Phiếm loạn tập 2 – Ngặc cười! Ngặc có!! Ngặc bươi!!!
tienducchauson
12/06/2014
Ấm Nước Mới
883 Views
Phiếm loạn tập 2
Ngặc cười! Ngặc có!! Ngặc bươi!!!
Ngặc cười, ngặc có, ngặc bươi
Ba ngặc ghép lại ngạo cười nhân gian
Nhắc lại một thời quá vãng, nghe chuyện xưa mà thấy buồn. Nhưng cũng cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về cuộc đời là, “Cười người chớ có cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười”.
Lần giở lại trang sử, một thời sau 1975…
Ngày đó, khi miền Nam vừa giải phóng xong, bầu trời u ám mây mù của mùa mưa bao trùm đã đành, thì cuộc đời lại càng nhuộm màu đen tối tương lai trước mặt, ngỡ như ngày tận thế đã đến. Lòng người miền Nam rối bời trăm mối: lo âu một cuộc tắm máu của làn sóng đỏ tràn ngập miền Nam là khó tránh khỏi, khi bị kết tội nguy quân ngụy quyền và, “Nếu CS chấp tội thì nào ai tránh khỏi tù tội, đọa đày và chết chóc!!!”. Một nền kinh tế bị phá sản thảm hại!! Một sự thống trị oan nghiệt!!! Khi mà những kẻ cai trị lại thuộc loại “răng đen mã tấu” lên ngôi, thì tránh sao khỏi được một sự: “Nhiệt tình cộng với sự ngu dốt, sẽ thành phá hoại” (từ của nhà nước).
Trong khi người miền Nam đang xào xáo tâm tư trăm mối tơ vò, thì làn sóng ăn theo của người dân miền Bắc hí ha hí hửng, tràn vào miền Nam với tâm trạng đầy tự hào và kiêu hãnh khi đánh thắng miền Nam. Họ tự nghĩ, giải phóng người dân thoát khỏi ách thống trị của Mỹ Ngụy, nhưng thực ra, người miền Nam chẳng vui mừng để trông đợi điều đó.
Theo làn sóng đó…Chỉ vài tháng sau, những bà con người dân Thọ Ninh quê ta đã có mặt đầu tiên ở Châu Sơn. Mặc dầu bị thất trận một cách ngỡ ngàng và đầy tủi nhục, nhưng cũng không làm giảm đi cảm xúc của một cuộc hội ngộ không hẹn mà gặp, sau 20 năm xa cách nhung nhớ, để bao nhiêu nỗi niềm trào dâng…Rồi sau đó, bà con ta ở quê nhà: Kẻ Tùng, Đông Tràng, Yên Phú…cũng nối gót nhau “từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay…” (TCS).
Và để tình thân nối kết tình thân, người bị giải phóng chia sẻ với người đi giải phóng những vật chất của cải: Áo quần, tiền bạc, điện đài, xe đạp…từng thùng, từng bao tải chuyển về Bắc. Chúng ta hoàn toàn thông cảm cho hoàn cảnh nghèo nàn của người dân miền Bắc, vì đã làm cái nghĩa cử không đáng làm: hạt gạo, hạt muối cắn đôi để nhường cơm sẻ áo tập trung cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ Ngụy, mà lẽ ra, miền Nam phải giải phóng cái kinh tế nghèo nàn lạc hậu của miền Bắc mới phải?! Điều này, thuộc phạm trù của các nhà sử học phán xét, Chém Gió tui không dám “phiếm loạn”, sợ bị “thăm hỏi”, rắc rối cuộc đời là cái chắc!
Quả thật là nghịch lý, khi người miền Bắc giải phóng miền Nam bằng vũ lực, thì người miền Nam lại giải phóng người miền Bắc về kinh tế! Ở quê nhà, thấy người vào miền Nam về có quà cáp biếu xén hết bao này, bị nọ, cũng lục tục kéo bồ đoàn thê tử vào Nam, khiến cho làn sóng nam tiến ngày càng đông đúc rập ràng…Có người vào Nam ra Bắc như đi chợ, một tháng 3, 4 lần là bình thường.
Phải nói, cái buổi giao thời tình cảm lưu luyến ấy giữa hai miền là rất thân thương tốt đẹp. Rồi dần dà năm này qua năm khác, phần vì kinh tế kiệt quệ xuống cấp, kham không nỗi…thì tình cảm cũng dần nhạt nhòa. Đến nỗi, có một bà nọ…hễ cứ vào nhà là lùng sục, miệng nói tay lấy, khiến cho người trong Nam dần có ác cảm để kháo nhau: “Nả, bà nớ mới đó lại vào nữa rồi. Vô chi mà vô hoài rứa, của mô mà cho mãi”. Dĩ nhiên, chỉ là con sâu làm rầu nồi canh mà thôi. Và rồi, hình ảnh của người miền Bắc trong con mắt người miền Nam dần xấu đi…
Thập niên 80, 90 thiên niên kỷ trước, chính sách nhà nước khuyến khích và mở cửa để di dân vào miền Nam, đã tạo nên một làn sóng di dân tập nập chẳng khác chi hổi 1954. Tây nguyên và đặc biệt là Buôn Ma Thuột là miền đất rộng và màu mỡ, người dân còn thưa thớt, nên người dân quê ta chọn các làng di cư trước 54: Trung Hòa, Hà Lan, Đức Minh, Châu Sơn…làm đất lành chim đậu. Nhưng phải nói, Trung Hòa là “miền đất hứa”, được dân nhập cư “xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu cho khó khăn”. Cuộc sống bị chen lấn, người khôn của khó, và những chung đụng va vấp là khó tránh khỏi. Phải nói, cuộc đổi đời của người dân nhập cư buổi đầu lập nghiệp là muôn vàn khó khăn. Vốn liếng bán nhà cửa ngoài đó chẳng bao lam chi, chỉ trông nhờ vào “hai bàn tay không bắt giặc” thì tránh sao khỏi gian nan.
Buổi đầu, họ nhờ cậy bà con anh em để mua rẻ, hoặc cho một dằm đất để cắm dùi. Sau đó, vận động anh em đi đốn cây, chặt nứa tre và cắt tranh để dựng nên một mái nhà nương náu. Còn cái ăn, cái mặc thì họ trông nhờ vào sức lao động làm thuê, làm mướn, để liệu cơm gắp mắm cho qua tháng ngày bỉ cực. Phải nói, họ rất chịu thương chịu khó để làm lụng vất vả. Rồi dần dà năm tháng, những nhọc nhằn đã đem lại công quả, để họ tậu được đất vườn, nương rẫy, xây cất nhà cửa khang trang như ngày nay…Cho dẫu họ đã phải trải qua một cuộc bể dâu nhọc nhằn, kể cả phải chịu tiếng đời cực nhục…
Hàng năm, cứ đến mùa hái cà phê, người Bắc lại lũ lượt từ quê nhà vào BMT để tìm công hái cà phê. Thành ra, những người mới nhập cư cũng bị đồng hóa vào loại dân làm thuê, làm mướn thấp kém này. Chém gió tui không có ý bôi bác các người nhập cư đâu, nhưng là ghi nhận lại một thực tại phũ phàng vào những năm tháng đó.
Bỗng đâu vào mùa hái cà phê năm 95? có người Trung Hòa xuống khoe: “Công bọn “ngặc” ở Trung Hòa rẻ hơn Châu Sơn nhiều”. Thoạt mới nghe, chẳng ai hiểu được từ “ngặc” là gì? Và hình như hiểu ra điều đó, họ tỏ vẻ khoái trá để giải thích: “Ngặc bươi là người bắc đó mà!”. Ra thế! Sao lại tội nghiệp vậy trời!! Phân cấp ra người 54 và người 75 làm chi cho đau lòng cò con!! Nhưng người nhập cư cũng đừng nên buồn làm chi, ngay cả người Châu Sơn mà họ còn khinh miệt để tặng cho 3 chữ: “dân đồng khơi” là “dân đời không”!! Bởi thập niên 90 với giá cà phê phi mã, đã làm cho kinh tế Trung Hòa phồn thịnh, có của ăn của để, xây nhà cao cửa rộng, sắm sửa: máy hát, TV, Tủ lạnh, karaoke…cho con cái vượt biên, khiến cho họ tự mãn để hãnh tiến. Còn nhớ, có một người Trung Hòa tuổi lão thành đã khinh dễ một người cháu Châu Sơn: “Nhìn tướng thằng nớ ăn mặc bảnh bao thế chứ, vào nhà nó kéo nhánh gây không mắc”. Ý nói, nhà người cháu nghèo, chẳng có gì trong nhà.
Thực ra, sự kỳ thị của người dân nhập cư ở Châu Sơn là không đáng kể, thậm chí, ông An (hề) còn bênh vực người nhập cư khi nghe người Trung Hòa chế diễu. Chính ông đã diễu lại: Người Trung Hòa cũng là Ngặc 54, vì họ giàu có, nên họ được gọi là “Ngặc có”, cớ sao lại làm “Ngặc cười” để diễu cợt “Ngặc bươi”. Quả là một sự châm biếm khá thú vị với cụm từ: “Ngặc có, ngặc cười, ngặc bươi”.
Những năm tháng đó, người dân nhập cư sống mặc cảm tự ti với thân phận bị xem là thấp hèn. Ở Châu Sơn, họ ít đi làm thuê, vì nhu cầu làm thuê ở xứ ta những năm 80,90 là không cao. Vì thế, đàn ông thường đi xây, hoặc đi cưa. Nói về nghề cưa thì họ là bậc thầy dân ta, vì họ đem cái thế cưa ngồi ở Bắc vào, đỡ tốn công lên mô, và đỡ mất sức hơn thế cưa đứng, nên có sức bền, đem lại hiệu suất cao hơn.
Người đàn bà thường chọn nghề chạy chợ…Phải nói, họ có cái tài chạy chợ rất giỏi. Cũng chạy chợ như người bản địa, nhưng họ có cái miệng ăn nói rất dẻo, lại lụa là nhẹ nhàng, và quan trọng hơn cả là không tiếc công tiếc việc, để ngồi hầu chuyện với chủ nhà cả buổi, cà kê dê ngỗng mãi, chủ nhà không định bán cà, tiêu…nhưng sau thấy nể nang mà bán, thế là họ có hàng để chạy chợ đấy! Bái phục! Bái phục!!
Bước sang những năm 2000, những người dân nhập cư đã có cơ ngơi chẳng còn thua kém người bản địa nữa rồi. Thậm chí, có những người thu nhập cao như gia đình ông Thiện (Lộc) kinh doanh vật liệu xây dựng có đủ loại xe: tải, múc, ủi…Ông bà Thanh Thuận, buôn bán chợ đêm ăn nên làm ra, xây nhà, xe tải…GX ta, mấy ai có thu nhập được như họ. Ông bà Anh (Hiệp) làm ăn khá khấm, con cái học tới bậc đại học, cao học…
Thử hỏi trong GX, có mấy gia đình con cái học đến nơi đến chốn như thế! Ông bà Đạt cung cấp thịt heo cho cả chợ đầu làng. Ông bà Khánh xay xát cà phê, lúa, bắp…Ông bà Đức, chẳng những làm ăn nên nổi, lại có thầy Dương Thế Thảo đi tu, sắp đến đích linh mục…cũng vẻ vang cho người nhập cư đấy chứ!
Và thời thế đã trả lại những nhục nhằn cho họ bằng phép lợi thế, khi bây giờ nhà cửa của họ chiếm lĩnh ở những mặt đường trọng yếu kinh tế: Đường giải phóng, đường tỉnh lộ 5…
Chúng ta cảm phục và biểu dương những người nhập cư, vì họ đã đi qua một chặng đường gian nan, vươn lên vượt khó, để chung hòa vào cộng đồng giáo xứ Châu Sơn làm một, và quá khứ sẽ mãi mãi khép lại hai chữ “Ngặc bươi”.
Chém Gió