NGẪM NGỢI VỀ HAI CHỮ CHỊU CHƠI

NGẪM NGỢI VỀ HAI CHỮ CHỊU CHƠI

Tôi còn nhớ, vào khoảng cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, trong giới văn nghệ sĩ Miền Nam (đặc biệt là trong mảng Văn Học) nổi lên những nhóm nhà văn, nhà báo cự phách. Họ, phần đa từ miền Bắc theo làn sóng di cư vào Nam tìm đất sống.

Về Văn Học, có nhóm Sáng Tạo do Mai Thảo đứng đầu, gồm Nguyễn Mạnh Côn, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sỹ …Họ đã làm nên được ngọn thủy triều mới, thay đổi bộ mặt văn học nghệ thuật lúc bấy giờ. Ngoài ra, chậm hơn một tý, còn có nhóm nhà Báo, Nhà Văn sếp sòng là Chu văn Bình ( Chu Tử) cùng với đám “nồi niêu xoong chảo, khố rách áo ôm”:  Duyên Anh (Thương Sinh), Hoàng Hải Thủy (Công Tử Hà Đông), Nguyễn Thụy Long, Dương Hùng Cường (Dê Húc Càn), Lê Tất Điều (Kiều Phong)…

Cả hai nhóm này rất tích cực trong mảng miếng của mình để xiển dương Văn Học – Báo Chí nước nhà. Họ dùng văn chương và ngôn từ rất mới mẻ và phóng túng. Giai đoạn này Từ Điển Việt Nam phong phú thêm rất nhiều là nhờ họ. Họ “sáng tác” rất nhiều từ ngữ mới lạ. Nổi bật trong đó là hai chữ CHỊU CHƠI.

Tôi không nhớ trong mấy ông Nhà Văn, Nhà Báo ấy ai đã dùng hai chữ này đầu tiên nhưng tôi nghi là của ông Chu Tử vì ông này, như tôi đã nói, là xếp sòng của nhóm, ông ta là chủ bút tờ Nhật Báo SỐNG rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Vả lại, ông ta còn giữ mục AO THẢ VỊT là một mục châm chọc chua cay và cũng rất phóng khoáng sẵn sàng “mó dái ngựa” bất cứ nhân vật nào trong chính quyền kể cả vị tông tông (lại một từ mới để chỉ vị nguyên thủ quốc gia).

Mà kể cũng hay. Cứ nhắc đến hai chữ CHỊU CHƠI là thấy như mình đã thân quen với nó lắm rồi. Chẳng cần phải định nghĩa gì cho mất công mà ai cũng hiểu, ai cũng thích thú. Rồi thì tao chịu chơi, mầy chịu chơi, anh chịu chơi, em chịu chơi. Và, cả và làng Vũ Đại chịu chơi. Một ông cha chịu chơi thì uống bia rượu như sấm, đi tiểu quên luôn cả gài fermature. Một ông sư chịu chơi thì mơ tưởng đến ba cô áo thắm lên chùa. Một cô áo thắm bỏ bùa cho sư. Sư về sư ốm tương tư. Ôm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu. Ừ, đã chịu chơi thì sá gì chuyện trọc đầu, phải không sư !!! Một bà sồn sồn chịu chơi thì ước ao ong non ngứa nọc đâm hoa rữa để được “sướng rên mé đìu hiu”. Còn một ông già dê chịu chơi thì luôn rình rập để quấy rối tình dục cô con dâu mỹ miều. Một thầy giáo chịu chơi dù có bị “tháo giầy” hoặc “ mất dạy” cũng không thể để sẩy “vòng tay học trò quằn quại” thoát khỏi mình. Một anh chàng công tử Bạc Liêu chịu chơi sẽ sẵn sàng bán hết ruộng vườn cò bay thẳng cánh để đi theo tiếng gọi của con tim. Còn một thiếu nữ hiền lành gia giáo chịu chơi thì không sợ phá thai ???

Ôi! Xem ra hai chữ CHỊU CHƠI thật là đa dụng. Hay cũng chịu chơi. Dở cũng chịu chơi. Tốt cũng chịu chơi mà xấu cũng chịu chơi. Miễn là nổi trội  hơn đời một chút. Thường thì hai chữ CHỊU CHƠI chỉ dành cho một hành động đẹp và fairplay nhưng giữa thời buổi nhiễu nhương bát nháo này người ta cứ cầm nhầm lung tung beng.

Vậy thì giữa anh CHỊU CHƠI và anh CHƠI CHỊU anh nào hơn anh nào nhỉ? Kể cũng khó so sánh. Đã chịu chơi thì không chơi chịu. Nhưng mà đã biết giở quẻ chơi chịu ắt hẳn là chịu chơi. Cho nên, để đo lường mức độ chịu chơi âu cũng là chuyện thiên nan vạn nan vậy.

Bây giờ, tôi sẽ kể hầu quý vị một câu chuyện để chúng ta thẩm định kẻ nào chịu chơi hơn nhé!

Chuyện rằng có một vị đại gia nọ, trước khi đi công tác dài ngày, sau khi dặn dò vợ yêu bằng những lời yêu đương nồng nàn, anh ta ôm vợ hôn một cái chụt thật to. Vợ yêu cũng đáp lại bằng một nụ hôn quằn quại không kém. Nhưng chồng vừa ra đi, vợ yêu đã vội vã hẹn tình nhân đến để tù tỉ tù ti.

Nghe đến đây ắt hẳn trong quý vị sẽ có người thầm nghỉ: cô vợ này chịu chơi thật. Câu chuyện chưa phải đến đó là hết, mời quý vị hãy nghe tiếp…

Nhưng vị đại gia ra đến sân bay quên một điều gì đó nên vội vàng trở về.Đến nhà, mở cửa ra anh ta bắt quả tang đôi gian phu dâm phụ kẻ trên người dưới lõa lồ không mọt mãnh vải che thân .Bình tĩnh, anh ta khép cửa lại. Trước khi đi ra, anh ta quay lại nói.

         – Xin lỗi nhé,mời hai người cứ tiếp tục.

Ôi chao, hẳn là quý vị sẽ bái phục vị đại gia này thật là một tay chịu chơi hết sẩy!!! (lại là một từ mới của cánh nhà văn, nhà báo như đã nêu trên). Nhưng câu chuyện vẫn chưa hết, quý vị khoan đã kết luận vội vàng nhé!!!

Ở trong phòng, sau khi chủ nhân khép cửa tên gian phu vẫn bình tĩnh tiếp tục cuộc chơi.

Ồ, fini l’eau dire!!! Hết nước nói!!!

Vậy thì theo bạn trong ba nhân vật đó, kẻ nào CHỊU CHƠI nhất ???

NGÀI VẪN THẾ     

Comment. Theo tôi trong ba nhân vật ấy chưa có ai là kẻ CHỊU CHƠI nhất cả. Bởi vì ba nhân vật ấy chỉ là nhân vật ảo, hư cấu do tác giả dựng nên mà thôi. Không có thật. Mà ông NGÀI VẪN THẾ mới là kẻ chịu chơi nhất. Bởi vì ông đã kể được một câu chuyện CHỊU CHƠI…                          

FX  Nguyễn Văn Trọng

 

 

 

 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …