SỰ Cả tháng nay trời Ban Mê Thuột nắng nóng quá sức. Nhiệt độ …