MỘT THÓI QUEN ĐẠO ĐỨC, ĐANG BỊ ĐÁNH MẤT!?

MỘT THÓI QUEN ĐẠO ĐỨC,

ĐANG BỊ ĐÁNH MẤT!?

tân phúc âm hóa GD

        Đọc kinh sáng tối, vốn là một thói quen đạo đức lâu đời của cha ông ta, có chiều dài lịch sử từ ngày theo đạo đến nay, chí ít cũng đã 200 năm có thừa…Với giáo dân các GX thuộc GP Vinh di cư, thói quen đọc kinh sáng tối cũng đã có trên 50 năm nay.

Ngày xưa, thế hệ cha ông ta đọc kinh kệ dài dòng, cà kê dê ngỗng, hết kinh này qua kinh nọ: kinh sáng tối, kinh cầu Đức Bà, kinh Cầu các Thánh…nhưng có dài cách mấy, cũng không thể bỏ qua được 50 hạt Mân Côi. Dù là đọc kinh dài dòng như thế, nhưng phải nói, tinh thần đọc kinh ngày xưa của cha ông ta rất phấn khởi, nhiệt thành và sốt sắng. Mỗi lần gióng kinh lên, cả nhà đồng loạt cất tiếng rôm rã, nhà bên này đọc, nhà bên kia nghe rõ mồn một, chứ không như sau này, tinh thần đọc kinh có vẻ hời hợt, gượng ép. Thời lượng đọc kinh tối ngày xưa là 45 phút – 1 giờ.

jesusfamily1

Sau nay, thế hệ di cư 54 như chúng tôi, đọc kinh dài xem ra uể oải, ngủ gà ngủ gật…Dần dần cuộc sống làm ăn đa đoan: đi làm công sở, đi học, đi lính, đi rẫy…nên thói quen đọc kinh sáng cũng dần rơi vào quên lãng, kể cả trước 75, hầu như chẳng mấy nhà còn đọc kinh sáng nữa. Nhưng sau 75, mọi sinh hoạt xã hội ngưng đọng (công chức, lính…), bị nhà nước giải thể, kể cả thánh lễ sáng cũng bị cấm. Vì thế, có một độ sau 75, thói quen kinh sáng lại được đọc lại…Nhưng thời lượng cho những năm 70 cũng được rút ngắn, chỉ còn lại khoảng nửa giờ.

Nhưng rồi qua thập niên 90 của thiên niên kỷ trước, với sự mở cửa kinh tế thị trường, mở ra vận hội làm ăn cho cả nước trong công nghiệp hóa, thì thói quen đọc kinh sáng gần như là bị xóa sổ; vì lúc này, nhà nước đã cho phép các nhà thờ mở cửa sáng để giáo dân đi dâng thánh lễ. Người già cao tuổi, các ông các bà sốt sắng đi lễ, còn trung niên và lớp trẻ còn là tuổi ăn, tuổi ngủ, không có người lớn thúc dục đọc kinh, nên việc đọc kinh sáng trong gia đình bị bê trễ đến bỏ bê. Chỉ còn duy trì đọc kinh tối trong các gia đình nữa thôi. Thời lượng cũng rút ngắn xuống chỉ còn 20 phút mà vẫn bị kêu ca là dài dòng. Phải nói, thời lượng đọc kinh của người Trung so với người dân Bắc là rất ngắn gọn.

Sang đến thiên niên kỷ thứ 3, những năm 2000, cuộc sống công nghiệp hóa, khiến cho công việc tất bật, bộn bề với nợ cơm áo gạo tiền…Và rồi dần dà, thói quen đọc kinh tối cũng đi vào lãng quên…

dọc kinh

Có nhiều nguyên nhân để việc đọc kinh tối không còn được duy trì để tồn tại với dòng thời gian nữa.

– Nhịp sống ngày càng hối hả hơn…Đời sống nông nghiệp đi sớm về tối, tưới tắm, thu hoạch cà phê. Đời sống công nghiệp tăng ca, ăn nhậu…Giờ giấc không ổn định để sum họp gia đình.

– Lớp trẻ thanh thiếu niên là học sinh, quá tải: học thêm, học phụ đạo, học gia sư…đón đưa con cái đi học, để không mấy khi cả gia đình đoàn tụ vào giờ cơm tối.

– Sự chi phối của các chương trình TV: Mẹ và con gái xem phim Hàn Quốc. Thời sự và bóng đá là đam mê của cha và con trai. Phim hoạt hình thiếu nhi của con cái tuổi nhỏ…Đó là chưa nói đến game mạng, face book, chat, mail trên Đt di động, cuốn hút lớp trẻ đam mê ngồi miệt mài cả hàng giờ đồng hồ, cũng làm lệch pha trong sự hội tụ gia đình.

Việc quần tụ gia đình trong bữa cơm tối đã khó, nói chi đến việc đọc kinh tối. Từ đó, gia đình không còn mối dây nối kết đầm ấm như xưa nữa. Những gắn bó, mối quan hệ và tình liên đới giữa các thành viên trong gia đình cũng dần lỏng lẻo. Và cuộc sống như một nhà trọ, chỉ chung nhà, còn mọi việc sinh hoạt hầu như đều riêng tư. Việc đi, hay ở cũng trở nên tùy tiện, việc ai nấy lo, mọi người sống của khẩu hiệu “makeno”. Dần dà quyền lực của người gia trưởng – người cha, người mẹ, cũng bị vô hiệu hóa. Một sự bất lực đau lòng nơi các đấng bậc cha mẹ trong gia đình là thấy rõ, mà không sao níu kéo lại được cảnh đầm ấm yên vui như thủa nào. Đành phải lực bất tòng tâm vậy.

đọc kinh toi

Hệ quả của việc gia đình không còn sum họp gắn bó keo sơn như xưa, cũng kéo theo hệ lụy thói quen đọc kinh tối ngày càng bê trễ, dần bị đánh mất, và nếu có đọc cũng chỉ còn 10 phút, mà vẫn cứ kêu ca ngắn dài. Trong khi lên mạng face book cả buổi, sao không kêu ca dài ngắn?

Ngày nay, xem ra thói quen đọc kinh tối của các gia đình người Công giáo là khá hiếm hoi. Chính vì thế mà giáo hội đang phát động phong trào đọc kinh tối cho mọi gia đình, và có sách kinh hướng dẫn cho buổi đọc kinh tối hẳn hỏi của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm – GP Cần Thơ.

Đọc kinh tối là lương thực cần thiết cho tâm linh của mỗi người chúng ta trong mỗi ngày. Đây là nguồn năng lượng tiếp sức cho đức tin được tăng triển tốt đẹp hơn. Theo Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, tác giả của sách đọc kinh tối: Đọc kinh tối là mối căn cơ để nối kết tâm hồn mỗi người Kitô hữu với Chúa Giêsu…Nếu không có thói quen đọc kinh tối, cây tâm linh của chúng ta sẽ không được tưới tắm mỗi ngày, và sẽ trở nên dần khô héo…

đọc kinh w

Đọc kinh tối, một thói quen tốt giúp tâm hồn chúng ta gần gũi với Chúa Giêsu, để được an ủi và chia sẻ nỗi buồn vui mỗi ngày với Ngài. Vì thế, việc đọc kinh tối là rất cần thiết cho mỗi gia đình, ngõ hầu làm cho cây đức tin ngày càng lớn mạnh và nở hoa trái thánh thiện, làm cho đời sống đạo đức ngày càng thăng tiến.

Nguyễn Vĩnh Căn

Xin được giới thiệu hai mẫu Giờ đọc kinh tối trong gia đình sau đây có thời lượng từ 10 đến 15 phút.

Trên web site: simonhoadalat.com

GIỜ KINH TỐI TRONG GIA ĐÌNH

Mẫu 1:

1. Dấu Thánh giá

2. Kinh Chúa Thánh Thần

3. Xét mình và kinh Ăn Năn Tội

4. Lời Chúa (theo mầu nhiệm suy niệm)

5. Đọc và suy niệm kinh Mân côi:

-1 kinh Lạy Cha- 10 kinh Kính Mừng- 1 kinh Sáng Danh

6. Kinh Lạy Nữ vương.

7. Hát một bài kính Đức Mẹ.

(Trích theo mẫu Kinh Mân Côi. Toà TGM.Tp Hồ Chí Minh)

Mẫu 2:

1. Mở đầu: mọi người làm dấu thánh giá, người hướng dẫn nói lên ý chỉ của giờ kinh. Sau đó đọc hay hát kinh Chúa Thánh Thần, kinh Xét mình và kinh Ăn năn tội.

2. Lời Chúa: Nghe đọc lời Chúa. Thinh lặng. Chia sẻ và lời nguyện tự phát.

3. Ca ngợi: Một chục kinh Mân Côi. (Nếu suy gẫm về kinh Mân Côi, thì chọn đoạn Tin Mừng thích hợp với mầu nhiệm của ngắm: nghe đọc, thinh lặng, chia sẻ và lời nguyện tự phát, rồi sau đó đọc một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh).

Tiếp đến, kinh Lạy Nữ Vương, (cũng có thể đọc một kinh có tính cách gia đình, chẳng hạn kinh thánh bổn mạng…). Kinh vực sâu để cầu nguyện cho những người đã qua đời.

4. Kết thúc: Kinh Dâng mình, kinh Cám ơn hay hát một bài về Đức Mẹ, rồi người gia trưởng chúc lành cho mọi thành viên trong gia đình.

 

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …