BBT Tiến Đức xin giới thiệu bài viết “Một thoáng GX Thọ Tràng với cây Thanh Long” của bạn đọc Pet Trần Bảng ở GX Vinh An Phan Thiết, theo lời mời góp bài của BBT Tiến Đức, để người Châu Sơn chúng ta hiểu biết thêm Mường Mán và về sự phát triển cây Thanh long.
Nhưng trước khi vào bài đọc, cũng xin quý bạn đọc biết một đôi điều về “mối nhân duyên” của bạn đọc Pet Trần Bảng với web Tiến Đức Châu Sơn…
Chúng tôi nhận được mail của bạn đọc Pet Trần Bảng:
Vừa qua, nhân dịp anh Cừ con ông Diện (xóm Trong) có về Mương Mán dự đám tang thầy Đoan, anh đã giới thiệu cho tôi trang Web của Gx Châu sơn. Từ đó tới nay, ngày nào tôi cũng đọc các bài viết của các bạn. Các bài viết rất hay!
Qua đó, tôi cũng phần nào biết thêm về sinh hoạt của Gx Châu Sơn, bà con nhà choa.
Tôi gốc Đông Tràng, thỉnh thoảng tôi có viết bài cho trang Website cùa gx Vinh An (gxvinhan.com) Phan Thiết.
Mấy lời thăm hỏi làm quen, mong BBT chia sẻ nhiều hơn về “Thời sự Châu Sơn!”
Kính chào và kính chúc trang Web đạt nhiều thành công!
Pet Trần Bảng
Và bài viết được gửi:
Kính Gửi BBT Châu Sơn!
Xin góp một bài sơ sài về Gx Thọ Tràng với cây thanh long.
Các anh xem có đăng được không?
Cám ơn trước!
Pet Trần Bảng
BBT Tiến Đức xin cám ơn sự đóng góp của bạn cho web Tiến Đức Châu Sơn. Và mong bạn công tác với web Tiến Đức và luôn gửi bài đóng góp
Một thoáng
Giáo xứ Thọ Tràng với cây thanh long
Giáo xứ Thọ Tràng (Mương Mán) vươn lên thoát nghèo nhờ cây thanh long! Thanh long bạt ngàn bao quanh Giáo xứ. Giáo dân Thọ Tràng, gốc nông dân làm ruộng lúa chính hiệu nay quên hẳn cày bừa, cấy gặt trở thành các ông – bà chủ vườn sản xuất quả thanh long xuất khẩu!
Năm 1955, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Giáo dân từ các xứ Thọ Ninh, Đông Tràng, Kẻ Mui, Kẻ E, Kẻ Đọng …(Hà Tĩnh) di cư vào lập nghiệp tại vùng đất mới – Mương Mán. Đất hẹp người đông, hơn một nửa tiếp tục ra đi lên Cao nguyên Trung phần (Đà Lạt, Ban Mê Thuật) tìm đất mới để định cư. Số còn lại bám trụ khai phá đất hoang, đất rừng tạo nên những ô ruộng, lập vườn trồng mít, chuối, na, ổi,…tạm ổn định đời sống để giữ Đạo và nuôi con ăn học.
Mười năm sau đó, Giáo xứ Thọ Tràng trở nên vùng “xôi đậu”, người ta buộc phải đi ngủ trước gà! Ban sáng, Mặt Trời lên cao quá ngọn cây mới nghe tiếng chuông báo hiệu giờ Lễ, sau Lễ mới dám mò mẫn ra đồng! Mỗi khi có dịp lên Giáo xứ Châu Sơn hay Trung Hòa, thì người Thọ Tràng cảm thấy tủi thân, vì không được bình an và thịnh vượng như họ! Còn bà con Châu sơn và Trung Hòa nghe nói đến hai tiếng Mường Mán thì dựng tóc gáy!
Những năm sau nữa, hình ảnh đầu bạc tiễn đưa đầu xanh về cõi vĩnh hằng mỗi ngày một nhiều hơn…
Đầu tháng Tư năm 1975, Giáo dân Thọ Tràng đành bỏ ruộng vườn, nhà cửa tiếp tục ra đi … vài ba tuần rồi lại ùn ùn kéo về, tiếp tục cuộc sống ruộng rẫy. Cái nghèo, cái khổ cứ bám riết lấy cuộc sống nông dân. Không chịu nỗi, gần một phần ba Xứ “bịn rịn chia tay” đi vào phương Nam (Bà Rịa) lập nghiệp. Giáo xứ trở nên tiêu điều, buồn bã…. Tâm trạng Giáo dân chán nản, lo lắng, bồn chồn “nửa muốn đi, nửa muốn ở”.
Thế rồi, phong trào trồng thanh long phát triển, ban đầu người ta vẫn sản xuất lúa gạo bình thường, chỉ dám phá vườn cây trồng thử. Lợi nhuận từ cây thanh long cao hơn các giống cây khác, tiếp tục mở rộng diện tích, trồng thanh long trên các nương rẫy thay cho đậu, mè, khoai lang… Khoảng những năm đầu thế kỷ 21, kinh tế ngày một đi lên, người Giáo dân “làm liều” phá bờ biến ruộng thành nương và trồng khít thanh long chạy dài từ ven làng cho đến tận chân núi, “xâm canh” luôn đất của xã Hàm Thạnh (Bàu Ruộng, Cà Gằng cũ). Thanh long trở nên “độc canh”, chiếm lĩnh hết đất đai, trở thành nguồn lợi chính, thu nhập của hầu hết mọi gia đình Giáo dân Thọ Tràng.
Giáo xứ Thọ Tràng đã có Nhà thờ Xứ mới, Đền Thánh Antôn mới, Nhà Xứ mới, cái cầu bê tông nối liền hai họ Thọ Ninh (Mông Triệu) – Đông Tràng (Antôn) mới; Nhà ở mới khang trang, mái Thái, mái Lào mọc lên san sát thay cho nhà cột, nhà kèo…; đường sá dần dần bê tông hóa. Bộ mặt Giáo xứ thay da đổi thịt hẳn lên. Mỗi nhà một máy Vi tính, đêm đêm truy cập “In-tẹc-nét” để giải trí. Hy vọng trang Website của Tiến Đức Châu Sơn sẽ là địa chỉ được truy cập ưu tiên và hằng ngày của Giáo xứ Thọ Tràng.
Giao lưu hai xứ Thọ Tràng và Châu Sơn hy vọng sẽ được nối kết thân ái sau bao nhiêu năm gián đoạn ?
Đầu ra của trái thanh long ở Thọ Tràng tương đối ổn định, nhưng giá cả cũng bếp bênh lắm! Khi cao lúc thấp, tùy thời vụ, có lẽ cũng giống như trái cà phê? Dẫu sao, nó cũng đã mang lại sự vươn lên về mọi mặt cho Giáo xứ Thọ Tràng.
Pet Trần Bảng
Bình luận