22.3 C
Buon Ma Thuot
Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024
More

    Xóm tôi, một xóm đuôi leo!!!

    Khi tôi về nhập xóm năm 58, chỉ vừa tròn 6 tuổi, cái tuổi chưa nhiều nhặn chi để biết những quan hệ làng xóm. Phải khi lớn lên vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) tôi mới biết được đôi điều về quan hệ hàng xóm…

    Lần đầu tiên tôi có khái niệm về xóm, khi cha Trực (nguyên LMQX Trịnh Chính Trực) thường hay đi uống nước mới ở xóm tôi, đã đặt cho xóm tôi cái tên là “xóm đuôi leo”. ( Khúc cuối của đường D tính từ đường ngang ra nghĩa trang đến nhà thầy Đức)

    Đến bây giờ tôi cũng không hiểu nghĩa của cái tên xóm đuôi leo? Và tại sao lại gọi là xóm đuôi leo? Có thể, xóm tôi ở vị thế xóm cụt ở đường làng? Hay xóm tôi thường hay nói theo đuôi, nói táp leo? Như kiểu nói: Có không, hay cố Thảo. Có đó cố ạ!

    Đặc biệt có ông Trần Kính hèo ở trước nhà, miệng nhai trầu nhóp nhép vừa nói chuyện trạng. Trong ấm nước mới ông rất vui tính và tếu táo. Ông là người sáng chế ra những từ như:  “Hèo đi cháu” “nghít kim”, “mồm nậy”. …Uống rượu gọi là nghít. Uống tì tì như một tay bợm gọi là nghít kim. Uống say sỉn quá chén thì gọi là ù mào. “Hèo đi mẹ cháu” là từ ông hay nói, nên người ta thường gọi là ông Kính hèo. Chính cha Trực cũng rất thích cách nói tếu táo của ông và đặt cho ông biệt danh là, “nhà ngôn ngữ học làng quê”.

    Cố Thanh ở bên nhà, thường hay nạt con nít phá guậy trong xóm. Xem ra tôi cũng có phần sợ cố. Nhưng cố quả là người đạo đức lắm, phụ trách đóng, mở cửa nhà thờ và xin tiền ống trong nhà thờ. Người cố khoẻ lắm, đi rẫy rú le, cả ngày, khi nào về nhà là nghe đánh rầm một tiếng là biết cố về, vì tiếng kêu đó là khúc củi lớn mà cố vác trong rẫy về.

    Ông Cao Đình Thông kề cạnh nhà, một con người nghiêm nghị, đúng là tác phong của con người phòng bộ Đức Cha ngày xưa ở GP Vinh. Đôi khi ông châm chọc pha chút tự mãn của một người cửa trên so với xóm quê. Ông tham gia chuyện thôn làng và giáo họ rất bề bộn công chuyện.

    Ông Trần Văn Bằng “đi đâu mà vội mà vàng mà vấp phải đá mà quàng phải chân”, là câu ông Thông hay trêu chọc ống ấy. Nhưng ông Bằng có năng khiếu diễn xuất rất đạt trong vai quỷ Lucife trong tuồng thương khó với câu nói thời danh: “Diệu kế, diệu kế…quỷ kế của ta đã mưu thành”, khi dụ dỗ được Giuda bán Chúa cho quân dữ. Ông Bằng là người tính bộp chộp, lần nọ căn trỉa lạc tiền tam trước ngày cốc vũ, mà bị mắc nắng cả tuần không lên được. Ông Cao Đình Thông biết chuyện mới “trả méng”. Đó thấy chưa, nóng ăn phỏng mồm. Lần khác, sau lễ Đức Bà lên trời 15.08 thường không ai trỉa lạc mượn, vậy mà trể đến hai tuần sau ông Bằng liều, điếc không sợ súng, trỉa luôn 5 sào lạc…Vậy mà năm đó mưa mãi đến tháng 12, ông Bằng được mùa lạc, mới nói trả đũa với ông Thông: ông coi chứ tui làm nhởi mà ăn thật.

    Xóm đuôi leo thường có cái lối châm chọc nhau trong ấm nước mới, nhưng cũng chỉ là cho vui chuyện, chứ không hề sứt mẻ tình làng xóm đuôi leo.

    Chậm rãi khoan thai và có phần “lừ đừ như ông Từ vào đền” là ông Trần Từ, con người mộc mạc chân chất. Có lần cắt cỏ ngoài nghĩa địa, bị ma nhát với tiếng thở dài và câu nói: “Làm chi đó ông Từ…” khiến ông hoảng sợ. Ông tìm bó cỏ vừa cắt, cũng bị ma thu, nên từ đó về sau ông dám vào cắt cỏ nữa.

    Thế hệ già bây giờ còn có ông Trần Đức Dong, tiếp bước cố Trần Thanh để mở và đóng cửa nhà thờ, một cách vô vị lợi, chẳng có lương tháng, bỗng lộc của GX…Rất đáng biểu dương!!

    Một con người tốt tướng, quần áo tươm tất, đã từng làm giáo họ và nguyên là trưởng ban hoa viên…Tội nghiệp thay, lại bị đột quỵ và chết tại hoa viên Đức Mẹ, nơi ông thường với nhóm hoa viên cắt xén cỏ. Đúng là sinh nghiệp, tử nghiệp. Đó là ông Cao Thế.

    Lớp sau có ông Vương Đình Hoàn là một lão nông tri điền. Nói về chuyện tưới tắm, chuyện nhà nông thì không ai bằng. Ông Hoàng Vũ Trúc (Lịch) là một người đa năng: nuôi nai, nuôi bò, nuôi dê đầu xóm…bây giờ trông cây xoài Úc, sầu riêng Thái…thu nhập rất đạt. Một thời từng là kỳ tửu, độc cô cầu bại của làng…

    Sau 75, có bà cụ Huyền và cha Hoàng Đức Sinh về ở với xóm….Ngoài ra còn có hai nữ tu: Sơ Phương Mai (Bằng) và Sơ Mai Ly (Bằng)

    Một giáo sư có dáng đẹp trai đến khả ái, từng dạy trường cấp 3 Võ Tánh ở Nha Trang trước 75, là thầy Ngô Đức Diệm. Hiện ở Mỹ và làm Giám đốc tư vấn nghề nghiệp cho khối Asian…

    Lớp sau có thầy Cao Đình Đức, từng là giáo viên cấp 3 trường Chu Văn An ở (Trương Vương bây giờ). Người có trình độ văn hoá cao có ông Trần Văn Hiền, thạc sĩ quản trị kinh doanh. Hiện là giám đốc công ty tư vấn Asia. Lớp sau có ông Ngô Đức Khởi là một trong những nghệ nhân phục vụ phụng tự trong vai trò trang trí trong GX, và là ca viên ca đoàn Thánh Tâm. Có Châu Sơn choa trong trang web Tiến Đức Châu Sơn, đã trở thành thương hiệu mỗi khi nhắc về trang web TĐCS. Lớp trẻ còn có nhà doanh nghiệp Hoàng Thị Tố Uyên rất thành đạt với chức vụ phó Giám đốc siêu thị Coopmart….

    Xóm đuổi leo còn phủ sóng đến cả làng… kể cả nhà văn Trọng Thi và ông Cao Đình Minh trưởng ban Huấn giáo cũng có nguyên quán từ xóm này…

    Nhưng điều tôi muốn nói ở xóm tôi là, lớp tráng niên thế hệ hiện tại…

    Những cặp vợ chồng này, chỉ mới lập gia đình chừng 20 năm nay…Tuổi tuy còn trẻ, nhưng kế hoạch là lại có phần vượt thế hệ lão nông tri điền…Cũng ăn nhậu, lai rai nước mới, vậy mà, chỉ vai chục năm bươn chải, nay đã nhà cao cửa rộng, con cái vài đứa nên đã an cư lạc nghiệp rất sớm…Chẳng bù cho thế hệ chúng tôi, làm ăn cứ lét đẹt mãi, cuối đời mới có chút cửa nhà khang trang, nhưng an cư lạc nghiệp thì chưa, vì đang bộn bề con cái…cuộc đời chưa thể “nợ tang bồng trắng trắng vỗ tay reo” được.

    Tráng niên của xóm đuổi leo chúng tôi thường có những sinh hoạt: Hội cắt nhung nai cho nhau…gây quỹ và mỗi năm thường bao đãi cà xóm ăn tiệc mừng vào dịp Trung thu. Đến giáng sinh, cả xóm tụ họp nhau lại làm hang đá rất công phu. Tổ chức sửa sang đường sá chở đá sỏi đắp bồi đáp cho con đường được bằng phẳng mỗi năm. Cũng ăn nhậu lai rai, nhưng chỉ giải mỏi cho vui vẻ chứ không say sưa le bè…Cũng lại rai đánh bài bạc nhưng chỉ là cò con cho vui xuân là chính. Tuy nhiên, các bà vợ cũng lắm khi phàn nàn: Chời bài bạc mất thì giờ cho việc ngủ nghỉ và bê trễ rẫy nương. Tiếng là đánh nhỏ, nhưng tích tiểu thành đại, có khi cháy túi cũng mất vài chai chứ không phải đùa đâu.

    Nhìn chung, xóm đuôi leo chúng tôi tiếng là nhỏ, nhưng quần tụ lại “những tinh hoa” không dám nói khoe khoang, nhưng cũng “không phải dạng vừa đâu”. Ngoài ra tinh thần sống của xóm rất đoàn kết và đầm ấm tình xóm giềng, khi tối trời cắn nác đều có nhau.

    Châu Sơn choa

    Bình luận

    Bài liên quan

    Thông báo

    Chúng tôi vừa nâng cấp phần mềm lõi của website nên lượt xem của một số bài viết có thể hiển thị sai.

    Thời tiết bây giờ tại Châu Sơn

    Buon Ma Thuot
    overcast clouds
    22.3 ° C
    22.3 °
    22.3 °
    78 %
    4.1kmh
    98 %
    T3
    22 °
    T4
    29 °
    T5
    22 °
    T6
    27 °
    T7
    29 °

    Chuyên mục chính

    Bài mới